MUỐN TIỂU HƯNG CẦN TU KIM THẦN

Sách Hiệp Kỷ Biện Phương Thư trích từ “Thiên Hồng Phạm” viết: “Kim thần là tinh của sao Thái Bạch, là thần của Bạch thú, chủ chiến tranh, ly loạn, chết chóc, khô hạn, ôn dịch.

Chỗ nó cai quản kỵ tu bổ thành trì, xây cung thất, dựng lầu gác, mở rộng vườn cây, khởi công cất nóc, xuất quân chinh phạt, di chuyển, cưới vợ gả chồng, đi xa nhậm chức. Nếu phạm can thần phải đặc biệt kỵ chỗ đó”.

Cách tính Kim Thần là dựa theo Thiên Can của mỗi năm như sau:

Các năm GIÁP – KỶ dùng Ngũ Hổ Độn khởi tháng Giêng là Bính Dần, tiếp tới tháng 2 Đinh Mão, tháng 3 Mậu Thìn, tháng 4 Kỷ Tỵ, tháng 5 Canh Ngọ, tháng 6 Tân Mùi, tháng 7 Nhâm Thân, tháng 8 Qúy Dậu, tháng 9 Giáp Tuất, tháng 10 Ất Hợi, tháng 11 Bính Tý, tháng 12 Đinh Sửu. Trong 12 tháng đó thì các tháng 5 (Canh Ngọ), 6 (Tân Mùi) có Thiên Can là CANH, TÂN thuộc hành Kim, tức lúc đó Kim khí vượng, nên Ngọ, Mùi là phương vị của Kim Thần trong các năm GIÁP – KỶ. Đến tháng 7 (Nhâm Thân), tháng 8 (Qúy Dậu), nạp âm của Nhâm Thân và Qúy Dậu đều là Kim (Kiếm phong Kim – Kim mũi kiếm), nên Kim khí cũng vượng, vì vậy Thân, Dậu cũng là Kim Thần của các năm đó. Cách tìm Kim Thần của các năm khác cũng tương tự như thế.

Về Ngũ Hổ Độn thì cách tính như sau:

Các năm GIÁP – KỶ khởi từ BÍNH DẦN (như đã nói ở trên).

Các năm ẤT – CANH khởi từ MẬU DẦN.

Các năm BÍNH – TÂN khởi từ CANH DẦN.

Các năm ĐINH – NHÂM khởi từ NHÂM DẦN.

Các năm MẬU – QUÝ khởi từ GIÁP DẦN.

Cho nên, trong các năm GIÁP – KỶ thì Ngọ, Mùi, Thân, Dậu là Kim Thần, trong đó lại chia ra phương có Thiên Can CANH, TÂN (tức Ngọ, Mùi) là Thiên Kim Thần; còn phương vị nạp âm (tức Thân, Dậu) là Địa Kim Thần. Sát khí của Thiên Kim Thần mạnh hơn Địa Kim Thần, vì vậy nên trong đoạn trích từ “Thiên Hồng Phạm” ở trên mới viết: “Nếu phạm Can thần phải đặc biệt kỵ chỗ đó”. Can thần ở đây có nghĩa là các Thiên Can CANH, TÂN, khi chúng đến nơi nào thì sát khí của Kim Thần sẽ cực mạnh, cho nên phải tránh xung động tại những nơi đó.

Về cách hóa giải Kim Thần, sách Hiệp Kỷ trích lời của “Thông Thư” viết: “Nếu Kim Thần là các Thiên Can CANH, TÂN, nên dùng các Thiên Can BÍNH, ĐINH mà chế đi. Nếu Kim Thần là do nạp âm thành Kim, nên dùng các Địa Chi TỴ, NGỌ chế đi. Lại nên dùng Địa hạ Tam kỳ ẤT – BÍNH – ĐINH, Thái Dương, Cửu Tử Hỏa (tức số 9 của Cửu tinh) và Hỏa cục DẦN – NGỌ – TUẤT mà chế đi”. Lại trích lời của “Tuyển trạch Tông Kính” viết rằng: “Kim thần kỵ tu phương, động thổ, nếu phạm phải sẽ bị mục tật (mù lòa, hay các bệnh tật về mắt). Đại để mắt (mục) thuộc gan, mà gan thuộc Mộc, nên Kim có thể khắc được Mộc. Việc tang chế cũng kỵ phương Kim Thần. Phép để chế đi, chỉ lấy Hỏa khắc mà thôi. Cho nên Can CANH, TÂN là Thiên Kim Thần, nạp âm là Địa Kim Thần cũng đều lấy Can BÍNH, ĐINH mà chế đi. Lại dùng ẤT – BÍNH – ĐINH của Tam kỳ, hoặc sao Cửu Tử Hỏa đều có thể chế được… Tháng Tỵ Kim Sinh (vì Tỵ là Trường Sinh của Kim cục), tháng Dậu, Sửu Kim vượng, vì vậy không thể phạm vào. Kim Thần tại phương THÂN, DẬU gọi là sinh vượng đắc địa, nên muốn chế nó tất phải cần tháng của Hỏa vượng, tức lấy Tam hợp DẦN – NGỌ – TUẤT chế đi. Nếu tại phương NGỌ, MÙI thì đã có Hỏa địa khắc được Kim, nên không cần chế mà tự có thể tu sửa được rồi”.

Như vậy, Kim Thần cũng có lúc mạnh, lúc yếu, chứ không phải lực sát thương của nó lúc nào cũng như nhau cả. Như Thiên Kim Thần (tức các Can CANH, TÂN) mà lại đến các phương như THÂN, DẬU, TỴ, SỬU đều là những lúc Kim Thần mạnh nhất, nên lực sát thương của nó cũng lớn nhất. Không những thế, nếu năm, tháng đó lại có các niên, nguyệt tinh 6, 7 (tức các sao Lục bạch và Thất Xích, cũng đều thuộc hành Kim) đến đó hỗ trợ cho Kim Thần thì lực sát thương của nó càng mãnh liệt hơn. Nếu lại tu sửa những phương đó vào các tháng CANH, TÂN, hay THÂN, DẬU, TỴ, SỬU, hoặc nạp âm có hành Kim thì càng làm tăng thêm sát khí của nó.

Ngược lại, nếu Kim Thần đến các phương NGỌ, MÙI (tức những phương có Hỏa khí để chế bớt Kim Thần), hoặc năm, tháng đó có niên, nguyệt tinh Cửu tử Hỏa tới đó, hay khi tu sửa những phương đó vào các tháng BÍNH, ĐINH, NGỌ, MÙI, hoặc sao Thái Dương tới đó thì sát khí của Kim Thần đã được chế bớt hoặc hóa giải mà có khi không việc gì, có khi chỉ gặp tai họa nhẹ hoặc được may mắn… Đó là tùy theo mức độ nặng, nhẹ của Kim Thần, cũng như lực hóa giải của những thần sát đến nơi đó là mạnh hay yếu mà tạo ra những kết quả khác nhau. Cho nên nếu không hiểu nguyên lý này, mà lại vô tình tu tạo phương vị có Kim Thần, nhưng sau đó không thấy có chuyện gì xấu xảy ra, rồi lại cho rằng Kim Thần chỉ là bịa đặt, hoặc không có tác dụng gì cả rồi cứ làm bừa, không cần kiêng kỵ thì sẽ có lúc mắc tai họa.

Một điểm đáng chú ý khác là tuy Kim Thần thuộc hành Kim, nên đúng ra có thể dùng Thủy hoặc Mộc để hóa (vì Kim sinh Thủy thì Kim bị suy kiệt; Kim khắc Mộc thì Kim bị sứt mẻ) mà làm giảm bớt sát khí của Kim Thần, nhưng tại sao người xưa chỉ nói đến việc dùng Hỏa để chế Kim Thần? Đó là theo nguyên lý Kim vượng cần có Hỏa tôi luyện mới có thể thành vũ khí đắc dụng. Mà Kim Thần tức là vượng Kim, cho nên mới cần dùng Hỏa để biến xấu thành tốt mà phát phúc lộc, gặp được nhiều thuận lợi, may mắn. Chính vì vậy nên trong Tứ trụ (hay Bát tự) mới có câu: “Kim Thần gặp Hỏa, phú quý vang xa”. Do đó, muốn chế hóa được Kim Thần thì phải cần đến Hỏa. Nếu Kim Thần càng mạnh, Hỏa khí càng nhiều thì sự hưng phát càng lớn. Cho nên mới có câu: “Muốn tiểu hưng cần tu Kim thần”. Chữ “tiểu hưng” ở đây không có nghĩa là “phát đạt nhỏ”, mà là chủ phát phú, vượng về điền sản, tài lộc. Cũng như câu: “Muốn đại hưng cần tu Hỏa tinh”, trong đó chữ “đại hưng” không có nghĩa là “phát lớn”, mà là phát về nhân đinh, nên sẽ giúp cho những nhà đang bị suy bại về nhân đinh hưng vượng trở lại.

Vì vậy, việc chế giải Kim Thần chỉ dùng Hỏa, mà không dùng Thủy hay Mộc. Nếu dùng những hành này thì chẳng những sẽ không phát được tài lộc, mà nhiều khi vẫn gặp tai họa. Ngoài ra, “Thông thư” cho rằng nếu là Địa Kim thần thì có thể dùng các Địa Chi TỴ, NGỌ mà chế đi. Nhưng “Tuyển trạch Tông Kính” đã vạch ra sai lầm này khi viết: “Tháng TỴ Kim Sinh”, tức là tuy TỴ là Hỏa địa, nhưng cũng là đất Trường Sinh của Kim, vì vậy không thể dùng để chế Kim Thần, mà phải dùng NGỌ, MÙI mới đúng.

Điều sau cùng cần để ý là ngoài việc dùng những thần sát hành Hỏa để hóa giải Kim Thần, còn phải biết phối hợp với Phi tinh thì mới biết lúc nào có thể hóa giải được nó để phát tài lộc, phú quý, lúc nào không thể làm được, hoặc nếu có làm cũng chỉ bình thường, chứ không phải bất cứ trường hợp nào dùng Hỏa chế Kim Thần cũng đều được hưng thịnh cả. Đây chính là ưu điểm vượt trội của Huyền không Phi tinh so với mọi phái Phong thủy khác, và sẽ được nói rõ hơn trong những khóa cao cấp.

 

Ngày 15 tháng 6 năm 2019

Bình nguyên Quân