PHONG THỦY TRONG VIỆC QUY HOẠCH & THIẾT KẾ (8)

* Thiết kế nội thất: sau khi đã đạt được mọi tiêu chuẩn tốt đẹp bên ngoài thì lại cần để ý đến thiết kế bên trong, vì nếu nó tốt thì mới làm tăng thêm sự tốt đẹp do địa hình và thiết kế bên ngoài đem tới. Còn nếu nó xấu thì sẽ làm giảm sự tốt đẹp, hoặc vẫn gây ra bệnh tật, tai họa cho người ở. Vì vậy, phần này sẽ bàn về những vấn đề đó, hầu giúp người đọc có được 1 số kiến thức trong việc lựa chọn, hay thiết kế nhà ở cho chính mình.

         a/ Trần nhà: 1 căn nhà muốn có thiết kế bên trong tốt thì trước hết trần nhà phải cao, chứ không thể làm quá thấp. Vì nếu quá thấp thì thể tích bên trong sẽ ít, nên mức độ tàng chứa khí của căn nhà cũng bị giảm đi nhiều. Còn nhà có trần cao thì thể tích cũng lớn hơn, nên có thể tàng chứa được khí nhiều hơn. Có như vậy thì khi đắc vượng khí đến hướng, mà phía trước có sân rộng để cho khí hội tụ, có cửa để thu nạp khí vào, bên trong dung lượng tàng chứa khí lại lớn thì nhà mới càng phát mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy nên nhà của quan quyền, đại phú không những là vừa có diện tích lớn hơn, vừa làm trần cao hơn những nhà bình thường rất nhiều, nên tài lộc cũng như công danh của họ đều phát triển cực mạnh khi thời vận tới. Chẳng hạn như trong hình của 2 cung điện Blenheim và Buckingham bên dưới đều có trần rất cao, nên đều là chỗ ở của vua chúa, hoặc danh gia vọng tộc trong xã hội. Còn với nhà bình thường thì diện tích đã nhỏ, chiều cao cũng kém thì lấy chỗ đâu để tàng chứa khí đây? Cho nên những nhà này dù có đắc vượng khí đến hướng, cũng như có cửa để thu nạp khí, nhưng vẫn chỉ tương đối khá hơn phần nào mà thôi.

   

 Hình 25: 1 căn phòng trong cung điện Blenheim của Quận công Marlborough  

                                                                                                    (nguồn: gouk.about.com)

 

   Hình 26: 1 căn phòng trong cung điện Buckingham của Nữ hoàng Anh

                                                                    (nguồn: blog.londonconnection.com)

     Do đó, 1 căn nhà muốn khá giả thì cần phải thiết kế trần cho cao, nhất là nếu diện tích của căn nhà nhỏ hẹp thì lại càng cần phải có trần cao hơn để bù trừ lại sự khiếm khuyết đó. Nếu nhà quá nhỏ, trần lại thấp thì dù có đắc vượng khí cũng chỉ đủ ăn mà thôi, chứ cũng không thể phát lớn được. Cho nên, đây chính là 1 yếu tố quan trọng trong việc thiết kế nội thất theo Phong thủy, nhưng ít người biết tới hoặc nói tới. Không những thế mà gần đây, do nhu cầu tiết kiệm điện (hoặc gas) cho việc xử dụng máy điều hòa không khí (hay máy sưởi ấm), người ta còn tìm cách làm trần nhà thấp xuống, để không phải làm lạnh (hoặc sưởi ấm) 1 thể tích lớn. Tuy rằng phương pháp này có thể giúp tiết kiệm được chút tiền của, nhưng vô tình cũng sẽ làm giảm tài lộc của người sống trong đó. Vì vậy, đây là 1 lối thiết kế sai lầm và cần phải loại bỏ.

      Về chiều cao của trần nhà thì với 1 căn nhà có diện tích trung bình, từ 100 đến 200m2 (tức khoảng từ 1,000 đến 2,000 square feet) thì nên làm cao tối thiểu là 2m80 (khoảng 9ft), tính từ nền nhà lên, còn nếu càng cao hơn lại càng tốt. Đối với nhà có diện tích nhỏ hẹp hơn thì phải làm trần cao từ 3 đến 4m (khoảng từ 10 đến hơn 13ft) để bù trừ lại. Hoặc khi nhà đắc vượng khí tới hướng hay tới tọa, mà nếu không mở rộng được diện tích căn nhà thì cũng nên làm trần cao hơn để tăng thêm khí vào nhà. Có như vậy thì cuộc sống mới được sung túc hơn.

        b/ Nền nhà: nếu trần nhà cần làm cao để tăng khả năng tàng chứa khí của căn nhà, thì nền nhà cũng cần phải làm cao hơn sân (hay mặt đường) tối thiểu từ 50cm trở lên. Lý do thứ nhất (và rõ ràng nhất) là để tránh cho nhà không bị ngập nước, hay nước tràn vào mỗi khi mưa lớn. Lý do thứ 2 là người sống thuộc cõi dương (cho nên nhà cho người ở mới gọi là dương trạch, nó khác với mồ mả cho người chết là thuộc cõi âm, nên gọi là âm trạch). Vì người sống thuộc cõi dương, nên mới cần nhiều dương khí, còn người chết thuộc cõi âm, nên cần nhiều âm khí. Mà theo nguyên lý về âm – dương thì dương khí nhẹ, nên nổi lên trên, còn âm khí thì đục, nặng nên chìm xuống dưới. Cho nên, nếu nền nhà làm cao hơn sân hay mặt đường khá nhiều thì khí ở trong nhà hầu hết là dương khí (vì ở trên cao), cho nên con người thường khỏe mạnh, có nhiều chí khí và nghị lực (vì hấp thụ được nhiều dương khí).

   Ngược lại, nếu nền nhà thấp bằng (hoặc gần bằng) sân hay mặt đường thì tuy phần trên cao trong nhà cũng có dương khí, nhưng phần dưới thấp thì đầy âm khí. Nếu trong tình trạng không khí trong nhà yên tĩnh, không chuyển động thì không sao, nhưng nếu có người đi lại, gió vào nhà, hay mở quạt, chạy máy điều hòa không khí… thì không khí sẽ chuyển động mà làm cho âm khí bay lên, pha trộn với dương khí. Lúc đó người trong nhà sẽ hấp thu cả âm khí nữa, nên lâu ngày thì sức khỏe sẽ suy yếu dần, tinh thần, nghị lực đều suy sụp. Nếu giải thích theo khoa học thì dưỡng khí (tức khí Oxygen) nhẹ nên nổi lên trên, còn thán khí (khí CO hoặc CO2) nặng nên chìm xuống dưới. Nếu con người hít phải nhiều dưỡng khí thì cơ thể mạnh khỏe, tinh thần phấn chấn, còn nếu hít phải nhiều thán khí thì sẽ phát sinh nhiều bệnh tật hoặc tử vong.

   Lý do thứ 3 cần làm nhà có nền cao là vì những nhà đó bao giờ cũng chiếm thế thượng phong, áp đảo những nhà chung quanh gần nó, nhưng nằm dưới thấp hơn. Vì vậy, đó cũng là 1 trong những yếu tố về hình – lý – khí – thế của Phong thủy, cũng như trong cuộc sống thường ngày. Chính vì vậy nên nhà của quan quyền, vua chúa bao giờ cũng có nền nhà rất cao, bởi vì họ hiểu rằng 1 căn nhà được thiết kế uy nghi, hùng vĩ mới biểu lộ được sức mạnh và uy quyền của họ. Mà 1 trong những yếu tố tạo cho căn nhà 1 vẻ hùng vĩ là nền nhà được làm rất cao, chứ không thể làm ngang bằng với sân hay mặt đường. Cho nên hầu như bất cứ cung điện, lâu đài nào – từ Á sang Âu – cũng đều như thế cả. Chẳng hạn như cung điện Blenheim của Quận công Marlborough có nền rất cao. Hoặc nhà của các TT Mỹ như Abraham Lincoln, Franklin Rooservelt, Andrew Jackson… cũng đều có nền cao, chứ quý nhân thì rất ít ai sống trong nhà có nền thấp.

 

                          Hình 26: phía trước cung điện Blenheim

                                        (Photo: Colin Howley – nguồn: tripideas.org)750 x 557 | 112 KB 

      Do đó, nhà ở cần phải có nền cao, tối thiểu là từ 50cm (1ft 8”) trở lên so với sân trước, và hầu như càng cao càng tốt. Tuy nhiên, với nhà bình thường thì chỉ nên làm nền cao tối đa là 1m (khoảng 3 ft 4”), để vừa tránh tạo ra thế áp đảo với những nhà chung quanh (và có thể gây tai họa cho họ), vừa tránh được việc phải làm bậc thềm quá dài (mà lại nhỏ hẹp) đi lên, vì điều này sẽ làm cho hình thế của căn nhà xấu đi. Còn chỉ có những nhà bề thế, hoặc lâu đài, cung điện, có thể làm bậc thềm rộng lớn thì mới nên làm nền cao hơn mức đó. 

      Nếu đã nói nền nhà càng cao càng tốt thì dĩ nhiên là nhà có nền thấp, hay nằm sâu xuống dưới lòng đất đều xấu, vì người ở thường mang nhiều bệnh tật, hoặc sức khỏe kém. Tại Hoa kỳ (nhất là ở những tiểu bang phía Bắc) và nhiều nước Âu châu, mỗi nhà thường hay làm 1 tầng hầm (basement), có nền sâu xuống dưới lòng đất từ 1m đến 1m50, mục đích mới đầu chỉ là có chỗ để chứa những vật dụng ít dùng tới. Nhưng sau này, người ta lại biến nó thành nơi giải trí, tiệc tùng, nghỉ ngơi, thậm chí sống luôn ở dưới đó. Vào giữa thập niên 1980, người ta mới phát hiện ra những tầng hầm này thường có 1 nồng độ phóng xạ (radon) khá lớn từ dưới lòng đất phát ra, gây nguy hiểm cho sức khỏe người sống dưới đó tương đương với 1 người hút 135 bao thuốc lá 1 ngày. Đó là chưa kể tới những thán khí độc hại khác cũng hội tụ ở sát mặt đất hoặc bên dưới, mà Phong thủy gọi chung là âm khí, tức đều là những khí gây tai họa cho người sống và cần phải tránh. Vì người sống là thuộc cõi dương, nên cần hấp thụ nhiều dương khí và xa lánh âm khí. Còn chỉ có người chết là thuộc cõi âm, nên mới cần hấp thụ âm khí. Cho nên mồ mả người chết mới cần chôn xuống dưới lòng đất, hoặc ngang bằng với mặt đất để hấp thụ âm khí. Vì vậy, nếu đặt hòm lên trên mặt đất thì đều sai, và mộ không thể phát được, cho dù là đặt đúng hướng, đúng huyệt đi nữa.

   Đó chính là 1 trong những điều khác biệt giữa dương trạch (nhà cửa) và âm trạch (mồ mả). Có hiểu như thế mới biết được tại sao nhà ở bị mối đến làm tổ thì gia cảnh lụn bại, hoặc sức khỏe suy sụp (nhiều khi bị hết cả 2), nhưng mồ mả có mối đến làm tổ thì con cháu rất dễ phát lớn. Đó là vì mối bao giờ cũng tìm những vùng đất có nhiều âm khí để làm tổ, mà âm khí thì tốt cho âm trạch (người chết), nhưng nguy hại cho dương trạch (người sống). 

      Một vấn đề quan trọng khác là nền nhà cần phải được xây (hoặc thiết kế) cho bằng phẳng, từ trước ra sau ở mỗi tầng (nếu là nhà nhiều tầng), chứ không nên làm theo kiểu thiết kế “lệch tầng”, hoặc trong 1 tầng lại chia thành nhiều phần, mỗi phần lại cao hơn (hay thấp hơn) những phần kia 1 vài bậc thang. Vì đó đều là những kiểu thiết kế nền nhà xấu, sẽ gây tai họa cả về nhân đinh hay tài lộc, tùy theo những khu vực cao, thấp đó là nằm ở đâu trong nhà mà thôi. Những điều này đã được khảo sát và giải thích cặn kẽ trong các lớp Trung cấp, nên sẽ không nhắc lại ở đây. Nếu may mắn không có chuyện gì xảy ra chỉ là tạm thời thiết kế căn nhà phù hợp với thời vận, nhưng khi thời vận hết thì tai họa sẽ xảy ra, hoặc sẽ gây nguy hại cho những người sống trong nhà đó sau này.

      c/ Lối đi trong nhà: nói chung là cần phải rộng rãi và sáng sủa, chứ không nên chật hẹp và u tối. Tuy rằng ở Hoa kỳ hiện nay, tiêu chuẩn cho bề rộng của lối đi trong nhà là khoảng 3ft 6 (tức hơn 1m), nhưng thật ra lối đi như thế vẫn còn chật, và cần làm rộng từ 4ft (1m20) trở lên, và những chỗ có lối đi nên có cửa sổ, hay gần cửa sổ lớn mới tốt. Nếu lối đi hẹp từ 1m trở xuống thì khí sẽ khó luân chuyển đi khắp nơi, nên dù nhà đắc vượng khí, nhưng sẽ có nhiều khu vực không nhận được, nên những người sống hay làm việc trong những khu vực đó vẫn gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Nếu lối đi vừa hẹp, vừa u tối, lại nằm ở những khu vực có suy tử khí của căn nhà thì người nằm ở phòng có lối đi đó dẫn đến cửa phòng sẽ gặp nhiều bệnh tật, tai họa, tùy theo tính chất của suy tử khí đó như thế nào mà thôi.

   Lối đi trong nhà cũng không nên quá dài, nếu dài quá 4m (khoảng 13ft) mà lại hẹp thì dễ trở thành “Xuyên tâm sát” mà làm cho hao tài hoặc mắc tai họa. Lối đi cũng cần nằm thẳng góc (hoặc song song) với 4 bức vách của căn nhà, chứ không nên nằm chéo góc, vì sẽ gây ra những tai họa bất ngờ, hoặc dễ bị thương tích, tàn tật.

        d/ Phòng khách: thường nằm ở phía trước, ngay bên trong cửa ra vào. Vì vậy, phòng khách cần được thiết kế cho trống thoáng, rộng rãi, để cho người khi bước vào nhà có thể đi thẳng sâu vào bên trong. Có như vậy thì khí mới có thể vào nhà dễ dàng. Tránh làm những bức tường cản nằm đối diện với cửa, khiến cho mọi người khi bước vào nhà đều phải chuyển hướng đi. Đó là lối thiết kế xấu, vì sẽ làm cho khí khó vào nhà, nên dù cửa có đắc vượng khí cũng không thu được nhiều để vượng phát về tài lộc.

      Ngoài ra, cũng cần tránh làm những vách tường nằm dọc theo 2 bên hông cửa, vì lối thiết kế đó sẽ tạo ra 1 cảm giác chật chội, tù túng, cũng như dễ gây nguy hại cả về tài lộc lẫn sức khỏe cho người sống trong nhà. Nếu gặp lúc nhà đắc vượng khí thì không sao, nhưng khi bị suy tử khí thì lối thiết kế đó dễ biến thành “Xuyên tâm sát” mà gây ra nhiều tai họa.  

      e/ Phòng ngủ: là 1 trong những khu vực quan trọng nhất của căn nhà, và vì vậy cũng đã được nhiều sách vở, bài viết Phong thủy đề cập đến. Ở đây chỉ xin nói thêm 1 vài điểm mà ít người nhắc tới. Thứ nhất là thời nay, người ta thường làm phòng tắm bên trong phòng ngủ cho tiện xử dụng. Đây là 1 trong những sai lầm lớn nhất trong nghệ thuật thiết kế nhà ở hiện đại. Bởi vì phòng ngủ là nơi đã có khá nhiều âm khí (thường nằm ở phía sau nhà, ít hoạt động, chỉ ngủ vào ban đêm, ít ánh sáng…), vừa đủ để cho con người có chỗ yên tĩnh nghỉ ngơi. Nhưng nếu lại đặt thêm phòng tắm bên trong thì âm khí trong phòng ngủ sẽ quá nhiều mà khiến cho sức khỏe của người ngủ trong phòng trở nên suy kém, từ đó phát sinh ra nhiều chứng bệnh, đau ốm triền miên. Lý do vì phòng tắm cũng thường xuyên u tối (trừ những lúc xử dụng phải bật đèn), hơi nước ẩm ướt, tù đọng, cũng như mùi hôi hám phát ra mỗi lúc con người làm việc vệ sinh… nên là nơi có âm khí cực nặng. Vì vậy, ngay cả khi phòng ngủ nằm ở vị trí tốt thì sức khỏe cũng kém, còn nếu nó nằm ở những nơi có các sao Ngũ Hoàng (5), Nhị Hắc (2), hay cửa phòng gặp phải những sao này thì bệnh tật càng nặng, rất dễ bị những chứng bệnh nam y. Còn nếu gặp những sao suy tử khí, hay những âm tinh (2, 4, 7, 9) thì cũng dễ mắc đủ mọi tai họa, bệnh tật, tùy theo tính chất của mỗi sao gây ra.

   Cho nên, việc đặt phòng tắm ngay trong phòng ngủ là 1 kiểu thiết kế xấu, và cần phải tránh. Chỉ ngoại trừ nhà lớn, có phòng ngủ rất lớn, hoặc diện tích phòng tối thiểu là từ 16m2 (khoảng 160 square feet) trở lên (chỉ tính phần ngủ, không tính phòng tắm), đồng thời cả phần ngủ lẫn phòng tắm đều phải sáng sủa, thoáng mát, phòng tắm lại có quạt thông gió thổi hơi thẳng ra ngoài (chứ không chỉ hút hơi lên trần nhà) thì mới có thể đặt phòng tắm bên trong phòng ngủ được. Còn ngoài ra những phòng có diện tích nhỏ, thiếu gió và ánh sáng, cũng như quạt thông hơi không đủ hiệu lực thì đều nên tránh lối thiết kế này.

      Một vấn đề khác là tuy có 1 số nhà thiết kế phòng tắm bên ngoài phòng ngủ, nhưng lại đặt cửa 2 phòng này nằm gần nhau, hoặc đối diện nhau. Đây cũng là những lối thiết kế xấu, vì ảnh hưởng của phòng tắm đối với phòng ngủ cũng tương tự như lối thiết kế trên. Cho nên, ngoài việc đặt phòng tắm bên ngoài phòng ngủ thì cũng cần tìm cách đặt cửa phòng tắm nằm cách xa cửa phòng ngủ, tối thiểu là từ 3m (khoảng 10ft) trở lên thì mới không sợ bị âm khí từ phòng tắm lan vào phòng ngủ.

      Yếu tố quan trọng thứ 3 là lối đi (hay hành lang) dẫn tới cửa phòng ngủ cần phải rộng và sáng sủa, chứ không nên chật hẹp và u tối (như đã nói trong phần “’lối đi trong nhà” ở trên). Vì có như vậy thì khí tốt từ ngoài cửa trước vào nhà mới có thể đến được tới phòng nhiều, hầu giúp cho người ngủ trong đó gặp được nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống.

      Yếu tố quan trọng thứ 4 mà cũng rất ít người nói tới là khu vực bên ngoài cửa phòng ngủ cũng cần phải rộng rãi, trống thoáng, chứ không thể là 1 lối đi hay 1 khoảng chật hẹp, chỉ vừa rộng bằng chiều rộng của cánh cửa phòng. Lối thiết kế này sẽ làm cho phòng không đón nhận được nhiều khí, nên dễ bị suy thoái cả về tài lộc lẫn sức khỏe. Ngược lại, nếu khu vực bên ngoài cửa phòng rộng rãi, nhất là nếu bề mặt có cửa phòng của phòng ngủ lại lộ ra, chứ không bị những phòng khác che kín thì đó là lối thiết kế tốt, vì phòng sẽ nhận được nhiều khí.

      – Thí dụ: 1 căn nhà có thiết kế các phòng ngủ như hình dưới.

                  Hình 27: những kiểu thiết kế phòng ngủ thường gặp

      Trong hình trên, phòng ngủ 1 và 2 có phần bên ngoài cửa phòng nhỏ chật, mặt có cửa của 2 phòng này cũng bị phòng tắm (WC) che mất, nên cả 2 phòng đều khó đón được khí vào phòng. Ngược lại, phòng ngủ 3 có cửa phòng nằm ở lối đi rộng, mặt có cửa phòng lại không bị thiết kế nào che chắn, nên sẽ đón nhận được nhiều khí vào phòng.

      Một yếu tố khác là nếu cửa phòng ngủ chỉ nằm 1 mình trên 1 lối đi (hay hành lang) thì nó sẽ nhận được nhiều khí. Còn nếu trong 1 lối đi mà có nhiều cửa phòng nằm chung với nhau thì những phòng đó sẽ nhận được ít khí, vì khí sẽ phải phân tán đi tới các phòng khác, chứ không thể tập trung để vào hết 1 phòng được, nên đó cũng là 1 lối thiết kế xấu.

      – Thí dụ: cũng trong hình 27 ở trên, các phòng ngủ 1 và 2 nằm trong 1 lối đi nhỏ, mà trong đó lại có tới 3 cửa phòng, nên khí vào các phòng này sẽ càng ít hơn. Ngược lại, phòng ngủ 3 có cửa phòng nằm riêng biệt ở 1 nơi, nên sẽ nhận được nhiều khí hơn. 

      Cho nên, vấn đề quan trọng trong việc thiết kế phòng ngủ là phải tạo cho cửa phòng mọi điều kiện để đón nhận được nhiều khí, kế đó mới cần xếp đặt nó nằm ở vị trí có phi tinh tốt, đồng thời phải cách xa cửa phòng tắm thì mới là thiết kế tốt, và giúp cho người ngủ trong phòng được mạnh khỏe, cũng như được nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống. 

 

       Chicago, ngày 06/9/2012

            Bình nguyên Quân