GIẢI ĐÁP THẮC MẮC – HUYỀN KHÔNG (2)

Bài này đúng ra đã được đăng từ Chủ Nhật, 20/4/ 2014, nhưng có kẻ gian phá được mã số, vào phần điều khiển trang web xóa mất (hoặc lấy đăng lên trang web của họ) vào ngày Thứ Ba, 22/4, nên hôm nay chúng tôi phải đăng lại.

H: Trường hợp nhà thuê trong 1 chung cư lớn, nhưng hướng căn hộ lại ngược với hướng của tòa nhà. Như vậy, khi lập tinh bàn thì phải lấy Sơn và Hướng của căn hộ?

Hay của cả tòa nhà? Thí dụ: Hướng của cả tòa nhà (tức chung cư lớn) là Tý (tọa Ngọ), còn căn hộ bên trong là hướng Dậu tọa Mão, khi lập tinh bàn thì dùng tọa – hướng là Tý Ngọ hay Mão – Dậu?

 

TL: Khi lập trạch vận cho căn hộ thì lấy Sơn – Hướng bàn theo căn hộ đó, chứ không lấy theo chung cư lớn. Như căn hộ tọa MÃO hướng DẬU thì lấy vận tinh trong vận 8 tại các khu vực đó (MÃO – DẬU) mà xoay chuyển, chứ không lấy vận tinh ở tọa – hướng của chung cư là TÝ – NGỌ.

 

H: Nếu một căn nhà muốn đổi vận thì lần lượt từng thành viên rời nhà đi rồi quay về có được không và thời gian tối thiểu là bao lâu?

TL: Nếu làm theo cách đó thì mỗi thành viên phải đi xa khoảng 1 năm, chứ 1 vài tháng thì sẽ không có kết quả.

 

H: Phạm vi trung cung trong một căn nhà là khoảng bao nhiêu mét tính từ tâm nhà?

TL: Trung cung thật sự không có, mà chỉ có tâm nhà thôi, còn những cách chia nhà thành 9 cung về nguyên lý là sai, nhưng người ta vẫn làm để lấy chỗ an phi tinh tại đó.

 

H: Đối với nhà có nhiều tầng thì tinh bàn của tầng trệt cũng sẽ áp dụng như những tầng trên có được không? Nếu được thì giả sử trong nhà được bố trí hợp cách cả, thì khu vực dưới đất hay trên lầu sẽ phát huy tác dụng nhiều hơn?

TL: Đối với nhà nhiều tầng thì phi tinh của tầng trệt cũng sẽ áp dụng cho mọi tầng còn lại. Nhưng sự khác biệt là tầng trệt nhận được khí từ cửa, còn những tầng khác nhận được khí từ cầu thang. Cho nên nếu cửa nhận được vượng khí thì dưới trệt phát huy tác dụng nhiều hơn. Còn nếu cầu thang nhận được vượng khí thì trên lầu sẽ tốt hơn dưới trệt.

 

H: Nếu ở vị trí Thành môn mà không thể mở cổng cửa được thì có thể làm cách gì thay thế được? Tôi thấy nhiều người (có lẽ theo Bát trạch) hay dùng gương thay thế . Trong Huyền Không lại không thấy đề cập đến vấn đề dùng gương này.

TL: Nếu ở vị trí thành môn không làm cổng được thì có thể làm hay đặt ao cá, hồ cá, phong thuỷ luân… nhưng những cái này chỉ có hiệu lực nhỏ, chứ không mạnh bằng nếu có cổng hay ao, hồ, sông nước thật. Vật khí càng nhỏ thì tác dụng càng yếu, đó là nguyên lý chính của Phong thuỷ. Còn việc dùng gương chỉ là do quan niện sai lầm là gương thuộc hành thuỷ, mà thành môn cần thuỷ nên đặt gương tại đó để bổ trợ cho nó. Vì vậy mới không nói tới nó trong việc làm tăng cát khí của Thành môn.

 

H: Nhà tôi hướng TÂY (270 độ), nhập trạch trong vận 8, đắc vượng khí 8 tới hướng. Nhưng năm nay bị niên tinh Nhị Hắc tới thì có ảnh hưởng gì xấu không?

TL: Nhị Hắc tuy là Bệnh phù, nhưng vừa cùng hành Thổ với Bát bạch, vừa Hợp thập, nên nếu 2 số gặp nhau thì tài lộc sẽ tốt, cũng như gặp may hơn bình thường, cho nên tuy trong nhà có thể bị bệnh hoạn 1 chút nhưng vẫn tốt chứ không xấu.

 

H: Nếu nhập trạch vào năm Ngũ Hoàng tới hướng thì ảnh hưởng sẽ kéo dài bao nhiêu năm?

TL: Khi nhập trạch vào năm Ngũ Hoàng tới hướng thì ảnh hưởng sẽ kéo dài khoảng 3 năm, sau đó thì tùy theo hướng nhà có đắc vượng khí hay không mà suy giảm, hay tiếp tục kéo dài nhiều năm sau này nữa.

 

H: Như vậy vào năm Ngũ Hoàng tới hướng thì có thể xây nhà, hay nhập trạch được không?

TL: Vào năm Ngũ Hoàng tới hướng vẫn có thể xây nhà, nhập trạch được, nhưng cần phải biết cách hóa giải, chứ nếu không thì sẽ có tai họa.

 

H: Nhà tôi hướng chính ĐÔNG (90 độ), năm nay (ĐINH HỢI – 2007) xây nhà bị Tam sát đến tọa. Tôi nghe nói Tam sát đến sau nhà thì có tai họa về nhân đinh, như vậy tôi có thể dọn  vào nhà trong năm nay được không? Hay là phải chờ qua năm sau? Hoặc là không thể ở được nhà này và phải dọn đi nơi khác?

TL: Nếu xây nhà, nhập trạch vào năm có Tam sát đến tọa thì rất dễ có tai họa về nhân đinh, có thể chết người, hoặc gặp tai nạn sau khi vào ở. Nhưng nếu biết cách hóa giải thì sẽ không có tai họa gì, lại còn phát về nhân đinh. Cho nên mới có thơ rằng:

“Muốn phát quý phải tu Thái Tuế,

Muốn phát phúc phải tu Tam sát,

Muốn đại hưng cần tu Hỏa tinh,

Muốn tiểu hưng cần tu Kim thần,

Muốn phát phú cần tu Quan phù,

Muốn bình yên cần tu Cửu thoái”.

Vì vậy, vào năm Tam sát đến tọa vẫn có thể xây nhà, nhập trạch được, nhưng phải biết cách hóa giải để thu được nó sẽ đại phúc, ngược lại thì sẽ gặp họa to. Tuy nhiên, còn phải tùy theo hướng nhà, chứ không phải bất cứ  nhà nào bị Tam sát đến phía sau cũng có thể xây được. Như hướng nhà anh là 90 độ thì năm nay vẫn có thể xây nhà, nhập trạch được.

 

H: Khi luận về một cung nào đó thì Hướng tinh là quan trọng nhất, nhưng ở Tọa phải lấy Sơn tinh làm chính để luận tốt xấu, có phải như vậy không ?

Trong trường hợp dùng Hướng tinh để luận, thì mức độ tốt xấu thay đổi thế nào khi gặp Sơn tinh nằm trong các tình huống sau:

a/ Sinh vượng: sinh nhập hay khắc nhập cho Hướng tinh đó.

b/ Suy tử: sinh nhập hay khắc nhập cho Hướng tinh đó.

c/ Sinh vượng: Làm cho hướng tinh đó Sinh xuất hay khắc xuất

d/ Suy tử: Làm cho hướng tinh đó Sinh xuất hay khắc xuất

TL: Tuy rằng việc khảo sát 1 cung lấy Hướng tinh làm quan trọng nhất, nhưng nó còn tùy thuộc vào Loan đầu bên ngoài, thiết kế bên trong căn nhà, còn những vấn đề sinh, khắc giữa Sơn – Hướng tinh chỉ là phụ. Lấy thí dụ như 1 khu vực có SƠN – HƯỚNG tinh 7 – 3 (trong vận 8 này, tức là cả 2 đều là suy, tử). Tuy rằng Sơn tinh 7 KIM khắc Hướng tinh 3 MỘC, nhưng nếu nơi đó chỉ có tường chắn, hay chỉ làm phòng ăn thì sẽ không có gì xảy ra. Nhưng nếu nơi đó có nhà cao thì lúc đó mới là KIM khắc MỘC, nên con trai trưởng trong nhà dễ yểu tử hoặc có tai họa. Còn nếu nơi đó có cửa hay ao, hồ, phòng tắm thì Hướng tinh 3 gặp thủy, nên con trai cả hư hỏng, chơi bời, tài lộc hao tán vì trộm cướp, con cái phá hoại…

Một thí dụ khác như nhà có SƠN – HƯỚNG tinh 6 – 8 ở tọa (cũng trong vận 8) mà nếu phía sau có nhà cao hay núi sẽ chủ quan tụng, đinh, tài đều suy bại. Nếu có cửa hay sông, hồ thì tài, đinh đều vượng. Chứ không phải vì 8 THỔ sinh 6 KIM nên thế nào cũng bị sinh xuất mà làm suy bại tài lộc, hay vì phương tọa đắc núi nên sẽ chủ đông nhân đinh. Cho nên về vấn đề này thì phải nắm vững những nguyên lý căn bản như sinh, vượng, suy, tử khí, Thượng sơn hạ thủy, Phản – Phục ngâm, Linh – Chính thần, Đáo sơn – đáo hướng, và nhất là Thu sơn xuất sát, cũng như những yếu tố về Loan đầu thì mới có thể suy đoán chính xác được.

 

H: Đối với những khu vực có vượng khí của Sơn tinh mà không thể đặt bếp thì có thể dùng những vật dụng gì để hỗ trợ?

TL: Đối với những khu vực có VƯỢNG KHÍ CỦA SƠN TINH mà không thể đặt bếp được thì có thể dùng đá lớn, cao, nhọn mà thay thế, nhưng vẫn không mạnh bằng đặt bếp.

 

H: Nếu 1 căn nhà có vượng khí tới hướng, phía xa có biển lớn, nhưng đứng ở nhà thì không nhìn thấy, do những căn nhà khác che khuất, nhưng lại nghe được tiếng sóng biển. Như vậy có được xem là có thủy ở hướng không?

TL: Nhà nếu có thể nghe được tiếng sóng biển là còn rất gần, nên dù có bị nhà khác che mà không nhìn thấy biển, nhưng vẫn bị ảnh hưởng của nó. Chỉ trừ khi sân phía trước hẹp quá, bị nhà trước mặt áp sát thì lúc đó dù phía trước có vượng khí và gần biển cũng vô hiệu.

 

H: Xin giải thích câu “Nhất chính đương quyền” có nghĩa là gì? Tôi thấy trong các sách hay dùng đến câu này, nhưng không hiểu nghĩa của nó thật rõ ràng.

TL: “Nhất chính đương quyền” là ý nói nơi có vượng khí của Hướng tinh mà có thủy hay cửa ra vào thì 1 mình nó (nhất chính) sẽ nắm quyền chi phối trạch vận của toàn căn nhà, những hung sát khí khác sẽ không làm gì được.

 

H: Có người cho rằng Tam ban quái không có gì tốt, mà chỉ là “hung cục”. Điều đó có đúng không?

TL: Trong Thiên ngọc kinh, Dương quân Tùng đã viết rằng:

“Đông – Tây phụ mẫu Tam ban quái, toán trị thiên kim giá,

Nhị thập tứ lộ xuất cao quan, phi tử nhập Tràng An”

Có nghĩa là:

Phụ mẫu Tam ban quái của 2 quẻ Đông – Tây (tức 2 quẻ Giang Đông và Giang Tây), giá trị đáng ngàn vàng,

Từ khắp nơi sẽ xuất hiện đại quan, mặc áo lụa đỏ mà vào kinh thành

(Tràng An là kinh đô của nhà Đường, mà Dương quân Tùng sống trong thời đó, nên nói Tràng An tức là nói tới kinh đô. Nói mặc áo “lụa đỏ” [phi tử] vì thời nhà Đường, chỉ có các quan từ Thượng thư [tương đương với bộ trưởng bây giờ] trở lên mới được mặc áo lụa đỏ mà thôi, nên mới nói là “xuất cao quan”).

Vì vậy, Tam ban quái là cách cục quý giá, nếu gặp đúng nó thì nhà sẽ có người hiển đạt, chức vị cao sang. Còn nếu không đúng (tức chỉ được trạch vận có phi tinh đắc Tam ban quái, nhưng địa hình không ứng hợp) thì sẽ mắc tai họa mà trở thành “hung cục”. Cho nên nếu kết luận Tam ban quái là ‘hung cục” là vì chưa đọc Thiên ngọc kinh, hoặc chưa hiểu phải như thế nào mới dùng được Tam ban quái mà thôi.

 

H: Giang Đông, Giang Tây là thế nào?

TL: Giang Đông, Giang Tây chỉ là dùng điển tích cổ để biểu hiện 1 ý tưởng mà thôi. Sách xưa nói rằng:”Thủy chảy về Đông, đất đi về Tây”. Cho nên khi nói Giang Đông, Giang Tây tức là có ý dùng hình tượng của sông và của đất. Mà sông chảy thì chỉ có 1 dòng, còn đất nằm 2 bên bờ sông nên có 2. Vì vậy Thiên ngọc kinh mới viết:”Giang Đông nhất quái tòng lai cát, bát thần tứ cá nhất” (tức một quái Giang Đông đến để chia cắt [tòng lai cát], với chữ Cát nghĩa là “phân chia”, chứ không phải là “tốt”], nó có 8 thần 4 cái [cá] 1) và “Giang Tây nhất quái bài long vị, bát thần tứ cá nhị” (tức là Một quái Giang Tây xếp theo phương vị, nó có 8 thần 4 cái 2).

 

H: Một số người cho rằng Thế quái là sai, do Thẩm trúc Nhưng không được chân truyền, không hiểu ý nghĩa của “Thanh nang Áo ngữ” nên mới tự bày ra. Còn Tưởng đại Hồng không dùng Thế quái. Điều đó có đúng không?

TL: Thẩm trúc Nhưng không bày ra Thế quái, mà trong thời gian tìm hiểu về Huyền không, ông mới thấy Khương Diêu (đệ tử của Tưởng đại Hồng), cũng như Âu dương Thuần nói đến Thế quái. Sau này lại thấy Chương trọng Sơn dùng Thế quái để giải đoán nhà cửa hay phần mộ cho người khác, nhưng ông vẫn không hiểu, nên mới bỏ công tìm kiếm cách dùng mà thôi. Đây là điều mà Tưởng đại Hồng đã căn dặn Khương Diêu là 1 “bí mật nhất trong những điều bí mật”, và khuyên ông không được tiết lộ cho ai biết. Chính vì vậy nên Thẩm trúc Nhưng mới phải tốn rất nhiều thời gian và công sức mới tìm ra, và đó là đóng góp rất lớn của ông với hậu học sau này. Rất tiếc là khi đã biết rồi thì 1 số người lại coi thường, hoặc chê bai nó, trong khi nếu không biết thì lại khổ công tìm kiếm.