Đối với Phong thủy, ngoại cảnh chung quanh nhà đóng 1 vai trò quan trọng – nhiều khi là yếu tố quyết định – đến vận khí của căn nhà. Vì vậy, trước khi nói đến hướng nhà, cách thiết kế, trạch vận… thì cần phải để ý đến khu vực chung quanh của căn nhà. Vấn đề này tương đối khá phức tạp, nhưng nói chung là bao gồm những yếu tố sau:
– Thế cao, thấp của khu vực (cùng với sinh vật sống trên đó như cây cỏ, động vật…) mà căn nhà tọa lạc so với những khu vực chung quanh.
– Núi, đồi, gò đất, hoặc sông, hồ, ao, biển gần nhà.
– Độ cao lớn và hình thế của các nhà chung quanh so với nhà mình ở.
– Đường xá, ngã 3, ngã 4, bồng bênh, hay đầu ngõ quẹo và nhà.
– Cây cối được trồng, hay mọc chung quanh nhà.
Đó là những yếu tố cần phải xét tới trước khi muốn mua nhà, hay 1 mảnh đất để xây nhà.
1/ Thế cao, thấp của khu vực (cùng với những sinh vật sống trên đó): đối với Phong thủy, 1 mảnh đất được coi là tốt khi nó cao hơn những khu vực lân cận, vì những chỗ như thế thường là có long khí hội tụ tới. Chính vì vậy nên nhà nằm trong những nơi cao ráo thường là khá hơn nhà nằm trong những khu vực thấp trũng. Đó là chưa kể sống ở những nơi đó còn tránh được lụt lội, không khí ẩm thấp, bệnh tật.
Tuy nhiên, khi nói “thế đất cao” không có nghĩa chỉ là mảnh đất của nhà mình cao hơn những nhà lân cận, mà là mảnh đất đó cần nằm trong 1 khu vực cao hơn những khu vực chung quanh. Muốn biết được điều này thì phương pháp dễ dàng nhất là để ý xem vào mùa mưa lớn thì đường xá nơi đó có hay bị ngập lụt không? Hoặc nước có thường trào vào nhà qua tầng hầm (basement), hay hệ thống cống rãnh không? Đó là những dấu hiệu cho thấy nhà nằm trong khu đất cao hay thấp để lựa chọn.
Bên cạnh đó, cần phải để ý đến cây cỏ, sinh vật trong vùng để nhận biết được nơi đó có nhiều dương khí hay âm khí. Nếu có cây cỏ xanh tốt, cũng như nhiều loại cây thân lớn, lá to, dầy, hoặc những loại cây tùng, bách, thông thì nơi đó dương khí nhiều, nên tốt cho dương trạch (người ở). Ngược lại, nếu chỉ có những loại cây thân nhỏ, lá dài, mỏng, sắc nhọn, hoặc những loại cây thân lớn, nhưng cây và lá đều mền, mọng nước như dừa, chuối, hay những loại có gai như xương rồng… thì nơi đó có nhiều âm khí hoặc sát khí. Những nơi này thường không tốt cho người ở, cho nên nếu bất đắc dĩ phải sống ở đó thì cần tìm cách làm tăng thêm dương khí cho nhà ở, bằng cách giữ chung quanh nhà cho thật trống, thoáng, cũng như cần phải thiết kế nhà cho sáng sủa, rộng rãi, thông thoáng…
Ngoài cây cỏ thì còn phải để ý đến côn trùng, thú vật sống tại đó là những loại nào? Nếu chỉ có những loại thú hiền lành, năng động như hươu, nai, khỉ, vượn, gà, ngỗng, chim, công, phượng hoàng, đà điểu … thì nơi đó có nhiều cát khí hoặc dương khí, nên cuộc sống thường được bình an, yên ổn, có sức khỏe tốt, sống lâu, trường thọ. Nếu có nhiều thú dữ như cọp, beo, mèo, chồn, cáo, kên kên, diều hâu, quạ (crow)…(tức những loại chuyên ăn thịt hoặc xác chết) thì nơi đó có nhiều sát khí hoặc âm khí, nên chủ chết chóc, tai họa bất ngờ, tuyệt tự, hay mắc nhiều bệnh tật.
Nơi có hươu nai, cây cỏ xanh tươi, nên là 1 vùng đất tốt, an lành để sinh sống
(nguồn: slowbuddy.com)
Nếu nơi đó có rắn, rết, bò cạp, tổ ong, tổ mối, hang dơi, chuột, gián (cockroach), hay bất cứ những loại côn trùng, động vật nào làm tổ trong hang tối, sâu dưới lòng đất, đi kiếm ăn vào ban đêm…thì đều là những nơi có nhiều hung sát khí hoặc âm khí. Riêng những nơi có rắn (dù là rắn độc hay không độc) cũng đều là nơi có âm khí cực nặng (nếu có rắn độc còn thêm sát khí), nên chủ tai họa bất ngờ, chết chóc, bệnh tật, tuyệt tự, gia đạo bất an hay nghèo khổ. Tuy có lý thuyết cho rằng nơi nào có rắn (nhất là rắn độc) thì thường là nơi có địa huyệt, long mạch tốt, và rắn tồn tại nơi đó là để bảo vệ địa huyệt quý giá. Nhưng điều này chỉ đúng với mồ mả (âm trạch) mà thôi, chứ không thể áp dụng nó với dương trạch. Vì như đã nói trong loạt bài “Phong thủy trong việc quy hoạch và thiết kế”, âm trạch cần nhiều âm khí, nên có thể táng ở những nơi có rắn, nhưng dương trạch cần nhiều dương khí, nên nếu xây nhà trên những nơi có rắn ở thì nếu không bị nghèo đói, khổ sở thì cũng mắc nhiều tai họa, bệnh tật hay tuyệt tự. Cho nên không thể lấy lý thuyết cho mồ mả để dùng cho nhà cửa được.
Nơi có tổ mối (gò đất), lại có thú dữ, nên là 1 vùng đất độc hại không thể sinh sống
(nguồn: Wikepidia)
Nói tóm lại, khi tìm nơi để cất nhà hoặc mua nhà thì cần chọn những nơi nằm trong 1 khu vực cao ráo, có cây cỏ tươi tốt, cứng chắc, cũng như những sinh vật hiền lành, chỉ sinh hoạt ban ngày và dưới ánh nắng. Tránh những vùng đất thấp trũng, dễ bị ngập lụt, đất đai khô cằn, cây cỏ sơ xác, hoặc chỉ có những loại cây nhỏ, mền, yếu, nhiều gai góc, cành lá sắc, mỏng, cũng như những sinh vật hung dữ, độc hại, chỉ sinh hoạt vào ban đêm, hoặc chui rúc trong những hang hóc tối tăm, dơ bẩn, sống nhờ xác chết hay rác rưởi hôi thối.
Ngoài ra, nhiều người còn nói đến việc lựa chọn 1 khu đất cứng chắc để xây nhà, chứ không chọn những nơi đất mền, nhũn, dễ lún… Nhưng thật ra nếu nhà đã nằm trong 1 khu đất cao hơn những khu lân cận thì đất nơi đó cũng thường cứng chắc (vì có như thế mới có thể nhô cao được), cho nên ở đây không nói tới điều đó nữa.
(còn tiếp)