2/ Quy hoạch đất đai & quyền hạn xử dụng:
a/ Quy hoạch đất đai: Sau khi đã thiết lập được đường xá cho rộng lớn và đúng hướng thì bước kế tiếp là phải quy hoạch đất đai cho nhà cửa. Đây cũng là 1 việc rất quan trọng, vì nếu đường xá được hoạch định theo những phương hướng tốt, để cho mọi nhà đều có thể nhận được vượng khí (hay nói 1 cách khác là đắc thời vận tốt), nhưng nếu căn nhà lại nằm trên 1 mảnh đất quá nhỏ hẹp, phía trước không có sân (hay sân quá nhỏ), phía sau bị bít kín, 2 bên hông sát vách với nhà hàng xóm… thì không những vừa tạo ra 1 cảm giác chật hẹp, tù túng cho người ở, vừa thiếu an toàn (trong trường hợp nhà chỉ có 1 lối ra vào duy nhất ở phía trước), vừa không thể đón nhận được vượng khí, nên dù nhà có hướng tốt cũng không thể phát đạt lớn. Vì mặc dù đường thẳng, dài, rộng thì sẽ đem nhiều khí tới, nhưng trên mặt đường thì xe cộ qua lại không ngừng, khiến cho khí luôn bị khuấy động và phân tán. Muốn hiểu được điều này thì cần phải hình dung khí như những loại bụi, hoặc bông gòn rất nhẹ nằm trên mặt đường. Một khi bị lực tác động (do sự di chuyển của xe cộ) thì chúng sẽ bay tán loạn, rồi dạt vào 2 bên lề đường. Nếu nhà nằm quá sát mặt đường thì nhiều khi do lực di chuyển của bụi hoặc bông gòn còn quá mạnh, nên khi đụng phải tường vách thì chúng sẽ dội ngược trở ra, hoặc bay thẳng lên trên, chứ không vào nhà. Hơn nữa, chúng vẫn còn ở trong trạng thái đang bị phân tán, nên dù nhà có mở cửa thì khí vào được nhà trong lúc này cũng rất ít. Vì vậy, nếu nhà có sân trước rất nhỏ, hoặc nằm sát mặt đường thì sẽ khó lòng nhận được vượng khí từ con đường đem tới, cho nên không thể phát lớn được. Đây chính là trường hợp nhà bị “Cát cước sát” (sát khí cắt gót chân) như đã được đề cập tới trong các lớp Phong thủy hàm thụ. Đó là chưa kể nhà nằm sát mặt đường còn dễ bị ảnh hưởng của những ô nhiễm như bụi đường, tiếng động, khói xe… nữa.
Ngược lại, nếu nhà có sân trước trống, rộng thì sau khi bị đẩy dạt vào 2 bên lề đường, khí sẽ từ từ lắng đọng và hội tụ mỗi lúc 1 nhiều ở đó, rồi mỗi khi nhà mở cửa thì sẽ theo bước chân người, gia súc, xe cộ hay gió…mà vào trong nhà.
Do đó, muốn đón nhận được vượng khí thì điều kiện trước hết là sân phía trước cần phải được rộng lớn, để cho khí có chỗ hội tụ lại. Nói như vậy có nghĩa là sân trước nhà càng lớn, càng rộng thì càng tốt, chính vì vậy nên những dinh thự, lầu đài của các quan quyền, vua chúa thời xưa thường có sân rất lớn. Chẳng hạn như cung điện Blenheim của quận công Marlborough (ở Anh quốc, nơi Thủ tướng Winston Churchill chào đời) có sân phía trước rộng mênh mông như hình dưới.
Hình 12: cung điện Blenheim của Marlborough, 1 danh tướng vĩ đại nhất trong lịch sử nước Anh, tổ phụ của Winston Churchill (Wikipedia)
Dĩ nhiên là đối với hầu hết nhà cửa bình thường thì sẽ không đủ khả năng về tiền của hoặc đất đai để có được sân trước rộng lớn như thế, nhưng vẫn cần phải đủ lớn để cho khí có chỗ tụ hội ở phía trước. Vì vậy, trong việc quy hoạch đất đai thì không thể chỉ có 1 mảnh đất vừa đủ để cất nhà trên đó, mà cần hoạch định cho mỗi căn nhà 1 mảnh đất đủ lớn và rộng để vừa có thể xây nhà, vừa có được 1 sân trước trống thoáng và đủ lớn để đón lấy khí từ phía trước. Nếu phải nói đến kích thước cụ thể thì 1 căn nhà tối thiểu phải nằm cách lề đường từ 6 đến 10m (khoảng 6.6 đến 11 yards), tùy theo mức độ dài, rộng của con đường, cũng như tốc độ xe chạy trên con đường đó là nhanh hay chậm mà quy định.
Ngoài vấn đề nhà cần phải có sân trước đủ lớn để đón lấy khí từ con đường tới thì phía sau nhà cũng cần có sân lớn bằng (hoặc hơn) sân phía trước, chứ không thể bít kín, hoặc có nhà hàng xóm nằm áp sát phía sau được. Vì nếu đã thiết lập đường xá để cho mọi hướng nhà đều thuộc tọa độ chính giữa của 24 hướng (hoặc lệch sang bên phải hay bên trái khoảng 3 độ) thì mọi nhà đều sẽ đắc vượng khí tới phía trước hay phía sau căn nhà mà thôi (tùy theo từng vận). Do đó, nếu chỉ có sân trước mà không có sân sau thì sẽ chỉ phát được trong những vận có vượng khí tới hướng. Còn trong những vận có vượng khí tới phía sau thì sẽ bị suy bại nặng mà trở nên nghèo đói, khổ sở.
– Thí dụ: 1 căn nhà hướng MÃO (90 độ), dọn vào ở trong vận 7 (tức trong khoảng từ năm 1984 đến hết năm 2003). Trạch vận của căn nhà như hình dưới.
Nhìn vào bảng trên, ta thấy trong vận 7 thì nhà này đắc vượng khí (số 7 màu xanh nước biển) tới hướng. Nếu phía trước có cửa, lại có sân rộng để nghênh đón vượng khí thì nhà này sẽ được phát đạt lớn trong vận 7.
Tuy nhiên, cũng nhà hướng MÃO, nhưng nếu dọn vào ở trong vận 8 (khoảng thời gian từ năm 2004 đến hết năm 2023) thì trạch vận của căn nhà sẽ như hình dưới.
Theo bảng trên, trong vận 8 thì nhà này bị tử khí (số 4 màu xanh nước biển) tới hướng. Cho nên nếu chỉ có sân và cửa ở phía trước thì sẽ đón nhận tử khí vào nhà. Còn phía sau tuy đắc vượng khí (số 8 màu xanh nước biển), nhưng vì bị bít kín, hay có nhà hàng xóm áp sát thì sẽ không thể nhận được vượng khí. Vì vậy nên nhà này sẽ bị lụn bại, cuộc sống lầm than, cơ cực trong vận 8.
Ngược lại, nếu phía sau cũng có sân lớn, cửa sau để ra, vào thì nhà sẽ đón nhận được vượng khí đến nơi đó, nên vẫn làm ăn phát đạt, cuộc sống yên ổn, sung túc. Khi nói đến điều này thì cũng cần nói qua là có 1 số trường phái Phong thủy lại cho rằng dù nhà đắc vượng khí đến phía sau, nhưng vẫn cần phải dùng cửa trước, chứ không thể dùng cửa sau thường xuyên được, vì sẽ gây nguy hại cho gia chủ, hoặc trái với lẽ tự nhiên, vì cửa trước mới là nơi để nạp khí (theo nguyên lý phía trước căn nhà mới là đầu, miệng, còn phía sau căn nhà là tọa và…). Nhưng thật ra, đây chỉ là do ứng dụng những nguyên lý Phong thủy 1 cách quá cứng nhắc mà thôi. Vì đối với Phong thủy thì phía trước mới dung nạp được dương khí (do phía trước thường trống thoáng, có nhiều ánh sáng, đường đi, xe cộ, tiếng động…đều là những yếu tố tạo ra nhiều dương khí). Mà dương khí chẳng những là tối quan trọng cho nhà ở và sự sống (cho nên mới gọi là dương trạch), mà còn giúp tạo dựng sức khỏe, phúc lộc cho người đàn ông trong nhà (vì đàn ông thuộc dương, nên cần phải hấp thu nhiều dương khí để củng cố cái căn nguyên hay bản chất của mình). Còn phía sau nhà thường yên tĩnh, ít hoạt động, lại không có đường xá, xe cộ, tiếng động, nhiều khi còn thiếu cả ánh sáng, cho nên âm khí nhiều. Mà âm khí chủ về đàn bà, cũng như bệnh tật, chết chóc, cho nên nếu đóng cửa trước mà chỉ dùng cửa sau thì nhà sẽ chỉ nhận toàn âm khí, cho nên bất lợi cho gia chủ và nam giới, dễ bị tai họa, bệnh tật nghiên trọng hoặc tử vong, nên cuối cùng nhà chỉ có đàn bà làm chủ, góa bụa, cô độc.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người không biết đến là vượng khí của Hướng tinh mới chính là dương khí mạnh nhất trong thời vận đó. Chính vì vậy nên nó mới có đủ uy lực mà khiến cho 1 nhà được trở lên hưng thịnh, gặp nhiều may mắn, tránh được mọi tai họa. Còn những suy, tử khí của Hướng tinh là những âm khí trong thời vận đó, nên chúng mới làm cho 1 căn nhà trở nên suy bại, nghèo đói, bệnh hoạn. Cho nên, 1 khi vượng khí của Hướng tinh đến phía sau thì nó đã đem dương khí mạnh nhất đến, đủ sức để xua tan âm khí nơi đó và làm thay đổi cục diện của cả ngôi nhà. Hơn nữa, nếu lại dùng phía sau để ra vào thường xuyên thì động khí càng mạnh, nên dương khí càng nhiều, cũng như giữ cho nơi đó được sáng sủa, trống thoáng thì còn đâu là âm khí để có thể gây nguy hại cho gia chủ được nữa?
Còn Phong thủy Loan đầu tuy cũng dựa theo hình dạng con người để phân chia các khu vực trong nhà, chẳng hạn như phía trước là đầu và cổ, ở giữa là lưng, ngực, còn phía sau là bụng và tọa… Tuy nhiên, lối suy diễn này cũng chỉ là để áp dụng 1 cách lỏng lẻo mà thôi, chứ không thể bám cứng vào đó mà nhất định là mọi thứ đều phải theo đúng với hình dạng và chức năng làm việc như cơ thể con người được. Chẳng hạn như nói cửa sổ là “mắt” của 1 căn nhà. Nhưng nếu theo đúng với cấu trúc của cơ thể con người thì mắt chỉ có ở trên đầu, và 1 người cũng chỉ có 2 mắt, nên nếu đem ứng dụng với nhà ở thì chỉ nên có 2 cửa sổ cho 1 căn nhà, và cũng chỉ có thể làm cửa sổ nơi phía trước được thôi, chứ không thể có nhiều cửa sổ, hay cửa sổ nằm ở bên hông, hoặc phía sau nhà? Vì người có nhiều mắt là thứ người quái dị, bệnh hoạn, cũng như mắt mà nằm trên lưng, trên bụng, hoặc nằm ngay phương tọa thì sẽ nhìn thấy cái gì đây? Nhưng với nhà cửa thì có thể suy luận và áp dụng “đúng nguyên tắc” như thế được không? Cho nên những lối suy luận trên chỉ là do ứng dụng 1 cách cứng nhắc những nguyên lý (hay suy luận) của Phong thủy Loan đầu mà thôi.
– Thí dụ: 1 gia đình dọn vào căn nhà hướng MÃO vào giữa năm 1964, lúc đó mới bắt đầu vận 6 (từ năm 1964 đến hết năm 1983), trạch vận như hình dưới.
Nhà này cả 2 phía trước sau đều có cửa và sân trống thoáng, nhưng từ khi vào ở thì chỉ thường xuyên dùng cửa sau (do thói quen, chứ không phải vì biết Phong thủy), còn cửa trước đóng lại rất ít khi dùng tới. Ngay cả bạn bè, người quen khi tới nhà cũng chỉ đậu xe ở phía trước rồi đi dọc theo bên hông nhà để vào cửa sau. Thế nhưng từ khi vào ở cho đến khi bán nhà này dọn đi nơi khác vào năm 1985 (vì muốn kiếm nhà khác đẹp và lớn hơn, ở 1 khu lịch sự hơn, chứ không phải không có tiền trả tiền nhà, vì họ đã trả hết từ lâu), tài lộc của gia đình lúc nào cũng khá giả, đều đều thăng tiến. Người chồng làm việc cho hãng sản xuất tivi lớn nhất thế giới thời đó là Zenith, nên có mức lương khá cao, lại ổn định (chứ không sợ bị sa thải như rất nhiều hãng thời nay). Người vợ chỉ ở nhà nội trợ và hoạt động thiện nguyện không lương. Sức khỏe của 2 vợ chồng đều tốt, chỉ thỉnh thoảng bị cảm mạo sơ sài, chứ không hề có bệnh tật gì nghiêm trọng. Chỉ có điều vì bếp nằm ở khu vực phía TÂY NAM, nơi đó có Sơn tinh Ngũ Hoàng (số 5 màu đỏ), nên họ bị tuyệt tự (không có con cái) mà thôi. Còn trong suốt thời gian ở nhà đó (21 năm) hoàn toàn không có tai họa gì cho gia chủ, hay vì nhà nhận khí “không đúng chỗ” (tức phía sau) nên tài lộc suy bại, hoặc con người không tốt, vì họ đã bỏ công sức bảo lãnh và giúp đỡ cho 25 người tỵ nạn khắp thế giới sang Mỹ (trong đó có 10 người VN).
Do đó, mọi nhà cửa (và nhất là nhà có hướng thuộc tọa độ chính giữa của 24 hướng) đều cần có sân trước cũng như sau nhà rộng lớn, có như vậy thì hầu như trong thời vận nào thì cũng có thể làm ăn sung túc, tài lộc phát đạt được. Vì như đã nói trong bài (2) là mọi nhà thuộc chính hướng thì trong mọi thời vận đều đắc vượng khí tới phía trước hay phía sau mà thôi, chứ sẽ không bao giờ có trường hợp vượng khí đến 2 bên hông. Cho nên, nếu những nhà này đều có sân trước, sân sau trống thoáng, cũng như có cửa ra vào ở 2 nơi đó thì trong vận nào cũng có thể vượng phát. Lúc đó, vấn đề chỉ là biết thay đổi nhà cửa khi qua vận khác, cũng như biết dùng lối nào cho phù hợp để đón nhận được vượng khí mà thôi. Những điều này sẽ được nói tới trong những bài sau.
Còn chỉ có nhà kiêm hướng nhiều (tức lệch từ 4 độ trở lên so với tọa độ chính giữa, bất kỳ là sang phải hay sang trái) thì mới gặp trường hợp vượng khí đến 2 bên hông. Vì vậy, những nhà này thường xấu không những vì hướng kiêm nhiều, mà còn vì khó đón được vượng khí từ bên hông, nên vào những vận đó thường sẽ bị suy bại. Lý do vì 2 bên hông thường bị nhà hàng xóm che chắn, nên dù có mở cửa đúng chỗ có vượng khí cũng sẽ khó lòng thu được để vượng phát.
Trở lại việc quy hoạch đất đai cho nhà cửa thì ngoài vấn đề phía trước, phía sau đều cần có sân rộng, còn 2 bên hông cũng cần có 1 khoảng từ 1m đến 1m50 mỗi bên để có lối đi bên hông nhà. Có như vậy thì mới có thể xử dụng được cửa sau (cũng như đóng cửa trước) trong trường hợp vượng khí đến phía sau nhà. Chứ nếu 2 bên hông bị nhà hàng xóm áp sát, không có lối đi thì vấn đề xử dụng cửa sẽ không còn được linh hoạt nữa, nên mức độ tốt sẽ bị giảm đi rất nhiều. Chẳng hạn như đối với căn nhà hướng MÃO, nhập trạch năm 1964 ở trên. Nếu 2 bên hông không có lối đi thì người trong nhà hay bạn bè tới phía trước sẽ bắt buộc phải dùng cửa trước để vào nhà. Lúc đó, cửa trước sẽ được dùng nhiều hơn cửa sau, nên dù phía sau đắc vượng khí, cũng như có cửa và sân rộng, nhưng tài lộc của gia đình này cũng sẽ bị suy giảm đi nhiều.
Ngoài ra, việc chừa 1 khoảng trống ở 2 bên cũng giúp tạo 1 khoảng cách đối với những nhà bên cạnh, nên vừa tránh được tiếng động, xích mích, tranh chấp do nhà cửa quá sát, vừa tạo được cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người ở, cũng như sau này nếu có muốn tu sửa nhà cửa hoặc những phần bên hông nhà cũng được tiện lợi và dễ dàng hơn. Mặt khác, việc tạo ra 1 khoảng cách với những nhà ở 2 bên cũng sẽ giúp giới hạn (hoặc hóa giải, tùy theo khoảng cách lớn hay nhỏ) ảnh hưởng do thiết kế xấu của những nhà đó đối với nhà mình ở.
Cho nên với 1 căn nhà có kích trung bình, chiều ngang 8m, chiều dài (từ trước ra sau) 12m thì cần nằm trên 1 mảnh đất có kích thước như sau:
– Chiều ngang (hay rộng) của mảnh đất:
8m (căn nhà) + 1m (bên phải) + 1m (bên trái) = 10m
– Chiều dài (từ trước ra sau) của mảnh đất:
12m (căn nhà) + 6m (sân trước) + 8m (sân sau) = 26m
Như vậy, 1 căn nhà rộng 8m, dài 12m thì cần nằm trên 1 mảnh đất tối thiểu rộng 10m, dài 26m. Nói tối thiểu, là vì sân phía sau nhiều khi còn phải dài hơn 8m, nếu như phía sau có garage (nhà để xe), hoặc chỉ có hàng rào cao, kín, chứ không có đường đi như sẽ được phân tích rõ hơn ở phần dưới.
Phần trên là sơ lược lối quy hoạch đất đai cho nhà cửa, không những là phù hợp với Phong thủy, hầu giúp cho cuộc sống của mọi gia đình được ổn định, sung túc về tài lộc, mà cũng phù hợp với những yêu cầu về sức khỏe và tinh thần của con người. Riêng tại Hoa kỳ, hiện nay có 2 lối quy hoạch, mặc dù về hình thức thì rất giống nhau, nhưng chỉ có 1 vài điểm khác biệt mà làm thay đổi vận khí của rất nhiều nhà cửa như sau:
* Lối quy hoạch đất đai cho nhà cửa trước đây: thông thường thì 1 căn nhà sẽ nằm ở gần chính giữa 1 lô đất. Phía trước có con đường khá lớn, tối thiểu là 2 bên đường đều có chỗ cho xe hơi đậu, cộng với 1 lằn chính giữa cho xe hơi chạy (nếu là đường 1 chiều), hoặc 2 lằn (nếu là đường 2 chiều). Sát lề đường có 1 khoảng đất hẹp trồng cỏ, chiều rộng từ 1m đến 1m50 (tùy theo từng khu vực quy định). Đây là khoảng đất thuộc về chính phủ địa phương, và họ có quyền xử dụng làm bất cứ việc gì trên đó (như mở lớn đường, trồng cây, đặt cột đèn…). Tuy nhiên, họ vẫn chừa 1 khoảng nhỏ làm lối đi từ ngoài đường vào. Phần “lối đi trước nhà” rộng khoảng 1m20 rồi tới “phần sân cỏ” phía trước. Từ sân cỏ này vào tới trước nhà dài từ 4 đến 6m. Hơn nửa phần đất phía trước nhà được để trống thoáng, còn hàng rào chỉ bắt đầu từ khoảng gần cuối nhà ra hết phần sân phía sau. Hàng rào thường chỉ cao từ 1m trở xuống, làm bằng gỗ hay lưới sắt có lỗ hở lớn. Từ phần cuối nhà ra hết sân phía sau dài từ 7 đến 12m, tùy theo sự quy hoạch của từng vùng, cũng như diện tích căn nhà xây trên mảnh đất là lớn hay nhỏ. Ở phần cuối mảnh đất là nhà để xe (garage), vì trước đây người Mỹ thường làm garage riêng biệt, chứ không làm chung với nhà ở như sau này. Garage lớn hay nhỏ là tùy theo gia chủ muốn để 1 hoặc 2, 3 xe. Phía sau mảnh đất là con đường nhỏ, nhưng vẫn đủ rộng cho mỗi chiều 1 xe chạy. Con đường này chạy song song với con đường trước nhà, và đây chính là lối để lái xe vào garage, chứ ít có nơi làm lối cho xe vào garage từ phía trước. Còn 2 bên hông thì 1 bên để cỏ xanh, 1 bên có lối đi rộng từ 70cm đến 1m. Khoảng cách trung bình từ nhà này đến nhà khác là từ 1 đến 3m. Trong hình vẽ hơi rộng để cho có chỗ ghi chú, còn trên thực tế chỉ có những nơi khá giả hoặc thôn quê mới có đất rộng như thế.
Hình 13: lối quy hoạch đất đai cho nhà cửa ở Mỹ trước đây
Lối quy hoạch đất đai cho nhà cửa trên có thể được xem là hoàn hảo nhất theo Phong thủy Huyền không. Lý do vì phía trước có đường lớn, sân rộng, nên nếu nhà đắc vượng khí đến phía trước, lại thường dùng cửa trước để ra vào thì sẽ giúp cho cuộc sống yên ổn, làm ăn phát đạt. Còn phía sau không những có sân rộng, mà điều quan trọng ở đây là cuối sân không bị bít kín, chỉ có hàng rào thấp và hở. Lại thêm con đường phía sau có thể đem khí tới, khiến cho khí có thể đến và hội tụ nhiều ở sân sau. Vì vậy, vào những vận mà vượng khí đến phía sau thì chỉ cần đóng cửa trước, dùng cửa sau nhiều thì tài lộc vẫn khá giả, chứ không bị suy bại. Đối với nhà thuộc chính hướng, lối quy hoạch đất đai như trên là rất thích hợp. Vấn đề còn lại chỉ là nếu biết cách xử dụng cho hợp lý thì hầu như trong vận nào những nhà này cũng có thể phát được.
– Thí dụ: 1 gia đình xây căn nhà hướng 180 độ (chính giữa hướng NGỌ) trong 1 lô đất được quy hoạch như hình trên, và dọn vào ở năm 1985. Vì lúc đó là trong vận 7, nên trạch vận như hình dưới.
Nhìn vào bảng trên, ta thấy trong vận 7 thì vượng khí (số 7 màu xanh nước biển) đến phía BẮC (tức phía sau căn nhà). Do đó, nếu sau khi vào ở mà gia đình này đóng cửa trước, xử dụng cửa sau thường xuyên thì tài lộc vẫn khá giả, cuộc sống sung túc, ổn định trong suốt vận 7.
Tuy nhiên, vì vận 7 chỉ kéo dài 20 năm, từ năm 1984 đến hết năm 2003, cho nên kể từ năm 2004 khi bước sang vận 8 thì vượng khí phía sau căn nhà đã trở thành suy khí. Vì vậy, nếu vẫn tiếp tục ở trong nhà này sau năm 2004 thì tài lộc sẽ từ từ xuống dốc, và bắt đầu đi đến chỗ nghèo khổ. Nhưng nếu lúc đó gia đình này bán căn nhà cho người khác, thì khi chủ mới vào ở sẽ có trạch vận mới trong vận 8 như hình dưới.
Nhìn vào bảng trên, ta thấy trong vận 8 thì vượng khí (số 8 màu xanh nước biển) tới phía trước. Vì vậy, nếu sau khi vào ở mà chủ mới lại thường xuyên đi cửa trước thì tài lộc và công việc làm ăn đều được thuận lợi, may mắn. (còn tiếp)