NHỮNG HÌNH DẠNG TỐT, XẤU CỦA ĐƯỜNG XÁ (3)

3/ Bàn về Thành môn (hay ngoại khẩu): nhân nói về đường xá cũng xin có đôi lời về Thành môn, vì nó cũng là 1 phần quan trọng trong đó. Chữ “Thành môn” – có nghĩa là cổng thành – vì ngày xưa ở những khu đô thị, đông dân cư sinh sống, người ta đều xây tường lớn bao bọc chung quanh, và gọi đó là “thành”.

Muốn ra vào khu vực đó thì trước tiên là phải đi qua cổng thành. Cho nên gọi là “Thành môn” có nghĩa là cổng, cửa, hoặc ngõ bên ngoài trước khi đến được nhà ở. Hoặc có người gọi đó là “ngoại khẩu” (tức cổng, ngõ bên ngoài), hay “thủy khẩu” (chỗ có nước hoặc có con đường đến) cho đơn giản và dễ hiểu hơn, nhưng đều ám chỉ 1 thứ mà thôi. Ngoài ra, nếu suy rộng hơn thì ngay cả những ngã 3, ngã 4, ngã 5…gần nhà, hay lối ngõ quẹo vào con đường để đi đến nhà cũng đều là Thành môn.

Thành môn sở dĩ quan trọng vì nó thường là nơi hội tụ, xuất phát hoặc chuyển hướng của mọi dòng di chuyển, nên khí lực ở nơi đó sẽ lớn mạnh hơn mọi khu vực khác. Chính vì vậy nên nó có ảnh hưởng rất lớn, nhiều khi áp đảo cả vận khí của căn nhà, nhất là với những nhà nằm gần nó. Một nhà dù có hướng tốt, cửa ra vào tốt, nhưng nếu khí nơi Thành môn xấu thì sự tốt đẹp sẽ bị giảm đi nhiều, hoặc có khi biến thành xấu. Ngược lại, 1 nhà dù hướng xấu, nhưng nếu khí nơi Thành môn tốt thì sẽ có thể hóa hung thành cát. Nếu vận khí nhà tốt, Thành môn cũng tốt thì như gấm thêu hoa, vận khí nhà sẽ càng phát lớn mạnh và (hoặc) lâu dài hơn, tùy theo từng trường hợp.

Một đặc điểm quan trọng khác của Thành môn – nhưng ít người biết tới – là qua nó có thể biết được đối tượng giao tế bên ngoài của 1 gia đình là tốt hay xấu, như ra ngoài dễ gặp tiểu nhân, bị kẻ khác mưu hại; hay thường được người khác giúp đỡ, quý nhân phù trợ; hoặc dễ bị hao hụt tiền của với người bên ngoài, bị người khác phái quyến rũ, dụ dỗ… hầu hết đều có thể dùng Thành môn (phối hợp với địa hình và thiết kế căn nhà) để luận đoán. Tuy nhiên, chỉ có Huyền không Phi tinh mới có khả năng cũng như phương pháp luận đoán như thế, còn mọi phái Huyền không khác tuy cũng biết đến năng lực của Thành môn, nhưng không thể làm được điều này.

– Thí dụ: nhà hướng 310 độ (tức tọa TỐN hướng CÀN kiêm THÌN – TUẤT 5 ĐỘ), dọn vào ở trong vận 8. Chồng là nha sĩ, vợ là dược sĩ, tức là gia đình có học thức, trình độ, công việc làm ăn ổn định. Địa thế và trạch vận của căn nhà như những hình bên dưới.

(Nguồn: Googlemap)

(Nguồn: Googlemap)

(Nguồn: Googlemap)

(Nguồn: Microsoftmap)

Hình này để cho thấy rõ hơn là phần bên trái nhà (sát hồ tắm nhà bên cạnh) chỉ là sân, chứ không phải là 1 phần của căn nhà như hình của Google có thể tạo ra sự lầm lẫn đó.

Đối chiếu giữa địa thế và trạch vận ta thấy phía TÂY nhà này có khúc quanh để quẹo vào con đường trước nhà, nên đó chính là Thành môn. Tuy là phần lớn khúc quanh đó nằm trong cung DẬU (tức đồng nguyên long với hướng, hay nói cách khác là đắc Thành môn phụ, hoặc phu – phụ tương phối), nên gia đình danh giá, công việc làm ăn ổn định. Nhưng vì nơi đó có Hướng tinh 7, nên ra ngoài thường bị tiểu nhân lừa đảo, tìm cách phá rối, hãm hại, hoặc bị kẻ khác gây trở ngại, làm khó dễ thường xuyên, cũng như bị hao tốn tiền của rất nhiều với những chuyện bên ngoài. Đó chính là vì Thành môn gặp sao Thất xích (số 7), chủ tiểu nhân hoặc trộm cướp rình rập, hãm hại, làm hao tốn tiền của từ bên ngoài. Không những thế nếu thiết kế của căn nhà lại xấu về nhân đinh thì Thành môn này còn có thể gây ra vấn đề ngoại tình, hao tốn tiền của vì đàn bà nữa. Cho nên mới nói nhìn Thành môn có thể biết được đối tượng giao tế bên ngoài là tốt hay xấu, nâng đỡ, phù trợ hay hãm hại mình, cũng như về nhiều phương diện khác, thậm chí cả về sức khỏe, sinh mạng, tài năng, trí tuệ, gia đạo, danh tiếng… tùy theo từng trường hợp, chứ không phải chỉ là nó tốt hay xấu về phương diện tài lộc mà thôi. Những điều đó tuy Thẩm trúc Nhưng không nói thẳng ra khi bàn về Thành môn, nhưng không phải là ông không biết, mà vì muốn giữ 1 số bí mật để truyền cho những đệ tử thân tín mà thôi. Cho nên phương pháp xử dụng Thành môn của Huyền không Phi tinh cực kỳ linh động, uyển chuyển và chính xác, chứ không cứng nhắc và mơ hồ như những phái Huyền không khác. Còn những phái Loan đầu và Bát trạch thì hầu như không biết gì về vấn đề này, hoặc nếu có cũng chỉ xử dụng những nguyên lý về Bát sát, Huỳnh Tuyền, Ngọc liễn, hay thủy pháp Tràng sinh mà thôi, nên đó là 1 thiếu sót lớn của họ khi quan sát nhà cửa hay mộ huyệt.

Nói tóm lại khi gặp nhà có Thành môn thì cần phải để ý đến trạch vận của căn nhà, xem các vận – sơn – hướng tinh đến nơi đó là tốt hay xấu, và tạo thành những cách gì? Chứ không phải chỉ cần xem nơi đó có đắc Thành môn chính hay Thành môn phụ không là đủ. Bởi vì cho dù nơi đó có đắc Thành môn chính hay phụ, nhưng nếu Phi tinh tại khu vực đó xấu thì vẫn mắc tai họa. Ngược lại, nếu nơi đó không phải là Thành môn chính hay phụ, nhưng Phi tinh nơi đó tốt thì cũng vẫn gặp nhiều thuận lợi, may mắn. Một điều nữa là nhà có Thành môn chính hay Thành môn phụ thường phát quý (địa vị, thanh danh, khoa bảng), nên nó vẫn là 1 trong những quý cách của Phong thủy. Nếu như nhà có nó mà lại không phát quý là do địa hình hay thiết kế đã có những yếu tố sai lạc mà làm hỏng quý cách của nó. Còn những nhà có Thành môn, nhưng không phải là Thành môn chính hay phụ (tức nằm ở những nơi cùng âm – dương với hướng, hay còn gọi là “phu – phụ bất phối”), nhưng gặp Phi tinh tốt thì tuy vẫn được thuận lợi về nhiều mặt, nhưng sẽ không phát quý, mà hầu hết chỉ bình thường thôi. Hoặc phát sinh ra những chuyện “trái ngược” như vợ thành công, có lương bổng, địa vị cao hơn chồng, hoặc vợ làm chủ gia đình…

Một điểm nữa là qua việc khảo sát Thành môn mới thấy được tầm vóc và ảnh hưởng của vận khí căn nhà. Bởi vì Thành môn là khu vực nằm bên ngoài, và nhiều khi khá xa, nhưng khi tính đến sự tốt, xấu của chúng thì cũng đều phải dựa theo vận khí căn nhà. Ngay cả Thành môn chính và phụ tuy đều có cách tính để lấy vượng khí riêng của nó, nhưng vượng khí đó cũng vẫn bị khí (hay Phi tinh) của trạch vận chi phối. Huống chi là những thứ nằm bên trong căn nhà như phòng ngủ, bếp… mà lại tính vận khí riêng biệt, bất kể tới vận khí căn nhà thì có phải là mâu thuẫn và thiếu sót không?

 

(còn tiếp)