Hầu như ai đã đọc về cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (The American Civil War 1861 – 1865) đều biết đến tướng Robert E. Lee. Mặc dù phục vụ trong quân đội miền Nam (The Confederate) và vì vậy bị coi như chiến đấu để bảo vệ chế độ nô lệ, ông vẫn được nhiều người mến phục vì nghệ thuật dụng binh cực kỳ táo bạo, cũng như phong cách anh hùng và cao thượng hiếm có của ông.
Có thể nói về tài năng và đức độ, ông còn vượt xa Quan Vũ (tức Quan Vân Trường, mà người Tàu thường suy tôn và gọi là “Quan thánh”). Những chiến thắng của ông như Trận đánh 7 ngày (The Seven days’ Battle), Manassas lần thứ 2 (The Second Manassas), Fredericksburg, Chancellorsville…đều là với 1 đạo quân nhỏ bé (nhiều khi chỉ bằng ½ quân số địch), lại thua kém về vũ khí, trang bị, huấn luyện, cũng như thiếu thốn cả về lương thực, nhưng ông đã giáng cho đối phương những đòn chí mạng. Đặc biệt là Chancellorsville sau này trở thành 1 trận đánh kinh điển trong lịch sử quân sự Hoa kỳ, cũng như của Tây phương.
Đương thời, TT Abraham Lincoln luôn coi thường quân đội miền Nam, vì biết họ thiếu thốn về mọi phương diện, cho nên càng bực tức và thất vọng mỗi khi quân miền Bắc bị đại bại dưới tay Robert E. Lee. Nhất là khi nhận được tin chiến bại ở Chancellorsville, Lincoln đã phải thốt lên: “Lạy Chúa! Làm sao có thể tưởng tượng được 130 ngàn hùng binh lại bị đánh tan tác bởi không đầy 60 ngàn thằng ăn mày đói rách”. Mãi đến sau này Lincoln mới tìm được Ulysses S. Grant – cũng là 1danh tướng tài ba bậc nhất trong lịch sử Mỹ – để đối chọi với Lee. Tuy nhiên, mặc dù chiếm ưu thế tuyệt đối về mọi phương diện, Grant đã phải mất gần 1 năm trời, cũng như chịu những tổn thất cực kỳ nặng nề mới có thể buộc Lee đầu hàng ở Appomattox. Đến lúc này, Lincoln mới yên tâm, và muốn biết mặt viên tướng đã làm cho mình “ăn không ngon, ngủ không yên” suốt 4 năm trời, nên có người đã đem bức chân dung của Lee đến cho ông. Sau khi nhìn hình, Lincoln nói với những người chung quanh: “Người có diện mạo như thế này không thể là 1 người xấu”. Câu chuyện đó không những nói lên sự khoan nhân và độ lượng của Lincoln với đối phương, mà còn thể hiện khí phách, cũng như phong độ phi phàm của Lee, mà những người dưới quyền thường gọi ông là “thần Apollo” (thần ánh sáng và chân lý trong huyền thoại Hy lạp), do tướng mạo oai phong lẫm liệt của ông. Ngay cả sau khi ông đầu hàng Ulysses Grant và trên đường trở về nhà, có 1 cậu bé 9 tuổi đã cố gắng luồn lách qua đám đông để được đứng bên cạnh ông. Nhưng khi ngước nhìn lên, cậu bé cảm thấy Lee oai dũng như 1 con hổ, khiến cho cậu bàng hoàng, tới nỗi không dám thở. Cậu bé đó chính là Woodrow Wilson, sau này trở thành 1 trong những Tổng thống nổi tiếng của Hoa kỳ.
Robert E. Lee lúc 31 tuổi (1838). Nguồn: Wikipedia
Robert E. Lee năm 1864 (Nguồn: Wikipedia)
Nhưng ông không chỉ là 1 vị tướng oai phong, tài ba lỗi lạc, mà còn là 1 đại anh hùng, cao thượng hiếm có. Chancellorsville là chiến thắng oanh liệt nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông, nhưng khi được tin Thomas “Stonewall” Jackson – viên tướng phụ tá của mình – bị thương nặng, ông đã nhường hết vinh quang cho Jackson khi ông viết: “Tôi chúc mừng ông với chiến thắng này, nó đạt được hoàn toàn là do tài năng và nghị lực của ông”. Gettysburg là chiến bại duy nhất trong đời, nhưng ông đã nhận hết mọi lỗi lầm về mình, chứ không đổ trách nhiệm cho bất cứ ai, mặc dù trong trận đó, nhiều tướng lãnh dưới quyền ông đã phạm phải những sai lầm lớn để dẫn đến thất bại. Ông chiến đấu chống lại quân miền Bắc, nhưng không bao giờ ông gọi họ là kẻ thù, hoặc Yankees (từ để miệt thị người miền Bắc, ngụ ý xấu xa, đê tiện)…, mà là “Những người bên kia”. Trong trận Fredericksburg, khi thấy quân miền Bắc bị thất bại thảm hại, xác của họ la liệt trên chiến trường, ông đã xúc động và nói với những người chung quanh: “Chiến tranh thật là tàn ác, chúng ta không nên quá say mê nó”. Có lần khi đem quân tiến ra Pennsylvania (1 tiểu bang miền Bắc), ông gặp 1 người đàn bà đứng bên đường, công khai tỏ thái độ chống đối, bằng cách hát lớn bài Quốc ca Mỹ. Lee không hề tức giận, mà còn bỏ mũ xuống và chào người đàn bà đó.
Robert E. Lee sinh ngày 19 tháng 1 năm 1807. Cha ông là Thiếu tướng Henry Lee III (biệt danh “Light Horse Harry” – tức “Khinh kỵ Harry”, do khả năng chỉ huy kỵ binh xuất sắc trong thời Chiến tranh dành độc lập của Hoa kỳ – chữ “Harry” là để gọi thân mật những người có tên “Henry”). Mẹ ông là Anne Hill Carter (1773–1829). Bà sinh trong 1 gia đình giàu có bậc nhất tiểu bang Virginia thời đó. Nguyên bà nội của bà là Elizabeth Hill được thừa hưởng tổ nghiệp ở vùng đồn điền Shirley (tức Shirley Plantation), nằm phía Bắc sông James (James River) thuộc tiểu bang Virginia. Vào năm 1723, bà kết hôn với John Carter, đồng thời bắt đầu xây 1 dinh thự lớn cùng những nhà phụ cận, nhưng mãi đến năm 1738, dinh thự đó mới hoàn tất. Sau khi dọn vào ở, gia đình bà càng ngày càng giàu có nhanh chóng, nên chỉ đến đời con trai bà là Charles Carter đã thành người giàu nhất tiểu bang Virginia (chỉ thua George Washington, sau này trở thành TT đầu tiên của Hoa Kỳ) với hơn 35 ngàn acres đất (khoảng gần 15 ngàn hecta), cũng như hàng ngàn nô lệ và công thợ để canh tác và trông coi khu đồn điền đó. Charles Carter có 2 đời vợ và 13 người con, trong đó Anne Hill Carter (tức mẹ của tướng Robert E. Lee) là 1 trong những người con gái của ông. Căn nhà sau này cứ được tiếp tục truyền xuống cho những thế hệ con cháu kế tiếp, và tính đến nay đã được 9 đời (tức từ Elizabeth Hill và John Carter), nhưng hầu hết mọi thiết kế và kiến trúc nguyên thủy vẫn còn nguyên vẹn, chưa bao giờ được phá đi xây mới, hoặc tu sửa gì lớn. Trong thời kỳ Chiến tranh dành Độc lập (1777 – 1783), ngôi nhà này là trung tâm tiếp vận cho quân đội Mỹ, nhưng vẫn không bị quân Anh tàn phá. Còn trong cuộc Nội chiến Mỹ (1861 – 1865), nó nằm trong khu vực tranh chấp giữa 2 bên, nhất là trong Trận đánh 7 ngày, nhưng vẫn không bị thiệt hại hoặc cướp phá gì cả. Vào năm 1970, ngôi nhà được cống hiến cho chính phủ để trở thành khu di tích lịch sử, nhưng con cháu vẫn sống ở 2 lầu trên và dưới tầng hầm (basement), chỉ có tầng trệt và những nhà phụ cận là để cho du khách đến tham quan. Những người sống trong nhà này hiện nay vẫn tiếp tục làm nghề nông, hoặc nuôi gia súc, tôm cá…mặc dù là đất đai chỉ còn khoảng 800 acres (tức hơn 300 hecta), chứ không còn được rộng lớn mênh mông như xưa nữa (do cứ mỗi đời lại phân chia cho con cháu). Cho nên, tính từ khi căn nhà bắt đầu có người ở (1738) đến nay (2018) là đã được 280 năm, mà chưa bao giờ được xây dựng lại, cũng chưa bao giờ đổi chủ (chỉ là thế hệ sau thừa hưởng lại của thế hệ trước), nên đây là căn nhà đắc cách “TAM NGUYÊN BẤT BẠI CỤC” mà nhiều sách Phong thủy Huyền không cổ xưa thường nói tới. Không những thế, mặc dù đã vượt qua thời hạn của Tam nguyên Cửu vận là 180 năm, căn nhà vẫn tiếp tục tồn tại thêm 100 năm nữa, mà cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy tàn, tận tuyệt về tài chánh hoặc nhân đinh cả. Vì vậy, nếu xét về mặt Phong thủy, căn nhà này phải có những yếu tố rất đặc biệt như sẽ được phân tích bên dưới.
Trước hết, về địa hình, căn nhà nằm bên cạnh sông James. Con sông này dài khoảng 560km (hay 348 miles), bắt nguồn từ dãy núi Appalachia, chảy về phía ĐÔNG NAM rồi ra biển tại vịnh Chesapeake (tức Chesapeake Bay). Điểm đặt biệt là trước khi chảy đến vùng này (tức khu đồn điền Shirley Plantation), con sông lại uốn khúc nhiều lần, kế đó nhập với 1 nhánh sông khác (cũng thuộc sông James) ở phía TÂY BẮC căn nhà, rồi mở rộng ra và đi ngang qua phía TÂY căn nhà. Đến phía TÂY NAM, nó nhập với 1 nhánh sông khác, nhưng chuyển hướng và đi về ĐÔNG (tức đi qua các khu vực phía NAM và ĐÔNG NAM căn nhà). Nước sông tại những nơi đó càng mở rộng hơn. Khi đến phía ĐÔNG, con sông uốn khúc vài lần nữa, rồi mới chuyển hướng về phía ĐÔNG NAM đi mất. Hình thế của con sông như những hình bên dưới.
Hình dạng tổng thể trên bản đồ
Chỗ thủy đến uốn khúc nhiều lần
Thủy mở rộng tại các khu vực TÂY NAM, NAM và ĐÔNG NAM, đến phía ĐÔNG thì uốn khúc vài lần rồi mới đi mất
Danh sư Ngô cảnh Loan thời nhà Tống viết: “Lai thủy (tức chỗ thủy đến) cũng như khứ thủy (chỗ thủy đi) đều phải vòng vèo như ôm ấp hữu tình”. Bởi vì chỗ thủy đến mà uốn khúc thì nước sẽ chảy chậm lại, chứ không chảy ào ạt khi đến đó. Còn chỗ thủy đi mà uốn khúc sẽ càng hoãn nước lại khu vực đó, gần như ngừng đọng, chứ không thể chảy đi được dễ dàng. Mà nơi nào thủy dừng thì khí mới tích tụ, long mạch mới kết phát. Nếu nơi thủy đến, thủy đi càng uốn khúc nhiều lần thì thủy đến càng chậm, nước chảy đi càng khó, nên nước sông càng phẳng lặng và rộng lớn, vì vậy long khí càng được tích tụ nhiều hơn. Đó chính là điểm đặc biệt đầu tiên của vùng đất này.
Điểm thứ 2 là khi thủy đến đây lại mở ra rất rộng lớn. Hơn nữa, từ chỗ thủy đến (lai thủy) tới chỗ thủy đi (khứ thủy) dài hàng chục km, tức là thủy ở khu vực này vừa dài, vừa rộng lớn, nên long khí vô cùng sung mãn, hùng hậu. Có như vậy mới có thể giúp cho phúc khí của con người sống tại đó được bền bỉ, lâu dài. Nếu như nó quá ngắn (chỉ chừng 1 vài km), hoặc lòng sông nông, hẹp thì long khí yếu kém, nên vận khí sẽ ngắn ngủi, chứ không thể trường cửu, lâu dài được.
Thủy bắt đầu mở rộng khi đến phía TÂY căn nhà
Sông James nơi phía TÂY căn nhà
Về địa thế đất đai và đường xá chung quanh nhà thì không có gì đặc biệt, ngoại trừ phía ĐÔNG bị 1 con đường dài đâm thẳng tới như những hình bên dưới.
Đường xá chung quanh khu vực này
Địa thế khu vực
Địa thế của Dinh thự Shirley Plantation
Dinh thự Shirley Plantation
Dinh thự Shirley Plantation (hình lớn nhất trên Google)
Tuy nhiên, dù 1 căn nhà đã nằm trong khu vực có địa hình tốt đẹp, long khí sung mãn, nhưng nếu không xây dựng đúng thời vận cũng không thể phát phúc, hoặc có phát cũng không được lâu dài. Vấn đề này là tùy thuộc vào trạch vận của nó. Nhưng trước khi nói về trạch vận thì cần phải xác định hướng của căn nhà. Nếu nhìn qua những hình trên thì đều thấy chỉ có phía ĐÔNG nhà này mới có đường xá. Còn phía TÂY là đất trống nhìn ra sông James. Tuy nhiên, 2 mặt ĐÔNG và TÂY của nhà này đều được thiết kế giống như nhau, và đều có cửa ra vào như những hình dưới.
Mặt phía ĐÔNG căn nhà, có con đường đâm thẳng tới
Mặt phía TÂY căn nhà nhìn ra sông James
Mặt phía ĐÔNG và bên hông nhà
Cho nên, nếu chỉ dựa vào đường xá, nhiều người sẽ nghĩ nhà này hướng ĐÔNG. Tuy nhiên, nếu dựa vào lịch sử thì căn nhà (cũng như khu đồn điền này) là nơi sản xuất bông và thuốc lá, chủ yếu để xuất cảng sang Âu châu, nhất là với cả chục ngàn hecta đất thì khối lượng hàng hóa rất lớn, cũng như lương thực và nhu yếu phẩm cần mua về để cung ứng cho hàng ngàn người phục dịch tại đây, nên phương tiện chuyên chở chính là tàu bè qua lại trên sông James ở phía TÂY. Chứ còn với hệ thống đường xá thời xưa chỉ là đường đất, cũng như với những xe tải nhỏ do lừa, ngựa kéo thì không thể nào cung ứng nổi nhu cầu cho căn nhà này. Cho nên đường xá nơi phía ĐÔNG chỉ có thể dùng cho những nhu cầu phụ như đi lại, giao tế, trao đổi hoặc mua bán 1 ít hàng hóa… với những vùng lân cận mà thôi. Chính vì vậy nên mặt phía TÂY (nhìn ra sông James) mới là hướng nhà.
Kế đó, nhìn theo hình chụp từ vệ tinh của Google thấy hướng nhà lệch khoảng 9 độ về phía TÂY BẮC. Nhưng do Google xếp phương hướng theo True North (chính Bắc thực), còn chính Bắc theo từ trường (Magnetic North) của vùng này lại lệch 10 độ 31 phút về TÂY NAM, nên hướng của căn nhà là khoảng 268 – 270 độ, tức chính TÂY. Vì nhà bắt đầu xây từ năm 1723, đến năm 1738 mới hoàn tất, tức là trong vận 3 Thượng nguyên (1724 – 1243), nên trạch vận như bảng dưới (tọa độ trên có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng vì dù có xê dịch 5 – 6 độ về phía TÂY NAM hay TÂY BẮC trạch vận vẫn không thay đổi, nên tôi tạm chấp nhận nó).
Nhà này xây trong vận 3, đắc vượng khí của Sơn tinh (số 3) đến tọa (phía sau); vượng khí của Hướng tinh (số 3) đến hướng (tức phía TÂY), nơi đó lại có thủy lớn, nên chính là ứng hợp với câu: “Mão sơn, Mão hướng, Mão nguyên thủy, sậu phú Thạch Sùng bỉ” (sơn Mão, hướng Mão, Mão là nguồn nước sẽ giàu có nhanh chóng như Thạch Sùng). Không những thế, trong vận 3 phía TÂY là Linh thần, lại đắc vượng khí và có thủy lớn nơi đó, nên điền sản càng ngày càng hùng hậu, ứng với câu “tích túc vạn dư sương” (thóc lúa chứa vạn kho) mà Dương quân Tùng đã viết về Linh thần thủy trong Thiên ngọc Kinh. Có như vậy mới có thể cung ứng cho hàng ngàn người sống và phục dịch tại đây.
Một điểm nữa là nhìn vào trạch vận thấy phía TÂY NAM có Hướng tinh 8, phối hợp với Hướng tinh 3 trước nhà (phía TÂY) thành cặp số 3 – 8 Mộc tiên thiên. Đó là ngoại khẩu phối hợp và hỗ trợ cho đầu hướng, mà nơi đó thủy càng mở rộng rồi chuyển hướng, nên tài lộc không những càng hưng thịnh, mà vận khí nhà càng bền bỉ (vì đã thành số tiên thiên). Ngoài ra, còn 1 số lý do khác, nhưng nếu nói ra hết thì những người không biết nhiều về Phi tinh, hoặc đả kích Phi tinh sẽ không hiểu, hoặc cho là tôi muốn “gọt chân cho vừa giầy”. Vì vậy, những lý do đó chỉ được trình bày trong những khóa Phong thủy Cao cấp.
Tuy nhiên, nhìn vào trạch vận thấy Hướng tinh số 5 nhập trung cung (tức bị Nhập tù), nên đúng ra vận khí của nhà này đã chấm dứt từ vận 5 trước (1764 – 1783). Thế nhưng nó vẫn tồn tại cho tới hiện nay (2018) là vì sao? Đó chính là do số 5 khi nhập trung cung là vào đúng chỗ đắc cách nhất của nó, nên sẽ không bị “Nhập tù” như mọi số khác. Hơn nữa, ở hướng lại có đại thủy, nên không những vận khí không bị tận tuyệt trong vận đó, mà vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Mặt khác, vì vận khí của căn nhà đã không còn bị giới hạn bởi vấn đề “Hướng tinh Nhập tù” (tức địa vận không còn bị giới hạn bởi “Tam nguyên cửu vận”), phi tinh ở đầu hướng và những nơi có thủy lớn lại liên kết với nhau thành những cặp số tiên thiên, nên vận khí của căn nhà sẽ rất lâu dài, chứ không chỉ giới hạn trong 1 Tam nguyên Cửu vận (tức 180 năm), mà có thể kéo dài tới 500 năm (tức 1 Đại nguyên) mới chấm dứt. Nhất là nếu địa hình chung quanh không có gì thay đổi, hoặc có những công trình xây dựng, thiết kế to lớn, hay nhà cửa chung quanh quá nhiều làm ảnh hưởng tới vận khí của nó.
Một điểm khác cần chú ý là tuy nhà này đắc vượng khí của Sơn tinh đến phía sau, nhưng vì nơi đó chỉ là đất trống, chứ không có núi hay đồi cao, lại bị con đường dài đâm thẳng tới, nên tuy đông nhân đinh, nhưng chỉ giàu chứ không phát quý (tức không phát địa vị, khoa bảng). Nếu phát quý thường sẽ mắc tai họa hay đoản thọ. Điểm đặc biệt ở đây là mặc dù vượng khí của Sơn tinh bị con đường đâm thẳng tới và không phát quý, nhưng nhà lại rất đông con, nhất là trong những thế hệ đầu (như Elizabeth Hill và John Carter có 13 người con, rồi con trai bà là Charles Carter cũng có 13 người con…). Vấn đề này phải có trình độ khá về Phi tinh mới có thể nhìn ra, và sẽ được trình bày trong những khóa Phong thủy cao cấp. Hoặc những ai đã nghiên cứu kỹ những nghiệm chứng của Chương trọng Sơn cũng có thể tìm ra được manh mối.
Nói tóm lại, vận khí của căn nhà được lâu dài hay không là phụ thuộc vào 2 yếu tố: thứ nhất là về địa hình, khu vực đó phải là nơi hội tụ được long khí, đồng thời long khí phải to lớn, hùng hậu; thứ 2 là nhà đó phải được thiết lập đúng hướng, đúng thời vận, để phi tinh có thể phối hợp được với địa hình sơn – thủy nơi đó mà phát huy được tối đa khả năng của nó. Có như vậy tài – đinh mới phát mạnh, cũng như vận khí căn nhà mới được trường cửu, lâu dài. Còn nếu địa hình nơi đó tuy thật tốt, nhưng do lập hướng sai, xây dựng không đúng lúc, khiến cho Phi tinh không phối hợp được với sơn – thủy cũng sẽ mắc nhiều tai họa, vận khí căn nhà cũng ngắn ngủi. Nếu địa hình nơi đó xấu hay chỉ bình thường thì dù có lập đúng hướng, xây dựng đúng thời vận cũng chỉ được tốt trong 1 thời gian ngắn (1 hoặc 2 vận), nhưng sau đó cũng tàn tạ hoặc cáo chung. Cho nên, nhà muốn đắc “Tam nguyên bất bại cục” cần phải hội đủ cả 2 yếu tố, với ĐỊA HÌNH là ĐIỀU KIỆN CẦN, TRẠCH VẬN là ĐIỀU KIỆN ĐỦ. Nếu thiếu 1 trong 2 yếu tố đó sẽ không thể nào tồn tại lâu dài được. Như nhà này nếu không lập trong vận 3, mà lại xây trong vận 4 thì lập tức bị phá bại ngay, và sẽ qua tay người khác (đổi chủ) khi bước qua vận 5, cho dù là xây cùng hướng và ngay trên mảnh đất đó. Đây chính là 1 ưu điểm của Huyền không Phi tinh, có thể nhìn thấy lý do tại sao căn nhà được tồn tại lâu dài như thế. Còn những phái Phong thủy khác sẽ không thể nào biết được, nên chỉ biết hùa với Loan đầu là do nhà nằm trong 1 địa thế tốt mà được tồn tại lâu dài thôi.
Ngoài ra, qua trường hợp này, có thể thấy dù nhà được xây trong nhiều năm mới hoàn tất, nhưng nếu địa thế tốt, trạch vận tốt thì sau khi vào ở mọi sự vẫn tốt đẹp, chứ không phải vì thế mà sẽ bị lụn bại như rất nhiều người thường tin, hay thắc mắc về vấn đề đó. Bởi vì những dinh thự, lâu đài, nhà cửa to lớn đều phải thiết kế, xây dựng trong nhiều năm, chứ không thể chỉ trong vài tháng là có thể xong được, cho nên việc kéo dài từ năm này qua năm khác là chuyện thường. Chỉ có sự khác biệt là trạch vận nhà tốt hay xấu, và khi dọn vào ở là được cát tinh, hay hung sát tinh tới tọa – hướng mà phát phúc lộc hoặc tai họa. Như nhà này nhập trạch vào năm 1738, tức năm MẬU NGỌ thuộc vận 3 Thượng nguyên, nên năm đó được niên tinh 3 tới hướng. Vì ở đó đã đắc vượng khí của Hướng tinh (tức số 3), lại được niên tinh 3 tới hỗ trợ, tức đã vượng càng thêm vượng. Hơn nữa, những hung sát tinh như Ngũ Hoàng, Tuế Phá, Tam sát… đều xa lánh tọa – hướng, cho nên sau khi nhập trạch là lập tức phát ngay.
Riêng về Anne Hill Carter, bà sinh ra và lớn lên trong căn nhà này, nhưng đến năm 20 tuổi thì lập gia đình với tướng Henry Lee, rồi theo về nhà chồng. Vì vậy, Robert E. Lee sinh ra và lớn lên ở những nơi khác, nhưng ông thường được mẹ dẫn về đây thăm viếng gia đình và họ hàng mỗi khi có dịp, và căn nhà này đã cho ông nhiều kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Đến năm 18 tuổi, ông gia nhập trường võ bị West Point, rồi khi vừa tốt nghiệp cũng là lúc mẹ ông qua đời. Sau đó, ông thành hôn và dọn về sống với gia đình bên vợ ở Arlington, cũng thuộc tiểu bang Virginia. Tên tuổi và sự nghiệp quân sự của ông bắt đầu lừng lẫy, nhất là trong cuộc chiến tranh với Mễ tây cơ (1846 – 1848), và sau đó thường được nhắc đến như là 1 quân nhân tài ba nhất của Hoa kỳ. Vì vậy, khi cuộc Nội chiến sắp xảy ra, Abraham Lincoln đã cử người mời ông làm tư lệnh quân đội.
Nếu lúc đó ông chấp nhận, sự nghiệp quân sự (cũng như chính trị) của ông đã thênh thang rộng mở. Đánh dẹp phe phiến loạn để trở thành người hùng của đất nước, rồi thành TT Hoa kỳ, với danh tiếng lừng lẫy, sự nghiệp vĩ đại. Nhưng ông từ chối, chỉ vì cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là phải trung thành với tiểu bang Virginia (do quan niệm và lối giáo dục của nhiều người Mỹ thời đó). Khi Virginia ly khai, rồi gia nhập khối Liên minh miền Nam (The Confederate), ông trở thành tổng tư lệnh lực lượng quân sự của tiểu bang này. Ông chấp nhận 1 địa vị nhỏ bé hơn, nhưng sứ mạng lại khó khăn hơn rất nhiều, vì ông chỉ nghĩ đến trách nhiệm và bổn phận, chứ hoàn toàn không nghĩ đến quyền lợi của chính mình. Tuy rằng quan điểm và nhận thức của ông (về sự trung thành giữa Liên bang và Tiểu bang) là sai lầm, nhưng không ai có thể phủ nhận được tinh thần cao thượng và sự hy sinh hiếm có của ông. Ngay sau đó, gia đình ông phải di tản về Richmond, còn căn nhà ở Arlington bị quân đội miền Bắc chiếm đóng. Sau trận Gettysburg (1863), nhà và đất đai của ông ở đây bị quân đội miền Bắc chính thức tịch thu, rồi biến nó thành nghĩa trang quốc gia (tức nghĩa trang Arlington bây giờ).
Kể từ đó, sự nghiệp quân sự của ông bắt đầu đi xuống, và đến lúc cuối cùng, khi chỉ còn không đầy 30 ngàn quân đã kiệt lực vì đói khát, lại bị hơn 120 ngàn quân miền Bắc bổ vây, ông buộc phải đầu hàng để bảo vệ sinh mạng, cũng như sự tự do cho tướng sĩ dưới quyền mình. Khi chiến tranh kết thúc, ông về làm hiệu trưởng cho trường Cao đẳng Washington (sau này đổi thành trường đại học Washington và Lee) ở Virginia, rồi qua đời vào năm 1870.
Nhưng sau đó, tên tuổi ông ngày càng nổi bật, khi phong độ anh hùng, tư cách, đạo đức cũng như tài năng của ông càng được nhiều người biết tới. Tuy là gần đây, có 1 số phần tử cực đoan, hoặc kém hiểu biết đả kích, cũng như đòi phá bỏ những tượng đài kỷ niệm ông, nhưng đây chỉ là những hiện tượng nhất thời, nông cạn, thiếu suy xét như hiện tượng bài bác Khổng Tử trong cuộc “Cách mạng văn hóa” ở Trung quốc trong những thập niên 60 – 70 vừa qua mà thôi. Robert E. Lee không những là 1 danh tướng, mà còn là 1 huyền thoại, 1 trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa kỳ, 1 trong những con người toàn hảo nhất mà nhân loại có thể sản sinh. Hay như 1 chính khách đương thời đã nhận định: “Ông là 1 đối thủ không biết đến thù hận, 1 người bạn không biết đến bội phản, 1 người lính không biết đến tàn bạo; 1 kẻ chiến thắng không biết đến đàn áp; và 1 nạn nhân không biết đến oán hận. Ông là 1 viên chức không biết đến tham ô; 1 công dân không biết đến phạm pháp; 1 người láng giềng không biết đến hờn giận; 1 người Thiên Chúa Giáo không biết đến giả dối; và 1 con người không biết đến thủ đoạn. Ông là 1 Caesar (tức Xê-xa, danh tướng La Mã thời cổ đại) nhưng không có cái cuồng vọng của Caesar; 1 Frederick (tức Fe-đờ-ric, đại đế nước Phổ) nhưng không có tính độc đoán; 1 Napoleon nhưng không có tính ích kỷ; và 1 Washington nhưng không được hưởng thù lao”. Vì vậy, nhân viết về căn nhà đắc cách “Tam nguyên bất bại cục” này, tôi muốn giới thiệu 1 nhân vật nổi tiếng, mà nguồn gốc xuất thân từ ngôi nhà đó, để người đọc tham khảo thêm.
Ngày 13 tháng 11 năm 2018
Bình nguyên Quân