GIẢI ĐÁP THẮC MẮC – HUYỀN KHÔNG (3)

H: Sách Trạch vận tân án có viết:”Phối hợp dùng cả Huyền không Phi tinh và Huyền không Đại quái là mức độ cao nhất của Huyền không phong thủy”. Vậy Huyền không Đại quái là gì?

TL: Trong phần chú giải cuốn Thiên ngọc kinh, ngay từ câu đầu tiên, Tưởng đại Hồng đã viết:Thiên Ngọc kinh nội truyện tức Thanh nang áo ngữ ai tinh ngũ hành bao gồm những nguyên lý về Huyền không Đại quái được Dương công (tức Dương quân Tùng) khéo dùng“. Vì vậy, những gì viết trong Thiên ngọc kinh như Linh – Chính thần, hợp thập, Tam ban quái, Thất tinh đả kiếp, Tam cát, Thu sơn xuất sát… đều chính là Huyền không Đại quái.

 

H: Gọi là “Đại quái” có phải là vì dùng 64 quẻ (quái) Dịch không?

TL: Không phải, mà là khi dùng thì kết hợp nhiều yếu tố hơn, tầm vóc bao quát, rộng lớn hơn, nên mới gọi là “Đại quái”, để phân biệt với Phi tinh là chỉ xử dụng đơn thuần 1 số, hay 1 yếu tố mà thôi, như “Đáo sơn, đáo hướng”, “Thượng sơn, hạ thủy”, “Phản ngâm, Phục ngâm”…

 

H: Nếu vậy tại sao không gọi bằng những từ khác, mà lại dùng chữ “QUÁI”?

TL: Huyền không tuy dùng số (Cửu tinh), nhưng vẫn gọi chúng, cũng như nhiều cách, cục khác là “QUÁI” như Hạ quái (cách an tinh bàn), Thế quái (cách dùng số thay thế khi kiêm hướng nhiều), Tam ban quái, Liên châu quái, Phụ mẫu quái…đều là dùng chữ “QUÁI”, nhưng là xử dụng số, chứ không phải là quẻ Dịch.

 

H: Vậy thì môn “Huyền không Đại quái” ứng dụng 64 quẻ Dịch trong la bàn là gì? Nó có thật sự là Huyền không Đại quái không?

TL: Huyền không sau này bị chia thành nhiều phái, với mỗi phái đều có “Đại quái” riêng của họ, nhưng theo tôi nghĩ chỉ có Huyền không Đại quái của phái Vô Thường do Chương trọng Sơn sáng lập là đúng mà thôi. Lý do vì chỉ có ông mới hiểu và chú giải đúng Thiên ngọc kinh. Mà Huyền không Đại quái của Chương trọng Sơn cũng chỉ dùng số, chứ không dùng quẻ Dịch, cho nên có thể nói những môn Huyền không Đại quái mà dùng quẻ Dịch nói riêng, hay những môn Phong thủy mà dùng quẻ Dịch nói chung đều không phải là Huyền không chân chính.

 

H: Tôi thấy những phái “Huyền không Đại quái” dùng quẻ Dịch cũng có chú giải Thiên ngọc kinh. Nếu họ không hiểu cuốn sách này thì làm sao có thể chú giải được?

TL: Những phái “Huyền không Đại quái” theo quẻ Dịch khi chú giải cuốn sách này hoặc là sai, hoặc cho thấy chính họ cũng chưa hiểu nó, nên làm sao có thể ứng dụng đúng được? Tôi được 1 người bạn tặng cho những bài giảng của Tăng tử Nam về Huyền không Đại quái theo quẻ Dịch, trong đó có phần ông ta giải thích cuốn Thiên ngọc kinh. Nhưng khi đọc mới thấy những lời chú giải của ông chỉ toàn là lập lại những gì mà Tưởng đại Hồng đã viết, rồi thêm thắt bậy bạ vào thôi, chứ thật sự ông ta cũng không hiểu gì cả. Lấy thí dụ như đoạn sau đây:

“Càn sơn Càn hướng thủy triều Càn, Càn phong xuất Trạng nguyên,

Mão sơn Mão hướng Mão nguyên thủy, sậu phú Thạch Sùng bỉ,

Ngọ sơn Ngọ hướng Ngọ lai đường, đại tướng trị biên cương,

Khôn sơn Khôn hướng Khôn thủy lưu, phú quý vĩnh vô hưu”.

Tạm dịch là:

Tọa Càn, hướng Càn, nước chầu về Càn, có núi Càn thì nhà phát Trạng nguyên,

Tọa Mão, hướng Mão, nguồn nước Mão, nhà sẽ giàu có bất ngờ như Thạch Sùng,

Tọa Ngọ, hướng Ngọ, Ngọ đến phía trước, nhà sẽ có đại tướng trấn ngự biên thùy.

Tọa Khôn, hướng Khôn, nước chảy phương Khôn, nhà sẽ được phú quý lâu dài.

Tưởng đại Hồng chú giải 4 câu này như sau:

“Đó là huyền không đại quái pháp hướng thủy kiêm thu, cử 4 sơn làm lệ, kỳ dư đều  là thuần thanh trong quẻ nội. Sơn ở trong quẻ Càn thì hướng cũng trong quẻ nội cung Càn, mà thu nước quẻ nội cung Càn, tức long hướng thủy 3 điều đều quy sinh vượng vậy (tắc long hướng thủy tam giả, câu quy sanh vượng hĩ”. Đó không phải là thuyết hồi long cố tổ, khi nói trạng nguyên hoặc nói đại tướng, hay chợt giàu là đều cử làm ý, chứ không nên câu chấp. “Tắc long hướng thủy tam giả, câu quy sanh vượng hĩ” tức là long, hướng, thủy 3 loại cùng quy sinh vượng”.

Còn Tăng tử Nam chú như sau:

“Đây là nói nhất quái thuần thanh, tức là sơn trong quái của Càn cung lập hướng trong quái của Càn cung, mà thâu thủy trong quái của Càn cung, đấy là long hướng và thủy đều quy về sinh vượng. Mão Sơn Mão hướng, Ngọ Sơn Ngọ hướng, Khôn Sơn Khôn hướng cũng như vậy.

Như nhất vận thâu Khôn long có 2 thủy Tung, Càn hội ở quẻ Thái, tiêu ở Đồng Nhân quái, quẻ Thái lại có tú phong mà lập hướng ở Thái, Thái thuộc Càn cung, quẻ Bỉ 3 hào trên thuộc Càn, ấy là thiên địa giao thái, chính là đại địa tam nguyên bất bại. Loại cách cuộc này biến hóa vô cùng; 3 cuộc Mão Sơn Mão hướng, Ngọ Sơn Ngọ hướng, Khôn Sơn Khôn hướng cũng theo đó mà quyền. Nói Càn sơn mà trong đó cũng có Tốn Cấn, nói Ngọ Mão mà cũng có Tí Dậu trong đó. Quái khí một loại, cách cuộc này so với cách cuộc nhứt quái thuần thanh, sinh vượng kiêm thâu thì lực lượng mạnh hơn”.

Cho nên khi chú giải 4 câu đó của Thiên ngọc Kinh thì thật ra Tăng tử Nam chỉ lập lại những gì Tưởng đại Hồng đã viết, rồi dựa theo đó mà thêm thắt bậy bạ (Tung, Càn hội ở quẻ Thái…”, “nói Càn mà cũng có Tốn Cấn…). Thật ra, toàn bộ đoạn văn chú giải của Tưởng đại Hồng chỉ quy vào có 4 chữ “hướng – thủy kiêm thu”, hay nói cho rõ hơn là tọa – hướng tốt lại có được sơn – thủy tốt. Còn “thủy triều Càn, Càn phong”, “Mão nguyên thủy”, “Ngọ lai đường”, “Khôn thủy lưu” đều là những hình dáng của Sơn – thủy đến phía trước hay phía sau mà thôi. Nói “Càn sơn, Càn hướng” mà lại thêm “Càn phong” tức là hình dáng núi phải ứng hợp với vận khí, chứ không phải núi nào cũng được. Như trong vận 6, phương tọa có Sơn tinh 6 thì núi tại phương đó phải có hình KIM mới phù hợp với số 6 (Kim tinh) để mà phát Trạng nguyên. Nếu gặp những dạng núi hình Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thì sẽ không ứng hợp, nên tuy vẫn phát nhân tài, nhưng không đỗ đầu Tiến sĩ và làm quan lớn được. Còn nói “Càn sơn, Càn hướng” cũng không có nghĩa là chỉ có nhà cửa, phần mộ thuộc những hướng đó mới phát Trạng nguyên, mà là khu vực có vượng khí của Hướng tinh được Thủy triều bái, khu vực có vượng khí của Sơn tinh được núi ứng hợp thì sẽ phát Trạng. Cũng không phải chỉ trong vận 6 mới có cách đó, mà vận nào cũng có được. Như trong vận 1 có núi thuộc Thủy hình, vận 2 có núi thuộc Thổ hình…, lại có thủy triều bái thì đều phát Trạng.  Cho nên Tưởng đại Hồng mới nói chỉ “cử 4 sơn làm lệ (tức thí dụ)”. Đó cũng chính là “Huyền không đại quái” biết kết hợp nhiều yếu tố với nhau (trường hợp 4 câu này là giữa phi tinh với sơn, thủy của loan đầu). Chứ vấn đề nhất quái thuần thanh thì khi mới học Huyền không đã phải biết tới, đâu phải chờ đọc gần hết cuốn Thiên ngọc kinh mới biết. Hơn nữa, dù có nhất quái thuần thanh cũng không đủ để mà phát Trạng nguyên, xuất đại tướng… được. Vì vậy, rõ ràng là Tăng tử Nam không hiểu gì về 4 câu này cả.

Hay như 1 đoạn khác trong Thiên ngọc kinh viết:

” Âm – dương nhị tự khán Linh – Chính, tọa – hướng tu tri bệnh,

Nhược ngộ Chính thần chính vị trang, bát thủy nhập Linh đường.

Linh đường chính hướng tu tiêu hảo, nhận thủ lai sơn não,

Thủy thượng bài long điểm vị trang, tích túc vạn dư sương”.

Tạm dịch là:

Dùng 2 chữ Âm – Dương để xét Linh – Chính thần, sẽ biết được sự sai lầm (bệnh) của tọa – hướng,

Nếu đặt (mộ huyệt, nhà cửa) theo đúng vị trí của Chính thần, thủy của 8 hướng sẽ tụ về Linh đường.

Lấy Linh đường làm chính hướng là cách tốt đẹp, vì sẽ nhận được chính khí của lai sơn (tức long mạch đang tiến tới),

Xếp đặt long trên thủy để định vị trí (cho mộ huyệt, nhà cửa), sẽ có đủ thóc lúa để nuôi sống vạn mái nhà.

Tưởng đại Hồng chú giải 4 câu này như sau:

“Thanh Nang, Thiên Ngọc gồm lấy vị trí Sinh Vượng trong quẻ làm Chính thần, lấy vị trí  suy bại, xuất quẻ làm Linh thần, nên Âm – Dương giao cấu toàn tại 2 chữ Linh – Chính. Nếu Linh – Chính không rõ, Sinh Vượng tất có bệnh vậy. Nếu biết cớ đó, mà lấy Chính thần đặt trên hướng là Sinh nhập, lấy Linh thần đặt trên thủy là Khắc nhập, tức Linh Đường Chính Hướng thì sẽ kiêm thu được cái khéo ấy. Hướng thủy đã khéo mà não của lai sơn chưa chắc đã tương hợp với Tọa Hướng, nên lại phải xem lai sơn đến với Tọa Hướng phải đồng trong 1 quẻ. Tức lai mạch đã hợp không những với Vượng khí của Hướng mà thủy cũng vậy. Vì Sơn có lai Não của sơn, mà Thủy cũng có Lai Nguyên của Thủy, Thủy long tức là Sơn long, cũng cần đốt đốt mà xắp đi, điểm vị mà đạt thành, quả đặng bước bước Linh thần. Tức lai mạch của thủy với nhập khẩu thủy đồng 1 khí, tọa hướng của Sơn với lai mạch của Sơn đồng 1 khí thì Linh Chính 2 đường tuyệt không phức tạp, mà là đại địa không còn nghi ngờ gì nữa”.

Còn Tăng tử Nam chú giải như sau:

“Linh thần và Chính thần đã có nói qua, tức là lấy vị trí sinh vượng trong quái là Chính thần, lấy vị trí suy bại xuất quái là Linh thần. Cho nên Âm – Dương giao cấu toàn tại nơi 2 chữ Linh và Chính. Linh – Chính mà không rõ ràng thì sinh vượng cũng có bệnh, thiên vận mà quyền diễn không đủ thì Linh – Chính cũng theo đó mà biến thiên.

Nếu thấu triệt được lý này thì khi gặp Chính thần đủ khí, tức lấy Chính thần trang tại hướng thượng (tức đặt trên hướng) để làm sanh nhập thì có thể thâu nhiếp khí sinh vượng của sơn long. Lại lấy linh thần trang tại thủy thượng (tức đặt trên thủy) để khắc nhập, tức có công hiệu của Ký Tế, đấy là diệu dụng Linh đường chính hướng kiêm thâu vậy. Nhưng khi hướng thủy đã tốt mà lai sơn khúc triết thì chưa hẳn đã tương hợp với tọa hướng, nên phải nhận thủ khởi định xuất mạch thủ não, lại cùng trong quái với tọa hướng để thuần thâu bổn quái sinh vượng thì 3 thứ hướng, long và thủy đều tốt, là nhứt hướng vượng khí, đấy là cách cuộc sơn long toàn mỹ.

Sơn có thủ não của sơn, thủy cũng có nguyên đầu của thủy. Thủy long tức là sơn long; thủy long mà rộng lớn, có khi theo 1 quái mà lai (đến), cũng có khi kiêm 2 quái mà lai, nên cần phải xét định nguyên lưu, từng tiết bài khứ, điểm vị trang thành, như năng từng bước Linh thần, từng tiết phu phụ đồng hành thì lai mạch của thủy với nhập khẩu của thủy đều là 1 khí; tọa hướng của sơn với lai mạch của sơn đều là 1 khí, như vậy 2 đường Linh – Chính không chút loạn tạp nên nhất định là đại địa”.

Một lần nữa, Tăng tử Nam cũng chỉ lập lại những gì Tưởng đại Hồng đã viết, chỉ là thay đổi từ ngữ hoặc cách nói mà thôi. Mà thật ra, trong Thiên ngọc kinh đã nói khá rõ là nếu lấy phương Chính thần làm tọa (Chính thần chính vị trang), phương Linh thần làm hướng (Linh đường [tức Linh thần] chính hướng) thì thủy từ 8 phương sẽ tụ về phía trước (Linh đường) mà tài lộc sẽ thật sung túc. Còn nói ” Âm – dương nhị tự khán Linh – Chính” tức là nói lấy phương suy bại, thất vận (Âm) làm Linh thần; phương đương vượng (Dương) làm Chính thần. Nhưng Tưởng đại Hồng đã cố tình che đậy, tung “hỏa mù” để đánh lạc hướng người đọc, nên nào là ” Linh – Chính không rõ thì Sinh Vượng tất có bệnh”, rồi “Chính thần đặt trên hướng, Linh thần đặt trên thủy”, “Thủy long tức là Sơn long, cũng cần đốt đốt mà xắp đi”, “Tọa hướng của Sơn với lai mạch của Sơn đồng 1 khí”… đều chỉ là dông dài, nhảm nhí, nhưng cũng được Tăng tử Nam lập lại như những yếu quyết chân chính vậy!!!

 

H: Trong những lời chú giải của Tưởng đại Hồng mà anh đưa ra thì tôi thấy ông hay dùng chữ “quẻ”. Có phải vì vậy mà sau này mới xuất hiện những phái Huyền không dùng quẻ Dịch không?

TL: Đúng vậy! Trong những lời chú giải thì ông hay dùng những từ như “quẻ”, “hào” mà khiến cho người sau nhận lầm đó là quẻ Dịch. Tuy rằng cũng có lúc ông đã vạch rõ cho thấy chữ “quẻ” mà ông nói không phải là quẻ Dịch, như khi chú giải cho 2 câu sau trong Thiên ngọc Kinh:

” Nhị thập tứ long quản tam quái, mạc dữ thời sư thoại,

Hốt nhiên tri đắc tiện thông thiên, đại đại cô biền điền”.

Tạm dịch là:

“24 Long (hoặc 24 sơn) bao gồm Tam quái (3 quẻ), điều này không thể nói với các nhà Phong thủy đương thời,

Đến khi hiểu ra mà tu sửa mồ mả thì đời đời sẽ được phú quý”.

Tưởng đại Hồng chú như sau:

“24 long bao gồm 8 quẻ, trong 8 quẻ đó mỗi quẻ lại phân thành 3 quẻ. Đây chính là bí mật của Huyền không, phải được khẩu truyền mới biết được. Tục chú: BÍNH vốn thuộc NAM (LY) mà trở lại thuộc quẻ ĐÔNG; NHÂM vốn thuộc BẮC (KHẢM) mà trở lại thuộc quẻ TÂY. Những lời này quá sức gượng gạo, sai trái. Lại thêm 4 cái 1 thì DẦN, THÌN, BÍNH, ẤT tại Nhất long; 4 cái 2 thì THÂN, TUẤT, NHÂM, TÂN tại Nhị long, lại càng vô cớ”.

Cho nên rõ ràng khi ông nói về “quẻ” tức là nói về 8 hướng của bát quái, hoặc 24 sơn của  Thiên, Địa, Nhân nguyên long (hay  nguyên quái) trong la bàn, chứ không phải là 64 quẻ Dịch. Và mỗi hướng (hay quẻ) của Bát quái chỉ được chia thành 3 sơn (hay quẻ), chứ không phải thành 8 quẻ Dịch. Nhưng người đời lại lầm tưởng, hoặc cố tình gạt đi mà mắc phải những sai lầm tai hại. Như Tăng tử Nam chỉ nhắc đến 2 câu trên của Thiên ngọc kinh mà không chú giải 1 chữ, cũng không đưa 1 chữ nào của Tưởng đại Hồng viết về đoạn đó cả!!! Còn vấn đề dùng quẻ Dịch (cho Phong thủy nói chung, và cho Huyền không Đại quái nói riêng) vốn đã có từ lâu (như sư Nhất Hạnh thời nhà Đường lập ra Bát trạch), nhưng có thể là đến sau Tưởng đại Hồng thì nó lại càng lan tràn, do hầu hết đều hiểu theo nghĩa… đen những gì ông đã nói. Vì vậy, người muốn học về Huyền không chẳng những là phải lựa chọn những sách vở, bài bản chân chính, mà còn phải so sánh, đối chiếu nó với những gì mà những danh sư như Tưởng đại Hồng, Chương trọng Sơn… đã viết để tránh những sai lầm đáng tiếc.