Trong quyển “Thiên ngọc kinh” – 1 trong những tác phẩm kinh điển nhất của Phong thủy Huyền không – Dương quân Tùng đã viết 4 câu sau:
“Càn sơn, Càn hướng, thủy triều Càn, Càn phong xuất Trạng nguyên,
Mão sơn, Mão hướng, Mão nguyên thủy, sậu phú Thạch Sùng bỉ,
Ngọ sơn, Ngọ hướng, Ngọ lai đường, đại tướng trị biên cương,
Khôn sơn, Khôn hướng, Khôn thủy lưu, phú quý vĩnh vô hưu”.
Tạm dịch là:
“Sơn Càn, hướng Càn, nước triều bái Càn, núi Càn sẽ phát Trạng nguyên,
Sơn Mão, hướng Mão, nguồn nước Mão sẽ giàu có nhanh chóng như Thạch Sùng,
Sơn Ngọ, hướng Ngọ, Ngọ tới phía trước (minh đường) sẽ có đại tướng trấn giữ biên thùy,
Sơn Khôn, hướng Khôn, nước chảy phương Khôn thì giàu sang mãi không dứt”.
Từ đó đến nay, trải qua hơn 10 Thế kỷ (Dương quân Tùng làm quan dưới thời Đường Huyền Tông – cai trị Trung hoa từ năm 713 đến 762 sau Công Nguyên. Đến khi có loạn An lộc Sơn thì ông về ẩn dật, viết sách và dạy Phong thủy), 4 câu trên đã được lưu truyền rộng rãi – chẳng những trong giới tìm hiểu, nghiên cứu Phong thủy, mà cả trong dân gian – nhưng rất ít người hiểu được nó. Vì vậy, mặc dù đã có nhiều sách vở bình chú, giải thích, nhưng hầu hết đều sai, hoặc nếu thật sự hiểu được (như Tưởng đại Hồng) thì lại cố tình che đậy, mà làm cho ý tưởng của Dương quân Tùng càng thêm phức tạp và rối rắm hơn.
Chính vì vậy nên khi mới đọc “Thiên ngọc Kinh” và 4 câu này, tôi đã gạt nó sang 1 bên và chẳng lưu tâm gì tới. Phải đến khi đọc cuốn “Âm – dương nhị trạch lục nghiệm” của Chương trọng Sơn, phần ông luận đoán về “Mộ tổ của Kê trung Đường”, tôi mới dần dần nghĩ ra. Ngôi mộ này tọa TÝ hướng NGỌ kiêm NHÂM – BÍNH (trên 3 độ – vì Chương trọng Sơn dùng Thế quái khi an Sơn tinh), lập trong vận 3. Phía TÂY BẮC có long (hay núi) đến từ phương CÀN – HỢI, tới phía BẮC (KHẢM) thì nhập thủ (lặn xuống đồng bằng). Phương TÝ (phía BẮC) có dòng nước chảy vào hồ lớn ở CẤN phía ĐÔNG BẮC. Phía TÂY là ruộng thấp, nơi đó có dòng nước chảy qua TÂY NAM, đến phương KHÔN thì uốn khúc, chảy đến phía NAM thì mở thành biển hồ lớn. Khi qua phía ĐÔNG NAM thu hẹp lại, tới phương TỐN uốn khúc rồi đi mất về phương TỐN. Địa thế và vận khí ngôi mộ như những hình bên dưới.
Chương trọng Sơn luận về ngôi mộ này như sau: “Sơn Mão, hướng Mão, nguồn nước Mão, lại đúng với toàn cuộc Giang Tây thì lúc mới táng không thể phát, mà tới vận 6 mới đại phát phú quý”. Ở đây nói “ Sơn Mão, hướng Mão” là vì trong vận 3, Sơn tinh 3 (số 3 màu đỏ) tới tọa (phía sau), Hướng tinh 3 (số 3 màu xanh nước biển) tới hướng (phía trước), tức là tọa – hướng của ngôi mộ đều đắc vượng khí của Sơn – Hướng tinh. Còn gọi số 3 là “Mão” vì nó bao gồm 3 quẻ “GIÁP – MÃO – ẤT” (tức ĐỊA – THIÊN – NHÂN nguyên long), nhưng chỉ gọi theo Thiên nguyên long (Mão) vì khi xây nhà, lập mộ theo những hướng đó (TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU, CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN đều thuộc Thiên nguyên long) thì mới phát huy được nhiều nhất mọi sự tốt đẹp của nó. Còn nếu lập theo những hướng thuộc Địa nguyên long (GIÁP, CANH, NHÂM, BÍNH, THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI) thì sẽ kém hơn 1 chút. Nếu lập theo những hướng thuộc Nhân nguyên long (ẤT, TÂN, ĐINH, QUÝ, DẦN, THÂN, TỴ, HỢI) thì sẽ kém đi nhiều, mặc dù là địa hình chung quanh đều tốt hoặc giống nhau.
Vì vậy, khi nói “Mão sơn, Mão hướng” tức là chẳng những ám chỉ nhà (hay mộ) đắc vượng khí của sơn – hướng tinh tới tọa – hướng, mà còn là nhà (hay mộ) đó lập tọa – hướng theo Thiên nguyên long nữa. Cho nên như mộ này là tọa TÝ hướng NGỌ, nhưng phía sau có Sơn tinh 3 tới, quẻ Mão của số 3 trùng với TÝ của phương tọa, nên không gọi TÝ mà lại gọi “Mão sơn”. Ở phía trước có Hướng tinh số 3 tới, quẻ Mão của nó cũng trùng với NGỌ của hướng mộ, nên không gọi NGỌ, mà lại gọi là “Mão hướng”.
Còn vấn đề “Mão nguyên thủy” (tức “nguồn nước Mão”) là do thủy từ phía TÂY chảy đến hội tụ và mở lớn thành biển hồ ở phía NAM, nhất là ở phương NGỌ. Mà như đã nói ở trên là NGỌ trùng với MÃO của Hướng tinh, nên không gọi “Ngọ nguyên thủy”, mà lại gọi “Mão”. Còn chữ “nguyên thủy” (dịch là “nguồn nước”) là chỗ phát nguồn của 1 con sông, hay 1 dòng nước, nên đúng ra là ở phía TÂY, chứ đâu phải phía NAM của ngôi mộ này? Nhưng vì thủy ở phía TÂY nông và tản mát, chỉ đến khi nó đến phía NAM mới tụ lại thành hồ lớn, rồi từ đó chảy đi những nơi khác, nên hồ nước đó chính là “nguồn nước” của con sông này, nên mới gọi là “Mão nguyên thủy”. Ở đây, biển hồ chiếm trọn khu vực phía NAM, gồm cả 3 phương BÍNH – NGỌ – ĐINH, nên đúng ra là thủy pha tạp, cát – hung lẫn lộn, nên làm sao đại phát phú quý được? Đó là vì quẻ “Phụ Mẫu” (hay quẻ “Cha, mẹ”, tức Thiên nguyên long) có thể kiêm dùng được quẻ “Tử tức” (con cái), dù là “Nghịch tử” (“con ngỗ nghịch”, tức Địa nguyên long) hay “Thuận tử” (“con biết nghe lời”, tức Nhân nguyên long). Đây chính là ưu điểm lớn khi thiết lập nhà hay mộ theo tọa – hướng thuộc Thiên nguyên long, còn nếu tọa – hướng thuộc Địa hoặc Nhân nguyên long mà có biển hồ như thế này thì đã bị tạp khí, nên có phát cũng không mạnh, hoặc lại bị những tai họa khác. Trường hợp này cũng cho thấy ưu điểm của Huyền không Phi tinh, chứ nếu chia hướng NAM thành hơn 8 quẻ khác nhau như những phái Huyền không theo quẻ dịch thì đã không dám xử dụng những biển, hồ, sông, núi lớn, hay bao gồm nhiều khu vực như thế. Cho nên rốt cuộc chỉ có thể dùng được những tiểu cục (cục diện nhỏ hẹp) mà thôi.
Qua trường hợp này, người đọc đã có thể hiểu được “Mão sơn, Mão hướng, Mão nguyên thủy, sậu phú Thạch Sùng bỉ” có nghĩa là tọa đắc vượng khí của Sơn tinh, hướng đắc vượng khí của Hướng tinh, lại có nguồn thủy lớn, hội tụ tại phương vị của chính hướng (như trường hợp này là mộ hướng NGỌ, phương NGỌ có nguồn thủy tụ hội) thì mới được giàu có như Thạch Sùng thời nhà Tấn. Vì vậy, tuy cái gì cũng gọi là “Mão”, nhưng thật ra nó vẫn bao gồm sơn (tọa), hướng (phía trước) và thủy đều đắc vượng khí. Cho nên khi Tưởng đại Hồng chú 4 câu này đã viết “long, hướng, thủy 3 loại cùng quy sinh vượng” tức là có ý đó. Ở đây ông dùng chữ “long” (ám chỉ rồng, hay thế đi của long mạch hoặc núi), nên chữ “long” hay “sơn” cũng là 1 mà thôi. Ông lại nói “cùng quy sinh vượng” để người đời lầm tưởng ông dùng thủy pháp của phái Tam hợp là Sinh, Vượng, Mộ, mà thật ra là sơn (núi), hướng, thủy đều phải đắc vượng khí theo Huyền không. Còn lý do tại sao mộ này tọa – hướng đều đắc vượng khí, lại có thủy tụ lớn ở phía trước, nhưng Chương trọng Sơn đoán lúc mới lập mộ không phát, mà khoảng gần 60 năm sau (tức từ vận 3 tới vận 6) mới phát thì không liên quan đến chủ đề của bài viết, nên không nói ở đây. Nhưng chỉ để người đọc lưu ý, không thôi lại nói Huyền không Phi tinh sai, mà thật ra trình độ chưa đủ để nhận ra thôi.
Từ trường hợp này quay trở về câu đầu tiên là:
“Càn sơn, Càn hướng, thủy triều Càn, Càn phong xuất Trạng nguyên”
thì sẽ hiểu là tọa (hoặc núi) đắc vượng khí của Sơn tinh, hướng đắc vượng khí của Hướng tinh. Còn “thủy triều Càn” tức là thủy đến triều bái ở phía trước mộ huyệt (hay nhà cửa). Nhưng như thế nào mới được gọi là “thủy triều bái”? Đó là thủy khi đến phía trước mộ (hay nhà) thì chảy chậm rãi, quanh co, uốn lượn, ôm ấp lấy khu vực đó, hoặc gấp khúc nhiều lần. Rồi trước khi chảy đi phải “ngoái đầu nhìn lại” như hối tiếc, không nỡ bỏ vùng đất đó mà đi (thế nước này gọi là “Hồi long cố tổ”). Hoặc là nơi đó có nhiều dòng nước hội tụ, hay có hồ nước lớn, trong, sâu mà không biết nước từ đâu chảy tới thì đều là những cách thủy triều bái minh đường (tức “thủy triều Càn”).
Kế đó lại còn phải có thêm “Càn phong” (tức “núi Càn”) nữa thì nhà mới có thể phát Trạng nguyên. Nhưng “Càn phong” là như thế nào? Nó không những ám chỉ là chỗ có vượng khí của Sơn tinh cần phải có núi, mà vị trí núi phải nằm đúng với chính tọa của ngôi mộ (hoặc căn nhà), đồng thời hình dạng của núi đó phải phù hợp với đặc tính của Sơn tinh nữa.
Thí dụ: nhà tọa CẤN hướng KHÔN, lập trong vận 6. Vận khí căn nhà như hình dưới.
Nhìn vào bảng trên, ta thấy nhà này được vượng khí của Sơn tinh đến phía sau, vượng khí của Hướng tinh đến phía trước, nên đắc cách “vượng sơn vượng hướng”. Nhưng vì tọa là CẤN, trùng với quẻ CÀN của số 6 (số 6 gồm 3 quẻ là TUẤT – CÀN – HỢI), nên không gọi “CẤN sơn”, mà lại gọi “CÀN sơn”. Còn hướng là KHÔN, trùng với quẻ CÀN của số 6, nên không gọi “KHÔN hướng”, mà lại gọi “CÀN hướng”. Kế đó, nếu phương KHÔN có thủy triều bái thì được gọi là “thủy triều CÀN”. Rồi phía sau nhà có núi, nhưng vị trí của núi đó phải nằm đúng với chính tọa của căn nhà (tức phương CẤN, trùng với quẻ CÀN của số 6). Hơn nữa số 6 thuộc hành KIM, là sao Vũ Khúc, nên núi cần có dạng hình KIM (KIM hình, tức hình dạng như cái chuông úp) thì mới được gọi là “Càn phong”. Có đủ những yếu tố đó thì nhà mới có người đỗ Trạng nguyên (tức đỗ đầu Tiến sĩ) được.
Những tiêu chuẩn trên quả thật là khó, và sẽ có người đặt câu hỏi rằng tại sao thời nay (hay những thời trước) có nhiều người học rất giỏi, đậu rất cao, danh tiếng lẫy lừng, thế nhưng mồ mả hay nhà cửa cũng chưa chắc đã có được những tiêu chuẩn như vậy? Nhưng thật ra nếu xét lại thời đại mà Dương quân Tùng sống, lúc đó phải nhiều năm triều đình mới mở 1 khóa thi, mà ai đậu Trạng thì không những là chỉ có cái bằng cấp hư danh, mà sẽ được trọng dụng, địa vị sau này ít nhất cũng phải tới Thượng thư (tức bộ trưởng) hoặc Tể tướng (tức Thủ tướng) bây giờ, cho nên quyền lực rất lớn, bổng lộc, tài sản cũng rất nhiều, tức là được đại quý, đại phú, cho nên tiêu chuẩn mới khó khăn như thế. Còn sau này nhiều người đậu cao, nổi danh khắp thiên hạ, nhưng cũng chỉ đi làm kiếm sống, quyền lực không có…là do không hội đủ những điều kiện trên.
Một điểm nữa là có 1 số người do thiếu hiểu biết về loan đầu, nên khi dịch câu này đã viết là “thủy lưu Càn”. Đó là do không hiểu được rằng phải có “thủy triều Càn” thì mới phát đại phú, đại quý. Còn nếu “thủy lưu Càn” thì chỉ là tiểu phú, tiểu quý mà thôi. Hoặc có người còn cho rằng nếu lập mộ hướng CÀN thì nơi đó cần có núi để ngăn cản gió lạnh từ phía TÂY BẮC tới, mà không hiểu rằng nếu đã là chân long huyệt thì gió đã không thể vào được, nên đâu cần Dương quân Tùng phải căn dặn điều đó.
Ngoài ra, cũng cần để ý là đối với trường hợp “Càn sơn, Càn hướng, thủy triều Càn, Càn phong xuất Trạng nguyên” thì không phải chỉ có nhà hay mộ đắc cách “vượng Sơn vượng hướng” mới có, mà ngay cả nhà hay mộ đắc cách “Song tinh đáo hướng” (tức vượng khí của Sơn tinh và Hướng tinh đều đến phía trước), mà phía trước có thủy triều bái, ngoài xa có núi cao, ứng hợp với vị trí và hình dạng của Sơn tinh thì cũng sẽ phát Trạng Nguyên.
Thí dụ: nhà tọa TÝ hướng NGỌ, lập trong vận 6, vận khí căn nhà như bảng dưới.
Nhà này vượng khí của Sơn và Hướng tinh đều đến phía trước, nhưng hướng là NGỌ, trùng với quẻ CÀN của số 6, nên vẫn gọi “Càn sơn, Càn hướng”. Nếu phía trước có thủy triều bái, ngoài xa có núi lớn hình KIM, lại nằm đúng vị trí thì vẫn là “thủy triều Càn, Càn phong xuất Trạng nguyên” vậy.
Qua phần giải thích về 2 câu đầu chắc người đọc đã không còn thắc mắc về vấn đề “sơn, hướng” nữa, nên qua câu thứ 3 là “Ngọ sơn, Ngọ hướng, Ngọ lai đường, đại tướng trị biên cương” thì mọi người chắc cũng đoán được “Ngọ sơn, Ngọ hướng” là gì. Nhưng nếu để ý đến mọi cách cuộc của Phi tinh trong vận 9 thì chỉ có cách “Song tinh đáo hướng” hoặc “Song tinh đáo tọa”, chứ không có cách “vượng sơn, vượng hướng” cho vận này. Còn nói “Ngọ lai đường” (tức “thủy tới Minh đường”, là phần phía trước của mộ huyệt), nên là thủy từ phía trước chảy thẳng tới Minh đường. Điều này tức là Dương quân Tùng chỉ nói đến trường hợp “Song tinh đáo hướng” mà thôi. Thủy chảy thẳng đến Minh đường đúng ra là 1 hung cách của Loan đầu, nhưng nếu gặp “Song tinh đáo hướng” thì sẽ phát như sấm sét, nên mới xuất đại tướng trấn ngự biên thùy. Hơn nữa, nói “Ngọ lai đường” tức là thủy xuất phát từ Ngọ, nên nơi đó phải là vùng đất cao, hoặc có núi thì nước mới có thể từ đó mà chảy thẳng đến mộ huyệt, tức là phía trước nhà hay mộ đó đã đắc cách “ngoại thủy hữu sơn”. Nếu núi càng cao, dòng nước càng lớn, dài thì uy danh càng lừng lẫy. Do đó, mặc dù vượng khí của Sơn tinh đến phía trước đúng ra là bị “Hạ thủy” (rơi xuống nước), chủ chết người, nhân đinh suy bại, nhưng ngoài xa có núi, nên vẫn là cách “vượng sơn”, cho nên vẫn nói “Ngọ sơn, Ngọ hướng” là vì thế.
Đến câu cuối cùng là “Khôn sơn, Khôn hướng, Khôn thủy lưu, phú quý vĩnh vô hưu” thì chắc ai cũng có thể đoán là nhà được “vượng sơn, vượng hướng”, phía trước có con sông chảy qua nên phú quý lâu dài. Điều cần lưu ý là con sông cần phải chảy chậm rãi, còn nếu chảy nhanh thì chỉ phát trong 1 vận mà thôi, chứ sẽ không được lâu dài như câu trên. Nếu nước chảy quá nhanh, hoặc nghe tiếng nước chảy ào ào thì sợ phú quý chưa hết 1 vận đã tan tành, hoặc dù có phát cũng gặp nhiều biến động, sóng gió. Cho nên tùy theo cục thế của Loan đầu như thế nào mà phát sớm hay chậm, lâu hay ngắn, chứ không phải nhà có Phi tinh như thế thì nhất định phải phát, nếu không phát tức là Phi tinh sai…
Nói tóm lại, 4 câu trên chỉ là sự kết hợp giữa Phi tinh với hình thế sông, núi bên ngoài để phát phú quý mà thôi. Trong đó lại phân ra muốn được đại phú quý thì sơn thủy phải vừa lớn, vừa đẹp (tức sơn thanh thủy tú). Nếu muốn thành “phú gia địch quốc” (giàu có không thua gì tài sản của 1 quốc gia) thì thủy phải tàng chứa thật to lớn, hùng hậu, sâu thẳm. Nếu là đại tướng xông pha lửa đạn thì phải gặp “sát thủy”. Nếu chỉ cầu tiểu quý, tiểu phú thì chỉ cần 1 dòng nước chảy qua cũng đủ. Nhưng trong đó vẫn phải kết hợp với khí sinh, vượng của Phi tinh, vì nếu không có nó thì nhiều khi phú quý không đạt được, mà còn mắc thêm tai họa nữa là khác.
Qua phần trên có thể thấy là chỉ có Huyền không Phi tinh mới giải thích được tại sao trong 4 câu văn cứ lập đi, lập lại mấy chữ “Càn, Mão, Ngọ, Khôn”. Ngoài ra, qua đó có thể hiểu là trong bất cứ vận nào cũng phát Trạng Nguyên, đại tướng…được, miễn là nhà đắc vượng khí của Sơn – Hướng tinh, lại có sơn, thủy phù hợp bên ngoài, chứ không phải chỉ trong vận 6 mới có nhà phát Trạng, hoặc trong vận 3 mới có nhà đại phú…Còn những phái khác vì không hiểu, nên hoặc cho đây là thủy pháp (phương pháp xử dụng thủy) của Dương quân Tùng (tuy cũng đúng, nhưng không đầy đủ, vì thủy pháp của ông còn rất nhiều, nên 4 câu này thật ra chỉ là tóm tắt). Hoặc chỉ nói tới vấn đề đồng nguyên long giữa sơn, hướng, thủy (tức nhất quái thuần thanh mà mọi phái Huyền không đều biết)…mà thôi. Bốn câu này cũng là 1 trong nhiều bí quyết về “Huyền không đại quái”, đó là kết hợp Phi tinh với sơn, thủy bên ngoài, hoặc với những yếu tố khác, chứ không phải là xử dụng quẻ dịch như 1 số người lầm tưởng.
Ngày 10 tháng 8 năm 2016
BNQ