MUỐN PHÁT PHÚ CẦN TU QUAN PHÙ

Hiệp kỷ Biện phương Thư trích từ “Lịch Lệ” viết rằng: “Quan Phù là hung thần của Tuế, chủ về việc kiện tụng đến quan nha (trụ sở quan lại). Phương nó quản không thể khởi công động thổ, nếu phạm vào sẽ mắc phải kiện tụng, tù tội.

Thường đóng ở trước Tuế 4 thời (tức 4 Địa Chi, như năm HỢI, Thái Tuế đến HỢI, tính thuận tới 4 Địa Chi kế tiếp là TÝ, SỬU, DẦN, MÃO, tức MÃO nằm trước Thái Tuế 4 thời, nên đó là vị trí Quan Phù của năm HỢI)”.

Tào chấn Khuê viết: “Quan Phù là quan cầm phù tín (cờ lệnh) trong Tuế, chức quyền về văn, thường đóng trong Tam hợp ở thời trước. Vì vậy nên văn quan đứng ở thời trước, võ chức đứng ở thời sau. Nếu như thời lệnh của Tuế là DẦN, thì DẦN – NGỌ – TUẤT là Tam hợp, nên NGỌ có Quan Phù là văn quyền, TUẤT có Bạch Hổ là võ chức. Ngoài ra cứ phỏng theo như thế (để xác định vị trí Quan Phù)”.

Như vậy, Quan Phù (cùng với Bạch Hổ) đều thuộc Tam Hợp của Thái Tuế, nhưng Quan Phù đứng trước Thái Tuế 4 Địa Chi, còn Bạch Hổ đứng sau Thái Tuế 4 Địa Chi. Vì chúng nằm trong Tam Hợp của Thái Tuế, nên hoàn toàn chịu sự điều động, chi phối của Thái Tuế. Mà vì người xưa đã cho Thái Tuế là hung thần, nên Quan Phù, Bạch Hổ cũng là những sao xấu. Chính vì vậy nên có 1 số người đã gộp cả 3 sao (hay 3 khu vực) này mà gọi chung là Thái Tuế, hay những khu vực của Thái Tuế trong năm. Nhưng thật ra, đây là 3 khu vực riêng biệt, với vị trí chính của Thái Tuế có lực mạnh nhất, còn Quan Phù và Bạch Hổ yếu hơn. Cho nên, vị trí của Quan Phù chủ yếu gây tai họa về kiện tụng, còn vị trí Bạch Hổ chủ yếu gây tai họa về tang chế. Nhưng tang chế ở đây không phải là nhiều người sống trong nhà sẽ bị thiệt mạng, mà chủ yếu là những người lớn tuổi trong gia đình hay trong dòng họ qua đời, và con cháu phải để tang thôi.

Vì vậy, Quan Phù (cũng như Bạch Hổ) chỉ có thể gây ra những tai họa nhỏ, còn nếu mắc tai họa lớn (như tán gia, bại sản, người chết…) là do những nguyên nhân khác. Có biết phân biệt như vậy mới có thể tìm ra được nguyên nhân đúng đã gây ra tai họa, chứ không lầm lẫn gộp chung cả 3 sao (có người còn gộp luôn cả Tuế Phá, tức là 4 sao) lại thành Thái Tuế, rồi cho rằng mọi tai họa đều do Thái Tuế mà ra cả.

Ngoài ra, Quan Phù cũng chia ra thành Thiên Quan Phù và Địa Quan Phù. Thiên Quan Phù chỉ nằm ở 4 khu vực DẦN – THÂN – TỴ – HỢI, tại vị trí Lâm Quan (tức vượng địa) của Tam hợp Thái Tuế. Như các năm THÂN – TÝ – THÌN thì Thiên Quan Phù đến HỢI; các năm TỴ – DẬU – SỬU Thiên Quan Phù đến THÂN; các năm DẦN – NGỌ – TUẤT Thiên Quan Phù đến TỴ; các năm HỢI – MÃO – MÙI Thiên Quan Phù đến DẦN. Đó là vì người xưa cho rằng Tam hợp Thái Tuế đã là hung thì khu vực vượng địa của nó cũng không tốt trong năm đó. Còn Địa Quan Phù là nằm trong Tam hợp Thái Tuế như đã nói ở trên, nên lực của nó cũng mạnh hơn Thiên Quan Phù (do chịu sự tác động trực tiếp của Thái Tuế).

Về cách hóa giải Quan Phù, Hiệp Kỷ Biện Phương Thư trích lời của “Thông Thư” viết: “Quan Phù có Thiên và Địa Quan Phù. Nếu là Thiên Quan Phù thì dùng năm, tháng, ngày, giờ nạp âm khắc đi. Như năm GIÁP TÝ, Thiên Quan Phù đến HỢI, nếu dùng Ngũ Hổ Độn khởi năm GIÁP thì đến Hợi sẽ là ẤT HỢI, nạp âm của nó thuộc Hỏa (Sơn đầu Hỏa – tức Lửa đầu núi), nên lấy năm, tháng, ngày, giờ có nạp âm thuộc Thủy chế đi. Lại cũng có thể dùng Nhất bạch Thủy (tức số 1 trong Cửu tinh), hay Thủy Đức (những sao tốt hành Thủy) chế đi. Ngoài ra phỏng theo như thế”. Lại nói rằng: “(Địa) Quan Phù mỗi năm chỉ chiếm 1 chữ (tức 1 khu vực, như năm DẦN thì Quan Phù đến NGỌ), nên dùng Tam Kỳ, Tử Bạch (tức Phi tinh), Lộc – Mã, Qúy Nhân, nếu được 1 cát tinh đến phương thì cứ theo đó khởi công, liên tiếp tu sửa sẽ được may mắn (cát)”.

“Tuyển trạch Tông kính” viết: “Quan Phù vốn không phải là đại hung. Nếu gặp Khiếu Mã (tức Thiên Mã hay Dịch Mã) đến, hay Thái Dương, Tử Bạch, hoặc nó ở trong tháng Tử (tức trong tháng đó thì Địa Chi có Quan Phù bị rơi vào tử địa, sẽ được nói trong thí dụ bên dưới) thì lấy Thiên Xá giải đi, hoặc lấy Qúy Nhân, Lộc – Mã của mệnh chủ (tức năm sinh của người muốn tu sửa) gia vào thì sẽ gặp điềm cát”.

Tăng văn Mông viết rằng:

“Phân phân thần sát bất tu cầu,

Doãn phùng khắc ứng tiện kham tu,

Cát tinh nhược chiếm Quan Phù vị,

Vi quan chức vị, hiển hoàng châu”

Tạm dịch:

“Khi tu sửa không phải e ngại thần sát,

Nếu gặp đúng lúc thì đều có thể nhân đó mà làm,

Một khi sao tốt đã đến vị trí của Quan Phù,

Thì sẽ được thăng chức, vinh hiển ở kinh thành”

“Đó là nói Quan Phù có thể tu sửa được. Địa Quan Phù nếu gặp Khiếu Mã tức là cát, gặp Tử Bạch cũng cát, cho nên không cần phải khắc.

Dương quân Tùng làm để hóa giải kiện tụng cho 1 người sinh năm ẤT HỢI. Đó là năm QUÝ HỢI, Địa Quan Phù tại Mão, cho nên dùng tháng Ngọ, khiến cho Mão thuộc Mộc bị Tử ở Ngọ. Lại dùng ngày GIÁP NGỌ có Thiên Xá, nên việc kiện tụng quả nhiên giải được. Đó gọi là Địa Chi phạm thì dùng Địa Chi chế đi (tức Địa Chi Mão phạm hung thần thì dùng Địa Chi Ngọ hóa giải).

Thiên Quan Phù chính là chỗ vượng của Tam hợp Thái Tuế, thuộc loại trung sát (sát khí hạng trung), nên có thể phỏng theo cách chế Tam Sát, đem Tam hợp cục chế đi. Nhưng so với Tam Sát thì yếu hơn, vì vậy chỉ cần dùng nạp âm của năm và tháng chế đi là cũng có thể tu sửa được.

Như năm MÙI, Thiên Quan Phù tại DẦN, vào tháng 10 (tức tháng HỢI) có việc táng tọa DẦN sơn, THÂN hướng. Vì sau Tiểu Tuyết (tháng 10 âm lịch bao gồm Lập Đông và Tiểu Tuyết) Thái Dương đến sơn, tức được cát tinh đến, nên mọi sự bình yên. Tuy Nguyệt gia phi cung Quan Phù (tức tháng HỢI là trong Tam hợp HỢI – MÃO – MÙI, Thiên Quan Phù của tháng cũng tới DẦN, nên Quan Phù của năm và tháng trùng lập tại DẦN), nhưng vẫn không ngại ngăn trở. Cho nên nói rằng nhất định không thể phạm là sai lầm”.

Sách “Tuyển trạch Tông Kính” lại viết rằng: “Thiên Quan Phù có thể lấy nạp âm của năm, tháng khắc đi, hoặc nạp âm ngày cũng được. Nếu lại được Thái Dương chiếu tới, hay Tam Kỳ, Tử Bạch đến cũng tốt. Còn nếu lấy Tam hợp cục khắc đi thì nhất định chế phục được rồi, ngay cả khi nó hoàn cung nguyệt phận” (tức Thiên Quan Phù của năm và tháng trùng lập nhau).

Xét Quan Phù, Bạch Hổ, Thái Tuế là Tuế Tam hợp, nếu chồng hung sát lên (tức có nhiều hung sát tinh đến những nơi đó) thì trở thành những chỗ xấu, hung khí tại đó có lực, vì vậy phải kiêng kỵ. Nhưng nếu những nơi đó chồng nhiều cát tinh lên (tức có nhiều sao tốt) thì lại trở thành tốt. Cho nên lấy cát tinh chiếu lâm (chiếu hoặc tới đó) là phép chọn dùng tốt nhất, còn dùng nạp âm chế đi là thứ cách (cách xử dụng tầm thường, không hoàn hảo). Còn nói rằng lấy Tam hợp cục khắc đi thì nhất định chế phục được cũng là có ý thái quá. Chỉ khi Nguyệt gia phi cung phục lâm vào bản vị, gọi là “hoàn cung”, phi phục cùng đến (tức Quan Phù của năm và tháng trùng lập nhau như đã nói ở trên), khi đó vì nó quá vượng, nên mới dùng cục Tam hợp khắc đi là có thể được. Thiên Quan Phù tuy là phương Tuế Lâm Quan, nhưng nói cho đơn giản thì nó cũng đồng nghĩa với Địa Quan Phù thôi”.

Đoạn văn trên cho thấy cách hóa giải Quan Phù (và Bạch Hổ) cũng tương tự như cách hóa giải Thái Tuế, tức là đều xử dụng Lộc – Mã, Tam Kỳ, Qúy Nhân, Thái Dương, Tử Bạch (Phi tinh). Chỉ có sự khác biệt là do lực của Thái Tuế lớn hơn, nên đòi hỏi nhiều cát tinh đến đó để hóa giải. Còn Quan Phù (và Bạch Hổ) lực yếu hơn, nên chỉ cần 1, 2 cát tinh đến đó cũng đủ khả năng biến xấu thành tốt. Ngoại trừ vào những năm, tháng có nhiều hung, sát tinh đến tụ tập tại đó thì mới đòi hỏi số lượng cát tinh phải tăng lên để đủ sức hóa giải chúng mà thôi.

Ngoài ra, đoạn văn trên còn cho thấy không những có thể dùng Quan Phù để hóa giải tranh chấp, kiện tụng, mà còn có thể dùng nó để làm thăng tiến sự nghiệp, địa vị nữa. Điều này suy ra cũng rất hợp lý, vì nếu đã cho rằng Thái Tuế chủ phát quý (tức phát công danh, quyền chức), mà Quan Phù và Bạch Hổ đều nằm trong Tam hợp của Thái Tuế, nên hoàn toàn bị nó điều động, chi phối. Cho nên 1 khi chế giải được Quan Phù, Bạch Hổ thì đều có thể phát quý. Vì vậy, câu “Muốn phát phú cần tu Quan Phù” đúng ra cần sửa lại thành “Muốn tiểu quý cần tu Quan Phù” mới phù hợp với tính chất của nó. Hơn nữa, như Tào chấn Khuê đã chỉ ra Quan Phù chính là văn quan, Bạch Hổ chính là võ chức, nên 1 khi chế giải được chúng thì đều có thể được thăng quan, tiến chức. Nhưng cần chia ra người làm quan văn (hay làm việc văn phòng) cần “tu” Quan Phù, người làm quan võ (hay những ngành an ninh, quân sự) cần “tu” Bạch Hổ. Có như vậy mới đạt được hiệu năng tối đa của việc tu sửa. Ngược lại, nếu người làm quan văn lại “tu” Bạch Hổ, người làm quan võ lại “tu” Quan Phù thì sự nghiệp cũng chỉ thăng tiến chậm chạp, hoặc với mức độ vừa phải thôi. Riêng với Thái Tuế là vua của 1 năm, quyền uy kiêm nhiếp cả văn võ, nên nếu tu sửa đúng cách thì dù thuộc ngành nghề nào cũng đều phát.

Một vấn đề khác là trong đoạn văn nói về Dương quân Tùng hóa giải kiện tụng cho 1 người có đề cập đến trường hợp “Mão thuộc Mộc bị Tử ở Ngọ”. Đó là dựa vào Ngũ hành Sinh (Tràng Sinh, tức mới chào đời), Vượng (Đế Vượng, tức cực mạnh), Tử (chết), Tuyệt (mục nát, bị phân hủy thành cát bụi) của vòng Tràng Sinh như sau:

KIM sinh ở TỴ, vượng ở DẬU, tử ở TÝ, tuyệt ở DẦN.

MỘC sinh ở HỢI, vượng ở MÃO, tử ở NGỌ, tuyệt ở THÂN.

THỦY sinh ở THÂN, vượng ở TÝ, tử ở MÃO, tuyệt ở TỴ.

HỎA sinh ở DẦN, vượng ở NGỌ, tử ở DẬU, tuyệt ở HỢI.

THỔ sinh ở DẦN, vượng ở NGỌ, tử ở DẬU, tuyệt ở HỢI.

Thí dụ như vào năm BÍNH THÂN (2016), Địa Quan Phù đến TÝ. Mà TÝ thuộc THỦY nên Tử ở MÃO, cho nên có thể chọn tháng MÃO (tức tháng 2 âm lịch) mà hóa giải Quan Phù của năm đó.

Cũng trong đoạn văn đó đề cập đến ngày Thiên Xá. Sách Hiệp Kỷ trích lời của “Thiên bảo Lịch” viết rằng: “Thiên Xá là ngày xá (tha) lỗi, khoan (giảm) tội…Ngày đó có thể hoãn hình ngục, giải oan uổng, thi ân huệ”. Còn Tào chấn Khuê viết: “Thiên Xá tức là được Trời xá lỗi, thần khoan thứ tội cho vậy”. Cho nên nó là 1 trong những ngày tốt nhất để hóa giải kiện tụng, hình phạt, hàm oan…Ngay cả đối với môn Tứ trụ mà nếu ai sinh vào ngày Thiên Xá cũng là 1 điều may mắn. Sách “Dự đoán theo Tứ trụ” của Thiệu vĩ Hoa viết: “Thiên Xá là ngôi sao gặp hung hóa cát, sao giải tai họa. Trong mệnh gặp nó là có cứu. Đặc biệt đối với người có tội là có dịp may được hoàng đế đại xá, cho nên là sao tốt”.

Cách tính ngày Thiên Xá như sau:

Mùa Xuân (tức các tháng 1 – 2 – 3 âm lịch) ngày MẬU DẦN.

Mùa Hạ (các tháng 4 – 5 – 6 âm lịch) ngày GIÁP NGỌ.

Mùa Thu (các tháng 7 – 8 – 9 âm lịch) ngày MẬU THÂN.

Mùa Đông (các tháng 10 – 11 – 12 âm lịch) ngày GIÁP TÝ.

Như vậy, ngày Thiên Xá rất hiếm, cứ mỗi mùa chỉ có 1 hoặc tối đa là 2 ngày mà thôi.

Về cách dùng thần sát để hóa giải Quan Phù (cũng như Bạch Hổ) thì đoạn văn trên, (cũng như phần chú giải của tôi) đã nói quá rõ ràng rồi, nên ở đây chỉ muốn thêm là cần phải chú ý đến Phi tinh nữa thì mới biết lúc nào có thể hóa giải được Quan Phù, Bạch Hổ để thăng quan tiến chức, tạo được uy quyền, lúc nào không thể hóa giải được, hoặc nếu có làm cũng không đạt được kết quả mong muốn, hay vẫn mắc tai họa…Vì vậy, trong việc hóa giải các hung sát thì thần sát chỉ là điều kiện cần, còn phải có thêm Phi tinh nữa mới là điều kiện đủ để đạt đến mức độ hoàn hảo được.

 

Ngày 22 tháng 6 năm 2019

Bình nguyên Quân