PHONG THỦY TRONG VIỆC QUY HOẠCH & THIẾT KẾ (5)

3/ Thiết kế nhà cửa: sau khi đã quy hoạch đất đai đúng đắn thì bước kế tiếp là thiết kế nhà cửa. Đây là vấn đề quan trọng nhất trong tiến trình thiết lập 1 nơi ăn chốn ở tốt đẹp (theo phương diện Phong thủy) cho mọi người, không những đòi hỏi gia chủ phải có 1 tầm hiểu biết khá sâu rộng về Phong thủy (hoặc phải cần người chuyên môn tư vấn), mà còn cần đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch thiết kế nhà cửa trong khu vực nữa.

Có như vậy mới bảo đảm, hoặc làm tăng thêm sự tốt đẹp của căn nhà đó. Bởi 1 căn nhà dù có được thiết kế đúng Phong thủy, nhưng nếu bị sự xung sát của những nhà lân cận thì nhiều khi sẽ trở thành xấu, hoặc vẫn gặp tai họa, chứ cũng không thể hoàn toàn tốt hay bình yên được. Do đó, muốn có được căn nhà tốt thì cần phải để ý đến 2 vấn đề: sự quy hoạch thiết kế nhà cửa trong khu vực (điều này do chính quyền địa phương đặt luật lệ quy định) – đây chính là yếu tố địa hình chung quanh (hay ngoại hình loan đầu) của căn nhà – rồi kế đó mới là việc thiết kế căn nhà theo Phong thủy (do từng cá nhân quyết định).

      a/ Quy hoạch thiết kế: ngoài việc quy hoạch đường xá, cũng như  đất đai cho nhà cửa, việc quy hoạch (hoặc không quy hoạch) thiết kế tại những khu dân cư của chính quyền địa phương cũng có ảnh hưởng rất lớn đến mọi nhà trong khu vực đó. Vì vậy, để tạo được những ảnh hưởng tốt đẹp đến cuộc sống của người dân thì tối thiểu cũng cần có những luật lệ về thiết kế nhà cửa tại các khu dân cư như sau: 

      – Mọi nhà trong khu vực đều phải được xếp đặt (hay quy hoạch) cho ngay hàng thẳng lối, cũng như cách nhau 1 khoảng nhất định, chứ không nên nằm ngang dọc hay xiên xẹo, hoặc áp sát nhau như những hình dưới.   

 

 Hình 15: lối quy hoạch thiết kế đúng (phần bên trên) và sai (hoặc không quy hoạch – phần bên dưới)

      Trong hình 15, những nhà ở phần bên trên đều được quy hoạch ngay hàng thẳng lối, không áp sát hoặc che chắn nhau, nên là cách xây dựng nhà cửa tốt. Lối quy hoạch này sẽ khiến cho những nhà lân cận không gây ảnh hưởng xấu cho nhau (hoặc nếu có cũng không đáng kể). Ngược lại, phần bên dưới hình thường là để cho mọi người tự do vạch đất xây nhà, chứ không quy hoạch gì cả. Lối xây nhà “tự do” này vừa khiến cho nhà này che lấn nhà kia, hoặc góc nhọn của nhà này chĩa sang nhà khác, hoặc nhà lấn ra sát mặt đường…nên đều sẽ gây tai họa cho những nhà lân cận, hoặc cho chính căn nhà mình ở. Vì vậy, chính quyền địa phương cần phải ngăn cản, hoặc tìm cách phá bỏ dần những khu dân cư có lối xây dựng nhà thiếu quy củ như thế. 

      – Kích thước của mọi căn nhà trong 1 khu vực đều phải tương đối đồng đều, hoặc cân xứng với nhau, chứ không thể quá chênh lệch. Chẳng hạn như căn nhà thấp, nhỏ, chỉ cao 1 tầng thì không thể nằm bên cạnh, hoặc đối diện 1 căn nhà cao 10 hay 20 tầng được, vì như thế sẽ gây ra nhiều tai họa cho căn nhà nhỏ, thấp đó. Còn tai họa gì sẽ xảy ra cho họ là tùy thuộc vào trạch vận của căn nhà.

      * Thí dụ: 1 căn nhà hướng DẬU, nhập trạch trong vận 8, trạch vận như bảng dưới.

 

      Nếu đây chỉ là nhà 1 tầng, chung quanh cũng là những nhà 1 tầng, mà bên hông phải nhà (nếu đứng trong nhà nhìn ra trước) lại có nhà lầu cao 5 tầng thì căn nhà cao đó sẽ gây tai họa cho nhà này. Vì nhà 5 tầng nằm ở khu vực phía BẮC của nhà này, mà theo bảng trạch vận trên thì phía BẮC có Sơn tinh Nhị Hắc (số 2 màu đỏ), nơi đó lại có nhà cao, khiến cho Sơn tinh số 2 có chỗ cao chiếm đóng mà gây tác hại. Vì số 2 chủ về đàn bà, quả phụ, nên nếu địa thế hoặc thiết kế của căn nhà 1 tầng đó không có gì cứu giải thì gia chủ sẽ mắc tai họa mà khiến cho người vợ trở thành góa phụ, hoặc nếu không thì nhà này cũng sẽ có đàn bà cô độc.

      Nếu phía trước nhà 1 tầng này có thêm nhà cao 10 tầng nằm đối diện thì vượng khí của Hướng tinh (số 8 màu xanh) đã bị “Thượng sơn” (nằm ở chỗ cao), nên cả tài lộc lẫn nhân đinh của nhà này đều suy bại. Chứ không phải vì có vượng khí của Sơn tinh (số 8 màu đỏ) gặp nhà cao nên đây là cách “thoái tài vượng đinh” (nghèo nhưng đông con, con cái giỏi dang, thành tài) như nhiều người thường nghĩ. Đối với Phong thủy Loan đầu (hình thế) thì đây chính là trường hợp bị nhà to lớn áp chế mà bị suy bại, cũng như mắc nhiều tai họa.     

      Cho nên, nhà quá cao lớn, vượt trội hơn hẳn những nhà lân cận thì đều có ảnh hưởng đến những nhà đó. Tuy rằng nhà cao lớn đôi khi cũng có ảnh hưởng tốt tới nhà khác, chứ không phải lúc nào cũng xấu, nhưng nếu muốn tránh những thảm họa lớn cho nhiều gia đình thì tốt nhất là nên quy hoạch mọi nhà cửa trong khu vực cho đồng đều về tầm vóc và độ cao lớn.

      – Đòn dông (trên mái) của mọi căn nhà đều nên đặt nằm theo 2 phía trước, sau của căn nhà, chứ không nên đặt nằm chỉ sang 2 bên hông. Lý do vì những nhà nằm ở 2 phía trước, sau của 1 căn nhà thường sẽ cách nhà đó 1 khoảng khá xa (nhất là nếu đất đai lại được quy hoạch như đã nói trong bài trước), cho nên đã hóa giải được ảnh hưởng xấu của đòn dông. Ngược lại, những nhà nằm ở 2 bên hông thường gần hơn, nên nếu đặt đòn dông chỉ sang 2 bên thì những nhà đó sẽ bị ảnh hưởng xấu của đòn dông “đẩy” tới.      

 

Hình 16: lối thiết kế nhà và đặt đòn dông đúng (phần trên) và sai (phần dưới)

      Trong hình 16, nhà ở phần bên trên đặt đòn dông thẳng từ sau ra phía trước, nên lối xếp đặt này là an toàn nhất (về phương diện Phong thủy), vì sẽ không gây ảnh hưởng đến nhà láng giềng. Không những thế, lối thiết kế nhà hình chữ nhật chạy dài từ trước ra sau như thế cũng an toàn hơn cho những nhà bên cạnh. Ngược lại, lối đặt đòn dông của ở phần dưới hình là xấu, vì sẽ gây ảnh hưởng đến nhà ở 2 bên. Hơn nữa, lối thiết kế nhà nằm dài theo chiều ngang như thế cũng không tốt, vì sẽ gây ảnh hướng xấu đến những nhà láng giềng, nhất là kích thước mọi nhà lại không đồng đều như trong hình.

      – Phần 2 bên hông của mọi căn nhà đều cần thiết kế cho bằng phẳng, chứ không nên có góc nhọn, hoặc những phần nhô ra, thụt vào, vì sẽ gây ảnh hưởng xấu cho nhà bên cạnh. Nếu có chỗ nhô ra thì độ dầy của những nơi đó cũng không thể quá 60cm (khoảng 2ft).    

 

 Hình 17: những thiết kế lồi, lõm bên hông nhà đều có ảnh hưởng xấu đến nhà bên cạnh

   Đó là những đòi hỏi tối thiểu trong việc quy hoạch thiết kế, hầu giúp cho mọi nhà trong khu vực không tạo ra ảnh hưởng xấu cho nhà lân cận, rồi kế đó mới có thể nói đến việc thiết kế nhà tốt đẹp theo đúng Phong thủy.

      b/ Thiết kế nhà cửa: đây là vấn đề quan trọng nhất trong tiến trình thiết lập nơi ăn chốn ở cho mọi người, và đòi hỏi gia chủ phải có kiến thức khá về Phong thủy, hoặc nếu không thì cần phải nhờ thầy tư vấn. Chứ nếu chỉ làm theo sở thích, thẩm mỹ, hay nhu cầu tiện lợi trong việc xử dụng… thì nhiều khi sẽ phạm phải những sai lầm lớn về Phong thủy mà khiến cho tài lộc suy bại, sức khỏe yếu kém, cũng như hay mắc tai họa hoặc tử vong. Vì vậy, để giúp mọi người có được 1 số những kiến thức cơ bản về Phong thủy trong việc thiết kế (hay lựa chọn) nhà cửa sao cho tốt đẹp, dưới đây là 1 số nguyên tắc căn bản trong việc xây dựng nhà cửa:

     * Cổng và hàng rào: trước đây, chỉ những nhà giàu có, nằm trên 1 mảnh đất rộng lớn mới làm cổng và hàng rào, còn nhà bình thường thì hầu hết đều để trống phía trước và chung quanh. Đây cũng là điều hợp lý, vì như đã nói trong phần quy hoạch đất đai cho nhà cửa, phía trước (cũng như phía sau nhà) cần phải rộng rãi, trống thoáng, để khí có thể đến và tụ hội ở những nơi đó. Cho nên với nhà giàu có, nằm trên 1 mảnh đất rộng lớn thì việc làm cổng và hàng rào ở phía trước (hoặc chung quanh) hoàn toàn không có ảnh hưởng gì, hoặc nhiều khi còn tốt thêm nếu đặt cổng đúng vị trí để xử dụng Thành môn. Vì điều này rất dài dòng, và đã được phân tích tỉ mỉ trong các lớp Phong thủy trung cấp, nên sẽ không nói thêm ở đây.

      Còn với mọi nhà bình thường, diện tích sân trước lẫn sân sau đều nhỏ hẹp mà còn làm hàng rào thì thường không phải là điều tốt. Nếu còn lo sợ trộm cắp, hoặc láng giềng dòm ngó mà xây tường kín, hay làm hàng rào bằng gỗ cao, kín, hoặc dùng những loại lưới khít rất nhỏ thì càng xấu thêm. Bởi vì sân đã hẹp thì khí sẽ không có chỗ để tụ hội, nếu lại làm tường rào cao kín thì khí lại càng không thể đến nhà được. Cho nên 1 khi nhà đắc vượng khí đến hướng (hay tọa), mà những nơi đó vừa có sân hẹp, vừa có tường rào cao thì vượng khí sẽ không thể vào được tới nhà nên vẫn suy bại.

      Chính vì vậy nên với nhà có sân nhỏ hẹp thì nên giới hạn việc làm hàng rào (và nhất là tường rào) đi, không những vì nó thường có ảnh hưởng xấu về phương diện Phong thủy, mà còn tạo ra 1 cảm giác ngột ngạt, tù túng cho người ở. Khi nói đến điều này thì có nhiều người (nhất là ở VN) sẽ không đồng ý, và cho rằng vì lý do an ninh (nhất là chống trộm cướp), nên dù có tốt hay xấu về Phong thủy cũng vẫn cần phải có hàng rào. Nhưng thật ra, đối với Phong thủy Huyền không, những nhà đã đắc vượng khí tới hướng (hay tọa), mà nếu nơi đó có cửa, lại được xử dụng thường xuyên thì trộm cướp sẽ không thể làm gì được. Còn nhà bị chúng hoành hành là do những nguyên nhân sau:

      – Ở hướng (hay tọa, hoặc cửa bên hông) gặp suy, tử khí (nhất là các Hướng tinh 3, 6, 7, hoặc những cặp số 3 – 7, 6 – 7) mà lại hay dùng lối đó để ra vào nhà.

      – Nhà gần ngã 3, ngã 4, lối ngõ vào nhà, sông, hồ, ao, hồ tắm… mà những nơi đó lại bị các Hướng tinh 3, 6, 7, hoặc các cặp số 3 – 7, 6 – 7 chiếu tới.

      – Gần nhà có những nhà quá cao lớn, tháp cao, nhọn, hoặc những hình thế Loan đầu xấu (đã được nói trong những lớp Hàm thụ), mà nơi đó lại có những Sơn tinh 3, 6, 7.

      – Nơi đặt bếp có Sơn tinh số 7.

      – Khu vực trung cung (chính giữa) của trạch vận có các số 3, 6, 7, hoặc những cặp số 3 – 7, 6 – 7, mà cửa thường dùng lại không đắc vượng khí.

     Ngoài ra, còn 1 số trường hợp đặc biệt khác, tùy theo lối thiết kế và xử dụng, cũng như niên – nguyệt phi tinh mà phát sinh tai họa về trộm cắp, nhưng những trường hợp này không bị tai họa thường xuyên như những trường hợp đã liệt kê ở trên. Tuy nhiên, dù là trường hợp nào đi nữa cũng cần phải mở cửa tại nơi có vượng khí mà ra vào, cũng như dùng những biện pháp hóa giải thích hợp (tùy theo từng trường hợp) thì mới có thể chế hóa được vấn đề trộm cướp. Còn nếu nhà đã bị những trường hợp trên thì dù có làm hàng rào tinh vi hay kiên cố đến mức nào cũng vẫn không tránh khỏi.

      Vì vậy, với nhà có sân chật hẹp thì tốt nhất là không nên làm hàng rào, nhưng nếu bắt buộc phải làm thì cũng nên dùng những vật liệu hở, chứ không nên làm quá kín mà lại cao, nhất là xây tường cao thì chỉ nhà có sân thật lớn mới nên làm mà thôi. Đồng thời nên tìm cách đặt vị trí cổng cho đúng để may ra có thể vớt vát lại được. Đối với những nhà này (tức nhà có sân chật hẹp) thì vị trí tốt nhất của cổng nói chung là nằm thẳng ngay chính giữa của sân trước (hoặc sân sau), chứ không nên đặt dịch sang bên phải hoặc bên trái, trừ khi gia chủ có kiến thức khá về Phong thủy và biết được những nơi đó là tốt thì mới nên đặt. Chứ không nên câu nệ theo nguyên tắc cổng và cửa trước nằm đối diện thẳng với nhau là xấu của phái Loan đầu (nếu cửa trước nằm ngay chính giữa mặt tiền) nên đặt cổng dịch sang 1 bên thì nhiều khi sẽ làm suy bại tài lộc, hoặc chuốc lấy tai họa mà không biết. Còn nếu cổng đã đặt ngay chính giữa mặt tiền (hay mặt hậu), mà 1 khi vượng khí đến phía trước (hay phía sau) thì chỉ cần dùng những cổng và cửa nơi đó thì đều sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Trừ khi gặp nhà không đắc vượng khí đến hướng hay tọa (tức là nhà kiêm hướng nhiều), lúc đó dù đặt cổng ở vị trí nào cũng xấu cả.           

      * Hình dáng căn nhà: là 1 yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng 1 căn nhà tốt đẹp theo Phong thủy, và cần phải được xây cho bằng phẳng, vuông vức, cũng như có kích thước cân đối. Nhưng thời nay, vì không hiểu (hoặc không biết) về nguyên tắc đó, nên người ta thiết kế nhà theo đủ mọi hình dáng (nhất là ở Hoa kỳ và Âu châu), chủ yếu là để chạy theo những thị hiếu mới lạ, mà không biết rằng nhà lồi lõm, có những góc khuyết, hay có tường vách nằm chéo góc đều là những thiết kế xấu, sẽ đem đến tai họa nếu không về tài lộc thì cũng về sức khỏe, có thể gây thương tật hoặc tử vong, tùy theo trạch vận, cũng như những góc lồi hay khuyết đó nằm ở khu vực nào của căn nhà. Điều này đã được khảo sát và giải thích trong những khóa Phong thủy trung cấp, cho nên sẽ không nhắc lại ở đây vì rất dài dòng.

      Cũng chính vì thế nên Phong thủy Loan đầu và Bát trạch đều cho rằng chỉ có nhà vuông vức mới tốt, còn nhà có những góc cạnh lồi, lõm, hoặc chéo góc đều xấu là đúng. Tuy nhiên, vì lối giải thích của họ hoàn toàn dựa vào phương vị và ý nghĩa của Hậu thiên bát quái, nên đúng thì ít mà sai thì nhiều, cho nên mới gây ra sự hoài nghi cho nhiều người về vấn đề này. Chẳng hạn như nếu 1 nhà bị khuyết 1 góc ở khu vực phía TÂY BẮC thì họ cho rằng sẽ gây bất lợi cho gia chủ về mọi phương diện. Lý do vì phía TÂY BẮC thuộc quẻ CÀN, là tiêu biểu cho người cha hoặc gia chủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải lúc nào cũng thế, mà tùy theo hướng nhà, cũng như nhiều yếu tố khác mà nhà bị khuyết ở khu vực đó có khi bị suy bại về tài lộc, có khi gia chủ gặp tai họa, nhưng cũng có lúc con cái gặp tai họa, trong khi gia chủ lại không hề gì…   

 

 

 

        Hình 18: những kiểu thiết kế nhà xấu, vì có những góc lồi, lõm

      Vì vậy, nhà bị lồi, lõm, khuyết góc, hay có những vách tường chéo góc đều là nhà xấu và cần phải tránh, kẻo nếu không thì sẽ gặp tai họa không hình thức này thì cũng dưới 1 hình thức khác, khiến cho cuộc sống sẽ khó lòng được an cư lạc nghiệp lâu dài. Nếu may mắn không bị gì thì chỉ là do tạm thời thiết kế bên trong hoặc địa hình bên ngoài đã có cứu giải mà thôi. Nhưng đến khi qua vận khác mà những nơi cứu giải đã hết hiệu lực thì tai họa sẽ ập tới ngay, hoặc sẽ gây tai họa cho những người mua lại căn nhà đó sau này.

      Một vấn đề khác cũng liên quan tới hình dáng căn nhà là nên cất nhà hình gì để đạt được hiệu năng tốt nhất về Phong thủy? Những phái Phong thủy Bát trạch và Loan đầu thường cho rằng nhà hình vuông, hình chữ nhật, tròn, bát giác (8 cạnh) là tốt nhất, vì chúng vuông vức, đều đặn, hay hình thang, hình bình hành (nếu phía trước nhỏ hẹp, phía sau phình ra rộng lớn, tạo thành thế “nở hậu”). Tuy nhiên, tôi qua kinh nghiệm coi nhiều căn nhà, cũng như phối hợp với Huyền không Phi tinh thì thấy trong mọi hình dáng thì chỉ có nhà hình chữ nhật là tốt nhất, kế đó mới đến nhà hình vuông. Còn những nhà hình thang, hình bình hành tuy có thế nở hậu, nhưng chỉ có thể xử dụng được khi phía trước nhà đắc vượng khí mà thôi. Đến khi phía sau đắc vượng khí thì dù có mở được cửa sau để đón vượng khí cũng sẽ không khá lắm. Nếu chẳng may nhà lại không đón được vượng khí thì không những là tài lộc suy bại, mà còn bị tai họa liên miên, do những vách tường bên hông đều nằm chéo mà phát sinh ra.

   Còn những nhà hình tròn, hay có từ 5 cạnh trở lên (như ngũ giác, lục giác, bát giác…) thì đều là nhà xấu, không những vì chúng có nhiều cạnh chéo mà dễ gây ra tai biến, mà còn vì tọa – hướng của chúng rất nhỏ, hoặc không nằm song song với nhau, nên dễ gây ra nhiều tai họa về nhân đinh hay tài lộc. Những điều này sẽ được bàn đến kỹ hơn trong phần nói về mặt tiền và mặt hậu (tọa) của căn nhà.

      Sau khi đã biết nhà được thiết kế theo hình chữ nhật là tốt nhất thì lại cần để ý là không phải tất cả mọi nhà có hình dạng đó đều tốt như nhau, mà còn tùy theo 2 yếu tố sau đây:

        – Căn nhà nằm dọc (tức mặt tiền là cạnh ngắn, còn chiều sâu là cạnh dài của hình chữ nhật) hay nằm ngang (tức mặt tiền là cạnh dài, còn chiều sâu là cạnh ngắn) trên mảnh đất: nếu nhà nằm dọc, thì 1 khi được vượng khí đến phía trước hay phía sau nhà, mà những nơi này lại có cửa để đón vượng khí thì của cải sẽ sung túc, hùng hậu hơn những nhà nằm ngang rất nhiều. Lý do vì nhà có chiều sâu thì mới tàng chứa được nhiều khí, cho nên nếu nhà đắc vượng khí thì không những là việc làm ăn phát đạt, mà còn có nhiều của dư, do khí được tích tụ nhiều trong nhà. Ngược lại, nhà nằm ngang vì có chiều sâu ngắn, nên khí vào nhà thường dễ thoát ra phía sau (nhất là nếu lại còn có cửa sau nằm thẳng với cửa trước), chứ khó tích tụ nhiều được. Do đó, những nhà này dù đắc vượng khí thì tuy công việc làm ăn vẫn phát đạt, nhưng dễ bị hao tán tiền của, chứ không tích lũy được. Vì vậy, mức độ tốt đẹp của những nhà hình chữ nhật này sẽ khác nhau.

        – Sự tương xứng giữa mặt tiền và chiều sâu của căn nhà: tuy rằng nhà sâu dài thì mới có thể tàng chứa được khí, nhưng nếu mặt tiền (tức chiều ngang) quá hẹp thì lại không đón nhận đủ khí để vào nhà (sẽ nói thêm về vấn đề này trong phần “mặt tiền của căn nhà”), nên dù có đắc vượng khí mà công việc làm ăn tăng tiến, ổn định, nhưng vẫn cảm thấy thiếu thốn, hoặc không nắm được tiền của trong tay. Chính vì vậy nên nếu muốn có 1 cuộc sống khá giả, sung túc thì chiều ngang của căn nhà phải tương xứng với chiều sâu. Nhưng như thế nào mới gọi là “tương xứng”? Tôi qua kinh nghiệm khảo sát nhận thấy 1 căn nhà hình chữ nhật nếu muốn đạt đến độ hoàn mỹ tối đa (tức khả năng đón nhận khí ở phía trước đầy đủ, cũng như mức độ tàng chứa khí bên trong nhiều) thì chiều sâu phải dài từ gấp 2 đến 2 ½ chiều rộng của căn nhà. Chẳng hạn như nếu nhà rộng 5m thì chiều dài phải là từ 10 đến 12.5m; nếu rộng 8m thì chiều sâu phải từ 16 đến 20m…Có như vậy thì khi đắc vượng khí đến hướng (hay tọa) thì cuộc sống mới sung túc, của cải tàng trữ mới nhiều được.

      Chính vì vậy nên nhà có chiều sâu quá dài nhưng chiều ngang rất hẹp (còn được gọi là nhà dạng hình “ống” như ở VN bây giờ) là rất xấu, và cần phải bỏ lối quy hoạch đất đai, cũng như thiết kế kiểu này. Vì nếu chiều sâu của căn nhà mà dài từ gấp 3 lần chiều ngang trở lên thì khí sẽ bắt đầu khó vào đến phía sau, nên dù nhà đắc vượng khí cũng bắt đầu kém tốt đẹp. Nếu dài đến gấp 4 hoặc 5 lần chiều ngang hay hơn thì khí sẽ không thể vào đến phía sau, nên vẫn sẽ cảm thấy thiếu thốn, sức khỏe suy kém, cho dù là ở hướng có đắc vượng khí đi nữa. Nếu phía trước lại là khí suy, tử thì sẽ là 1 thảm họa, vì cả tài lộc lẫn nhân đinh đều suy bại.

      Còn nhà hình vuông tuy cũng khá tốt, nhưng vì chiều sâu không đủ, nên mức độ giàu có, sung túc dĩ nhiên là không bằng nhà hình chữ nhật. Tuy nhiên, nếu những nhà này có diện tích lớn thì cũng vẫn có thể tích lũy được nhiều của cải. Chẳng hạn như 1 nhà hình vuông, nhưng mỗi cạnh dài tới 20m hoặc hơn thì sẽ có đủ chiều sâu để tàng chứa khí trong nhà mà phát tài lộc lớn (nếu đắc vượng khí). Nhưng nhà hình vuông to lớn như thế thì lại mắc phải những nhược điểm khác như thiếu thốn tình cảm, quan hệ gia đình lạnh nhạt, không đầm ấm, hoặc dễ bị đau yếu, bệnh hoạn, hay có người bất đắc chí… Lý do vì nhà hình vuông có chiều sâu như vậy thì lại quá rộng, khiến cho khí khó đến hết mọi nơi trong nhà, nên nếu không biết cách thiết kế cho đúng thì có nhiều chỗ sẽ bị thiếu khí – nhất là những khu vực ở 2 bên hông – mà lại gây ra những bất hạnh khác. Nếu những nhà này lại gặp phải suy, tử khí thì cả tài lộc lẫn nhân đinh đều suy bại. Vì vậy, nếu muốn thiết kế nhà có hình vuông quá lớn thì cần phải cẩn thận.

      Tuy nhiên, những điều đã nói ở trên chỉ đúng với nhà bình thường, còn với nhà của quan quyền, đại phú, xí nghiệp, hoặc những nhà mà phía trước hay phía sau có biển, sông, hồ lớn…thì sẽ không bị như thế nữa. Lý do vì nhà bình thường chỉ có sân trung bình hay nhỏ, nên dù khí có đến hội tụ cũng không đủ để cung ứng cho 1 ngôi nhà quá lớn, cho nên mới dễ lâm vào tình trạng “thiếu khí” mà phát sinh tai họa. Còn nhà giàu có thường sẽ có sân rộng lớn, hay những nhà có biển, sông, hồ… thì đều có chỗ rất rộng lớn để cho khí hội tụ vô hạn, nên nhà càng lớn thì lại càng phát mạnh hơn, chứ không sợ vấn đề khí không đủ cung ứng cho những nhà này.

      Do đó, mặc dù nhà có hình chữ nhật và hình vuông là tốt nhất, nhưng cũng còn tùy thuộc vào thế nằm của căn nhà trong khu đất, kích thước, sự tương xứng giữa các cạnh, cũng như sự tương xứng giữa căn nhà và lô đất mà sự tốt đẹp sẽ tăng lên hay giảm đi, hoặc trở thành xấu. Chứ không phải vì căn nhà đã có được hình dạng đó là mọi sự đã được tốt đẹp hết rồi vậy.  

 

      Chicago, ngày 16/3/2011

         Bình nguyên Quân