NHỮNG CĂN NHÀ CỦA ULYSSES GRANT (III)

Vào giữa tháng 3 năm 1865, với tổng số khoảng 125 ngàn quân, Grant lại phát động chiến dịch tấn công vào cạnh sườn bên phải của Lee. Về số lượng, lúc đó Lee vẫn còn khoảng 50 ngàn quân, nhưng gần ½ bị bệnh tật hoành hành, và hầu như không còn khả năng chiến đấu.

Mặc dù vậy, ông cũng vẫn chặn đứng cuộc tổng tấn công của Grant như những lần trước. Tuy nhiên, tình hình lúc này trở nên rất nghiêm trọng, vì Grant đã chỉ thị cho Sherman huy động thêm 100 ngàn quân tới tấn công Richmont để bao vây và tiêu diệt ông. Vì vậy, Lee dự tính vượt thoát về phía Tây để liên kết với những cánh quân khác của miền Nam. Mặc dù đã lừa được Grant và khởi hành trước 1 ngày, nhưng do binh sĩ quá đói khát, và không có gì để cung cấp cho họ, ông buộc phải dừng lại để tìm kiếm lương thực, nên Grant đã đem quân đuổi kịp, và bao vây ông giữ đồng trống. Với tinh thần nhân đạo, Grant viết thư kêu gọi Lee đầu hàng. Chỉ còn khoảng 28 ngàn quân đã kiệt sức vì vẫn không có gì để ăn, Lee biết là không thể đem quân vượt thoát khỏi vòng vây, nên đồng ý gặp Grant để thương lượng.

Cuộc gặp gỡ giữa Lee và Grant tại Appomattox vào ngày 09 tháng 4 năm 1865 đã đi vào lịch sử như là những giờ phút vinh quang nhất của Hoa Kỳ. Trong cương vị của người chiến thắng, Grant đã không áp đặt 1 điều kiện nào, ngoại trừ quân đội miền Nam chịu buông súng đầu hàng, không chiến đấu chống lại chính phủ liên bang nữa. Ngược lại, ông đã chấp nhận mọi điều kiện hoặc yêu cầu của Lee, từ việc quân đội miền Nam được tự do trở về nhà, không bị bắt bớ, trả thù, sách nhiễu hoặc truy tố sau này, cũng như được giữa lại mọi tài sản của mình như lừa, ngựa, gươm, súng ngắn… mà họ tự mua sắm, đồng thời lập tức cung cấp lương thực cho quân đội của Lee đang bị đói khát trầm trọng. Thái độ nhân nhượng của Grant đã khiến cho những tướng lãnh miền Bắc có mặt trong buổi họp phải thầm đặt câu hỏi: “Ai mới là người chiến thắng đây”? Nhưng thật ra, chính sự nhân nhượng, khoan dung và độ lượng của Grant đã chinh phục được Lee, và làm cho ông chấp nhận đầu hàng, điều mà ông cho rằng còn đau đớn hơn là phải “chết 1 ngàn lần” trước đó. Khi Lee cáo từ ra về, Grant đã dẫn mọi tướng lãnh miền Bắc có mặt ra phía trước, cởi bỏ mũ và đứng nghiêm chỉnh để tiễn ông. Sau đó, Grant hạ lệnh cho quân sĩ không được bắn đại bác, súng đạn, hoặc la hò để mừng chiến thắng, và tuyên bố “chiến tranh đã kết thúc, những kẻ chống đối trước đây nay đã trở lại thành những người cùng quê hương, máu mủ với chúng ta”.

Khi Lee về đến doanh trại, 1 số binh sĩ miền Nam biết được tin ông sang thương lượng việc đầu hàng với Grant, nên họ xúm lại hỏi ông về điều đó. Lee nói với họ: “Các chiến hữu, chúng ta đã cùng nhau chiến đấu trong cuộc chiến này, và tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được cho các anh. Tất cả các anh đều được tự do trở về với gia đình”. Nói đến đây, giọng Lee nghẹn lại, nước mắt trào ra trên khóe mắt của ông, và ông không thể nói được gì thêm ngoài lời chào từ biệt. Vào lúc cuộc nội chiến sắp xảy ra, Lee đã nói với những người thân là ông sẵn sàng hy sinh tất cả – ngoại trừ danh dự – để giúp nước Mỹ thoát khỏi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này. Nhưng khi cuộc chiến kết thúc, ông đã hy sinh luôn cả danh dự của mình để cứu lấy sinh mạng, tài sản, cũng như sự tự do cho tướng sĩ dưới quyền ông. Cả cuộc đời Lee là 1 sự hy sinh cho người khác, chấp nhận mọi thua thiệt về mình. Ông đã sống theo đúng như lời Chúa Jesus (Giê-su) đã nói trong Kinh thánh: “Ai muốn theo ta thì phải từ bỏ mọi sự, vác Thập giá theo ta”. Lee đã từ bỏ tất cả, từ tiền bạc, nhà cửa, địa vị, đến danh vọng, vinh quang… để vác lấy những Thập giá nặng nề nhất, đau khổ nhất, mà cho đến chết vẫn không có 1 lời kêu than, oán hận. Không gì thể hiện điều đó rõ hơn là có lần, 1 người đàn bà bồng con sơ sinh đến để mong ông chúc lành cho đứa bé. Sau khi làm xong lời yêu cầu, ông nói với người mẹ rằng: “Cô cần dạy cho cháu biết phải từ bỏ mọi sự cho chính mình”. Đó là điều mà mẹ ông dạy ông từ nhỏ, và ông đã theo đó hành xử suốt cuộc đời. Trong tác phẩm “Scipio Africanus: Greater than Napoleon” (tức Scipio Africanus: Vĩ đại hơn cả Napoleon), B.H. Liddell Hart – 1 sử gia, và cũng là 1 lý thuyết gia quân sự nổi tiếng của Anh quốc – đã nhận định rằng sự hy sinh, từ bỏ mọi sự cho chính bản thân là 1 trong những giá trị luân lý và đạo đức vĩ đại nhất đối với nền văn minh của nhân loại. Đó chính là lý do tại sao Robert E. Lee được xếp vào hàng những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa kỳ.

Chỉ 5 ngày sau khi Lee đầu hàng, Abraham Lincoln bị ám sát, nhưng tất cả những lực lượng quân sự khác của miền Nam đều buông súng nhanh chóng, và cuộc nội chiến kết thúc. Lúc này, uy danh của Grant càng lừng lẫy hơn bao giờ hết. Đi đến đâu, ông cũng được dân chúng đón tiếp nồng nhiệt, được suy tôn là anh hùng của đất nước, cứu tinh của dân tộc, là danh tướng vĩ đại nhất thời đại. Vào giữa tháng 8 năm 1865, khi ông trở về Galena, toàn thể dân chúng tại thành phố này đã kéo ra đón tiếp ông, và họ quyên góp tiền của để mua tặng ông 1 căn nhà sang trọng với đầy đủ mọi tiện nghi, vật dụng. Căn nhà này nằm cách căn nhà cũ mà ông đã mướn ở trước đây khoảng hơn 1km, và hiện nay đã trở thành khu di tích lịch sử chính về Grant. Tuy nhiên, với cương vị tổng tư lệnh quân đội, ông phải về làm việc tại Washington, và vì không muốn xa vợ con, ông đã mua nhà và đem cả gia đình về đó. Còn căn nhà ở Galena chỉ thỉnh thoảng gia đình ông mới về nghỉ mát mà thôi. Vì vậy, ảnh hưởng của nó về phương diện Phong thủy hầu như không đáng kể. Điều đáng nói là tuy được tặng căn nhà này, nhưng đó là do tiền bạc của dân chúng đóng góp, nên Grant không nghĩ nó là vật tư hữu của mình, mà là của công chúng. Cho nên sau này vào những lúc túng quẫn nhất, ông cũng không bao giờ nghĩ đến việc bán nó đi để chi tiêu, hay trang trải nợ nần. Đến khi cả 2 vợ chồng ông qua đời, các con ông đã trả lại căn nhà cho thành phố Galena.

Căn nhà mà dân chúng ở Galena tặng Ulysses Grant

Nếu xét theo Phong thủy thì năm 1865 (ẤT SỬU), niên tinh số 8 đến hướng, sinh nhập cho Hướng tinh 6, nên không những thuận lợi cho công danh, sự nghiệp, mà còn tăng tiến thêm cả về tài lộc. Điều cần nói thêm là tuy qua vận 1, Sơn tinh 9 sau nhà đã trở thành thoái khí, nhưng thứ nhất vì Sơn tinh toàn bàn của căn nhà vẫn Hợp thập, nên vẫn tốt cho nhân đinh. Thứ 2 vì khu vực phía NAM căn nhà cũng là chỗ đất nhô cao lên, nơi đó lại có Sơn tinh 6. Mà như đã nói là trong vận 1 thì không những số 1 là vượng khí, mà số 6 cũng vượng. Vì vậy, nhà này vẫn đắc cách vượng nhân đinh, nên sự nghiệp càng phát lớn trong vận 1 (vì cả Sơn – Hướng tinh đều vượng, lại đắc địa thế phù hợp). Một điều nữa là khi Lee đầu hàng (ngày 09 tháng 4 Dương lịch, tức đã vào tháng 3 Âm lịch), nguyệt tinh 2 tới hướng, cùng với niên tinh 8 đều thuộc hành Thổ, sinh cho Hướng tinh 6, tức là được sinh nhập trùng trùng, nên mọi sự đều thuận lợi, may mắn. Hôm đó là ngày Kỷ Dậu, trong Tiết Thanh Minh, nhật tinh 6 cũng tới hướng, hỗ trợ thêm cho Hướng tinh 6, nên mọi mưu cầu đều được toại ý. Ngoài ra, mặc dù trong suốt mấy năm trời xông pha trận mạc, đối đầu với bao nhiêu nguy hiểm, tính mạng của ông vẫn vững vàng, không 1 lần bị thương tích, như có thần hộ mạng đi theo bảo vệ. Đó chính là nhờ căn nhà đắc cách vượng nhân đinh mà ra.

Tới Washington, Grant mua 1 căn nhà chỉ nằm cách tòa Bạch Ốc chừng vài trăm mét. Nhà này tọa BẮC hướng NAM, với địa thế như những hình bên dưới.

Nhà của Grant (chấm đỏ), con đường chéo là đi thẳng tới bên hông tòa Bạch Ốc

Nhà của Grant là căn nhà 3 tầng ở giữa, 2 bên là những tòa nhà to lớn hơn

 

Vì hướng nhà theo Google là 180 độ, nhưng Độ từ Thiên tại đây là khoảng – 3 độ vào lúc đó (năm 1865), nên hướng của căn nhà là khoảng 177 độ, tức nhà tọa TÝ hướng NGỌ kiêm NHÂM – BÍNH 3 độ. Ông mua và dọn vào cuối năm 1865, thuộc vận 1 thượng nguyên, nên trạch vận như bảng dưới.

Vì lối kiến trúc của nhà này cũng tương tự như căn nhà mà Grant thuê, hoặc được dân chúng tặng ở Galena (nhất là các khung cửa sổ), nên có thể đoán kiến trúc của nó từ đó cho đến nay vẫn chưa thay đổi, đường xá cũng không thay đổi, với ngã 4 nằm bên trái, ngã 5 gần hơn bên phải, cửa ra vào cũng nằm bên phải. Chỉ có những nhà bên cạnh là thay đổi, vì kiến trúc mới hơn. Nhà này hiện tại cũng đang có người ở, nên không có sơ đồ chi tiết. Nhưng nếu chỉ dựa theo địa thế và trạch vận thì thấy trong vận 1 mà phía trước có song tinh 1 tới hướng là đắc vượng khí, nên rất tốt cho công danh, sự nghiệp cũng như tài lộc. Tuy là mọi Hướng tinh trong trạch vận đều bị Phục Ngâm (tức đóng tại vị trí nguyên thủy của nó), nên đó là điều nguy hại cho tài lộc, cũng như người trong nhà dễ mắc nhiều tai họa, nhưng trong vận 1 khi phía trước còn đắc vượng khí, lại có cửa và đường lớn, dài thì mọi sự vẫn tốt đẹp. Ngoài ra, với trạch vận và địa thế này thì tuy gặp tiểu nhân hãm hại, nhưng vẫn được quý nhân nâng đỡ, phù trợ, sự nghiệp thăng tiến mạnh, nhưng tiền bạc dễ bị thất thoát về những chuyện bên ngoài, nhất là vì tiệc tùng, hỷ sự.

Vì vậy nên từ khi vào ở nhà này, địa vị của ông vẫn vững vàng, thăng tiến. Qua năm 1866, ông được thăng chức Thống tướng, tổng tư lệnh quân đội, vượt qua cả George Washington. Còn về tiền của thì ông càng ngày càng khá giả, không những do lương bổng khá cao ($400/1 tháng, cộng thêm $300/1 tháng nếu phải đi công vụ ra ngoài thủ đô Washington), mà còn do quen biết với giới kinh doanh, tài phiệt, cũng như được họ tặng quà cáp…Không những thế, mặc dù không có tham vọng chính trị, Grant vẫn được đảng Cộng Hòa đề bạt ra tranh cử Tổng thống vào năm 1868, và đắc cử dễ dàng cuối năm đó để trở thành TT thứ 18 của Hoa kỳ.

Một điểm nữa là Grant dọn vào nhà này vào cuối năm 1865 (ẤT SỬU). Năm đó, niên tinh 4 đến hướng, phối hợp với trạch vận càng khiến cho danh tiếng, sự nghiệp bộc phát mạnh mẽ. Còn niên tinh 5 (Ngũ Hoàng) tuy đến phía sau (tọa), nhưng với trạch vận và địa hình như thế thì Ngũ Hoàng cũng không thể làm hại nhân đinh được. Chỉ có điều là sau khi vào ở nhà này, giữa ông và TT Andrew Johnson (người kế nhiệm Abraham Lincoln) lại xảy ra cuộc xung đột, và càng ngày càng gay gắt, nhất là trong suốt 2 năm 1867 và 1868, dẫn đến việc TT Johnson âm mưu truất phế ông nhưng không thành. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà Grant lại trở thành “người hùng” của đảng Cộng Hòa, và mới được họ đề bạt ra tranh cử TT để loại bỏ Johnson, mặc dù là ông chẳng vận động gì cả.

TT Ulysses S. Grant (nguồn: en.wikipedia.org)

Với bản tính trầm lặng, e thẹn và ít giao thiệp, nên sau khi trở thành TT, Grant chỉ bổ nhiệm những người mà ông đã từng quen biết trước đây trong quân đội, hoặc mới quyên góp tiền bạc giúp mình sau này, nên ông bị mang tiếng là bè phái, phe đảng. Đã vậy, nhiều người trong số đó lại lợi dụng địa vị để tham nhũng, hối lộ, khiến cho chính phủ của ông bị mang tiếng là thối nát bậc nhất trong lịch sử Hoa kỳ. Tuy nhiên, dân chúng Mỹ vẫn tín nhiệm sự trung hậu, ngay thẳng và liêm khiết của ông (bản thân Grant không bao giờ nhận hối lộ), cộng với nền kinh tế lúc đó đang tiến triển mạnh, thuế má lại thấp, nên vào cuối năm 1872, ông lại tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Nhưng ngay sau đó, cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra và kéo dài, khiến cho đời sống dân chúng gặp nhiều khó khăn, cộng với những vụ tham nhũng trong chính phủ liên tiếp bị phanh phui (ngay cả em trai ông cũng bị dính líu), làm cho uy tín của ông càng giảm sút, và nhiều người bắt đầu lo sợ là ông sẽ tiếp tục ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 3 để trở thành nhà độc tài, bất chấp tiền lệ mà George Washington đã đặt ra (là mỗi người chỉ làm TT tối đa 2 nhiệm kỳ). Thấy được điều đó, Grant tuyên bố sẽ không ra tranh cử vào năm 1776. Rồi đến khi kết quả bầu cử giữa 2 bên Dân Chủ và Cộng Hòa bất phân thắng bại, mặc dù rất thương vợ, và bị vợ hối thúc nhảy vào để có thể gia tăng thời hạn làm TT của mình, Grant đã để cho quốc hội phân xử và định đoạt. Những hành động công tâm, nghiêm túc, cũng như bất vụ lợi đó đã giúp ông lấy lại được phần nào uy tín với quốc dân trước khi giã từ tòa Bạch Ốc.

Trong thời gian làm TT, Grant chủ yếu sống trong tòa Bạch Ốc, tòa nhà này có địa thế như những hình dưới.

 

 

Điều cần chú ý là vào thời đó, tòa Bạch Ốc chỉ là phần nằm ở giữa, còn những phần nối dài 2 bên chỉ là nơi để những dụng cụ làm vườn, chăm sóc ngựa… Mãi đến thời TT Truman (sau Đệ nhị Thế chiến), những phần đó, cũng như 2 tòa nhà lớn ở 2 bên mới được xây dựng và sát nhập với tòa Bạch Ốc. 

Hướng của tòa nhà này nhìn theo Google là chính Bắc, nhưng như đã nói là Độ từ Thiên tại đây vào thời gian đó (1869) nhỏ hơn gần 3 độ, nên hướng nhà là 357 độ, tức tọa NGỌ hướng TÝ kiêm BÍNH – NHÂM 3 độ. Grant dọn vào ở năm 1869 thuộc vận 1 thượng nguyên, nên trạch vận như bảng dưới.

Trạch vận này tuy được sinh khí tới phía trước (số 2), vượng khí (số 1) tới phía sau, những nơi đó lại đều trống thoáng và có cửa ra vào, nên đúng ra phải rất tốt. Nhưng vì Sơn tinh toàn bàn bị Phản Ngâm, nên đã không tốt về vấn đề nhân sự. Hơn nữa, khi phối hợp giữa trạch vận và địa hình thì đây là thế gặp tiểu nhân đầy dãy, từ trong ra ngoài (cho nên ngay cả em ruột ông cũng bị dính vào những vụ tham ô), bị kẻ khác lợi dụng, hãm hại, cũng như vướng phải rất nhiều chuyện bực bội, phiền toái.  

Một câu chuyện bên lề là trong thời gian làm TT, Grant đã 2 lần gặp gỡ với phái đoàn Việt Nam do Bùi Viện cầm đầu (lần đầu vào năm 1874, và lần thứ 2 năm 1875). Mặc dù cuối cùng không đạt được kết quả gì, nhưng ông là TT đầu tiên của Hoa kỳ đã tiếp xúc với người Việt Nam.

 

(còn tiếp)