PHONG THỦY TRONG VIỆC QUY HOẠCH & THIẾT KẾ (7)

 * Cửa trước: trong việc thiết kế nhà cửa thời nay, do chạy theo những thị hiếu mới lạ, người ta đã tùy tiện đặt cửa trước ở bất cứ chỗ nào của mặt tiền, theo nhiều góc độ khác nhau, mà không biết rằng vị trí tốt nhất của nó là ngay chính giữa mặt tiền nhà, cũng như hướng cửa nên cùng với hướng nhà, chứ không nên xoay dịch sang hướng khác, bất kể vì lý do gì (do thiết kế hay do phù hợp với tuổi của gia chủ).

Vì không những cửa trước phải nằm ngay chính giữa thì mới có thể thiết kế mặt tiền cân xứng như đã nói trong bài trước, mà còn vì nó phải nằm ngay tại đó mới đón nhận được chính khí của hướng nhà. Chẳng hạn như nhà hướng DẬU, nếu cửa trước nằm giữa mặt tiền thì sẽ nhận được khí của hướng DẬU (là chính khí của hướng nhà) như hình dưới.

 

      Ngược lại, cũng với nhà hướng DẬU, nhưng cửa không nằm ngay chính giữa, mà lại nằm ở mé bên trái (nếu đứng trong nhà nhìn ra trước) thì nhà sẽ nhận khí của hướng CANH, còn nếu cửa nằm ở mé bên phải thì nhà sẽ nhận khí của hướng TÂN (hình trên). Tuy 2 hướng này đều cùng thuộc về phía TÂY như hướng DẬU, nhưng vì không phải là hướng của căn nhà, nên đều không phải là chính khí của nhà này.

     Đối với nhà thuộc mọi hướng khác cũng thế, chẳng hạn như nhà hướng CANH, mà cửa trước nằm chính giữa mặt tiền thì sẽ nhận được khí của hướng CANH, là chính khí của căn nhà. Nếu cửa nằm ở mé bên trái (cũng tính đứng trong nhà nhìn ra trước) thì nhà sẽ nhận khí của hướng THÂN (thuộc phía TÂY NAM), tức là nhận phải tạp khí. Nếu cửa nằm ở mé bên phải thì nhà sẽ nhận khí của hướng DẬU, tuy cùng phía TÂY, nhưng vẫn không phải là chính khí của căn nhà.   

 

      Việc đặt cửa trước ngay chính giữa mặt tiền để lấy được chính khí của hướng nhà là rất quan trọng, vì 1 khi nhà đắc vượng khí đến phía trước thì mới có thể làm cho căn nhà vượng phát tới tột độ. Không những thế mà những thành quả đạt được trên bước đường công danh, sự nghiệp đều là do tài năng, công sức của mình tạo ra, chứ không phải nhờ vả người khác, hoặc “hữu danh vô thực” (chỉ có hư danh bề ngoài, chứ bên trong không có gì). Cũng chính vì nhà nhận được chính khí của hướng, nên con người cũng ngay thẳng, lương thiện hơn (trừ khi nhà bị suy tử khí thì tùy theo tính chất của những sao đó mà con người mới bị hư hỏng, thoái hóa mà thôi).

      Ngược lại, nếu cửa trước không nằm ngay chính giữa mặt tiền, mà lại nằm ở mé bên phải hoặc bên trái thì tùy theo hướng nhà, cũng như vị trí cửa mà sẽ phát sinh những trường hợp như sau:

        1/ Nếu hướng nhà thuộc Thiên nguyên (TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU, CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN) mà cửa trước lại nằm trong khu vực thuộc Nhân nguyên (QUÝ, ĐINH, ẤT, TÂN, HỢI, THÂN, DẦN, TỴ – xếp theo thứ tự bên cạnh những hướng thuộc Thiên nguyên ở trên): trường hợp hướng đắc vượng khí thì mức độ tốt đẹp sẽ bị suy giảm đi nhiều, nên sẽ không phát mạnh như nhà có cửa ngay chính giữa mặt tiền. Ngược lại, nếu phía trước nhà gặp suy tử khí thì lại bị suy bại nặng hơn.

      – Thí dụ: nhà hướng NGỌ, nhập trạch trong vận 8, có cửa trước nằm ở cung ĐINH, nên tuy vẫn đón được vượng khí, nhưng mức độ tốt đẹp sẽ không bằng nhà có cửa ở cung NGỌ. 

        2/ Nếu hướng nhà thuộc Thiên nguyên (TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU, CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN) mà cửa trước lại nằm trong khu vực thuộc Địa nguyên (NHÂM, BÍNH, GIÁP, CANH, TUẤT, MÙI, SỬU, THÌN – cũng xếp theo thứ tự bên cạnh những hướng thuộc Thiên nguyên ở trên): thì dù hướng đắc vượng khí, nhưng nhà vẫn gặp nhiều khó khăn về tài lộc, cũng như trong công việc làm ăn. Tuy rằng trước mắt có nhiều cơ hội, nhưng hay bị người khác đoạt mất. Ngược lại, nếu hướng gặp suy tử khí thì lúc đó cửa lại đắc vượng khí (theo phương pháp lấy Thành môn đã được nói trong những lớp Trung cấp), nên tuy gặp nhiều trở ngại, nhưng nếu cố gắng phấn đấu thì vẫn vượt qua được mọi khó khăn, tài lộc tương đối tốt.  

      – Thí dụ: cũng nhà hướng NGỌ, nhập trạch trong vận 8, có cửa trước nằm ở cung BÍNH, nên tuy phía trước đắc vượng khí, nhưng vẫn gặp khó khăn về tài lộc.

        3/ Nếu hướng nhà thuộc Nhân nguyên, nhưng cửa trước lại nằm trong khu vực thuộc Thiên nguyên: trường hợp hướng đắc vượng khí thì tuy nhà vẫn vượng phát, nhưng là do cấp trên, hay người khác giúp đỡ, chứ không phải do chính thực lực của mình tự tạo ra được. Ngược lại, nếu hướng bị suy tử khí thì nhà sẽ càng suy bại trầm trọng.

      – Thí dụ: nhà hướng ĐINH, nhập trạch trong vận 8, có cửa trước nằm ở cung NGỌ, nên tuy vẫn đón được vượng khí, nhưng mọi thành công đều do người khác hậu thuẫn hoặc giúp đỡ. 

      4/ Nếu hướng nhà thuộc Nhân nguyên, nhưng cửa trước lại nằm trong khu vực thuộc Địa nguyên: thì dù hướng đắc vượng khí nhưng nhà vẫn suy bại, lại hay bị kẻ khác đè nén, ức hiếp, cướp đoạt mọi cơ hội hoặc tài sản. Ngược lại, nếu hướng gặp suy tử khí thì cửa lại đắc vượng khí (cũng theo phương pháp tính Thành môn), nhưng đây chỉ là trường hợp “hữu danh vô thực”, tuy rằng bề ngoài mang tiếng khá giả, nhưng thực chất bên trong chẳng có bao nhiêu.

      – Thí dụ: nhà hướng ĐINH, nhập trạch trong vận 8, có cửa trước nằm ở cung BÍNH, nên tuy hướng đón được vượng khí, nhưng tài lộc vẫn suy bại.

      5/ Nếu hướng nhà thuộc Địa nguyên, mà cửa trước lại nằm trong khu vực thuộc Thiên nguyên: thì dù hướng đắc vượng khí, nhưng vẫn bị suy bại về tài lộc, cũng như hay bị kẻ khác quấy phá, hãm hại. Ngược lại, nếu hướng gặp suy tử khí thì cửa lại đắc vượng khí, nên đây là trường hợp phải đấu tranh chật vật với kẻ khác mới có tài lộc. 

      – Thí dụ: nhà hướng BÍNH, nhập trạch trong vận 7, có cửa trước nằm ở cung NGỌ, nên tuy phía trước đắc vượng khí, nhưng vẫn suy bại nặng.

      6/ Nếu hướng nhà thuộc Địa nguyên, mà cửa trước lại nằm trong khu vực thuộc Nhân nguyên: thì dù hướng đắc vượng khí, nhưng vẫn bị suy bại về tài lộc, cũng như hay bị tiểu nhân mưu hại. Ngược lại, nếu hướng bị suy tử khí thì cửa lại đắc vượng khí, nên đây là trường hợp đi cướp đoạt tài lộc của người khác để làm giàu.

      – Thí dụ: nhà hướng BÍNH, nhập trạch trong vận 7, có cửa trước nằm ở cung ĐINH, nên tuy phía trước đắc vượng khí, nhưng tài lộc vẫn túng thiếu, cũng như dễ mắc tai họa.

      Những trường hợp trên chỉ là xét tới vị trí cửa tuy không lấy được chính khí của hướng, nhưng vẫn nằm trong khu vực cùng 1 phía với hướng nhà. Chẳng hạn như nhà hướng BÍNH (phía NAM) thì cửa nằm ở NGỌ hay ĐINH, tức những khu vực đều thuộc phía NAM cả. Còn với cửa nằm ở những vị trí khác phía với hướng thì cũng dựa vào những yếu tố ở trên, cùng với phi tinh đến khu vực có cửa mà tạo thành nhiều trường hợp khác nhau.

      – Thí dụ: nhà hướng CANH (Địa nguyên – phía TÂY), nhập trạch trong vận 8, có cửa trước tại cung THÂN (Nhân nguyên – phía TÂY NAM), trạch vận như hình dưới.

 

      Nhà này hướng bị tử khí số 3 (Tam bích), còn cửa bị suy khí số 7 (Thất xích). Giữa hướng và cửa đã khác Nguyên long, lại nằm khác phía, nên nhà nhận phải quá nhiều tạp khí, lại toàn là khí suy tử, nên không những tài lộc lụn bại, mà còn gặp nhiều trắc trở, khó khăn trong cuộc sống, cũng như dễ mắc nhiều bệnh tật, tai họa như hay bị trộm cướp, tiểu nhân mưu hại…

      Vì vậy, nói đi nói lại cũng chỉ để cho thấy là nhà có cửa trước nằm ngay chính giữa mặt tiền là tốt nhất. Còn nếu nó nằm ở những vị trí khác thì tuy có lúc tốt, lúc xấu, nhưng dù có tốt cũng không bằng nằm ngay chính giữa, mà nếu xấu thì nhà lại càng suy bại nặng hơn.

      Vấn đề thứ 2 là cửa trước phải nằm bằng phẳng với mặt tiền, chứ không được nhô ra, hay thụt vào sâu quá. Vì đó đều là những kiểu thiết kế xấu, sẽ khiến cho cửa không đón nhận được nhiều khí vào nhà, nên dù nhà có đắc vượng khí tới hướng cũng làm giảm đi mọi sự tốt đẹp.

  

Hình 22: nhà có cửa trước nằm thụt sâu vào bên trong, nên khí khó vào nhà

      Vấn đề thứ 3 là cửa trước phải nằm cùng hướng với mặt tiền, vì có như vậy thì cửa mới dễ dàng đón nhận được khí từ phía trước. Ngược lại, nếu nó lại nằm chéo góc, nghiêng lệch so với mặt tiền thì khí sẽ khó vào nhà, nên dù hướng có đắc vượng khí, cũng như cửa nằm đúng vị trí, nhưng mọi sự tốt đẹp cũng bị suy giảm đi rất nhiều. Đó là chưa kể nếu cửa nằm chéo góc, mà phía trước cửa lại còn bị tường vách che chắn thì dù hướng đắc vượng khí nhưng vẫn gặp khó khăn về tài lộc. Hơn nữa, nhà có tường vách hay cửa chéo góc thường bị những tai họa bất ngờ, những chứng bệnh kỳ lạ, quái ác, cũng như trong nhà dễ có người bị thương tích, tàn tật.

      Vì vậy, trong việc thiết kế, hay lựa chọn nhà cửa đều nên tránh những loại nhà như thế. Tuy rằng 1 số nhà có cửa nằm chéo góc so với mặt tiền mà vẫn làm ăn tương đối khá, nhưng đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ (như nơi có cửa đắc Thành môn, hay hướng cửa nhìn về đắc vượng khí…). Còn lại thì hầu hết nhà có cửa nằm chéo góc đều xấu, cho nên những ai tin theo phái Bát trạch, khi thấy hướng nhà không hợp tuổi là muốn xoay hướng cửa theo hướng “tốt” của mình thì phải rất cẩn thận, vì thường sẽ chuốc lấy tai họa.   

 

Hình 23: nhà có cửa trước (front door) nằm chéo góc với mặt tiền, lại bị bức tường của nhà để xe (garage) chắn ngay phía trước, nên dù hướng đắc vượng khí, nhưng vẫn bị suy bại về tài lộc.

      * Cửa sau: ngoài cửa chính ở phía trước, 1 căn nhà cần có thêm cửa ở phía sau. Như đã nói là đối với Phong thủy Huyền không thì có giai đoạn (hay vận) nhà sẽ nhận được vượng khí đến phía trước, nhưng cũng có vận vượng khí đến phía sau, nên mặt sau nhà cũng cần có cửa để đón vượng khí, hầu làm ăn phát đạt trong những giai đoạn đó. Vì mục đích là để đón nhận khí, nên mọi tiêu chuẩn cho cửa sau đều hoàn toàn giống như cửa trước, tức là nên nằm ngay chính giữa mặt sau căn nhà, cũng như cần nhìn thẳng về phía sau, chứ không được nghiêng lệch, lồi ra hay thụt sâu vào so với mặt sau. Đó đều là nhà có cửa sau tốt, nên 1 khi nơi đó đắc vượng khí thì cuộc sống sẽ được yên ổn, sung túc.

      Đối với nhà không có cửa trước hay cửa sau, mà chỉ có cửa ở bên hông thì dĩ nhiên là mọi sự tốt đẹp sẽ giảm đi rất nhiều, dù là vị trí cửa có đắc vượng khí đi nữa (trường hợp nhà bị lệch hướng nhiều như đã nói trong những bài đầu) thì giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, hoặc dư dả chút ít mà thôi (tùy theo thiết kế bên trong có những điểm tốt hoặc xấu khác). Nếu những cửa này nằm ở chỗ có suy tử khí, bên hông nhà lại chật hẹp, hoặc bị nhà lân cận cao lớn áp chế thì dĩ nhiên là cả tài lộc lẫn nhân đinh đều bị suy bại nặng. Trường hợp ngoại lệ là nhà có cửa bên hông, mà nơi đó lại trống thoáng, hoặc có thêm sông hồ…thì khi đắc vượng khí cũng sẽ phát mạnh.

      Đối với nhà (hay căn hộ) nằm trong 1 chung cư lớn: thì hướng nhà thường là mặt có cửa ra vào của căn hộ, chứ không phải là mặt nhìn ra đường lớn, hay mặt có cửa đi ra ban công (balcony). Lý do vì nơi đó có lối đi (hay hành lang), và thường được mọi người sống trên tầng đó đi lại, ra vào thường xuyên, nên mới là nơi có động khí nhiều nhất của căn nhà. Còn những mặt khác đều không có lối đi để dẫn khí tới, cũng như không có chỗ để cho khí hội tụ trước khi vào nhà, nên mức độ hấp thu khí sẽ yếu hơn hẳn so với mặt có lối đi và cửa ra vào. Vì vậy, những mặt đó đều không phải là hướng nhà.

  

   Hình 24: hướng của những căn hộ trong chung cư lớn đều là mặt có cửa ra vào

      Riêng hướng của chung cư chỉ là hướng cho cả tòa nhà, nếu nó tốt thì cuộc sống của mọi người được yên ổn, ít có tai họa gì xảy ra cho tòa nhà đó. Ngược lại, nếu hướng (và cửa) của cả tòa nhà xấu thì chung cư đó dễ có tai biến, nhất là đối với những căn hộ có hướng và thiết kế xấu bên trong. 

      Sau khi đã xác định được hướng của căn hộ thì bước kế tiếp là phải coi xem mặt tiền của nó (tức mặt có cửa ra vào) có bị che chắn hay không? Nếu nó bị những nhà lân cận che chắn thì phía trước sẽ không có chỗ tụ khí, nên dù căn hộ có gặp được hướng tốt và vị trí cửa tốt cũng không thể phát lớn được. Chẳng hạn như trong hình 24 ở trên thì 4 nhà nằm ở 4 góc đều bị những nhà lân cận chắn gần hết mặt tiền, nên là thế nhà xấu, vì không có chỗ để cho khí đến hội tụ. Còn 3 nhà ở khoảng giữa phía trước tương đối trống thoáng, nên là thế nhà tốt trong chung cư. Tuy nhiên, như đã nói trong phần bàn về đường xá là đường phải lớn, dài thì mới đem đến được nhiều khí cho căn nhà. Còn hành lang trong chung cư thì vừa ngắn, vừa nhỏ, nên mức độ tốt đẹp cũng chỉ có giới hạn mà thôi. Chính vì vậy nên đa số những người sống trong chung cư đều chỉ thuộc giới bình dân, chứ những người giàu sang, phú quý thì rất hiếm khi sống trong đó, hoặc nếu có cũng chỉ là tạm thời, hay đó chỉ là nơi nghỉ mát của họ mà thôi.

      Bước kế tiếp là xét đến vị trí và phương hướng cửa ra vào của căn hộ, để xem nó nằm ở chỗ tốt hay xấu. Về điều này thì mọi nguyên tắc đều giống như vị trí cửa cho những nhà bình thường như đã được nói ở trên. 

      * Cửa sổ: nếu cửa ra vào là nơi thu nạp khí, và quyết định sự thành, bại của 1 gia đình về phương diện tài lộc, thì cửa sổ là nơi chủ yếu để thu nhận gió và ánh sáng, hầu giúp cho nhà được sáng sủa, cũng như không khí không bị tắc nghẽn, ứ đọng, nên có ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe của mọi người sống trong nhà. Vì vậy, 1 nhà cần phải có nhiều cửa sổ, để cho mọi chỗ bên trong lúc nào cũng được sáng sủa (ngoại trừ vào ban đêm). Nếu 1 khu vực trong nhà lúc nào cũng u tối, không khí tù đọng thì sẽ dễ nảy sinh ra bệnh tật, nếu người trong nhà thường sinh hoạt hoặc ngủ tại đó. Nếu nơi đó lại có tử khí của Hướng tinh, hoặc những sát khí gây bệnh tật như Ngũ Hoàng, Nhị Hắc thì bệnh tật càng nặng, có thể đi tới tử vong.

      Vì vậy, 1 căn nhà bao giờ cũng cần có nhiều cửa sổ, nhưng số lượng bao nhiêu thì còn tùy vào nhiều yếu tố như hướng nhà, diện tích căn nhà là lớn hay nhỏ, cũng như hình dáng, thiết kế của căn nhà, chứ không thể theo 1 công thức nhất định là 1 cửa ra vào chỉ có thể có 3 cửa sổ như 1 số nhà Phong thủy thường lập đi lập lại. Chẳng hạn như 1 nhà tọa ĐÔNG hướng TÂY, rộng 6m, dài 12m, có 2 cửa ra vào trước, sau. Nếu nhà này có 1 cửa sổ cho mỗi mặt trước, sau, còn 2 cửa sổ cho mỗi bên hông thì cũng có thể nhận đủ ánh sáng. Vì tuy nhà tương đối rộng, nhưng 2 mặt ĐÔNG – TÂY đều có ánh nắng mặt trời rọi thẳng vào 2 buổi sáng – chiều, nên chỉ cần 1 cửa sổ tại những nơi đó cũng đã đủ.

      Nhưng nếu nhà này tọa BẮC hướng NAM thì 2 mặt tọa – hướng ít nhất cũng cần có 2 cửa sổ cho mỗi mặt, cộng với 3 cửa sổ cho mỗi bên hông thì mới đủ sáng. Vì tuy rằng 2 bên hông là 2 mặt ĐÔNG – TÂY, nhưng nó chỉ nhận nhiều ánh sáng nếu căn nhà nằm chơ vơ 1 mình trên 1 mảnh đất lớn. Chứ nếu nó nằm trong 1 khu đô thị thì 2 bên đều đã có nhà hàng xóm che chắn phần nào, nên ánh sáng sẽ không còn chiếu vào bên trong nhiều được nữa. 

      Còn nếu 1 căn nhà cũng tọa BẮC hướng NAM, nhưng rộng 20m, dài 30m, mà cũng chỉ có 2 cửa trước, sau, nhưng mỗi mặt của căn nhà tối thiểu cũng phải có ít nhất là 5 cửa sổ mới nhận đủ ánh sáng. Như vậy chẳng lẽ nhà này cần phải trổ thêm 4 cửa ra vào nữa cho phù hợp với nguyên tắc “1 cửa ra vào chỉ có thể có 3 cửa sổ” mà nhiều người thường nhắc đến?

      Một vấn đề khác là nhiều người vẫn cho rằng cửa sổ cũng nhận được khí vào nhà, vì vậy cần phải đặt chúng ở nơi có khí tốt, tránh những nơi có khí xấu. Nhưng thật ra, nếu cửa sổ nhận được khí mà lại nằm ở khắp mọi nơi chung quanh nhà thì nhà vừa nhận phải tạp khí, vừa nhận phải những khí suy, tử khác. Cho nên nhà nào cũng bị suy bại và gặp đủ mọi tai họa, chứ không nhà nào có thể sống yên ổn, làm ăn sung túc được. 

      – Thí dụ: nhà hướng CÀN (315 độ – TÂY BẮC), dọn vào ở trong vận 8, trạch vận như hình dưới.

   

     Nhà này chỉ có phía TÂY BẮC là đắc vượng khí (số 8), và phía ĐÔNG NAM đắc cát khí (số 1), còn 6 khu vực khác đều bị suy tử khí. Như vậy, nếu theo lối suy luận trên thì nhà này chỉ có thể mở cửa sổ được ở 2 khu vực TÂY NAM và ĐÔNG BẮC, còn mọi khu vực khác đều phải bít kín? Chỉ 1 điều này cũng đã cho thấy sự sai lầm của lập luận trên.

      Vì vậy, việc xếp đặt cửa sổ là có thể đặt ở bất cứ chỗ nào, và bao nhiêu cửa sổ cũng được, miễn sao mọi chỗ trong nhà đều được sáng sủa, không cần phải bật đèn nếu muốn làm 1 chuyện gì ở bất cứ khu vực nào trong nhà vào ban ngày. Đó là nhà nhận được đầy đủ ánh sáng, và thường là người trong nhà cũng nhanh nhẹn, minh mẫn, tháo vát, nhiều nghị lực, mạnh khỏe, sống lâu hơn nhà thiếu ánh sáng, u tối (ngoại trừ nhà có cửa ra vào bị Ngũ Hoàng, Nhị Hắc, hay phạm những cách xấu khác như Hạ thủy, Phản – Phục ngâm…mà gây ra bệnh tật hoặc tai họa chết người). Còn ngoài ra không cần phải theo 1 nguyên tắc nào cả. Nếu con cái có hỗn láo, hư hỏng là do bếp nằm không đúng chỗ, hoặc địa hình chung quanh nhà và thiết kế có những yếu tố xấu gây ra, chứ không phải vì nhà có nhiều cửa sổ.

      Một điều quan trọng khác là tuy nhà cần có gió, hầu làm cho khí lưu chuyển đi khắp mọi nơi trong nhà, cũng như mới đẩy được không khí cũ (tức thán khí) ra, và đưa khí mới (dưỡng khí) vào. Tuy nhiên, nếu gió vào quá mạnh thì lại làm thất thoát hết nguyên khí bên trong, mà khiến cho cả tài lộc lẫn sức khỏe đều suy sụp. Vì vậy, nếu đứng trong 1 căn nhà đã mở cửa sổ, mà nếu thấy không khí thoáng mát, di chuyển nhẹ nhàng thì đó là nhà tốt. Còn nếu thấy gió thổi vùn vụt, những đồ vật nhẹ bị thổi bay… thì đó là nhà xấu. Nếu đó chỉ là 1 cơn gió bất ngờ, thỉnh thoảng mới có 1 lần (nhất là lúc trời sắp mưa bão) thì không sao. Nhưng nếu thời tiết bình thường mà vẫn có gió mạnh thổi vào bên trong thì căn nhà đó thường sẽ bị hao tán rất nhiều về tài lộc, cho dù là cửa có đắc vượng khí đi nữa.

      * Bậc thềm: thông thường, nhà ở bao giờ cũng làm cao hơn sân hay đường xá phía trước, vì vậy nên hầu như nhà nào cũng có bậc thềm (steps) để đi từ dưới sân lên. Vấn đề làm nền nhà cao hơn sân cũng như mặt đường là điều tốt, và sẽ được nói rõ hơn trong bài kế tiếp. Riêng việc làm bậc thềm thì tùy theo nền nhà làm cao hơn sân bao nhiêu mà làm số bậc cho tiện xử dụng. Chẳng hạn như nếu nền chỉ làm cao hơn sân khoảng 60cm (3 feet) thì làm 3 bậc, nếu cao hơn 80cm thì làm 4 bậc…

      Còn bậc thềm có tốt hay xấu là phụ thuộc vào vị trí cửa (vì cửa nằm ở đâu thì bậc thềm thường cũng sẽ nằm ở đó), nên nếu vị trí cửa tốt thì bậc thềm sẽ tốt, còn nếu vị trí cửa xấu thì bậc thềm cũng sẽ xấu. Ngoài ra, cũng có 1 số trường hợp bậc thềm nằm ở 1 chỗ xa cửa, và có lối đi dẫn đến cửa. Trong trường hợp này thì cửa giữ vai trò quyết định: nếu vị trí cửa tốt, bậc thềm xấu thì nhà vẫn tốt. Nếu vị trí cửa xấu, bậc thềm tốt thì nhà vẫn xấu. Vì vậy, không cần phải câu nệ theo số bậc như cách tính sinh – lão – bệnh – tử, là hễ bậc cuối cùng lọt vào chữ “sinh” thì tốt, còn nếu lọt vào 3 chữ kia “lão – bệnh – tử” thì xấu, tức là số bậc chỉ nên làm 1 hay 5 bậc mà thôi. 

    Chicago, 27/8/2012

    Bình nguyên Quân