NHÀ CỦA TƯỚNG THOMAS “STONEWALL” JACKSON (I)

Thomas J. Jackson, biệt danh “Stonewall” (Bức tường đá) không những là 1 danh tướng của miền Nam trong cuộc Nội chiến Hoa kỳ, mà còn là 1trong những tướng lãnh tài ba nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Ông sinh ngày 21 tháng 1 năm 1824, tại tiểu bang Virginia.

Nguyên ông và bà cố nội của Thomas là John Jackson và Elizabeth Cummins [Ê-li-da-bét Câm-ming] đều là người Anh, vì phạm tội ăn cắp ở London, nên bị kết án đày qua Mỹ (lúc đó là thuộc địa của Anh). Họ quen nhau trên chuyến tàu chở toàn tội phạm bị lưu đày (năm 1749), và kết hôn với nhau 6 năm sau khi đặt chân lên đất Mỹ, rồi tới định cư ở tiểu bang Virginia. Sau này, khi cuộc Cách mạng dành Độc Lập của Hoa kỳ bùng nổ (1775 – 1783), John (lúc đó đã trên 55 tuổi) và 2 người con trai lớn đều tham gia quân đội Cách mạng. Ở lại với đàn con nhỏ, Elizabeth đã biến ngôi nhà của mình thành 1 chỗ trú ẩn kiên cố cho mọi người trong vùng mỗi khi bị người Da Đỏ đánh phá. Vì vậy, căn nhà đã được đặt tên là “đồn Jackson” (Jackson’s Fort). Khi chiến tranh kết thúc, John Jackson vẫn tiếp tục ở lại phục vụ trong lực lượng quân sự của tiểu bang Virginia. Con cháu của ông sau này đông đúc, khá giả, nhiều người trở thành luật sư, chánh án, dân biểu, nghị sĩ, quân nhân, và là 1 dòng họ lớn, có thế lực ở tiểu bang Virginia.

Thomas Jackson là con thứ 3 trong gia đình. Mẹ ông là người phụ nữ hiền lành, xinh đẹp, ngoan đạo, có học thức và nghị lực. Cha ông tuy là 1 luật sư có tên tuổi, từng làm trưởng ban thuế vụ của quận, nhưng vì ham mê cờ bạc và biển thủ công quỹ, nên bị người anh họ (là Dân biểu của tiểu bang) cách chức. Khi Thomas được 2 tuổi thì chị cả và cha cậu đều qua đời vì bệnh thương hàn (typhoid). Lúc đó, mẹ của Thomas đã có thai được hơn 9 tháng, và hạ sinh 1 bé gái chỉ 1 ngày sau khi cha cậu mất.

Bơ vơ với 3 con nhỏ, lại phải gánh vác nợ nần chồng chất vì tính hoang đàng và cờ bạc của chồng, bà đã phải bán hết tài sản, cũng như vừa dạy học, vừa may vá để trả nợ và nuôi nấng con cái. Hơn 4 năm sau, bà tái giá với 1 luật sư khác, nhưng chỉ được 1 năm thì mắc bệnh nặng. Trước khi qua đời, bà cho gọi các con đến bên giường để bày tỏ sự yêu thương và trăn trối. Trong suốt quãng đời còn lại của mình, Thomas sẽ không bao giờ quên được những giây phút đó. Đối với ông, bà là 1 người mẹ hiền từ, đầy tình thương và mẫu mực nhất.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Thomas và em gái được chú là Cummins Jackson đem về nuôi, còn anh của Thomas về ở với 1 người bà con bên mẹ. Nhưng sau 4 năm, do sự sắp xếp của họ hàng, Thomas lại được gởi tới sống với gia đình người cô. Tại đây, cậu bị chồng của cô ngược đãi và đối xử tệ hại, nên quyết định bỏ trốn. Sau khi phải 1 mình lặn lội khoảng 18 miles (hơn 28km), băng qua những vùng núi rừng hoang dã, cậu mới về đến nông trại của Cummins Jackson. Lúc đó, Thomas chỉ mới được 12 tuổi.

Cummins Jackson là 1 địa chủ tương đối khá giả, với hơn 1,000 acres đất (khoảng 400 hectare), và 1 trại xay lúa mì. Hơn nữa, Cummins tuy nghiêm với cháu, nhưng vẫn coi Thomas như con của mình. Vì vậy, cuộc sống ở đây rất thoải mái đối với Thomas. Ngoài thời gian phụ giúp những công việc của nông trại, cậu vẫn có thì giờ giải trí, đi câu hoặc cưỡi ngựa, săn bắn… Tuy nhiên, điều cậu mong muốn nhất là được đi học để có 1 trình độ văn hóa cao, nhưng đây lại là 1 vùng hoang vu, dân cư thưa thớt, nên không có trường học. Do đó, chỉ thỉnh thoảng cậu mới được tham dự 1 vài lớp học ngắn hạn do tư nhân tổ chức mà thôi.

Không thỏa mãn với những kiến thức quá ít ỏi đó, Thomas đã tìm hoặc mượn sách để đọc và học hỏi thêm. Vì vậy, hầu hết những kiến thức của cậu đều là do tự học. Thomas cũng nhờ 1 người nô lê da đen của chú mình cung cấp củi thông, rồi mỗi tối đốt củi lên để đọc sách cho đến khuya. Đổi lại, cậu cũng dạy cho người đó biết đọc và biết viết, mặc dù là luật của tiểu bang Virginia thời đó cấm dạy chữ cho những người nô lệ.

Đến năm 18 tuổi, Thomas quyết định xin vào trường võ bị West Point, chỉ vì nghe nói đó là nơi được chính phủ cung cấp giáo dục miễn phí cho các học viên. Tuy nhiên, vì mỗi quận chỉ được tiến cử có 1 người, mà trình độ học vấn của Thomas lại kém (nhất là về toán), nên vị Dân biểu địa phương đã tiến cử người khác. Nhưng khi người đó đến nhập học mới nhận thấy cuộc sống trong trường võ bị – với luật lệ và khuôn khổ khắt khe – không thích hợp với mình, nên bỏ trốn mất. Nhờ vậy, Thomas mới được đưa vào thay thế chỗ trống đó.

Do trình độ kém, nên trong thời gian đầu, Thomas Jackson đã gặp rất nhiều khó khăn trong hầu hết mọi môn học, và thường bị xếp hạng cuối hoặc gần cuối. Nhưng với sự cố gắng và nhẫn nại phi thường, ông đã dần dần vượt lên, và ngày càng tỏ ra xuất sắc. Sau 4 năm học tập tại West Point, ông tốt nghiệp hạng thứ 17 trong tổng số 59 học viên, và được bổ sung vào pháo binh, với chức vụ Thiếu úy. Những người cùng khóa với ông sau này đều công nhận rằng nếu khóa học kéo dài thêm 1 năm nữa, ông đã tốt nghiệp hạng nhất.

Lúc này (1846), cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Mễ tây cơ đã bùng nổ, nên đơn vị của ông được điều động xuống Texas, rồi sau đó cùng đoàn quân viễn chinh – dưới quyền chỉ huy của tướng Winfield Scott – theo đường thủy đổ bộ lên Vera Cruz, 1 vùng ven biển nằm ở phía Đông Nam thủ đô của Mễ tây cơ. Trong những chiến dịch liên tiếp sau đó, ông đã biểu lộ tài năng, cũng như sự bình tĩnh, quả cảm và anh dũng trong nhiều trận đánh lớn, nên chỉ trong 6 tháng đã được thăng chức 3 lần, và trở thành Thiếu tá pháo binh.

Khi cuộc chiến tranh với Mễ tây cơ kết thúc (1848), ông được điều động về trấn đóng ở New York, rồi sau đó chuyển đến Florida. Nhưng vì xảy ra chuyện xích mích với viên sĩ quan trưởng đồn, nên chẳng bao lâu sau, ông đệ đơn xin giải ngũ, rồi về làm giảng viên cho Học viện Quân sự Virginia (The Virginia Military Institude) tại thành phố Lexington [Lếch-xing-tân] vào đầu năm 1851, với mức lương $100/ 1 tháng, cộng với những chi phí ăn ở khác.

Tại đây, Jackson vừa phụ trách huấn luyện về nghệ thuật pháo binh, vừa giảng dạy các môn khoa học tự nhiên như toán, thiên văn, vật lý, hóa học. Tuy nhiên, mặc dù các bài giảng của ông về pháo binh và quân sự sau này được coi là bất hủ, và vẫn được lưu hành tại học viện cho đến nay, nhưng với các môn khoa học tự nhiên thì ông lại rất lúng túng, không biết cách truyền đạt cho học viên dễ hiểu, hay cảm nhận được. Với mỗi bài giảng ông chỉ lập lại từng chữ những gì mà ông đã soạn sẵn trong giáo án. Nếu có ai không hiểu mà hỏi thì ông vẫn lập lại y hệt như thế. Nếu họ vẫn không hiểu mà hỏi thêm lần nữa thì sẽ bị ông trừng phạt về tội phá kỷ luật. Vì vậy, nhiều học viên đã tỏ ra bất mãn và chán nản, nên họ tìm đủ mọi cách để chọc phá ông trong những lúc giảng dạy, cũng như đặt cho ông những biệt danh xấu như “Tom Fool” (tức “Tom ngốc” – với Tom là tên gọi tắt hoặc thân mật cho những người có tên Thomas) hay “Mad Tom” (tức “Tom điên”). Nhưng dù chọc phá ông tới mức nào, họ vẫn không thể làm cho ông tức giận hoặc mất bình tĩnh, nên dần dần lại cảm phục sự điềm tĩnh, cũng như khả năng tự chủ của ông.

Vào năm 1853, Jackson kết hôn với bà Elinor Junkin (Eo-li-no Dâng-kin), nhưng chỉ được hơn 1 năm thì bà qua đời. Đến năm 1857, ông lập gia đình lần thứ 2 với bà Mary Anna Morrison [Mo-ri-sơn], rồi mua 1 căn nhà ở gần trung tâm thành phố Lexington với giá 3 ngàn đô, và dọn tới đó ở vào tháng 1 năm 1858. Địa thế và hình dáng căn nhà như những hình bên dưới.

 

 

 

 

Trước nhà có bậc thang đi lên, và 2 cửa trước, nên sàn nhà rất cao (so sánh với chiếc xe đậu gần đó, cũng như với nhà bên cạnh)

 

Mặt tiền căn nhà, và 2 cửa trước. Vì được tu sửa lại vào năm 1979 (nhưng vẫn giữ đúng mọi thiết kế như thời Jackson còn đang ở), nên nhà vẫn có vẻ mới và khang trang

 

Con đường trước nhà cao lên về mé bên phải (nếu đứng trong nhà nhìn ra trước)

 

Con đường trước nhà hơi thấp xuống về mé bên trái

Hướng nhà này nếu đo theo Google là khoảng 222 độ (tức hướng KHÔN kiêm MÙI 3 độ), còn Độ Từ Thiên tại khu vực này (Lexington, Virginia) vào lúc đó (1858) là 0 độ. Nhưng nếu lập trạch vận theo hướng đó (tức không dùng Thế quái) thì không ứng, mà phải lập theo hướng KHÔN kiêm MÙI từ 4 độ trở lên (tức lệch thêm 1 độ nữa so với Google map, để dùng Thế quái) mới ứng, và trạch vận như bảng dưới.

 

Nhìn vào trạch vận thấy trong vận 9 mà nhà bị Hướng tinh 3 là tử khí tới hướng, nên đúng ra gia đình chỉ nghèo khó, tầm thường. Số 3 ở đây vì không phải là vượng khí, nên chỉ mang ý nghĩa là thường nhân buôn bán, kinh doanh, hoặc quân nhân với chức vị nhỏ, thấp. Nhưng nhờ gặp những cách cục đặc biệt, lại được địa hình ứng hợp, nhất là ngã 4 nơi phía NAM đắc Hướng tinh 1 là sinh khí, mà lúc đó đã vào cuối vận 9, nên sinh khí ngày càng đắc lực. Hơn nữa, nơi đó (phía NAM) cũng được cặp 1 – 4 đồng cung, nên chủ phát cả địa vị lẫn danh tiếng.

Tuy nhiên, vì phương tọa (phía sau) căn nhà lại bị Sơn tinh số 8 là suy khí đến đó, nên là điều xấu về nhân đinh. Mặc dù phía TÂY có Sơn tinh 9 là vượng khí, mà thế đất nơi đó lại cao lên, nên đúng ra cũng có thể hỗ trợ được cho nhân đinh trong vận 9. Nhưng vì sàn nhà của ông lại làm cao hơn cả chỗ cao nhất nơi phía TÂY, nên vượng khí của Sơn tinh thật sự lại không đóng ở trên cao so với nhà ông, do đó đã không thể giúp ích gì được, nên nhân đinh vẫn bị bại.

Gia đình ông dọn vào nhà này trong tháng 1 năm 1858, tức vẫn còn trong tháng 12 ÂM LỊCH của năm ĐINH TỴ (1857). Năm đó, niên tinh Ngũ Hoàng và Lực Sĩ đều tới hướng, còn Tang Môn, Điếu Khách, Phi Liêm đều tới Mùi (tức hướng kiêm). Lúc này, vợ ông đã có thai khoảng 6 tháng, và đến cuối tháng 4 năm 1858 thì hạ sinh 1 bé gái, nhưng chỉ không đầy 1 tháng sau thì bé gái này mắc bệnh nặng rồi qua đời. Vợ ông sau đó lại có tang người em gái thân nhất của mình. Còn bản thân ông cũng bị bệnh tật dày vò trong suốt năm đó, và phải đi lên New York để điều trị (tức đi về phía ĐÔNG BẮC), nhưng vẫn không có kết quả.

Tuy nhiên, từ khi vào ở nhà này, chẳng những là công việc của ông vẫn ổn định, mà vấn đề tài chánh của ông mỗi lúc 1 khá giả hơn. Ngoài thời gian giảng dạy tại học viện quân sự, ông còn tham gia các hội đoàn kinh doanh, chỉ đạo ngân hàng, đầu tư vào địa ốc, mở xưởng làm da thuộc… Chỉ sau vài năm, ông đã trở thành 1 nhân vật có uy tín lớn tại thành phố Lexington, không những về quân sự, mà cả về mặt kinh doanh, thương mại, cũng như về phương diện tôn giáo nữa.

Khi cuộc Nội chiến Hoa kỳ xảy ra vào năm 1861, ông tham gia lực lượng quân sự của tiểu bang Virginia. Đến lúc tiểu bang này ly khai với chính phủ Liên bang, rồi gia nhập khối Liên minh Miền Nam (The Confederate [Cần-phé-đờ-rết]), ông được điều động tới Harper’s Ferry [Ha-pờ Phé-ri], chỉ huy 1 lữ đoàn bộ binh (sau này nổi tiếng với biệt danh “Lữ đoàn Stonewall”) với chức vụ đại tá (ngày 27 tháng 4), rồi sau đó lại được thăng chức Chuẩn tướng (ngày 11 tháng 6), và được lệnh đem quân về vùng sông Bull Run, gần ngôi làng Manassas [Ma-ná-sạt], tiểu bang Virginia để tăng viện cho quân đội miền Nam đang bị đe dọa tại đây.

Vào ngày 21 tháng 7, khoảng 35 ngàn quân miền Bắc mở cuộc tấn công tại đây. Mặc dù cũng với số lượng tương đương (34 ngàn), lại được vị trí phòng thủ thuận lợi, nhưng quân miền Nam dẩn dần núng thế. Đến khi phòng tuyến bên trái bị phá bể, binh lính miền Nam mất tinh thần và bắt đầu bỏ chạy, chiến thắng hầu như đã hoàn toàn lọt vào tay quân miền Bắc, nếu không có sự bình tĩnh và quả cảm phi thường của Jackson.

Mặc dù thấy các đơn vị bạn ở chung quanh đã hoảng hốt tháo chạy, cũng như lữ đoàn của mình (khoảng 2 ngàn người) hoàn toàn bị cô lập, Jackson vẫn thản nhiên ra lệnh lập thế trận để chờ quân địch. Áp dụng chiến thuật của Quận công Wellington (người chiến thắng Napoleon tại Waterloo), ông dàn quân phía sau những gò đất cao, để quân địch không thấy được quân số, cũng như thế trận của mình, rồi chờ khi họ đến thật gần (tức khi quân địch đã vượt qua chỗ cao nhất của cuộc đất và lao xuống) mới bắt đầu mở cuộc tấn công thật ác liệt. Điều này không những gây tổn thất nặng nề cho quân địch, mà còn tạo ra 1 yếu tố bất ngờ, khiến cho quân miền Bắc đang hăng hái xông lên để truy kích đối phương bỗng dưng bị khựng lại, và buộc phải tập trung để đối phó với ông.

Lúc này, các tướng lãnh và sĩ quan miền Nam đang cố gắng ngăn cản quân lính của mình bỏ chạy, nên khi thấy Jackson chiến đấu ác liệt với quân địch, có người đã hô to lên rằng: “Hãy nhìn kìa! Jackson đang đứng sừng sững như 1 bức tường đá (trước quân thù). Chúng ta hãy tập hợp lại và quyết tử nơi đây”. Thế là quân miền Nam quay lại phản công kịch liệt, chuyển bại thành thắng, đánh cho quân miền Bắc tháo chạy qua bên kia sông. Từ sau trận đánh này (còn được gọi là Trận Bull Run lần thứ I, hay Manassas lần thứ I), biệt danh “Bức tường Đá” (Stonewall) được gắn liền với Jackson, và làm chấn động cả 2 miền Nam – Bắc Hoa kỳ. Do chiến tích này, ông được thăng chức Thiếu tướng (ngày 07 tháng 10 năm 1861), và được chuyển về làm tư lệnh lực lượng quân sự tại vùng Thung lũng Shenandoah [Se-nần-đô-a], phía Bắc Virginia.

Nếu xét theo Phong thủy thì năm 1861 (TÂN DẬU), niên tinh 1 đến hướng, sinh nhập cho Hướng tinh 3 (1 Thủy sinh 3 Mộc), cũng như nhờ 1 số yếu tố khác, nên được nhiều may mắn, thuận lợi bất ngờ, vì vậy ông được thăng chức liên tục. Lần đầu khi ông được bổ nhiệm làm Lữ đoàn trưởng, với chức vụ Đại tá vào ngày 27 tháng 4 (tức ngày BÍNH NGỌ, 18 tháng 3 ÂM LỊCH). Lúc đó, niên – nguyệt – nhật tinh tới hướng là 1 – 3 – 7, tức là 7 Kim sinh 1 Thủy rồi Thủy sinh 3 Mộc, được sinh nhập trùng trùng nên đang từ Thiếu Tá (chức vụ cũ khi ông giải ngũ) lại nhảy vọt lên Đại tá. Khi ông được thăng Chuẩn tướng (ngày 11 tháng 6, tức ngày TÂN MÃO, 04 tháng 5 ÂM LỊCH), lúc đó niên – nguyệt – nhật tinh đều là 1 – 1 – 1 đến hướng, sinh nhập liên tục cho Hướng tinh. Đến lúc ông được thăng Thiếu tướng (ngày 07 tháng 10, tức ngày KỶ SỬU, 04 tháng 8 ÂM LỊCH), lúc đó niên – nguyệt – nhật tinh đến hướng là 1 – 7 – 2, tức 2 Thổ sinh 7 Kim rồi Kim sinh 1 Thủy để Thủy sinh Mộc, Hướng tinh lại được sinh nhập trùng trùng nên gặp may mắn (còn lý do tại sao trong trường hợp này 2 – 7 lại không kết hợp thành Hỏa tiên thiên để thiêu hủy Mộc thì cần phải có trình độ khá về Phi tinh mới suy luận ra).

Riêng trận Bull Run I xảy ra vào ngày 21 tháng 7 (tức ngày TÂN MÙI, 14 tháng 6 ÂM LỊCH). Lúc đó, niên – nguyệt – nhật tinh là 1 – 9 – 8 tới hướng, nên mới nhìn tưởng là Hướng tinh 3 Mộc sinh cho 9 Hỏa rồi Hỏa sinh 8 Thổ, tức bị sinh xuất trùng trùng mà làm hao tổn nguyên khí, tiêu hao sinh lực. Nhưng nhờ có niên tinh 1 Thủy tại đó vừa sinh cho Hướng tinh 3, lại có thể chế bớt được Hỏa nóng, nên bảo vệ được nguyên khí của Hướng tinh, không bị tiêu hao đến tận tuyệt. Vì vậy trong trận này, mặc dù lúc đầu bị áp lực lớn của đối phương đông đảo hơn gấp nhiều lần, nhưng cuối cùng ông được các đơn vị bạn đang bỏ chạy quay lại hỗ trợ nên đánh bại quân địch, lập được chiến công hiển hách. Tuy nhiên, lữ đoàn của ông bị tổn thất khá lớn, do phải hứng chịu những cuộc tấn công quyết liệt nhất. Trong tổng số gần 2 ngàn lính miền Nam chết hoặc bị thương, lữ đoàn của ông đã bị thiệt hại 561 người, tức hơn 1/4 tổng số thương vong của quân miền Nam trong trận đánh này.

 

(còn tiếp)