NHỮNG CĂN NHÀ CỦA ULYSSES GRANT (II)

Đầu năm 1860, khi tới đường cùng, và không còn biết làm gì để kiếm sống, Grant buộc phải xin bố cho mình trở lại làm nghề thuộc da, 1 nghề mà lúc nhỏ ông rất kinh tởm, và thề sẽ không bao giờ làm nữa 1 khi thoát ly gia đình.

May mắn cho Grant là lúc đó, bố ông mới mở 1 tiệm bán đồ da ở thành phố Galena, thuộc tiểu bang Illinois, và giao cho 2 em trai của ông trông coi, nên nói ông đến đó để phụ với 2 em. Nhiệm vụ của ông là bán hàng, giao hàng, cũng như tính toán sổ sách, với lương $50/ 1 tháng (khoảng 1 ngàn 300 đô năm 2017, tức tương đương với mức lương thấp nhất hiện nay ở Mỹ). Vì vậy, vào tháng 4 năm 1860, ông cùng vợ con dọn tới Galena, và thuê 1 căn nhà nhỏ, với giá $10.5/ 1 tháng. Căn nhà đó được xây từ thập niên 1840, và cho đến nay vẫn còn tồn tại (ngoại trừ 1 vài thay đổi nhỏ như hàng rào, cây trước nhà…được thêm vào sau này). Địa thế và hình dạng như những hình bên dưới.

 

 

 

 

 

Phía trước căn nhà

 

Căn nhà nhìn chéo từ bên hông, chú ý thế đất trước thấp sau cao, cũng như độ dốc của con đường từ phải qua trái (nếu đứng trong nhà nhìn ra trước)

 

Chỗ cao nhất của con đường là ở phía NAM căn nhà

Nếu đo hướng nhà theo Google thì được khoảng 133 độ, nhưng như đã nói là Google xếp phương hướng theo True North (chính Bắc thực), còn chính Bắc theo từ trường (Magnetic North) ở khu vực này nhỏ hơn chính Bắc thực gần 2 độ, nên hướng của căn nhà là khoảng 131 độ, tức tọa CÀN hướng TỐN kiêm TUẤT – THÌN 4 độ. Gia đình ông dọn vào ở năm 1860 tức trong vận 9 Hạ nguyên, nên trạch vận như bảng dưới (với Hướng tinh dùng Thế quái).

Vì hiện tại căn nhà đang có người ở, nên cũng không có sơ đồ để coi Phong thủy chi tiết, nhưng chỉ dựa vào trạch vận và địa thế cũng có thể thấy trong vận 9 mà nhà có Hướng tinh 6 là tử khí tới hướng, nên đúng ra tài lộc phải thiếu thốn. Nhưng với trạch vận và địa thế này thì nhà không những thường được người bên ngoài giúp đỡ, bảo trợ (điều này đã được giải thích trong những khóa Phong thủy Trung cấp), mà tài lộc cũng càng ngày càng khá hơn (điều này sẽ được giải thích trong những phần sau). Điểm thứ 2 là Vận tinh (những số màu đen) và Sơn tinh (những số màu đỏ) tại mỗi cung đều hợp (hay cộng) với nhau thành 10, tạo thành thế toàn bàn Hợp thập cho Sơn tinh, nên đã chủ vượng nhân đinh. Lại thêm Sơn tinh 9 (là vượng khí trong vận 9) đến phía sau, vừa được Hợp thập, lại đắc thế đất cao, nên nhân đinh càng vượng. Mà nhà đã có tinh bàn đắc cách “vượng nhân đinh”, lại được địa thế ứng hợp thì không phải chỉ có nghĩa là thêm người hoặc đông con, mà còn có nghĩa là chủ phát quý (tức phát quyền chức, địa vị). Điều này không phải bây giờ khi xem căn nhà này tôi mới nói, mà đã được nói đến trong 1 số bài viết trước đây về vấn đề “vượng đinh”. Còn vấn đề tại sao sau khi vào ở nhà này, Grant lại phát võ nghiệp lừng lẫy (còn hơn cả cách “Ngọ Sơn, Ngọ Hướng, Ngọ lai đường, đại tướng trị biên cương”) thì cần phải có trình độ cao về Phi tinh, và sẽ được giải thích trong những khóa Phong thủy cao cấp.

Trở lại với Grant sau khi vào ở nhà này, hàng ngày ông tới tiệm để phụ giúp bán hàng, cũng như trông coi mọi việc. Nhưng vì không nhớ được giá cả, lại không nỡ để khách hàng bị thiệt thòi, nên ông thường tính giá thấp hơn mức quy định, khiến cho tiệm bị lỗ vốn. Vì vậy nên chẳng bao lâu, ông bị các em đẩy ra phía sau tiệm, chỉ ngồi tính sổ sách, hoặc đi giao hàng ở những nơi xa. Mang mặc cảm phải nương dựa gia đình, Grant không bao giờ ra ngoài, hoặc tiếp xúc với ai, chỉ lủi thủi sáng đi làm, tối trở về nhà với vợ con. Với đồng lương chỉ ở mức tối thiểu, lại phải nuôi 6 miệng ăn, Grant phải rất tằn tiện mới có thể tạm đủ sống.

Một điều đáng nói là trong suốt giai đoạn cùng cực trước đó, Julia chẳng những đã không 1 lời kêu than, hờn giận, chê trách chồng, mà bà vẫn 1 lòng thương yêu, hỗ trợ và bênh vực ông. Nhất là khi ông bị bố vợ mắng nhiếc là thứ bất tài, vô tích sự, bà đã luôn luôn bênh vực chồng, nhưng vẫn giữ được tình cảm với cha bà. Điều đó cho thấy tình yêu và sự chung thủy của bà đối với chồng là tuyệt đối và vô bờ bến, đồng thời 1 khả năng kiên nhẫn, chịu đựng, 1 nghị lực phi thường, cũng như sự khôn ngoan, khéo léo của bà khi phải đứng giữa cha và chồng. Bà đã không vì chồng mà bất hiếu với cha, cũng không vì cha mà bất nghĩa với chồng. Trong tướng mệnh học có câu: “Hữu tâm vô tướng, tướng tùy tâm sinh” (nghĩa là “Có tâm nhưng không có tướng, tướng sẽ do tâm sinh ra”). Bà bị lé mắt, nên đúng ra chỉ là tướng tầm thường hoặc hạ tiện, nhưng nhờ có nội tâm phi thường, chịu đựng được mọi gian truân, thống khổ (mà không bao giờ than thở, oán trách, hoặc tức giận, chửi bới), bà mới vượt thoát được để lên đến địa vị cao sang, quyền quý sau này.

Julia Grant trong thời kỳ Nội chiến Mỹ. Vì bị lé mắt, nên bà thường đứng nghiêng khi chụp hình (hoặc vẽ tranh chân dung) để người xem không thấy được khuyết tật của bà (nguồn: dailymail.co.uk)

 

Nếu xét theo Phong thủy thì ông nhập trạch vào năm CANH THÂN (1860), niên tinh 4 (Mộc) tới hướng, khiến cho Hướng tinh 6 bị khắc xuất (số 6 thuộc hành Kim nên khắc Mộc), vì vậy công danh còn lận đận, tài lộc cũng khó khăn. Nhất là niên tinh 4 đến phía ĐÔNG NAM là còn bị Phục Ngâm (năm này mọi niên tinh đều bị Phục Ngâm, vì tới địa bàn nguyên thủy của nó), lại thêm Kiếp Sát, Phi Liêm, Kim Thần đều tới hướng, nên mọi sự trắc trở, chuyện buồn nhiều hơn vui. Tuy nhiên, vì niên tinh 4 đến hướng, nên dễ có chuyện phải đi xa, nhưng cũng nhờ vậy mà hóa giải được nhiều chuyện xấu khác.

Chỉ đúng 1 năm sau, cuộc Nội chiến Hoa kỳ bùng nổ. Grant lập tức gia nhập quân đội, và được cử làm huấn luyện viên 2 đại đội quân tình nguyện của thành phố Galena, rồi sau đó đưa họ về Springfield (thủ phủ của tiểu bang Illinois) để sát nhập với những đơn vị tình nguyện khác. Tại đây, ông hy vọng sẽ được giao 1 nhiệm vụ chỉ huy nào đó, nhưng đều bị gạt ra. Lý do chính chỉ vì ông ăn mặc như 1 người ăn mày, lúc nào cũng trong bộ quân phục quá cũ kỹ mà ông vẫn thường mặc khi còn làm ruộng và đốn củi ở St. Louis, đã bạc màu, lại sờn rách nhiều chỗ. Chán nản, ông chạy sang Ohio, tìm tới Mc Clellan – 1 người ông từng quen biết ở West Point, cũng như sau này tại Mễ tây cơ – và lúc đó đang có triển vọng trở thành tư lệnh quân đội, 1 chức vụ mà Robert E. Lee vừa từ chối. Nhưng ông bị Mc Clellan khinh thường, nên cả 2 lần ông đến xin gặp, Mc Clellan đều không tiếp. Vì vậy, ông lại quay trở về Springfield, nhưng cũng không gặt hái được gì cả. Qúa thất vọng, ông dự tính trở về nhà, nhưng được 1 Dân biểu của thành phố Galena khuyên nên cố gắng nhẫn nại chờ đợi. Vừa lúc đó, Thống đốc tiểu bang Illinois ra lệnh cách chức người chỉ huy trung đoàn chí nguyện số 21, do suốt ngày say sưa, để cho quân lính đi phá phách dân chúng. Nhờ vị Dân biểu trên vận động, Grant được bổ nhiệm lên thay thế (ngày 14 tháng 6), với chức vụ đại tá.

Lần đầu tiên khi thấy Grant đến nhậm chức, trong bộ quần áo tồi tàn, rách rưới, quân lính đều tỏ ra không phục, và tìm cách diễu cợt ông. Nhưng mặc dù rất trầm lặng, không bao giờ tức giận, nóng nảy, la hét, Grant vẫn nhanh chóng làm cho quân lính nể sợ, và chỉ trong 1 thời gian ngắn đã khép họ vào kỷ luật. Theo quy định thời đó, chính phủ chỉ cung cấp quần áo, vũ khí cho binh sĩ, còn các cấp sĩ quan của quân tình nguyện đều phải tự mua sắm trang phục, cũng như vũ khí cá nhân (như súng ngắn, gươm…). Vì vậy, mọi binh sĩ đều ăn mặc oai phong, tề chỉnh hơn ông. Thấy vậy, ông phải viết thư cho bố hỏi mượn tiền để mua sắm quần áo, nhưng bố ông không cho. Ông quay sang hỏi bố vợ, nhưng bố vợ ông lại là người có ác cảm với miền Bắc, nên chẳng những không cho mượn, mà còn không nhận ông là con rể nữa. Không có tiền, Grant phải đi lượm 1 thanh kiếm cũ kỹ đã bị vứt bỏ tại 1 kho quân sự, rồi lau chùi và cột vào thắt lưng để binh sĩ biết mình là sĩ quan. Trong những buổi duyệt binh, ông phải để cho người trung tá dưới quyền đứng ra chỉ huy và điều hành binh sĩ. Mãi đến khi gần xuất quân, Grant mới mượn được tiền để mua sắm trang phục mới.

Được lệnh đem quân đẩy lui 1 cánh quân miền Nam đang chiếm đóng 1 ngôi làng ở tiểu bang Missouri, lần đầu tiên Grant dẫn quân ra trận. Trên đường đi, ông vô cùng lo lắng, chỉ sợ không đủ khả năng chỉ huy 1 đạo quân quá lớn (hơn 1 ngàn người) để đối chọi với quân địch. Nhưng khi ông đến nơi, quân miền Nam đã bỏ doanh trại rút mất. Ông lập tức nhận ra rằng đối phương cũng e dè và kiêng sợ ông, tương tự như ông đối với họ. Kể từ đó, ông luôn giữ được bình tĩnh, không còn biết sợ đối phương là gì nữa.

Không đánh mà thành công, ông lại được vị Dân biểu trên vận động với Lincoln, và được thăng chức Chuẩn tướng. Với chức vị mới này, lương bổng của Grant cũng khá, nên không còn nghèo khổ như xưa. Vì vậy, trên đường dẫn quân đi qua thành phố St. Louis, ông tìm tới những cửa hàng, cũng như những người quen đã cho ông vay mượn trước đây để trả nợ. Gặp lại ông, họ vô cùng kinh ngạc, và đều không thể tưởng tượng được 1 kẻ mà ai cũng nghĩ là bất tài, vô dụng như ông lại có thể lên tướng được.

Cuối năm 1861, Grant đem 3 ngàn quân tấn công căn cứ quân sự địch tại Belmont (Missouri). Đây là trận đánh lớn đầu tiên do ông đích thân chỉ huy. Mặc dù cuối cùng, bên địch được tăng viện và phản công dữ dội, Grant buộc phải rút lui, nhưng ông đã biểu lộ 1 sự bình tĩnh và gan dạ phi thường trước mọi áp lực của đối phương, và bảo toàn được lực lượng triệt thoái an toàn về căn cứ. Điều đó đã làm cho ông chiếm được niềm tin tuyệt đối của binh sĩ.

Nếu xét theo Phong thủy thì năm 1861(TÂN DẬU), niên tinh 3 tới hướng, khiến cho Hướng tinh 6 bị khắc xuất (số 6 thuộc Kim khắc niên tinh 3 thuộc Mộc), nên công danh lận đận, vất vả, cha con bất hòa, cũng như hao tốn tiền của. Nhất là vào tháng 7 Âm lịch (tức tháng 8 Dương lịch), nguyệt tinh 1 tới hướng, khiến cho Hướng tinh 6 bị sinh xuất trùng trùng (6 Kim sinh 1 Thủy rồi Thủy sinh 3 Mộc). Đó cũng chính là lúc ông dẫn quân đi qua thành phố St. Louis và ghé lại để trả hết mọi món nợ trước đây. Nhưng nhờ có những cách hỗ trợ khác của niên tinh phối hợp với trạch vận và địa hình, ông vẫn gặp may mắn, vượt qua mọi trở ngại, và sự nghiệp vẫn thăng tiến. Như khi ông được bổ nhiệm lên làm tư lệnh trung đoàn (ngày 14 tháng 6) là đang trong Tiết Mang Chủng, tức tháng 5 Âm lịch. Lúc đó, nguyệt tinh 3 cũng tới hướng, khiến cho Hướng tinh 6 càng bị khắc xuất nặng, nên đúng ra càng gặp nhiều khó khăn, trở ngại lớn. Nhưng nhờ có những niên tinh khác phù trợ, ông mới được thăng chức bất ngờ. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà sau đó lại xảy ra xích mích giữa cha con ông, cũng như với bố vợ. Những điều này phải có con mắt tinh tế, cũng như biết phối hợp giữa niên tinh với trạch vận và địa hình mới có thể nhìn ra.

Qua đầu năm sau, ông lại đem quân đánh và chiếm được đồn Henry. Thừa thắng, ông tràn xuống tấn công và bao vây đồn Donelson, 1 đồn lớn của miền Nam tại tiểu bang Tennessee với 15 ngàn lính trấn thủ, mặc dù là quân số của ông cũng chỉ bằng với quân địch. Đây là điều trái ngược hẳn với mọi phương châm quân sự, là lực lượng tấn công ít nhất phải đông hơn gấp 2 lần lực lượng phòng thủ, nếu muốn đạt đến chiến thắng. Khi quân miền Nam phản công, và đẩy quân miền Bắc vào tình trạng rối loạn, hoảng hốt, ông đã đích thân xông pha giữa trận tiền, hô hào rằng quân địch đang cố vượt phá vòng vây, và bằng mọi giá không để cho chúng chạy thoát. Chính sự bình tĩnh và quả quyết của Grant đã làm cho quân miền Bắc phấn chấn tinh thần, họ phản công kịch liệt, xoay chuyển được tình thế, đánh bật quân miền Nam trở lại vào trong đồn. Bị bao vây và không có lối thoát, tướng chỉ huy đồn buộc phải thương lượng điều kiện để đầu hàng. Grant viết thư trả lời chỉ có “đầu hàng không điều kiện” (unconditional surrender) mà thôi.

Hơn 1 năm trước đây, Grant chỉ là 1 anh thư ký quèn cho 1 tiệm bán đồ da không ai biết tới. Nhưng sau chiến thắng Donelson, tên tuổi ông vang dội khắp miền Bắc, và báo chí thời đó đã lấy tên tắt của ông là U.S. Grant mà đặt thành “Unconditional Surrender” Grant (ngụ ý là: Grant – người buộc đối phương đầu hàng không điều kiện), và làm phấn chấn tinh thần của mọi người dân miền Bắc. Tuy nhiên, giữa lúc quân miền Bắc đang bị thất bại khắp nơi, chiến thắng lớn tại Doneson chỉ làm cho các tướng lãnh cấp trên thêm ganh ghét, và họ tìm cách cáo buộc Grant với những “tội trạng” nhỏ nhoi, vô lý để có thể sa thải ông. May nhờ TT Abraham Lincoln biết chuyện, và chỉ thị cho bộ trưởng Quốc phòng Edwin Stanton trực tiếp can thiệp, ông mới không bị mất chức. Sau đó, Lincoln lại thăng ông lên Thiếu tướng.

Đầu tháng 4 năm 1862, giữa lúc đang chờ quân tiếp viện để phát động chiến dịch tấn công mới, Grant bị quân miền Nam đột kích bất ngờ tại Shiloh. Mặc dù không phòng bị, và trước áp lực mãnh liệt của đối phương, Grant đã bình tĩnh đi khắp mặt trận để trấn an tinh thần binh sĩ, đồng thời tái lập phòng tuyến để chặn đứng bước tiến của quân địch. Qua ngày hôm sau, ông phản công và đánh cho quân địch tháo chạy về Corinth (cách đó khoảng 36 km). Tuy nhiên, vì ông bị tổn thất lớn trong trận này, nên 1 số báo chí miền Bắc đã lên tiếng đả kích, cũng như đòi truất phế ông. Nhưng khi được hỏi về vấn đề này, Abraham Lincoln đã trả lời: “Tôi không thể không dùng người này. Anh ta rất hăng say chiến đấu”.

Sau trận Shiloh, ông được đề bạt lên làm phó tư lệnh mặt trận, nhưng thực chất là viên tướng tư lệnh muốn kềm hãm ông. Bị buộc về làm việc tại bộ tư lệnh, trong suốt mấy tháng trời, ông không được giao 1 nhiệm vụ gì, mà chỉ ngồi làm bù nhìn tại đó. Thấy vậy, ông đã muốn đệ đơn xin từ chức để trở về nhà, nhưng được 1 người bạn thân là Sherman – sau này cũng trở thành 1 danh tướng của miền Bắc – khuyên nên cố gắng kiên nhẫn chờ đợi.

Nếu xét theo Phong thủy thì năm đó (1862 – tức NHÂM TUẤT), niên tinh 2 tới hướng, sinh nhập cho Hướng tinh 6, lại có Âm quý Nhân phù trợ, nên đúng ra là tốt, sự nghiệp thăng tiến, thuận lợi. Chính vì vậy nên ngay đầu năm (cuối tháng 2 DƯƠNG LỊCH) lập được chiến công lớn tại Donelson và được nổi tiếng. Nhưng vì có những yếu tố khác làm thay đổi, nên mới bị đối phương đột kích, cũng như tiểu nhân mưu hại, sự nghiệp gặp trở ngại lớn. Nhất là việc Grant bị tiểu nhân hãm hại, nhưng được thế lực lớn hơn che chở, hoặc bị địch đột kích, nhưng cuối cùng vẫn thắng không những vì năm đó được Âm quý Nhân đến phù trợ, mà còn do những yếu tố giữa niên tinh với trạch vận và địa thế căn nhà phối hợp tạo ra, mà những ai có trình độ khá về Phi tinh và Loan đầu đều có thể nhìn thấy.

Sau một thời gian không thấy Grant có hoạt động quân sự gì, Lincoln biết là ông bị kềm chế, nên nghĩ ra cách đưa viên tướng tư lệnh mặt trận về làm cố vấn quân sự cho mình, và cho Grant lên thay thế (ngày 29 tháng 1 năm 1863). Được tự do, ông lập tức phát động chiến dịch tấn công Vicksburg (tiểu bang Mississippi), 1 vị trí chiến lược quan trọng, là nơi kiểm soát đường tiếp vận cho toàn thể quân đội miền Nam. Đây là chiến dịch nổi tiếng nhất của Grant, đưa ông lên hàng 1 trong những danh tướng tài ba bậc nhất của Hoa kỳ.

Bằng nghệ thuật dụng binh tài tình, cực kỳ táo bạo, cộng với 1 nghị lực phi thường, ông đã tấn công, bao vây, rồi triệt hạ 1 căn cứ quân sự lớn, với địa thế cực kỳ khó khăn, hiểm trở, bắt sống toàn bộ 35 ngàn quân địch. Chiến thắng này càng làm cho Lincoln thêm tin tưởng vào ông, nên sau đó Grant được cử tới Chattanooga (thuộc tiểu bang Tennessee) để chỉ huy quân đội miền Bắc đang bị bao vây tại đây. Chỉ sau 1 thời gian ngắn, ông đã chấn hưng lại tinh thần của binh sĩ, phát động chiến dịch phản công, đánh tan lực lượng quân sự địch và chiếm lại toàn bộ tiểu bang Tennessee.

Nếu xét theo Phong thủy thì năm 1863 (QUÝ HỢI), niên tinh 1 tới phía trước, Hướng tinh 6 tại đó bị sinh xuất, nên đúng ra tài sản, sinh lực bị tiêu hao. Nhưng vì 1 gặp 6 tạo thành cách 1 – 6 đồng cung, nên vẫn chủ thuận lợi cho công danh, sự nghiệp. Vì vậy, trong chiến dịch Vicksburg (kéo dài hơn 6 tháng trời), ông đã áp dụng 1 chiến thuật cực kỳ táo bạo là tự cắt đứt đường tiếp vận của mình để đánh vào sau lưng quân địch. Điều nguy hiểm nhất của chiến thuật này là quân đội ông luôn bị đe dọa vì hết lương thực, đạn dược, và vì vậy phải chiến đấu trong 1 điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn. Bản thân ông không đem theo ngựa, quần áo, chăn mền, cũng như phải tự tìm kiếm lương thực khi dẫn quân vào chiến dịch. Nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, ông đã vượt qua được mọi khó khăn, đồng thời gây 1 yếu tố bất ngờ lớn cho quân địch, và cuối cùng lập được chiến công lừng lẫy. Ngoài ra, cũng cần thêm là năm đó có Dương quý Nhân, Tuế Mã và Bác Sĩ tới hướng, nên dù gặp Tuế Phá, Ngũ Qủy là có khó khăn, trở ngại lớn (sức mạnh của quân địch, cộng với địa thế cực kỳ hiểm trở, khó công hãm), nhưng ông vẫn gặp được nhiều may mắn để đi đến thành công. Vào ngày 04 tháng 7 (tức đúng ngày lễ Độc lập của Hoa Kỳ), quân miền Nam tại Vicksburg đầu hàng. Lúc đó vẫn trong Tiết Hạ chí, thuộc tháng 5 Âm lịch, nguyệt tinh 6 tới hướng, vừa hỗ trợ cho Hướng tinh 6, vừa kết hợp với niên tinh 1 tại đó thành cặp 1 – 6, nên càng thuận lợi cho công danh, sự nghiệp. Hơn nữa, đó là ngày Giáp Tý, nhật tinh số 8 tới hướng, vừa tạo thành Tam Cát (tức 3 số 1, 6, 8), vừa sinh nhập cho Hướng tinh, nên càng gặp nhiều may mắn.

Với những chiến thắng liên tiếp, Grant đã trở thành viên tướng nổi bật và xuất sắc nhất của miền Bắc. Vì vậy, vào ngày 02 tháng 3 năm 1864, Abraham Lincoln ký lệnh thăng ông lên Trung tướng, 1 chức vụ chỉ dành cho George Washington – vị tướng và TT đầu tiên của Hoa Kỳ – cho đến lúc đó. Trở thành tổng tư lệnh quân đội, Grant biết rằng con đường để chiến thắng miền Nam nhanh chóng nhất là phải tiêu diệt được Binh đoàn miền Bắc Virginia, dưới quyền chỉ huy của Robert E. Lee – 1 danh tướng đã trở thành 1 người hùng, 1 biểu tượng về ý chí quật cường, dũng cảm, và là linh hồn của quân đội miền Nam lúc đó. Vì vậy, Grant quyết định đến Virginia để trực tiếp đương đầu với Lee.

Lúc này, mặc dù đã bị thua trận tại Gettysburg, uy danh của Lee vẫn làm cho dân chúng, cũng như quân đội miền Bắc khiếp sợ hoặc nể phục. Do đó, để khích lệ tinh thần binh sĩ, các cơ quan tuyên truyền miền Bắc đã ca ngợi Grant là viên tướng “bách chiến, bách thắng” ở các mặt trận miền Tây. Nhưng khi nghe như vậy, quân lính miền Bắc đã nói với nhau: đó là vì ông ta chưa phải đối đầu với Bobby Lee (tức Robert E. Lee; chữ Bobby là tiếng gọi thân mật cho những người có tên Robert). Ngay cả mẹ của Grant – 1 người rất ít nói, và không bao giờ để ý đến những chuyện bên ngoài – nhưng khi biết ông sẽ trực tiếp cầm quân để đương đầu với Lee cũng phải lên tiếng hỏi ông có lo lắng không? Grant đã bình thản trả lời: “Con không lo lắng gì cả. Con biết Lee như chính ông ta tự biết mình. Con biết mọi điểm mạnh, cũng như những điểm yếu của ông ấy. Con dự định sẽ tấn công những điểm yếu, và tránh những điểm mạnh của ông ta”. Câu nói đó không những cho thấy Grant đã quán triệt được 1 nguyên tắc quân sự quan trọng, mà từ 2,500 năm về trước, Tôn Tử đã đúc kết bằng câu: “Biết mình biết địch, trăm trận trăm thắng”, mà còn thấy được rằng tránh điểm mạnh, đánh điểm yếu là nguyên tắc bất khả chiến bại, đã được Scipio minh chứng qua cuộc chiến tranh với Hannibal. Nhưng yếu điểm của Lee là gì? Nó chính là nguồn kinh tế và nhân lực nhỏ bé, ngày càng cạn kiệt của miền Nam. Nếu bị tấn công liên tục, miền Nam sẽ không thể nào có thể cung ứng được vũ khí, lương thực, cũng như quân số cho Lee. Đó chính là chiến lược mà Grant đã nhìn thấy, cũng như quyết tâm theo đuổi.

Đầu tháng 5 năm 1864, với tổng số gần 130 ngàn quân, Grant phát động chiến dịch tấn công Lee tại vùng Wilderness, tiểu bang Virginia. Nhưng Lee đã đoán trước được hướng tấn công của ông, và chuẩn bị sẵn. Chỉ với 63 ngàn quân, Lee phản công kịch liệt, không những chặn đứng bước tiến của Grant, mà còn đe dọa bao vây, cũng như cắt đứt đường tiếp vận của quân miền Bắc. Nếu như gặp những tướng lãnh khác, có lẽ Lee đã thành công và đánh bại được đối phương. Ngay cả George Mead – người chiến thắng ở Gettysburg – cũng đã hớt hải chạy vào tổng hành dinh và đòi Grant phải rút lui ngay lập tức. Nhưng trong những giây phút nguy ngập và căng thẳng nhất, Grant đã bình tĩnh điều động binh sĩ lập tuyến phòng thủ, chặn đứng mọi cuộc tấn công của Lee.

Không thành công trong việc tấn kích trực diện, Grant chuyển sang đánh vu hồi vào bên hông hoặc sau lưng Lee. Nhưng 5 lần Grant chuyển quân, Lee đều đoán được hướng tấn công của ông, và đã điều động binh sĩ tới mục tiêu trước để chặn đứng mọi bước tiến của Grant, cũng như gây cho ông nhiều tổn thất lớn. Vì vậy, chỉ sau 1 tháng giao chiến, Grant đã bị thiệt hại hơn 55 ngàn quân. Đó là 1 con số rất lớn, mà nếu tính theo tỉ lệ dân số nước Mỹ trong thập niên 1970, nó tương đương với hơn 600 ngàn người. Điều này làm chấn động dư luận miền Bắc, và rất nhiều người (trong đó có cả bà Marry Todd – vợ của Abraham Lincoln) đã gọi Grant là “tên đồ tể”, là “tướng sát quân”, là ngu dốt, đần độn…, và gây áp lực để buộc Lincoln cách chức ông. Tuy nhiên, mặc dù bị thiệt hại nặng nề, nhưng trong 1 bức thư ngắn gởi cho bộ trưởng quốc phòng Stanton và Lincoln, Grant đã viết: “Tôi dự định quyết chiến trên trận tuyến này, cho dù sẽ phải kéo dài suốt mùa hè”.

Nếu xét theo trạch vận thì năm 1864 (GIÁP TÝ) đã bước qua vận 1 Thượng nguyên, nên càng thuận lợi cho Hướng tinh 6. Vì theo Hà đồ thì 1 – 6 là cùng gốc (Nhất – Lục công tông), nên khi số 1 trở thành vượng thì số 6 cũng vượng. Tuy nhiên, niên tinh năm đó là số 9 đến hướng, khắc Hướng tinh 6, nên sự nghiệp gặp nhiều khó khăn, trở ngại lớn. Nhất là vào tháng 5 Âm lịch (tức tháng 6 Dương lịch), nguyệt tinh 3 đến ĐÔNG NAM, sinh cho niên tinh 9, nên Hướng tinh 6 càng bị khắc mạnh. Đó chính là lúc ông gặp nhiều khó khăn nhất, cũng như bị đả kích dữ dội nhất. Riêng ngày ông được thăng chức Trung tướng (ngày 02 tháng 3 năm 1864, tức ngày BÍNH DẦN, trong Khí Vũ Thủy, nên vẫn thuộc tháng 1 Âm lịch), tuy nguyệt tinh 7 tới hướng, hợp với niên tinh 9 thành cặp 7 – 9 Hỏa hậu thiên, khắc mạnh Hướng tinh 6 (Kim). Nhưng nhật tinh 8 (Thổ) của ngày lại tới đó, nên Hướng tinh 6 đang từ bị khắc mạnh lại biến thành được sinh nhập trùng trùng (vì Hỏa sinh Thổ rồi Thổ sinh Kim). Hơn nữa, các số 7 – 8 – 9 lại hợp thành Liên châu Tam ban quái, nên có được may mắn bất ngờ. Còn lý do tại sao tháng đó có 4 ngày nhật tinh 8 đến hướng, nhưng phải đến ngày cuối mới có hỷ sự thì cần phải có trình độ khá về Phi tinh mới có thể nhận ra.

Bình thường, Abraham Lincoln là 1 người rất nhân đạo, khoan dung và độ lượng, nhưng đối với sự tồn tại và thống nhất của Hoa Kỳ, ông sẵn sàng hy sinh tất cả, cho dù đó là sinh mạng của hàng trăm ngàn thanh niên ưu tú nhất nước Mỹ. Hơn nữa, ông cũng đã nhận ra rằng 1 đạo quân dù đông đảo, hùng mạnh, trang bị tối tân đến đâu đi nữa, nhưng nếu viên tướng chủ soái đã có tâm lý sợ địch thì vẫn sẽ bị thảm bại với đối phương. Suốt hơn 3 năm trời, ông đã chứng kiến hết tướng này tới tướng khác, chỉ huy những đạo quân đông đảo, hùng mạnh hơn Lee gấp bội. Nhưng chỉ sau 1 vài cuộc đụng độ hoặc thất bại, họ đều tỏ ra e dè và khiếp sợ Lee, nên cuối cùng đều bị thảm bại dưới tay ông. Còn lần này Grant ra quân, mặc dù bị thất bại liên tiếp, cũng như tổn thất nặng nề, Grant chẳng những không chùng bước, mà vẫn quyết chí đánh bại đối phương. Cho nên, chính lời nói cứng cỏi của Grant đã làm cho Lincoln phấn khởi, và càng thêm tin tưởng vào ông, vì biết là ông không sợ Lee như những tướng lãnh trước đây.

Trong lịch sử Việt Nam vào thời nhà Trần, khi quân Mông cổ xâm lược nước ta lần thứ 2, vua Trần nhân Tông đã giao hết binh quyền cho Hưng đạo Vương lên biên giới chống giặc. Nhưng khi giặc tràn qua, Hưng đạo Vương chưa đánh trận nào mà cứ liên tục rút lui. Điều này khiến vua Nhân Tông nghi ngại, và đích thân đến Vạn Kiếp để thăm hỏi tình hình. Khi được Vương cho biết thế giặc rất mạnh, nhà vua đã hỏi dò ông rằng: “Nếu giặc mạnh như vậy, hay là Trẫm đầu hàng để cứu muôn dân”, nhưng Vương đã quả quyết trả lời: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã”. Câu nói đó không những biểu lộ ý chí quyết tâm chống giặc của Trần Hưng Đạo, mà còn cho thấy là Ngài không hề sợ địch, mà chỉ rút lui vì tình thế bất lợi. Đó là điều mà vua Trần nhân Tông, cũng như Abraham Lincoln, hay bất cứ 1 lãnh tụ khôn ngoan, sáng suốt nào cũng đều phải chú ý, và đòi hỏi nơi viên tướng chủ soái của mình. Chính vì điều này nên vua Trần thái Tông mới cách chức Thái Uý (tức tư lệnh quân đội) Trần nhật Hiệu, chỉ vì sau trận thất bại ở Thăng Long (trong cuộc kháng chiến chống Mông cổ lần thứ nhất), khi được nhà vua hỏi kế hoạch, Trần nhật Hiệu đã viết xuống 2 chữ “Nhập Tống” (tức bỏ chạy sang Tàu). Đó là đã thể hiện tâm lý thất bại và sợ giặc. Tương tự như thế, Lincoln đã loại bỏ hàng loạt những tướng lãnh trước đây, chỉ vì họ đều biểu hiện tâm lý khiếp sợ đối phương.

Do đó, trước nhiều áp lực lớn từ mọi phía (báo chí, quốc hội, chính khách, dân chúng, và ngay cả vợ mình), Lincoln vẫn cương quyết bảo vệ Grant, cũng như cho ông toàn quyền hành động trên chiến trường. Vào giữa tháng 6 năm 1864, Grant tấn công Petersburg, 1 thành phố nằm ở phía Nam Richmont (thủ đô của miền Nam). Mặc dù cũng bị Lee chặn đứng tại đó, nhưng Grant đã làm tiêu hao khá nhiều lực lượng của Lee, và bắt đầu đẩy Lee vào thế bị động.

Suốt phần còn lại trong năm, Grant tiếp tục bao vây và công hãm thành phố này. Mùa đông năm đó, giữa lúc quân đội của Grant được bổ sung, tiếp tế đầy đủ, thì quân đội của Lee không có quần áo, giầy dép, chăn mền để giữ ấm, cũng như lương thực để ăn. Tình hình bi đát đến nỗi khi 1 thành viên của quốc hội Anh đến thăm Lee tại tổng hành dinh vào đúng bữa ăn tối, người đó chỉ thấy có 2 miếng bánh bít-qui (biscuits), và Lee đã phải chia cho người đó 1 miếng, vì không còn phần ăn nào khác. Vào Noel năm 1864, khi được tặng phần ăn với gà tây để mừng Giáng Sinh, Lee đã cho đem tới bệnh xá để tặng thương binh. Nhưng mặc dù quân lực vừa ít ỏi, lại bị bệnh tật và đói khát hoành hành, Lee đã giữ vững tuyến phòng thủ dài hơn 40 miles (khoảng 65km) – từ phía Bắc Richmont đến phía Nam Petersburg – trong suốt 9 tháng trời, trước mọi nỗ lực tấn công của đối phương.

 

(còn tiếp)