“MUỐN PHÁT PHÚC CẦN TU TAM SÁT”

Tam Sát là khu vực đối xung với tam hợp Thái Tuế, nên sát khí của nó mạnh nhất, nguy hiểm nhất trong tất cả mọi sát tinh. Như các năm DẦN – NGỌ – TUẤT thì Tam Sát ở HỢI – TÝ – SỬU, tạo thành Tam hội Thủy cục mà xung khắc Tam hợp Hỏa cục DẦN – NGỌ – TUẤT của Thái Tuế .

Tương tự như thế, các năm THÂN – TÝ – THÌN thì Tam Sát ở TỴ – NGỌ – MÙI, tạo thành Tam hội Hỏa cục đối xung với Tam hợp Thủy cục THÂN – TÝ – THÌN của Thái Tuế; các năm HỢI – MÃO – MÙI thì Tam Sát ở THÂN – DẬU – TUẤT, tạo thành Tam hội Kim cục xung khắc Tam hợp Mộc cục HỢI – MÃO – MÙI của Thái Tuế; các năm TỴ – DẬU – SỬU thì Tam Sát ở DẦN – MÃO – THÌN, tạo thành tam hội Mộc cục đối xung với tam hợp Kim cục TỴ – DẬU – SỬU của Thái Tuế. Vì là tam hội cục ở 1 phương, nên lực của Tam Sát rất lớn, có thể gây ra những tai họa nghiêm trọng như hình thương, chết chóc, bệnh tật, tai biến nặng, nếu như vô tình không biết mà lại xâm phạm đến nó như tu sửa nhà cửa, đào hầm hố, chặt cây lớn… tại phương nó đến, hoặc xây nhà, làm mồ mả, nhập trạch…vào năm Tam Sát đến tọa (tức phía sau nhà hay mộ), hướng (phía trước) nhà. Tuy nhiên, nếu biết cách hóa giải nó thì chẳng những không có tai họa gì, mà sau khi tu sửa, xây dựng lại phát về nhân đinh (tức có thêm người như lập gia đình, thêm con cháu…). Cho nên mới có câu: “Muốn phát phúc cần tu Tam Sát”.

Bàn về cách hóa giải Tam Sát, sách Hiệp kỷ Biện phương Thư viết như sau:

“Thông thư nói rằng: “Tam Sát chỉ kỵ tu sửa trực tiếp thẳng vào đó. Vì vậy, nếu muốn tu sửa thì trước hết theo phương cát bắt tay làm, liền tiếp đó tu sửa thì không sao. Như năm TÝ, Tam Sát tại TỴ – NGỌ – MÙI, nếu phương TỐN, KHÔN có cát tinh thì theo phương TỐN khởi công, rồi làm tiếp qua các phương TỴ – NGỌ – MÙI, đến phương KHÔN dừng công việc cũng được. Chứ không nên chỉ tu sửa tại 3 phương TỴ – NGỌ – MÙI mà thôi”.

Tuyển trạch Tông Kính viết: “Tam Sát là sát cực mạnh, Phục Binh, Đại Họa là thứ (tức yếu hơn), tất cả đều phải chế phục mới có thể tạo táng (xây dựng, chôn cất). Nếu chúng đến sơn (tức đến phương tọa hay phía sau) thì mọi việc tạo táng đều phải kỵ. Nếu chúng đến hướng (tức phía trước) thì có thể chế hóa đi mà tu sửa. Cách chế hóa Tam Sát bao gồm 3 phần như sau:

1/ Cần Tam hợp cục có thể khắc thắng được Tam Sát.

Thí dụ: năm MÃO, Tam Sát tại THÂN – DẬU – TUẤT ở phía TÂY thuộc Kim, nên chọn tháng DẦN, ngày TUẤT, giờ NGỌ, tạo thành tam hợp DẦN – NGỌ – TUẤT thuộc Hỏa cục để khắc được Kim cục của Tam Sát.

2/ Tam hợp cục đó cần được thời lệnh của tháng, còn Tam Sát gặp tháng hưu, tù (tức Tam Sát gặp phải những tháng làm cho nó bị suy yếu).

Cũng với thí dụ ở trên là chọn tam hợp DẦN – NGỌ – TUẤT thuộc Hỏa cục để chế Tam Sát thuộc Kim cục, mà tháng DẦN là lúc Hỏa cục vượng (vì DẦN là Trường Sinh của Hỏa cục), nên được thời lệnh của tháng. Còn Kim của Tam Sát trong tháng DẦN là bị hưu tù (suy yếu), nên sẽ được chế phục dễ dàng.

3/ Cần Lộc – Mã, Qúy nhân, với bát tiết Tam kỳ, hay Thái dương, Thái Âm, Tử – Bạch đến chiếu vào. Nếu tiểu tu (tu tạo nhỏ) thì chỉ cần nạp âm của tháng hoặc của ngày khắc nạp âm phương của Tam Sát, lại được 1 trong những cát tinh ở trên đến đó thì có thể tu sửa được.

Về cách dùng Tam hợp cục để chế thắng Tam Sát: nếu Tam Sát là TỴ – NGỌ – MÙI ở phương NAM thuộc Hỏa thì dùng tháng, ngày, giờ THÂN – TÝ – THÌN (tức Tam hợp Thủy cục mà khắc chế Hỏa cục của Tam Sát). Nếu Tam Sát là DẦN – MÃO – THÌN ở phương ĐÔNG thuộc Mộc thì dùng tháng, ngày, giờ TỴ – DẬU – SỬU (tức Tam hợp Kim cục mà khắc chế Mộc). Nếu Tam Sát là THÂN – DẬU – TUẤT ở phương TÂY thuộc Kim thì dùng tháng, ngày, giờ DẦN – NGỌ – TUẤT (tức Tam hợp Hỏa cục mà khắc chế Kim cục). Riêng Tam Sát là HỢI – TÝ – SỬU ở phương BẮC thuộc Thủy thì do không có Tam hợp Thổ cục để khắc Thủy, nên không thể chế được Tam Sát. Tuy có thuyết dùng những tháng, ngày, giờ THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI thuộc hành Thổ để khắc Thủy, nhưng cần để ý là THÌN xung TUẤT, SỬU xung MÙI, nên nếu dùng THÌN thì không thể có TUẤT, dùng SỬU thì không thể có MÙI (hay ngược lại). Hoặc nếu dùng cả 3 Chi SỬU, MÙI, TUẤT thì lại phạm Tam Hình, nếu dùng nhiều Địa Chi THÌN (từ 2 THÌN trở lên) thì lại phạm Tự Hình, nên càng mang hung sát đến thêm thì càng xấu.

Tăng văn Mông cho trạch chủ tuổi NHÂM THÂN tu sửa ở phương Tam Sát NGỌ – MÙI, nên chọn năm GIÁP THÌN, tháng MẬU THÌN, ngày NHÂM TÝ, giờ CANH TÝ dựng cột lên, cùng với tuổi NHÂM THÂN thành Tam hợp THÂN – TÝ – THÌN Thủy cục để khắc Hỏa cục của Tam Sát, đó là cát (điều tốt) thứ nhất. Các Thiên Can GIÁP – MẬU – CANH là Tam kỳ, nên là cát thứ 2. Năm GIÁP, tháng MẬU Qúy nhân tại MÙI (phương của Tam Sát), nên là cát thứ 3 (vì Qúy nhân hàng phục được hung sát). Năm GIÁP phương NGỌ, MÙI là CANH NGỌ, TÂN MÙI (theo Ngũ Thử Độn thì GIÁP khởi từ GIÁP TÝ, nên đến NGỌ là CANH, MÙI là TÂN), nạp âm thuộc Thổ (Lộ bàng Thổ – tức Đất bên đường), mà tháng MẬU THÌN, ngày NHÂM TÝ nạp âm đều là Mộc (Đại lâm Mộc, Tang thạch Mộc), khắc nạp âm của Tam Sát, nên là cát thứ 4. Năm GIÁP THÌN, Tuế Lộc, Tuế Mã đều đến DẦN, Tam hợp với NGỌ ở phương Ly, nên là cát thứ 5. Năm đó, niên tinh Bát Bạch (số 8) đến Khảm (phía BẮC) chiếu Ly (phía NAM), niên tinh Cửu Tử (số 9) đến MÙI (tức nơi có Tam Sát), là cát thứ 6. Người xưa dùng cách hóa giải khéo như thế đó.

Xét Tam Sát là chỗ xung với Tam hợp Thái Tuế, chỉ có thể hướng vào (tức đến hướng), chứ không thể ngồi vào (tức đến tọa hoặc sơn hay phía sau).Vì vậy, nếu nó đến tọa thì mọi việc tạo táng đều phải kỵ. Nếu nó đến hướng thì có thể hóa giải đi mà tu sửa. Nhưng không thể luận các năm đều giống như nhau được.

Như các năm DẦN, THÂN, TỴ, HỢI, Tam Sát ở tại phương sinh ra ta (tức Thái Tuế), là vị trí Thu, Khai, Bế, lại đương là khí hưu (yếu). Các năm THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI Tam Sát ở tại phương ta sinh ra, là vị trí Trừ, Mãn, Bình, lại đương là khí tướng (lớn mạnh). Còn các năm TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU, Tam Sát và Tuế Phá ở cùng 1 phương đối diện với Thái Tuế, là vị trí Chấp, Phá, Nguy, lại đương là khí tù (suy kiệt), nên lực của nó yếu nhất.

Ý của đoạn văn trên là vào các năm DẦN, THÂN, TỴ, HỢI, Tam Sát ở sau Thái Tuế, như năm DẦN thì Tam Sát tại HỢI – TÝ – SỬU, tức là Thái Tuế vừa đi qua 3 phương này rồi mới đến DẦN, nên gọi đó là phương sinh ra Thái Tuế. Nếu khép 12 Địa Chi với 12 Trực thì DẦN (tức Thái Tuế) là Kiến, nên tới HỢI – TÝ – SỬU sẽ là các Trực Thu, Khai, Bế. Khí của nơi đó tương ứng với TUYỆT, THAI, DƯỠNG của vòng Tràng Sinh, nên là lúc khí còn yếu kém (hưu). Các năm THÂN, TỴ, HỢI cũng tương tự như thế. Vào các năm THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI, Tam Sát nằm ở trước Thái Tuế, như năm THÌN thì Tam Sát tại TỴ – NGỌ – MÙI, tức là Thái Tuế đến THÌN rồi mới đến TỴ – NGỌ – MÙI, nên nói Thái Tuế sinh ra Tam Sát. Nếu khép 12 Địa Chi với 12 Trực thì THÌN (tức Thái Tuế) là Kiến, nên tới TỴ – NGỌ – MÙI sẽ là các Trực Trừ, Mãn, Bình. Khí của nơi đó tương ứng với MỘC DỤC, QUAN ĐỚI, LÂM QUAN của vòng Tràng Sinh, nên là lúc khí của Tam Sát đang lớn mạnh (tướng). Các năm TUẤT, SỬU, MÙI cũng tương tự như thế. Còn các năm TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU thì Tam Sát đối diện với Thái Tuế, tức là vị trí các Trực Chấp, Phá, Nguy, khí những nơi đó tương ứng với SUY, BỆNH, TỬ, nên là lúc suy kiệt (tù).

Vì vậy, việc chế hóa Tam Sát có khinh có trọng, cũng như không giống nhau, có lúc cần phải chế, có khi cần phải hóa, để biến hung thành cát.

Như vào năm NHÂM DẦN, nếu dùng tháng, ngày, giờ NHÂM tu sửa tại phương HỢI (tức phương có Tam Sát), thì 4 Lộc (của năm, tháng, ngày, giờ) đều tụ ở HỢI (xin đọc phần nói về LỘC – MÃ trong bài “BÀN VỀ CÂU MUỐN PHÁT QUÝ CẦN TU THÁI TUẾ” để biết rõ hơn) mà chế được Tam Sát. Hoặc như năm ẤT DẬU, dùng tháng, ngày, giờ CANH THÌN, tu sửa ở phương THÌN, thì mọi khí đều là Kim (vì ẤT hợp CANH hóa Kim, THÌN hợp DẬU cũng hóa Kim, nên mọi khí đều là Kim, khắc chế được Tam Sát DẦN – MÃO – THÌN thuộc Mộc). Cho nên dù THÌN là Tuế Sát (sát khí nguy hiểm nhất của Tam Sát) cũng không cần phải bàn tới (vì đã được chế phục).

Lại như các năm DẦN – NGỌ – TUẤT, HỢI – MÃO – MÙI là Tam Sát khắc tam hợp cục của Thái Tuế (vì DẦN – NGỌ – TUẤT là tam hợp Hỏa cục, mà Tam Sát của những năm đó đều là HỢI – TÝ – SỬU là Thủy cục khắc Hỏa. HỢI – MÃO – MÙI là tam hợp Mộc cục, mà Tam Sát của những năm đó là THÂN – DẬU – TUẤT thuộc Kim cục khắc Mộc). Các năm TỴ – DẬU – SỬU, THÂN – TÝ – THÌN là tam hợp cục của Thái Tuế khắc Tam Sát (vì TỴ – DẬU – SỬU là tam hợp Kim cục, mà Tam Sát của những năm đó đều là Mộc cục DẦN – MÃO – THÌN, nên bị tam hợp cục của Thái Tuế khắc. Còn THÂN – TÝ – THÌN là tam hợp Thủy cục, mà Tam Sát của những năm đó là TỴ – NGỌ – MÙI thuộc Hỏa cục, nên bị tam hợp cục của Thái Tuế khắc). Nếu Tam Sát khắc tam hợp Thái Tuế thì cần phải chờ đến lúc Tam Sát lâm vào thời lệnh hưu, tù mà dùng (tức vào những tháng mà hành của Tam Sát bị suy yếu hoặc khắc chế). Nếu là tam hợp Thái Tuế khắc Tam Sát thì chỉ cần tránh những tháng mà khí của Tam Sát cực vượng (tức Đế vượng – như các năm THÂN – TÝ – THÌN thì Tam Sát là TỴ – NGỌ – MÙI thuộc Hỏa cục, mà Hỏa cực vượng ở NGỌ, nên tránh dùng tháng NGỌ để chế Tam Sát. Hoặc như các năm TỴ – DẬU – SỬU thì Tam Sát là DẦN – MÃO – THÌN thuộc Mộc cục, mà Mộc cực vượng tại MÃO, nên tránh dùng tháng MÃO để chế Tam Sát). Còn lại những tháng khác đều có thể dùng, miễn là chọn được cát thần đến phương của Tam Sát, hoặc 8 chữ trong tứ trụ hợp thành cách mà chế ngự hoặc thu sát.

Ngoài ra, còn có cách hóa sát để biến khắc thành sinh, và nó khác với cách chế sát. Nếu như hành của Tam Sát khắc hành của tam hợp Thái Tuế thì có thể dùng con của Tam Sát. Như Tam Sát thuộc Kim khắc tam hợp Thái Tuế thuộc Mộc thì có thể dùng tháng, ngày, giờ thuộc Thủy cục, khiến cho Kim sinh Thủy (nên gọi Thủy là “con” của Kim) để Thủy sinh Mộc, như thế là biến khắc thành sinh. Nếu tam hợp cục của Thái Tuế khắc Tam Sát thì dùng “Tài” của Tam Sát (tức hành bị Tam Sát khắc thì được gọi là “Tài” – tức tài lộc – của Tam Sát. Muốn hiểu rõ điều này thì cần phải biết về cách coi Tứ trụ, trong đó chia ra Quan là cái khắc ta, vì có khắc (thắng) được ta thì mới chỉ huy, điều khiển được ta, nên Quan là cấp trên. Còn Tài là cái bị ta khắc, tức ta có thắng thì mới điều khiển, xử dụng được nó, nên nó là của cải, tiền bạc của ta và gọi là “Tài”. Đây là những cách gọi của môn Tứ trụ). Như tam hợp Thái Tuế là Thủy cục khắc Tam sát hành Hỏa thì có thể dùng tháng, ngày, giờ thuộc Kim cục, như thế là có thể tiết (làm cho giảm bớt) được Hỏa của Tam Sát (vì Hỏa khắc Kim, nên Hỏa sẽ suy yếu đi, và Kim là “Tài” của Hỏa), lại có thể sinh cho tam hợp Thái Tuế (vì Kim sinh Thủy). Cho nên những cách dùng “tử sát hưu” (tức dùng “con” của Tam Sát vào những tháng nó bị suy yếu), “tài sát tù” (tức dùng “Tài” của Tam Sát vào những tháng nó bị tận tuyệt) đều có ý nghĩa vi diệu của nó. Riêng với Tam Sát hành Mộc (tức DẦN – MÃO – THÌN) thì không thể dùng “Tài” của nó, vì không có Thổ cục. Cũng không thể dùng con của nó (tức Hỏa), vì Hỏa sẽ khắc lại Thái Tuế (do Tam Sát DẦN – MÃO – THÌN thì Tam hợp Thái Tuế là TỴ – DẬU – SỬU thuộc Kim cục), vì vậy chỉ có cách chế (khắc) nó mà thôi. Còn Tam Sát thuộc hành Thủy thì không có Thổ cục để chế, nên phải dùng hóa mới được (tức dùng Mộc để Thủy của Tam Sát sinh cho Mộc, rồi Mộc sinh cho Hỏa của tam hợp Thái Tuế). Tăng văn Mông chọn dùng năm, tháng, ngày, giờ rất tinh vi, mà dù có nói thế nào cũng chỉ nêu ra được 1 phần trong vấn đề chế hóa Tam Sát mà thôi, chứ cũng không thể nói hết được, nhưng càng tìm hiểu sẽ càng thấy được cái hay của nó. Cách tuyển chọn của ông có thể nói đến thế là hết rồi. Về việc hóa giải những tháng phạm Tam Sát cũng tương tự như những gì đã nói ở trên”.

Nói tóm lại, việc hóa giải Tam Sát theo Thần Sát là chọn năm, tháng, ngày, giờ có tam hợp cục, hay tạo thành những cách có thể khắc chế được ngũ hành của Tam Sát, đồng thời có thêm Qúy nhân, Tam kỳ, Lộc – Mã, Thái Dương, Phi tinh tốt (1, 6, 8, 9) đến khu vực của Tam Sát, hoặc chiếu vào (tức tam hợp hoặc xung chiếu) thì mới có thể hóa giải được nó mà có thể xây dựng hay tu sửa được phương đó, khiến cho nó không thể gây họa, mà chỉ tạo phúc (làm vượng nhân đinh) mà thôi. Tuy nhiên, giới hạn của việc dùng Thần sát là chỉ có thể hóa giải được Tam Sát tới hướng, chứ không thể hóa giải được khi nó tới tọa. Lúc đó cần phải phối hợp với Phi tinh mới có thể “tu” được Tam Sát. Ngoài ra, vấn đề phân chia lực mạnh hay yếu của Tam Sát tùy theo mỗi năm cũng đã được nói, hoặc bổ sung khá rõ ràng trong đoạn văn trích dẫn, nên không cần phải giải thích thêm nữa.

 

Ngày 19 tháng 8 năm 2018

Bình nguyên Quân