PHONG THỦY TRONG VIỆC QUY HOẠCH & THIẾT KẾ (6)

* Mặt tiền căn nhà: là 1 bộ phận quan trọng, vì nó là nơi đón khí từ phía trước tới, cũng như hấp thụ khí chủ yếu của căn nhà (qua việc dùng cửa trước để ra vào). Do đó, điều kiện trước tiên là mặt tiền phải cao lớn và đủ rộng, vì như đã nói trong 1 bài trước là khí từ con đường được xe cộ đưa tới trước nhà, nhưng nếu không có vật gì cản thì chúng sẽ bay dạt đi nơi khác. Cho nên, mặt tiền chính là nơi ngăn đón và cản khí lại, để chúng có thể hội tụ ở sân trước, rồi theo cửa vào bên trong. Nếu mặt tiền càng cao, rộng thì càng ngăn đón được nhiều khí. Nếu phía trước lại có sân lớn thì mức độ tích tụ khí lại càng hùng hậu, nên vào những thời vận mà phía trước đắc vượng khí thì nhà sẽ hưng vượng đến tột độ. Đây cũng chính là 1 trong những sự khác biệt giữa những nhà bình thường, và nhà của những người quan quyền, giàu có.   

       Ngược lại, nếu mặt tiền lại quá thấp, nhỏ hẹp thì sẽ không thể giữ được nhiều khí nơi phía trước, nên dù nhà có sân rộng lớn cũng vô ích mà thôi. Nếu phải hình dung thì điều này cũng giống như 1 người dăng lưới để chặn bắt cá đang theo dòng nước tiến tới. Nếu lưới càng lớn sẽ càng bắt được nhiều cá, còn nếu lưới quá nhỏ thì chỉ bắt được 1 số ít, phần còn lại sẽ theo dòng nước đi mất. Chính vì vậy nên trong bài trước mới nói nhà có mặt tiền quá hẹp, không tương xứng với chiều sâu của căn nhà sẽ không nhận được đủ khí vào bên trong, lý do chỉ vì mặt tiền quá nhỏ hẹp thì không thể ngăn đón được nhiều khí, để chúng tụ hội ở sân trước rồi vào nhà.

      – Thí dụ: nhà hướng 270 độ (hướng DẬU), có chiều dài gần gấp 5 lần chiều rộng như hình dưới.

 

      Với hình trên, ta thấy mặt tiền của nhà này chỉ nghênh đón được khí từ hướng DẬU, và 1 phần nhỏ từ 2 hướng CANH – TÂN, nên sẽ không nhận được đủ khí để đưa vào nhà. Vì vậy, ngay cả trong những vận đắc vượng khí tới hướng cũng không thể phát lớn được, còn vào những vận bị tử khí tới hướng thì cả tài lộc lẫn nhân đinh đều suy bại.   

      Như vậy, nhà có mặt tiền thật rộng lớn thì càng ngăn đón được nhiều khí, nhưng nó vẫn phải tương xứng với chiều sâu của căn nhà. Nếu mặt tiền quá lớn, nhưng chiều sâu lại ngắn thì tuy khí vào nhà nhiều, nhưng lại không đủ chỗ chứa khí, nên tài lộc dù làm được nhiều, nhưng cũng bị thất thoát đi rất nhiều. Đó là chưa kể nếu mặt tiền quá lớn, bao gồm tới 2 hoặc 3 hướng (trong 8 hướng của Bát quái) thì khí ở trước nhà sẽ tạp loạn. Nếu nơi đó lại là suy, tử khí thì sẽ đại bại cả về nhân đinh lẫn tài lộc, gia đình sẽ không có lúc nào yên ổn được. Tuy nhiên, nếu gặp lúc vượng khí đến phía trước thì những nhà này sẽ phát đạt lớn, lý do sẽ được nói ở phần dưới.

      Do đó, mặt tiền tuy cần rộng lớn, nhưng chiều sâu của căn nhà cũng phải đủ dài, chứ không thể quá ngắn. Như đã nói trong bài trước, chiều sâu của căn nhà nên dài từ gấp 2 đến 2 ½ kích thước của mặt tiền. Nhưng đó chỉ là nói chung, còn nếu thật chính xác thì chiều sâu cần dài gấp 2 ½ mặt tiền. Đây chính là kích thước lý tưởng nhất của 1 căn nhà, vì với kích thước như thế thì mặt tiền hoặc là sẽ chỉ đủ rộng để nghênh đón cùng 1 khí với hướng nhà (trong trường hợp nhà thuộc 8 hướng TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU và CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN), hoặc nếu có nhận phải khí của hướng khác (tức nhận phải tạp khí, trong trường hợp nhà thuộc 16 hướng còn lại) thì cũng vẫn có thể chế ngự được nó để phát phúc, hay tránh được nhiều tai họa.

      Dưới đây là 1 số thí dụ để minh họa điều đã nói ở trên.

     – Thí dụ 1: nhà hướng DẬU (chính TÂY, 270 độ), có chiều sâu dài gấp 2 ½ chiều rộng như hình dưới.

   

      Trong hình trên, ta thấy mặt tiền nằm trọn trong 3 khu vực CANH – DẬU – TÂN, tức chỉ nghênh đón khí của 1 hướng (TÂY). Vì vậy, khí đến phía trước nhà này là thuần khí, chứ không bị pha tạp, lẫn lộn với khí của những hướng khác. Cho nên, nhà thuộc 8 hướng Thiên nguyên (TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU, CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN) mà có chiều sâu dài gấp 2 ½ chiều rộng là cách tốt nhất, vì vừa bảo đảm được vấn đề thuần khí ở phía trước, vừa có đủ chiều sâu để tích lũy được nhiều tài lộc. Những nhà này 1 khi đắc vượng khí tới hướng thì sẽ phát lớn, còn khi gặp suy, tử khí cuộc sống cũng tương đối ổn định, chứ không bị suy bại như những nhà khác (ngoại trừ lại bị thêm những yếu tố xấu khác về địa hình hay thiết kế).  

     – Thí dụ 2: nhà hướng TÂN (285 độ, vẫn thuộc hướng TÂY), nếu chiều sâu dài gấp 2 ½ chiều rộng thì mặt tiền sẽ nằm trong 3 khu vực DẬU – TÂN – TUẤT như hình dưới.

 

 

      Trong hình trên, mặt tiền vừa nghênh đón khí của hướng TÂY (2 khu vực DẬU – TÂN), vừa nghênh đón khí của hướng TÂY BẮC (TUẤT), cho nên khí ở phía trước nhà đã bị pha tạp, chứ không còn được thuần khí nữa.

      Tương tự, với nhà hướng CANH (255 độ), nếu chiều sâu dài gấp 2 ½ chiều rộng thì mặt tiền sẽ nằm trong 3 khu vực THÂN – CANH – DẬU như hình dưới.

 

        Trong hình trên, mặt tiền của nhà này cũng nhận phải tạp khí từ phía TÂY NAM (THÂN) tới, cho nên những nhà thuộc 8 hướng Địa nguyên (GIÁP, CANH, NHÂN, BÍNH, THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI) và 8 hướng Nhân nguyên (DẦN, THÂN, TỴ, HỢI, ẤT, TÂN, ĐINH, QUÝ) thì mặt tiền đều nghênh đón tạp khí, vì vậy nên không tốt bằng nhà thuộc 8 hướng Thiên nguyên. Tuy rằng với kích thước chiều sâu dài gấp 2 ½ mặt tiền vẫn giúp cho những nhà này tích lũy được nhiều tài lộc khi phía trước đắc vượng khí, nhưng mức độ hưng vượng sẽ không bằng nhà có hướng thuộc Thiên nguyên. Ngược lại, 1 khi nhà bị suy, tử khí thì sẽ suy bại ngay, chứ cũng không được ổn định lâu dài như những nhà thuộc 8 hướng Thiên nguyên (ngoại trừ trường hợp được địa hình hay thiết kế hóa giải). 

     Vì vậy, mặt tiền của căn nhà không thể làm quá nhỏ hẹp, nhưng đối với nhà có mặt tiền quá rộng lớn thì lại ngăn đón nhiều tạp khí như những thí dụ bên dưới.

     – Thí dụ 1: nhà hướng TÝ, có mặt tiền dài gấp 2 lần chiều sâu căn nhà như hình dưới.

 

    Trong hình trên, mặt tiền của nhà này bao gồm suốt từ cung TUẤT sang tới cung DẦN (tính theo chiều kim đồng hồ), tức là ngăn đón khí của cả 3 hướng TÂY BẮC, BẮC và ĐÔNG BẮC, cho nên đón nhận quá nhiều tạp khí, vì vậy không phải là kích thước thiết kế tốt. Tuy nhiên, nếu phía trước nhà (tức phía BẮC) đắc vượng khí, lại đặt cửa trước đúng vị trí thì vượng khí sẽ chế phục được những tạp khí 2 bên để vượng phát trong vận đó. Điều này cũng tương tự như câu nói: “Tướng giỏi thì quân càng nhiều càng tốt”. Ngược lại, nếu phía trước gặp suy, tử khí, hoặc vị trí cửa trước không đúng thì tai họa sẽ liên tiếp xảy ra, cũng như tướng bất tài không trị nổi quân thì quân càng nhiều sẽ càng loạn.

     – Thí dụ 2:  nhà hướng NHÂM, cũng có mặt tiền dài gấp 2 lần chiều sâu như hình dưới.

 

     Trong hình trên, mặt tiền nhà này bao gồm từ cung TÂN đến cung CẤN, tức ngăn đón khí của 4 hướng TÂY, TÂY BẮC, BẮC và ĐÔNG BẮC, nên sẽ nhận phải nhiều tạp khí hơn nhà hướng TÝ ở trên.

     Tương tự, với nhà hướng QUÝ, cũng có mặt tiền dài gấp 2 lần chiều sâu thì mặt tiền cũng bao gồm 4 hướng TÂY BẮC, BẮC, ĐÔNG BẮC và ĐÔNG như hình dưới.

  

      Cả 2 nhà hướng NHÂM và QUÝ trong thí dụ này nếu phía trước đắc vượng khí, lại đặt cửa trước đúng vị trí thì vẫn phát, nhưng nếu phía trước bị suy, tử khí, hoặc vị trí cửa trước không đúng chỗ thì sẽ gặp nhiều tai họa. Tuy nhiên, dù có đắc vượng khí thì 2 nhà này cũng không phát mạnh bằng nhà hướng TÝ, còn lúc suy bại thì sẽ nghiêm trọng hơn. Lý do không những vì lực của hướng TÝ mạnh hơn, nên khi đắc vượng khí thì có thể chế phục được mọi tạp khí được mặt tiền ngăn đón, mà còn vì trong trường hợp nào thì nhà hướng TÝ (hay nói chung là nhà có hướng thuộc Thiên nguyên) cũng đón nhận ít tạp khí hơn (vì chỉ ngăn đón khí của 3 hướng, trong khi nhà hướng NHÂM hay QUÝ sẽ đón khí của 4 hướng). Hơn nữa, nếu nhìn vào những hình trong 2 thí dụ trên sẽ thấy nhà hướng TÝ tuy cũng đón nhận tạp khí (do mặt tiền nhà rộng), nhưng tạp khí ở 2 bên (phần thuộc hướng TÂY BẮC và ĐÔNG BẮC) đều cân xứng với nhau, chứ không bị thiên lệch, bên nhiều, bên ít như những nhà hướng NHÂM và QUÝ. Đây chính là thế “uy nghiêm, cân xứng, đường bệ” về mặt phương hướng và lý khí của nhà có hướng thuộc Thiên nguyên, và vì vậy sẽ tốt hơn 16 hướng còn lại. Ngoài ra, còn có những hình thức “uy nghiêm, cân xứng, tề chỉnh” về mặt hình thế và thiết kế sẽ được nói đến ở phần sau. 

      Nói tóm lại, nhà có mặt tiền quá rộng mà nếu phía trước đắc vượng khí, lại mở cửa đúng vị trí (sẽ nói rõ hơn ở bài sau) thì sẽ phát lớn, nhưng nếu chẳng may gặp suy tử khí, hoặc cửa không nằm đúng chỗ, hay 1 khi thất vận thì nhà sẽ bị suy bại ngay. Vì vậy, nếu muốn thiết kế nhà kiểu này thì nên cẩn thận. Hơn nữa, chỉ những nhà có hướng thuộc Thiên nguyên (TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU, CÀN, KHÔN, CẤN TỐN) hoặc Địa nguyên (GIÁP, CANH, NHÂN, BÍNH, THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI) thì mới có thể làm nhà có mặt tiền quá rộng như thế. Còn nhà có hướng thuộc Nhân nguyên (DẦN, THÂN, TỴ, HỢI, ẤT, TÂN, ĐINH, QUÝ) thì không nên làm mặt tiền quá rộng lớn, vì dù hướng có đắc vượng khí cũng không thể phát lớn, lại hay gặp phải những chuyện phiền toái hoặc tai nạn khác. 

      Ngoài vấn đề cần đủ rộng, lớn để ngăn đón khí thì 1 yếu tố khác là mặt tiền cần được thiết kế bằng phẳng, có như vậy thì khí được nó ngăn đón mới có thể vào nhà dễ dàng, như nhà Abraham Lincoln trong hình dưới.

 

     Hình 19: nhà của Abraham Lincoln, nhìn từ phía trước (Wikipedia)

      Ngược lại, nếu mặt tiền không bằng phẳng, mà lại nhô ra, thụt vào thì sẽ khó nhận được hết khí do mặt tiền ngăn đón, nên mức độ tốt đẹp sẽ kém hẳn đi.

      – Thí dụ: 1 căn nhà hướng DẬU, có mặt tiền được thiết kế như hình dưới.

 

      Trong hình trên, ta thấy vì thiết kế mặt tiền không bằng phẳng, nên nhà này chủ yếu chỉ nhận được khí từ hướng CANH, do nơi đó thụt vào, lại có cửa trước tại đó. Còn 2 phương DẬU – TÂN được làm nhô ra, nên khí tại đó khó vào nhà. Do đó, nhà này sẽ không nhận được đủ khí từ hướng TÂY tới, nên dù phía trước có đắc vượng khí cũng bị giảm sự tốt đẹp đi nhiều.

      Vì vậy, nhà có mặt tiền lồi lõm, chỗ nhô ra, chỗ thụt vào thì hầu hết đều xấu, hoặc nếu không xấu thì cũng làm giảm mức độ tốt đẹp của vượng khí và địa hình ở phía trước. Chỉ có 1 kiểu thiết kế mặt tiền tuy không bằng phẳng, nhưng vẫn cực tốt, đó là lối thiết kế phần chính giữa thụt vào, còn ở 2 bên nhô ra, như nhà của Tổng thống Franklin Roosevelt và Andrew Jackson trong những hình dưới.

 

               Hình 20: Nhà của TT Franklin Roosevelt (Wikipedia)   

       

              Hình 21: Nhà của TT Andrew Jackson (Wikipedia)

      Nhìn vào 2 hình trên, ta thấy nhà của 2 vị Tổng thống nổi tiếng này đều có phần chính giữa thụt sâu vào, rồi ở 2 bên nhô ra phía trước. Đây chính là thế “tàng phong tụ khí” của 1 căn nhà, nên 1 khi vượng khí đến hướng thì sẽ phát cực mạnh, hơn hẳn mọi thiết kế mặt tiền khác.

      Điểm cần lưu ý về lối thiết kế này là phần chính giữa cần phải đủ lớn và rộng, có như vậy mới tàng chứa được khí. Còn nếu nó quá nhỏ hẹp, hoặc như nhiều kiểu nhà mới hiện nay ở Mỹ chỉ làm phần cửa trước thụt sâu vào trong, chiều ngang chỉ từ 1 đến 2m (3 đến 6ft) thì đều xấu, vì khí khó vào nhà, nên mức độ tốt đẹp sẽ giảm đi.

      Ngược lại, nếu ở phần giữa mặt tiền lại làm nhô ra, còn 2 bên thụt vào phía sau thì cũng là 1 kiểu thiết kế xấu, vì nhà sẽ chỉ nhận được khí tại chỗ mặt tiền nhô ra, nên sẽ làm giảm bớt mức độ tốt đẹp 1 khi phía trước nhà đắc vượng khí.  

      Một vấn đề quan trọng khác trong việc thiết kế mặt tiền là nó cần phải cân xứng, tạo thành 1 thế uy nghiêm, tề chỉnh như đã nói ở phần trước. Muốn tạo dựng được hình thức này thì điều kiện đầu tiên là cửa ra vào phải nằm ở chính giữa mặt tiền (sẽ nói thêm về điều này trong phần bàn về vị trí cửa trước), rồi kế đó mới xếp đặt cửa sổ và mọi cấu trúc khác ở 2 bên cho đồng đều, không có bên nào lớn hơn hay nhiều cấu trúc, thiết kế hơn bên kia, có như vậy mới tạo được cho căn nhà 1 tư thế uy nghi, tề chỉnh. Mà hình thế của mặt tiền (cũng như hình thế căn nhà) có hùng vĩ, uy nghi, tề chỉnh, cân xứng thì 1 khi đắc vượng khí đến hướng mới giúp cho người sống trong nhà dễ thành đạt trong công danh, sự nghiệp, trở nên sang, quý, con người cũng trong sáng, lương thiện, ngay thẳng. Nếu nhìn hình nhà của các TT Mỹ ở trên thì các bạn sẽ nhận thấy điều này.

   Còn với nhà có thiết kế mặt tiền thiên lệch, cửa trước nằm ở 1 bên (bất kỳ là bên nào), cấu trúc bên to, bên nhỏ… thì đều xấu. Nếu nhẹ thì làm giảm mức độ tốt đẹp của căn nhà, nếu nặng thì gia đình nghèo khó, làm ăn thất bại (dù đắc vượng khí đến hướng), lại bị thêm nhiều khó khăn hay tai họa khác.

         * Mặt sau (hậu) căn nhà: cũng đòi hỏi mọi yếu tố như mặt tiền, tức là cần to lớn, bằng phẳng, uy nghiêm, cân xứng. Vì đối với Huyền không thì nhiều khi nhà sẽ có vượng khí đến phía sau, nên mặt sau cũng cần hội đủ những yếu tố như mặt tiền để đón vượng khí. Hơn nữa, mặt sau cũng là phương “tọa” (ngồi) của căn nhà, nên càng cần phải to lớn, bằng phẳng, có như vậy thì thế ngồi của căn nhà mới vững chắc, kẻo nếu không thì vận khí của căn nhà sẽ chao đảo, khó ổn định cả về tài lộc lẫn nhân đinh. Vì vậy, những thiết kế có mặt sau nhà thóp nhỏ, hoặc có 1 góc dài, hẹp nhô ra phía sau, hay mặt sau nhà bị chéo góc…thì đều là nhà có mặt sau xấu, chủ làm tổn thương đến nhân đinh, hay suy bại về tài lộc, tùy theo trạch vận của căn nhà như thế nào mà thôi. 

      Sau khi đã biết những yếu tố để có được 2 mặt tiền và hậu được tốt đẹp thì cũng đã biết được tại sao nhà hình tròn, cũng như ngũ giác (5 cạnh) lục giác (6 cạnh) hay bát giác (8 cạnh)… là xấu. Vì nhà được thiết kế theo những dạng đó thì hoặc là cả 2 mặt trước, sau đều nhỏ hẹp, hoặc hình thế không ngăn đón được khí (như nhà hình tròn), nên đều không phải là những dạng nhà tốt như đã nói trong 1 bài trước.   

  

        Chicago, 04/ 8/ 2012

         Bình nguyên Quân