GIẢI ĐÁP THẮC MẮC – TAM NGUYÊN BẤT BẠI CỤC

H: Tôi thấy phái Huyền không thường nói đến vấn đề “Tam nguyên bất bại cục”, trong khi những phái Phong thủy khác hầu như không đả động gì về vấn đề này. Vậy “Tam nguyên bất bại cục” là như thế nào?

TL: Tam nguyên tức là 3 nguyên: Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên. Mỗi nguyên gồm có 60 năm, và được chia thành 3 vận, mỗi vận 20 năm. Như vậy, Tam nguyên tức là 180 năm, và bao gồm 9 vận. Còn nói “Tam nguyên bất bại cục” tức những cách cục của Huyền không phi tinh có thể giúp cho vận khí căn nhà (hoặc ngôi mộ) được lâu dài, có thể bền vững suốt 180 năm mà không bị suy bại.

H: Những cách cục nào của Huyền không có thể giúp cho vận khí căn nhà (hay mộ) được lâu dài như thế?

TL: Có 1 số cách cục của Huyền không có thể giúp cho vận khí nhà trở thành “Tam nguyên bất bại cục”, nhưng 2 cục được nhắc đến nhiều nhất là Phụ mẫu Tam ban Quái và Thất tinh đả kiếp.

H: Tôi thấy 1 số nhà đắc Phụ mẫu Tam ban quái mà vẫn nghèo khổ, bệnh hoạn, chết người. Như thế làm sao có thể cho là “Tam nguyên bất bại cục” được?

TL: Những nhà đắc Phụ mẫu Tam ban quái (tức trong tất cả 9 cung của trạch vận đều có 1 trong 3 tổ hợp số là 1 – 4 – 7, 2 – 5 – 8 hoặc 3 – 6 – 9, chứ không có những tổ hợp số khác) mà vẫn nghèo khổ, bệnh hoạn, chết chóc… chủ yếu là do địa thế chung quanh, cũng như thiết kế không phù hợp gây ra.

H: Vậy trường hợp căn nhà mà anh đã đăng trong bài “NHÀ ĐẮC TAM BAN QUÁI” có phù hợp với địa hình và thiết kế không? Nếu có (hoặc không có) thì nó sẽ là “Tam nguyên bất bại cục”, hoặc phát được bao lâu?

TL: Như đã nói trong bài đó là địa thế không phù hợp với trạch vận đắc Tam ban quái, vì sân có hình dạng lồi lõm, phía trước rộng, còn phía sau chật hẹp, lại bị tường rào, nhà cửa che chắn chung quanh (nhất là phía sau nhà). Còn thiết kế tuy chưa phải thật hoàn hảo (do nhu cầu xử dụng đất, thẩm mỹ…) nhưng cũng khá tốt. Hơn nữa, nhà này lại có ngã 3 nằm ở phía ĐÔNG, nên sẽ phát trong 2 vận 8 và 9. Qua tới vận 1 và những vận khác sau đó tuy không còn được như trước, nhưng ít nhất cũng vẫn đủ ăn, lại hay được người khác giúp đỡ, nên cũng không bị suy bại. Đó là nhờ có ngã 3 nằm ở khu vực phía ĐÔNG căn nhà. Vì vậy, tuy nó vẫn chưa phải đắc cách “Tam nguyên bất bại”, nhưng cũng tương đối khá lâu dài.

H: Như vậy có phải là nhà này nhờ có thêm sự trợ giúp của Thành môn không?

TL: Điều đó chỉ đúng 1 phần thôi, vì nếu ngã 3 đó nằm tại vị trí cùng nguyên long với hướng nhà để đắc Thành môn thì càng tốt. Nhưng nếu vị trí của ngã 3 đó không đồng nguyên long với hướng cũng vẫn tốt như thường, vì được người khác hỗ trợ, giúp đỡ, nhất là về phương diện vật chất (nên vì thế mà vận khí nhà mới có thể lâu dài). Lý do cũng không phải hoàn toàn do Hướng tinh tới ngã 3 đó là sinh khí (số 9), tuy rằng sinh khí đến đó sẽ càng giúp cho nó tốt thêm. Điều này những ai đã học qua những khóa Phong thủy trung cấp đều đã biết, nên không nhắc lại ở đây.

H: Tại sao có nhà hướng ĐÔNG BẮC, đắc Tam ban quái, cũng có ngã 3 tại phía ĐÔNG (tuy phía BẮC có sông lớn) mà lại gặp nhiều khó khăn, trắc trở lớn, hao tán tiền của, tiểu nhân phá rối…

TL: Nếu phía BẮC nhà đó có sông lớn thì cục diện đã bị phá, nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, dù sao cũng vẫn luôn được người khác hỗ trợ, giúp đỡ. Đó là nhờ ở ngã 3 phía ĐÔNG đem tới.

H: Nhà đó có sông lớn ở phía BẮC, nhưng cách nhà khá xa, lại không có đường đi dẫn tới, chẳng lẽ nó vẫn có ảnh hưởng đến căn nhà sao?

TL: Vẫn có ảnh hưởng, trừ khi khoảng cách từ nhà đến sông dài gấp 2 lần bề rộng của con sông, cũng như có cây cối um tùm (như có rừng cây), hoặc nhà cửa chi chít và cao lớn trong khoảng cách đó thì mới không bị ảnh hưởng của con sông đó nữa thôi.

H: Như vậy ngoài vấn đề trạch vận nhà đắc Tam ban quái thì còn đòi hỏi nhiều điều kiện khác nữa. Giả sử nếu là trường hợp 1 ngôi mộ (âm trạch) thì có cần đòi hỏi những điều kiện như nhà cửa (dương trạch) không? Hay khi chôn chỉ việc chọn hướng sao cho mộ đắc Tam ban quái là được?

TL: Mồ mả dù đắc Tam ban quái cũng đòi hỏi phía sau phải trống thoáng và có thủy (nước), phía trước phải có núi hay gò, đồi. Hơn nữa, thủy ở phía sau phải là sông lớn, núi ở phía trước phải là núi cao, địa thế rộng lớn thì mới có thể là “Tam nguyên bất bại cục”, cũng như mới có thể phát như trong Thiên ngọc kinh viết là “Nhị thập tứ lộ xuất cao quan, phi tử nhập Tràng An” được. Còn nếu thủy chỉ là 1 con lạch nhỏ, hẹp, “núi” chỉ là ụ đất cao vài mét thì cục diện đó quá nhỏ bé, nên có phát cũng không lớn, hoặc “sông – núi” lại kẹp sát lấy mộ vào giữa thì lại là cục diện suy bại, chứ không thể phát được.

H: Một số người cho rằng chỉ có mồ mả (âm trạch) mới có “Tam nguyên bất bại cục”, chứ nhà cửa (dương trạch) không thể có được. Anh nghĩ sao về điều đó?

TL: Nói như thế tức là chưa hiểu được nguyên lý tồn tại và phát triển của vũ trụ cũng như sự sống là Âm – Dương phải cân bằng nhau. Nếu Dương mạnh hơn Âm, hoặc Âm mạnh hơn Dương thì sẽ nảy sinh ra sự mất thăng bằng, dẫn đến tình trạng rối loạn, suy tàn hoặc bị hủy diệt. Chính vì vậy nên hình vẽ biểu thị Âm – Dương là 1 vòng tròn, trong đó 2 phần trắng (Dương) và đen (Âm) bằng nhau, chứ không vẽ phần trắng lớn hơn đen hay ngược lại. Vì mồ mả thuộc Âm (nên gọi là Âm trạch), còn nhà cửa thuộc Dương (nên gọi là Dương trạch). Nếu mồ mả có ảnh hưởng mạnh mà làm cho người sống có thể phát lâu dài và tạo thành “Tam nguyên bất bại cục” thì nhà cửa cũng có năng lực như thế, chứ không phải chỉ có mồ mả mới làm được. Hơn nữa, con người thuộc cõi dương, nên càng bị chi phối bởi Dương trạch nhiều hơn. Nhất là thời nay tuy hầu hết mồ mả đều chôn trong nghĩa trang, vừa khó được hướng tốt (do đã bị quy hoạch sẵn), hoặc nếu có được hướng, nhưng lại bị bia mộ, mồ mả của người khác chắn sát hết 4 phía, nên khó lòng tốt được. Thế mà con cháu vẫn khá giả, giàu có, học cao, có địa vị… chính là nhờ có nhà cửa tốt. Hoặc có nhiều trường hợp mồ mả ông bà không có gì thay đổi, nhưng vừa dọn tới nhà này thì làm ăn khá hơn, vừa qua nhà khác thì lụn bại hoặc chết người…Như thế tức là đối với con người, ảnh hưởng của Dương trạch còn mạnh hơn Âm trạch. Cho nên nếu Âm trạch có “Tam nguyên bất bại cục” thì Dương trạch cũng phải có, chứ nếu chỉ Âm trạch mới có thì con người đã bị cõi âm không chế, hoặc chi phối quá mạnh, nên đã thành quỷ, hoặc trở thành “dở dở ương ương” “nửa người nửa ma” như trong những phim kinh dị rồi!!!

H: Vừa rồi ở phần trên anh nói là Âm – Dương phải cân bằng nhau, nhưng phần dưới lại cho rằng ảnh hưởng của Dương trạch còn mạnh hơn Âm trạch đối với con người. Như vậy có phải là có mâu thuẫn không?

TL: Không có gì mâu thuẫn cả, vì mặc dù nguyên tắc chung vẫn là Âm – Dương phải cân bằng nhau, nhưng những gì thuộc Dương vẫn sẽ được Dương chi phối mạnh hơn, chứ không phải Âm có thể khống chế được nó. Vì vậy nhìn hình Âm – Dương mới thấy trong phần trắng (phần thuộc Dương) sẽ chỉ toàn trắng, mà chỉ có 1 chấm đen nhỏ thôi. Chứ không phải vì cần Âm – Dương bằng nhau, nên trong phần trắng sẽ lại chia làm 2 phần trắng – đen bằng nhau nữa. Tương tự như thế là bên đen (Âm) cũng toàn là đen, và chỉ có 1 chấm trắng mà thôi. Do đó, con người thuộc cõi Dương, nên cần có Dương nhiều hơn Âm, cũng như Dương ảnh hưởng đến cuộc sống con người mạnh hơn Âm. Vì vậy, đối với cuộc sống con người thì Dương cần có 7 phần, Âm cần có 3 phần. Như thế chính là sự “cân bằng Âm – Dương” đối với sự sống.

H: Tôi nghĩ có lẽ 1 số người cho rằng chỉ có Âm trạch mới có “Tam nguyên bất bại cục” vì sách vở cũng thường chỉ nói mộ này, mộ kia phát cho con cháu được bao nhiêu đời, chứ tôi cũng chưa thấy sách nào nói căn nhà nào phát được 1 vài trăm năm hay lâu dài cả. Anh có thể dẫn chứng 1 vài trường hợp không?

TL: Nếu anh đọc kỹ “Trạch vận tân án” thì đã thấy trong đó có đưa ra nhiều trường hợp những ngôi chùa cổ bên Tàu không những là đã được thiết lập và tồn tại trên cả ngàn năm nay, mà có những thời kỳ những ngôi chùa ấy được vượng phát cả mấy trăm năm. Đó chính là những trường hợp “Tam nguyên bất bại cục'” của Dương trạch. Thí dụ như bài “Tiền đồ chùa Chân Giác” (trang 556) có viết: “Chùa Chân Giác ở núi Thiên Thai xây dựng đến nay đã hơn một ngàn ba trăm năm…Hợi sơn TỴ hướng kiêm NHÂM – BÍNH 2 độ… được xây dựng vào đời nhà Tùy (cai trị nước Tàu từ năm 581 đến 619) năm Khai Hoàng thứ 27 (tức cuối thời Tùy Văn Đế – có lẽ là năm Khai Hoàng thứ 17 thì đúng hơn, vì Tùy Văn Đế lấy niên hiệu Khai Hoàng được 19 năm thì đổi sang hiệu Nhân Thọ, và cai trị thêm được 4 năm nữa thì mất ), đến thời cuối nhà Đường suy bại” (nhà Đường cai trị nước Tàu từ năm 618 đến 907). Như vậy, ngôi chùa này từ khi xây dựng xong phát tối thiểu hơn 200 năm, như thế không phải là “Tam nguyên bất bại cục” hay sao?

Một thí dụ khác cũng trong “Trạch vận Tân án” là bài “Quá khứ, hiện tại và tương lai của chùa Quốc Thanh” (trang 544) viết: “Tỉnh Chiết Đông, phía bắc huyện thành Thiên Thai, trong phạm vi chiều dài 50 dặm (khoảng 25km), giữa những cánh rừng nổi danh là khu vực có rất nhiều ngôi chùa, với số tăng ni đông tới vài ngàn người. Chùa Quốc Thanh nằm trong số đó, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra đồng bằng, được xây dựng cách đây hơn 1300 năm. Tháp Báo Ân ở trước chùa do vua Tùy Dạng Đế cho xây, trải bao đời chùa Quốc Thanh vẫn nổi danh…

“Tháp Báo Ân trùng tu lần cuối cách đây đã mấy trăm năm, các vận 5, 7, 8, 9 thời nhà Đường là thời kỳ Phật giáo đại hưng thịnh. Vận 1, 2, 3 Thượng nguyên lương thực sung túc, vận 4, 5 Trung nguyên, vận 7, 8, 9 Hạ nguyên đều có của cải…”. Cho nên đây cũng là 1 trường hợp “Tam nguyên bất bại cục” của Dương trạch. Hơn nữa, nói chung là những nhà cửa, đền đài, cung điện được xây dựng từ vài trăm năm trở lên, mà nếu những thiết kế chính, cũng như nguyên thủy của nó vẫn còn tồn tại thì đó hầu như đều là những nhà có “Tam nguyên bất bại cục” cả.

Còn nếu cho rằng không tính tới chùa, miếu, nhà thờ… thì có thể xem xét những cung điện của các vua chúa Việt Nam hay Tàu, nhất là với những triều đại kéo dài hàng mấy trăm năm như Lý, Trần, Lê của Việt Nam, hay Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh của Tàu. Cũng không phải chỉ ở những nước Á châu mới có những nhà “Tam nguyên bất bại cục” đó, mà bên Âu châu hay bất cứ quốc gia nào cũng đều có cả. Thí dụ như ở Anh có cung điện Westminster là nơi các vua Anh sống trong đó suốt mấy trăm năm. Hoặc gần đây nhất là cung điện Buckingham được hoàng gia Anh cư ngụ từ thời vua Edward VII vào năm 1901, qua hết đời vua George V rồi tới nữ hoàng Elizabeth II hiện nay là đã được 114 năm. Và có thể thấy nó sẽ là nơi cho những vua chúa Anh khác tiếp tục sinh sống cho đến khi nào mà chế độ Quân chủ ở nước này bị bãi bỏ, nên đó cũng là 1 trường hợp “Tam nguyên bất bại cục” của Dương trạch.

Điện Buckingham (nguồn: wikipedia.org)

Về nhà của dân thường cũng có những trường hợp này, nhưng vì không có bằng chứng lịch sử rõ ràng nên khó chứng minh, vì vậy không ai dẫn chứng mà thôi. Tuy nhiên, như trường hợp căn nhà của tỷ phú Warren Buffett được ông mua từ năm 1957 và sống cho tới bây giờ, tức là trải qua các vận 5, 6, 7, 8, và càng ngày càng giàu có hơn. Khi mới mua nhà đó, gia tài của ông có khoảng $174 ngàn đô. Đến năn 1962, ông trở thành triệu phú với tài sản trên $7 triệu đô. Ông trở thành tỷ phú vào năm 1990, và đến năm 2008 thì trở thành người giàu nhất thế giới với gia tài trên $60 tỷ đô. Từ đó đến nay, ông liên tiếp được xếp vào danh sách 1 trong 5 người giàu nhất thế giới mỗi năm, và trong năm 2015 này được xếp hạng 3 với tài sản hơn $72 tỷ đô la. Cho nên tuy chưa thể nói nó đắc “Tam nguyên bất bại cục”, nhưng cũng thấy là vận khí của căn nhà đó trải qua 4 vận mà vẫn càng ngày càng phát mạnh hơn, chứ không hề suy giảm.

Nhà Warren Buffett nhìn từ phía trước (nguồn: imgarcade.com)

 

Nhà Warren Buffett nhìn bên hông (nguồn: photobucket.com)