NHÀ CỦA TƯỚNG THOMAS “STONEWALL” JACKSON (II)

Tại thủ đô Washington, khi thấy quân miền Bắc – mặc dù chiếm ưu thế về trang bị, hỏa lực cũng như tiếp vận – thất bại trở về, Abraham Lincoln liền cử George McClellan ([Di-o Mặc-liếu-lần] – người coi thường và không thèm tiếp Ulysses Grant trước đây – lên làm tư lệnh quân đội.

Mặc dù còn rất trẻ (35 tuổi), McClellan đã nổi danh văn – võ song toàn, với kiến thức sâu rộng về mọi vấn đề, và được mệnh danh là 1 “Napoleon trẻ tuổi” (The Young Napoleon). Nhưng bên trong con người có tài kinh bang tế thế, đầy tự tin lại là 1 kẻ kiêu căng, tự đắc, khinh bạc và do dự.

Trở thành tư lệnh, McClellan cho tái trang bị và tổ chức lại quân đội, dàn trận, duyệt binh, biểu dương khí thế, nâng cao tinh thần quân sĩ, nhưng sau đó cứ chần chờ ở Washington, khiến cho Lincoln cảm thấy nôn nóng. Vì vậy, có lần ông và 1 số Bộ trưởng đã đích thân đến nhà McClellan để thăm hỏi tình hình. Nhưng lúc đó McClellan đang đi dự lễ cưới, nên Lincoln phải ngồi chờ. Đến khi đám cưới xong và về đến nhà, lại được người hầu báo có TT đang chờ, McClellan đã bỏ lên lầu ngủ. Thái độ xấc láo của McClellan đã làm cho mọi người tức giận, nhưng Lincoln vẫn bình thản, và khi ra về đã nói với mọi người rằng ông sẵn sàng giắt ngựa cho McClelland, nếu như ông ta có thể mang lại chiến thắng.

Câu chuyện trên cho thấy sự nhẫn nhịn đến tột độ của Lincoln, và qua đó là khả năng lãnh đạo, cũng như cách xử dụng nhân tài của ông, mà ngay cả chuyện Lưu Bang giắt ngựa cho Hàn Tín, hay Lưu Bị 3 lần tới tìm Khổng Minh cũng không thể so sánh bằng. Bởi vì cả 2 lúc đó đều rất nhỏ, yếu so với đối phương (Hạng Võ hoặc Tào Tháo). Còn Lincoln mặc dù bị thất bại trong trận đầu, nhưng vẫn nắm ưu thế tuyệt đối về cán cân lực lượng so với miền Nam. Hơn nữa, Lincoln là lãnh tụ của 1 chế độ đã được thiết lập và củng cố, nên uy quyền rất lớn, còn Lưu Bang và Lưu Bị lúc đó chỉ đang tìm cách gây dựng thế lực, nên mới phải nhún nhường mà thôi.

Qua đầu năm 1862, trước sự hối thúc của chính phủ và quốc hội, McClellan buộc phải hành động. Rập khuôn theo kế hoạch của tướng Winfield Scott trong cuộc chiến tranh với Mễ tây cơ trước đây, McClellan đem hơn 120 ngàn quân từ Washington theo đường thủy đổ bộ lên đồn Monroe (Fort Monroe), 1 địa điểm nằm ở cửa biển của sông James, cách thủ đô Richmond của miền Nam khoảng 75 miles về phía Đông Nam. Từ đây, McClellan dự tính sẽ đánh vào sau lưng Richmond. Đồng thời, ông ta cũng để lại hơn 2 Quân đoàn (khoảng 80 ngàn quân) vừa để bảo vệ thủ đô Washington, vừa để tấn công và bình định khu vực Thung lũng Shenandoah. Sau đó, những lực lượng này sẽ từ phía Bắc và Đông Bắc tiến xuống, cùng với cánh quân của McClellan bao vây Richmond từ 3 phía.

Tướng George McClellan, sau này trở thành chính khách đối lập, ra tranh cử TT vào năm 1864, nhưng bị thất bại dưới tay Abraham Lincoln (nguồn: thoughtco.com)

 

Nhưng ngay từ đầu, kế hoạch của McClellan đã bị phá hỏng tại Thung lũng Shenandoah. Mặc dù lúc đó chỉ có khoảng hơn 4 ngàn quân, Jackson đã không chịu rút lui trước sức mạnh của đối phương, mà bất ngờ đột kích 1 sư đoàn địch (với quân số hơn 9 ngàn người). Thấy Jackson hoạt động mạnh, Abraham Lincoln tỏ ra lo ngại, và ra lệnh cho cả 2 Quân đoàn còn đóng ở Washington chia làm 4 mũi tiến vào Thung lũng Shenandoah để bao vây và tiêu diệt ông. Nhưng được tăng viện thêm 13 ngàn quân, lại am hiểu tường tận địa hình của khu vực, cũng như lợi dụng quân địch không tập trung với nhau, trong suốt 48 ngày đêm, Jackson đã dẫn quân vượt hơn 1,000km (646 miles), vừa đi vừa đánh bại hết cánh quân này tới cánh quân khác, và cuối cùng đẩy lui 70 ngàn quân địch ra khỏi vùng Thung lũng Shenandoah. Chiến dịch này đã đi vào lịch sử như là 1 trong những chiến dịch kinh điển về nghệ thuật hành quân thần tốc, lấy ít thắng nhiều của Jackson, và đã được nhiều danh tướng sau này như George Patton (Mỹ), hoặc Erwin Rommel (Đức) nghiên cứu và học tập kỹ lưỡng. Nó cũng tạo cho lực lượng bộ binh dưới quyền ông 1 biệt danh mới là “Kỵ binh bằng chân” (Foot cavalry), do tốc độ hành quân nhanh chóng của họ, và làm khiếp vía quân đội miền Bắc lúc đó.

Ngay sau chiến dịch này, Jackson được lệnh đem quân về tập hợp với 60 ngàn quân miền Nam đang đối phó với cánh quân của McClellan đã tiến đến sát thủ đô Richmond. Lúc này, sau 1 trận đụng độ, viên tướng tư lệnh mặt trận của miền Nam bị trọng thương, nên Robert E. Lee (đang làm cố vấn quân sự cho TT Jefferson Davis) được cử đến thay thế. Thấy McClellan phạm phải sai lầm chiến thuật là chia quân đóng ở 2 bên bờ sông, mặc dù với quân số ít hơn, Lee vẫn lập tức quyết định tấn công quân địch.

Chỉ để 25 ngàn quân phòng thủ Richmond và cầm chân 90 ngàn quân địch, Lee tập trung hơn 50 ngàn quân tấn công 30 ngàn quân miền Bắc tại Mechanicsville [Mi-ké-nic-viu] vào ngày 26 tháng 6, mở đầu cho Trận đánh 7 ngày (The Seven Days’ Battle) giữa Lee và McClellan. Tuy nhiên, trong trận đánh này, cũng như những trận đánh của 6 ngày kế tiếp, Jackson đã tỏ ra lúng túng hoặc chậm trễ, không đem quân đến mặt trận kịp lúc, khiến cho Lee đã không thể phát huy được ưu thế về số lượng của mình, và quân địch mặc dù bị thua trận, nhưng vẫn triệt thoái được an toàn. Đây là lần đầu tiên (và cũng là lần cuối cùng) Jackson đã tỏ ra kém cỏi, không làm tròn được trọng trách. Các sử gia sau này cho rằng có lẽ sau những tháng ngày hành quân và chiến đấu liên tục, Jackson (cũng như lực lượng dưới quyền ông) đã quá mệt mỏi, nên không còn đủ sức lực và tinh thần để hành quân và chiến đấu hăng hái như trước. Về phần Lee, mặc dù không tiêu diệt được chủ lực địch, nhưng chỉ trong 7 ngày, với 1 đạo quân ít ỏi hơn, ông đã liên tục tấn công và uy hiếp quân địch, buộc họ phải vội vã triệt thoái ra biển, rồi lên tàu trở về Washington.

Kể từ sau Trận đánh 7 ngày, Jackson trở thành tướng chỉ huy 1 Quân đoàn (trong tổng số 2 Quân đoàn) dưới quyền Lee. Lúc này, Lincoln phái tướng John Pope đem 45 ngàn quân xuống uy hiếp phía Bắc Virginia, nên Lee phái Jackson lên đó để canh chừng Pope. Đến khi biết McClellan đã đem quân trở về Washington, Lee lập tức dẫn quân lên phía Bắc, dự tính đập tan lực lượng của John Pope trước khi McClellan có thể về kịp để tăng viện cho ông ta. Vào cuối tháng 8 năm 1862, Jackson đem 24 ngàn quân đến đối diện với John Pope – lúc này đã được tăng viện lên tới 76 ngàn người. Bằng hành động cực kỳ táo bạo, Jackson bất ngờ dẫn quân đi vòng ra sau lưng Pope, chỉ trong 2 ngày đã vượt gần 100km (60 miles), đánh chiếm và thiêu hủy toàn bộ kho tàng và lương thực của Pope, sau đó rút về 1 vùng có địa thế kiên cố lập tuyến phòng thủ, công khai thách thức Pope tấn công. Vào ngày 29 tháng 8, Pope tập trung quân tấn công Jackson – không ngờ rằng mình đã lọt vào bẫy của Lee – nên bị Lee bất ngờ đem 25 ngàn quân đánh vào bên hông, khiến cho quân miền Bắc đại bại và phải tháo chạy về Washington. Vì trận đánh này cũng xảy ra tại con sông Bull Run, gần ngôi làng Manassas, nên được gọi là Trận Bull Run lần thứ 2 (The Second Bull Run) hay Trận Manassas lần thứ 2.

 

Tướng John Pope, sau khi bị thất bại trong trận Bull Run II, ông được chuyển về phụ trách việc bình định các bộ tộc của người Da Đỏ cho đến khi về hưu (nguồn: civilwartalk.com)

 

Đánh bại John Pope, Lee chia quân làm 2 cánh tiến ra Maryland, mục đích vừa để uy hiếp Washington, vừa đánh bại quân chủ lực của miền Bắc dưới quyền McClellan, đồng thời tìm kiếm lương thực cho binh sĩ. Nhưng không may cho Lee, 1 bản chỉ thị của ông gởi cho các tướng lãnh lại lọt vào tay McClellan. Biết rõ quân số, vị trí và mục tiêu của Lee, McClellan huy động gần 90 ngàn quân đến tấn công ông tại Antietam [An-tía-tầm], lúc đó chỉ có Quân đoàn của Jackson với khoảng 25 ngàn người. Mặc dù với quân số và hỏa lực áp đảo, nhưng trong suốt ngày hôm đó (17 tháng 9), McClellan vẫn không sao phá nổi trận tuyến của Jackson. Mãi đến chiều khi quân miền Nam được tăng viện (khoảng 14 ngàn), McClellan đành phải bãi bỏ mọi cuộc tấn công.

Qua ngày hôm sau, mặc dù vẫn nắm ưu thế tuyệt đối, McClellan chỉ giữ thế thủ, chứ không dám tấn công. Về phần Lee thấy quân của mình quá ít ỏi, không đủ sức để đánh bật được quân địch vừa đông hơn gấp 2, vừa lập tuyến phòng thủ vững chắc. Hơn nữa, McClellan được tăng viện liên tục, nên càng ở lâu thì tình thế càng bất lợi. Vì vậy vào đêm hôm đó, ông hạ lệnh cho binh sĩ triệt thoái. Mãi đến sáng hôm sau, McClellan mới phát hiện được, nhưng lúc đó toàn bộ quân miền Nam đã an toàn vượt qua bên kia bờ sông Potomac.

Thomas “Stonewall” Jackson với quân hàm Trung tướng (nguồn: historynet.com)

 

Sau trận Antietam, Jackson được phong chức Trung tướng (ngày 10 tháng 10 năm 1862). Hơn 1 tháng sau, vợ ông hạ sinh 1 bé gái (ngày 23 tháng 11). Đây là người con duy nhất của ông, và ông đặt tên cho con là Julia Laura Jackson, với Julia [Du-li-a] là tên của mẹ ông, và Laura [Lo-ra] là tên của người em gái, mặc dù là từ khi cuộc Nội chiến xảy ra, giữa ông và cô ta nảy sinh sự bất hòa, do ông theo phe miền Nam, còn em ông lại nhiệt liệt ủng hộ miền Bắc, nhưng tình thương của ông dành cho em vẫn không vì thế mà thay đổi.

Trong khi đó, tại Washington, thấy McClellan – với ưu thế tuyệt đối về mọi phương diện – lại để Lee vượt thoát dễ dàng, Lincoln đã nhận ra tuy ông ta có tài tổ chức và xây dựng quân đội, nhưng không phải là 1 chiến tướng giỏi. Vì vậy, Lincoln quyết định bãi chức McClellan, và đưa tướng Ambrose Burnside [Em-rô Bơn-sai] – người đã lập được 1 số chiến công đáng kể trong việc tái chiếm lại những hải cảng ở tiểu bang North Carolina – lên thay thế. Vào đầu tháng 12 năm 1862, Burnside huy động 120 ngàn quân đến tấn công Lee tại Fredericksburg [Phé-đờ-ríc-bơ], tiểu bang Virginia. Đoán biết Burnside sẽ tấn kích trực diện, Lee cho quân sĩ (khoảng 70 ngàn người) lập tuyến phòng thủ chờ đợi, với Quân đoàn của Jackson đóng ở phía bên phải. Sáng ngày 13 tháng 12, Burnside cho quân tấn công trên toàn trận tuyến, nhưng đều bị đẩy lui với những tổn thất nặng nề. Khi trận đánh kết thúc vào chiều hôm đó, miền Bắc đã bị thiệt hại hơn 12 ngàn quân (so với miền Nam khoảng gần 5 ngàn).

Tướng Ambrose Burnside, mặc dù bị thất bại thảm hại tại Fredericksburg, nhưng sau này ông cũng lập được 1 số thành tích, và tạo điều kiện cho Ulysses Grant chiến thắng ở Chattanooga (nguồn: kids.britannica.com)

 

Nếu xét theo Phong thủy thì năm 1862 (NHÂM TUẤT), niên tinh 9 Hỏa đến hướng, khiến cho Hướng tinh 3 Mộc bị sinh xuất, nên là năm tài sản hoặc sinh lực bị tiêu hao. Vì vậy trong năm đó, ông đã vô cùng vất vả với những chiến dịch và những trận đánh liên tiếp. Trong Trận đánh 7 ngày (bắt đầu từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 02 tháng 7 – tức đều trong khí Hạ Chí, thuộc tháng 5 ÂM LỊCH), niên – nguyệt tinh là 9 – 7 đến hướng, kết hợp thành Hỏa hậu thiên, Hướng tinh 3 bị sinh xuất nặng (chưa kể 1 vài yếu tố khác), khiến cho ông trở nên tầm thường, kém cỏi.

Khi trận Bull Run lần thứ 2 xảy ra vào ngày 29 tháng 8 (tức ngày ẤT MÃO, 05 tháng 8, nhưng còn trong khí Xử Thử, nên vẫn thuộc tháng 7 ÂM LỊCH), niên – nguyệt – nhật tinh 9 – 5 – 3 đến phía trước. Tuy Hướng tinh 3 bị sinh xuất trùng trùng (3 Mộc sinh 9 Hỏa rồi Hỏa sinh 5 Thổ), nên ông phải đương đầu với áp lực lớn của đối phương. Nhưng nhờ nhật tinh 3 tới hỗ trợ cho Hướng tinh, ông mới đủ sức cầm cự được.

Đến trận Antietam xảy ra vào ngày 17 tháng 9 (tức ngày GIÁP TUẤT, 24 tháng 8 ÂM LỊCH), niên – nguyệt – nhật tinh là 9 – 4 – 8 đến hướng, khiến cho Hướng tinh 3 bị khắc nhập trùng trùng (9 – 4 kết hợp thành Kim tiên thiên, lại được 8 Thổ sinh để khắc 3 Mộc), nên là lúc ông bị áp lực lớn nhất, không những vì quân địch đông hơn rất nhiều, mà còn vì ông không có được vị trí phòng thủ kiên cố, nên bị tổn thất lớn trong trận đó (miền Bắc bị tổn thất hơn 12 ngàn, miền Nam hơn 10 ngàn người).

Qua trận Fredericksburg vào ngày 13 tháng 12 (tức ngày TÂN SỬU, 22 tháng 10, nhưng vì qua tiết Đại Tuyết, nên đã vào tháng 11 ÂM LỊCH), niên – nguyệt – nhật tinh 9 – 1 – 2 tới hướng, tuy Hướng tinh 3 bị sinh xuất (3 Mộc sinh 9 Hỏa rồi Hỏa sinh 2 Thổ), nhưng nhờ nguyệt tinh 1 Thủy tới khắc chế 9 Hỏa, lại sinh cho 3 Mộc, nên nguyên khí của Hướng tinh được củng cố, không bị tiêu hao nhiều. Vì vậy trong trận đánh này, lúc đầu Burnside dự tính tập trung lực lượng tấn công vào khu vực do ông phòng thủ, nhưng cuối cùng lại đổi ý và dàn quân tấn công trên toàn trận tuyến, nên đã không uy hiếp được ông mãnh liệt như trong những trận đánh trước.

Hơn nữa, nhờ 1 số yếu tố khác, nên trong các chiến dịch và trận đánh trong năm 1862, mặc dù cực kỳ vất vả, khó khăn, bị áp lực lớn hoặc tổn thất nặng…, ông vẫn là người chiến thắng, nên danh tiếng của ông càng lừng lẫy hơn (ngoại trừ sau Trận đánh 7 ngày, ông bị 1 số người chê bai, đả kích).

Riêng ngày ông được phong chức Trung tướng (ngày 10 tháng 10, tức ngày ĐINH DẬU, 17 tháng 9 ÂM LỊCH), niên – nguyệt – nhật tinh là 9 – 3 – 3 tới hướng, Hướng tinh 3 tuy đang bị sinh xuất (3 Mộc sinh 9 Hỏa), nhưng nhờ nguyệt – nhật tinh đều là 3 đến hỗ trợ, cộng với 1 số yếu tố khác khiến ông gặp may mắn và được thăng chức.

Còn ngày vợ ông hạ sinh con gái (23 tháng 11, tức ngày TÂN TỴ, 02 tháng 10 ÂM LỊCH, thuộc tiết Tiểu Tuyết), niên – nguyệt – nhật tinh là 6 – 8 – 1 tới TỌA, tức là đắc Tam cát, nên có tin vui về nhân đinh. Tiếc vì Sơn tinh là suy tử khí, nên chỉ có con gái, chứ không thể có con trai được.

Thấy Burnside bị thất bại thảm hại, Lincoln quyết định đưa tướng Joseph Hooker [Dô-sép Húc-cờ] – 1 người nổi tiếng hăng say, dũng cảm, đầy nghị lực, cũng như đã biểu lộ tài chỉ huy và thao lược trong những trận đánh trước đây (Bull Run, Antietam, Fredericksburg…) – lên thay thế. Nhưng bên trong con người dũng lược đó là 1 kẻ kiêu căng, ngang ngược và phách lối, công khai gọi Lincoln là “1 gã ngu ngốc”, cần phải phế bỏ để thiết lập chế độ độc tài. Mặc dù biết điều đó, Lincoln vẫn phong Hooker làm tư lệnh quân đội, nhưng viết thư cho Hooker rằng “Chỉ có những tướng lãnh đã chiến thắng mới có thể thiết lập chế độ độc tài. Điều tôi đòi hỏi nơi ông bây giờ là chiến thắng, cho dù tôi sẽ phải đối phó với hiểm họa độc tài sau này”. Bằng lời lẽ và hành động minh bạch, thẳng thắn, nhưng vẫn biểu lộ sự bao dung và độ lượng, Lincoln đã làm cho Hooker phải nể phục, và từ đó trở đi không bao giờ dám nói đến chuyện này nữa.

Trở thành tư lệnh, Hooker cho chỉnh đốn lại tổ chức, huấn luyện, cũng như tinh thần binh sĩ đã bị suy thoái nặng nề sau trận Fredericksburg. Chỉ trong 1 thời gian ngắn, quân đội miền Bắc lại hăng hái, hùng mạnh hơn lúc trước. Vào cuối tháng 4 năm 1863, với tổng số gần 140 ngàn quân và 428 khẩu đại bác (đối đầu với 62 ngàn quân địch và 170 đại bác), Hooker bắt đầu phát động chiến dịch tấn công. Để lại hơn 40 ngàn quân cầm chân Lee tại Fredericksburg, Hooker bí mật đem hơn 90 ngàn quân vượt sông, đánh bọc vào cạnh sườn bên trái và sau lưng Lee, tương tự như Alexander Đại đế đã làm tại Jhelum [Dê-lum] trong cuộc chinh phạt miền Bắc Ấn Độ hơn 2 ngàn năm về trước. Thấy bước đầu đã thành công, Hooker huyênh hoang tuyên bố rằng “quân địch sẽ bắt buộc phải tháo chạy nhục nhã, hoặc phải chui ra khỏi phòng tuyến để chiến đấu tại những nơi mà chúng ta đã lựa chọn sẵn, để bị tiêu diệt hoàn toàn”, và “xin Thượng đế thương xót lấy tướng Lee, vì tôi sẽ không dung tha cho ông ấy”.

Nhưng Lee – mặc dù phải đối phó với quân địch đông hơn gấp 2 lần, lại bị đặt vào tình thế cực kỳ nguy hiểm – đã không hề nghĩ đến việc rút lui để bảo toàn lực lượng. Để lại 20 ngàn quân bảo vệ Fredericksburg, Lee đem 42 ngàn quân quay lại đối phó với Hooker. Đây là 1 hành động cực kỳ liều lĩnh và táo bạo, vì phân chia lực lượng khi đang phải đương đầu với quân địch đông hơn gấp bội. Chính Napoleon đã nhiều lần cảnh cáo điều này, và hầu như chưa 1 danh tướng nào trong lịch sử Tây phương (Alexander, Hannibal [Ha-ni-bo], Scipio, Caesar, Gustavus [Gất-ta-vợt], Turenne [Tu-rin], Marlborough [Ma-bo-rô], Frederick…) dám làm như thế. Nhưng sự liều lĩnh đến tột độ của Lee đã làm hoang mang Hooker. Nghĩ rằng Lee không rút lui có lẽ vì đã được tăng viện, hoặc quân số lớn hơn dự đoán của mình, cũng như đã có kế hoạch ứng chiến, Hooker đột nhiên bãi bỏ mọi cuộc tiến quân, và ra lệnh cho binh sĩ rút về ngôi làng Chancellorsville [Chen-seo-lờ-viu] lập tuyến phòng thủ.

Hành động rụt rè của Hooker không những càng làm cho Lee trở nên táo bạo hơn, mà còn để mất quyền chủ động chiến trường vào tay Lee, và ông đã nhanh chóng chụp lấy cơ hội đó. Chỉ giữ lại 14 ngàn quân để chặn Hooker ở phía trước, Lee phái Jackson đem 28 ngàn quân đi đường vòng đánh bọc vào sau lưng của đối phương. Mờ sáng ngày 02 tháng 5, Jackson bắt đầu xuất quân. Đến 5g chiều, sau khi đã vượt 24km (15 miles) để đánh lạc hướng Hooker, ông đem quân vòng trở lại, đánh vào điểm yếu nhất trong phòng tuyến của quân địch.

Bị tấn công bất ngờ, quân miền Bắc hoảng hốt bỏ chạy, nên đội hình bị tan vỡ nhanh chóng. Thừa thắng, Jackson cố thúc quân tiến lên, dự định cắt đứt mọi đường rút lui của đối phương. Nhưng lúc đó trời đã tối, quân đội 2 bên đều không thể nhận ra nhau, nên tình thế vô cùng hỗn loạn. Vào khoảng sau 9g tối, giữa lúc xông pha để tìm cách tập hợp lực lượng hầu mở đợt tấn công khác vào ban đêm, ông bị quân miền Nam bắn lầm và bị thương nặng.

Qua ngày hôm sau, mặc dù quân đội còn rất đông đảo, nhưng Hooker đã mất tinh thần chiến đấu, nên vội vã tìm đường rút lui. Ở bên này, quân miền Nam vừa đuổi theo, vừa cho người hát: “Anh già Joe Hooker, sao anh không dám ló đầu ra khỏi hang, ra khỏi hang” (với Joe [Dô] là tiếng gọi tắt hoặc thân mật cho những người tên Joseph). Châm ngôn quân sự của Tây phương có câu: “1 bầy cừu được chỉ huy bởi 1 mãnh hổ sẽ đánh bại 1 bầy mãnh hổ được chỉ huy bởi 1 chú cừu”. Tại Chancellorsville, quân đội miền Bắc – mặc dù đông đảo hơn, hùng mạnh hơn, tinh nhuệ hơn – lại bị đại bại trước 1 đạo quân “ô hợp”, nhỏ bé của miền Nam, mà Lincoln thường gọi là 1 lũ “ăn mày đói rách” (ragamuffins [ré-gờ-mấp-phin(s)]: những đứa bé rách rưới, bẩn thỉu), chỉ vì họ được chỉ huy bởi 1 mãnh hổ: Robert E. Lee.

Tướng Joseph Hooker, mặc dù bị đại bại tại Chancellorsville, nhưng sau này lại lập được công trạng lớn trong chiến dịch Chattanooga dưới quyền chỉ huy của Ulysses Grant (nguồn: biography.com)

 

Nhưng trong những giây phút vinh quang nhất của mình, Lee nhận được tin Jackson bị thương nặng. Qúa xúc động, ông viết cho Jackson rằng: “Nếu có thể điều khiển được mọi biến cố, vì lợi ích của đất nước, tôi đã lựa chọn cho mình bị thương tích thay thế cho ông. Tôi chúc mừng ông với chiến thắng này, nó đạt được hoàn toàn là do tài năng và nghị lực của ông”. Qua lá thư đó, Lee không những đã nhường hết vinh quang và công trạng cho Jackson, mà còn coi sinh mạng của thuộc cấp cao quý hơn sinh mạng của chính mình. Đổi lại, mặc dù đang bị thương và đau đớn vì bị cưa mất cánh tay trái, nhưng khi nghe đọc bức thư của Lee, Jackson đã nói rằng: “Tướng Lee thật là quảng đại, nhưng ông ấy nên cảm tạ Thượng đế mới đúng”, và “dù tôi có bị thương 10 lần cũng không bằng tướng Lee bị 1 lần”. Nó không những thể hiện sự trung thành và lòng kính trọng của Jackson đối với Lee, mà còn cho thấy sự khiêm tốn, không nhận lãnh công lao của ông. Đó là những yếu tố đã thắt chặt và gắn bó Lee với Jackson, tạo thành cặp song tướng bách chiến bách thắng và lừng danh nhất thế giới trong Thế kỷ thứ 19.

Tưởng rằng Jackson sẽ bình phục nhanh chóng sau khi cưa mất cánh tay, nhưng liền sau đó ông lại bị sưng phổi, rồi qua đời vào chiều ngày 10 tháng 5 năm 1863, chỉ 8 ngày sau trận đánh cuối cùng của mình. Cái chết bất ngờ của Jackson là 1 tổn thất to lớn đối với miền Nam, mà nhiều sử gia sau này cho rằng nếu như ông còn sống, chưa chắc Grant – mặc dù nắm được ưu thế tuyệt đối về mọi phương diện – đã có thể thắng được Lee, hoặc Lee và Jackson đã đánh bại miền Bắc và kết thúc cuộc chiến trước khi Grant nổi lên sau này. Còn ở miền Bắc, mặc dù vui mừng vì đã mất đi 1 đối thủ cực kỳ lợi hại, nhưng báo chí miền Bắc cũng lên tiếng ca ngợi ông là 1 người Thiên Chúa Giáo cao cả, 1 người lính dũng cảm, 1 con người chân chính, và là “1 tướng lãnh tài ba nhất được sản sinh từ cuộc chiến”. Lúc đó ông chỉ mới được 39 tuổi. Thi hài của ông sau đó được đưa về Richmond làm lễ truy điệu trọng thể, rồi đem về an táng tại Lexington, nơi ông sống và làm việc trước khi xảy ra cuộc Nội chiến. Riêng đối với Lee, sự ra đi của Jackson đã làm ông mất đi người phụ tá tài ba nhất, trung thành nhất, đắc lực nhất. Chính vì vậy nên khi được tin Jackson qua đời, Lee đã khóc, và nói với 1 người thân cận rằng ông đã mất đi cánh tay phải của mình, và trong trái tim ông đang rướm máu.

Nếu xét theo Phong thủy thì năm 1863 (QUÝ HỢI), niên tinh Ngũ Hoàng, Lực Sĩ đều đến tọa, mà nơi đó lại có Sơn tinh 8 là suy khí, sắp trở thành tử khí (vì đó cũng là năm cuối cùng của vận 9), nên là điều cực kỳ nguy hiểm cho ông (nhất là vì khi ông nhập trạch đã bị Ngũ Hoàng và Lực Sĩ tới hướng). Còn niên tinh 8 đến hướng, tuy kết hợp với Hướng tinh 3 thành Mộc tiên thiên, nên tuy được nổi tiếng (cộng thêm Bạch Hổ và 1 số cách khác, nên lập được chiến công vang dội tới muôn đời), nhưng vì 3 Mộc vẫn khắc 8 Thổ, tức bị khắc xuất, nên gây nhiều khó khăn, tai họa cho ông (nhất là vì phương tọa đã bị sát khí trùng trùng).

Vào ngày 02 tháng 5 (tức ngày TÂN DẬU, 15 tháng 3 ÂM LỊCH), khi ông đem quân đi đường vòng để đánh bọc vào sau lưng quân địch thì lại bị bắn lầm và bị thương nặng. Lúc đó, niên – nguyệt – nhật tinh là 8 – 6 – 4 đến hướng, tức 8 Thổ sinh cho 6 Kim để khắc 3 Mộc. Tuy nhật tinh 4 Mộc cũng đến hướng, hỗ trợ cho 3 Mộc, nên đúng ra không hề gì. Nhưng vào giờ HỢI (từ 9g đến 11g đêm), thời tinh 9 tới hướng, kết hợp với 4 thành Kim tiên thiên, vây khắc Hướng tinh 3 (vì 6 là Kim, 4 – 9 cũng là Kim, nên Kim nhiều thì Mộc bị vây khắc). Mà Mộc bị Kim khắc thì tay chân bị gãy hoặc có thương tích. Chính vì vậy nên khi bị bắn lầm, ông bị trúng 3 phát đạn, với 2 phát ở tay trái, 1 phát bên tay phải (còn trên mình, hoặc đầu, cổ ông không bị thương tích gì cả).

Đêm hôm đó, sau khi được đem về bệnh xá, vào khoảng hơn 2g sáng (giờ SỬU), ông bị cưa mất cánh tay trái. Lúc đó đã qua ngày NHÂM TUẤT, 16 tháng 3 ÂM LỊCH, niên – nguyệt – nhật tinh 8 – 6 – 5 đến hướng, với 8 – 5 đều là Thổ sinh cho 6 Kim để khắc 3 Mộc, vẫn có tai họa về tay chân, nên cánh tay trái bị cắt bỏ. Không những thế trong ngày hôm đó, ông bắt đầu than bị đau ngực, nhưng bác sĩ chỉ nghĩ là do ông té xuống ngựa khi trúng đạn, chứ không biết là ông đã bị sưng phổi. Đó là vì số 6 (chủ về đầu, cổ, phổi) lại gặp số 5 (chủ về bệnh tật, tai họa), nên phổi mắc bệnh.

Đến lúc ông từ trần vào ngày 10 tháng 5 (tức ngày KỶ TỴ, 23 tháng 3, nhưng vì đã qua tiết Lập Hạ, nên thuộc tháng 4 ÂM LỊCH). Lúc này, niên – nguyệt tinh tới tọa là 5 – 2 + Lực Sĩ, còn nguyệt tinh 5 cũng đến hướng, tức sát khí đến tọa – hướng trùng trùng. Hơn nữa, nhật tinh tới hướng là 6 lại gặp số 5, nên có lẽ vì vậy mà ông qua đời vì bệnh sưng phổi.

Sau khi Jackson mất, Lee vẫn thừa thắng tiến quân ra Bắc. Nhưng tại Trận Gettysburg ([Ghét-ti-bơ] – xảy ra trong 3 ngày, từ 01 đến 03 tháng 7), không có sự phụ tá đắc lực của Jackson, lại bị các tướng lãnh khác phạm hết sai lầm này tới sai lầm khác, Lee bị thất bại và buộc phải rút quân về Nam. Cùng lúc đó, Ulysses Grant lại xuất hiện với chiến công lừng lẫy ở Vicksburg [Víc-bơ], rồi Chattanooga [Chát-ta-nu-ga], sau đó trở thành Tổng tư lệnh quân đội miền Bắc để đối phó với Lee. Xử dụng nguồn kinh tế và nhân lực áp đảo, Grant liên tục tấn công trong suốt hơn 11 tháng trời, khiến cho binh lực của Lee dần dần bị tiêu hao và cạn kiệt, nên cuối cùng phải đầu hàng ở Appomattox, và cuộc nội chiến kết thúc. Sau này, vào lúc cuối đời, khi được hỏi về trận đánh Gettysburg, Lee không ngần ngại trả lời rằng nếu lúc đó Jackson còn sống, ông đã chiến thắng, và cục diện (cũng như kết quả) của cuộc chiến có lẽ đã đổi khác.

Bài viết này là để so sánh giữa căn nhà của Ulysses Grant và Thomas Jackson trong thời kỳ nội chiến Mỹ. Mặc dù cả 2 đều lập được những chiến công oanh liệt, đều trở thành những danh tướng bất hủ, nhưng 1 người xông pha trận mạc trong suốt cuộc chiến vẫn không 1 lần bị thương tích; còn người kia chỉ mới 2 năm đã gục ngã giữa chiến trường, để cho thấy tầm quan trọng của vấn đề vượng nhân đinh của 1 căn nhà. Nhất là với chiến binh, hay những người làm công việc phải ra vào chốn hiểm nguy thường ngày thì lại càng phải chú trọng đến vấn đề này. Vì nếu gặp được nhà đắc cách vượng nhân đinh thì mới thoát được mọi tai họa để trở về với gia đình. Còn nếu gặp phải nhà bị suy bại về nhân đinh thì dù có tài giỏi thế nào cũng chỉ được tiếng “da ngựa bọc thây”, hay tàn phế suốt đời mà thôi.

 

Ngày 22 tháng 8 năm 2019

Bình nguyên Quân

 

Nguồn: những chi tiết lịch sử trong bài viết đều dựa theo những tài liệu sau:

1/ Stonewall Jackson and The American Civil War (“Bức tường đá” Jackson và cuộc Nội chiến Hoa kỳ) – tác giả: G.F.R. Henderson.

2/ Stonewall: A biography of General Thomas J. Jackson (“Bức tường đá”: tiểu sử Tướng Thomas J. Jackson) – tác giả: Byron Farwell.

3/ Lee and Jackson: Confederate Chieftains (Lee và Jackson: những Thủ lãnh của phe Liên hiệp) – tác giả: Paul D. Casdorph.

4/ Stonewall Jackson: Wikipedia

5/ Stonewall Jackson House (Căn nhà của “Bức tường đá” Jackson): Wikipedia

6/ Lee & Grant – tác giả: Eugene Smith.

7/ American Military History, vol. 1 (Lịch sử quân sự Hoa kỳ, tập 1) – Tổng biên tập: Maurice Matloff.

8/ Abraham Lincoln – tác giả: Benjamin P. Thomas.

9/ Lincoln on leadership (Lincoln trên phương diện lãnh đạo) – tác giả: Donald T. Phillips.