2/ Núi, đồi, gò đất, hoặc sông, hồ, ao, biển gần nhà:
a/ Nếu nhà gần núi, đồi hay gò đất lớn: thì vấn đề trước hết là nhà không thể nằm ngay sát chân núi, đồi, gò đất, mà phải nằm cách xa chúng 1 khoảng cách nhất định, tối thiểu bằng chiều cao của ngọn núi, đồi, hay gò đất đó. Điều này vừa là để tránh những địa thế đó khống chế căn nhà mà khiến cho gia cảnh suy bại (nhất là nếu nhà nằm ngay dưới chân núi, lại nhìn về phía núi), mà còn giữ cho nhà được an toàn trong trường hợp núi bị sụp, lở…
Hơn nữa, cũng không nên cất nhà trên sườn hay trên đỉnh núi, đồi, vì đều là những thế “cô phong”, dễ mắc nhiều tai họa, bệnh tật hoặc cô độc.
Nhà nằm ngay dưới chân núi, là thế bị bức bách, nên dễ gặp tai họa
(nguồn: blog. conservation.org)
Vấn đề kế tiếp là cần để ý xem trên núi, đồi hay gò đất có cây cối xanh tốt không? Hay chỉ có đất cát trơ trụi, vách đá sừng sững? Nếu núi có cây cỏ xanh tốt, những sinh vật hiền lành, năng động như khỉ, vượn, chim chóc… thì nơi đó mới có cát khí, cũng như tránh được vấn đề đất bị sụp, lở, trôi… mà có thể giúp cho cuộc sống được yên ổn, an cư lạc nghiệp. Ngược lại, nếu núi trơ trụi, chỉ có đất cát, hay vách đá sừng sững, góc cạnh sắc bén lộ ra, cũng như có nhiều thú vật hung dữ, độc hại…thì đều là những nơi có nhiều sát khí, nên dễ gây ra nhiều bệnh tật, hung họa cho người sống gần đó. Ngoài ra, nếu núi có nhiều cây cỏ, nhưng chỉ toàn là những loại thân mền, yếu, gai góc, cành lá sắc nhọn, hay những loại cây độc hại thì cũng là nơi có nhiều âm khí, tử khí hay sát khí, nên không thích hợp cho người ở.
Núi đồi tròn trịa, cân xứng, cây cỏ xanh tươi, nên là vùng đất tốt, an cư lạc nghiệp
(nguồn: 1000lonelyplaces.com)
Núi khô cằn, lộ đá và góc cạnh sắc bén, nên là nơi có nhiều sát khí
(nguồn: www.flickr.com)
Một vấn đề khác là hình dáng núi, đồi phải tròn trịa, thẳng thắn, chứ không được nghiêng lệch, lởm chởm, vỡ vụn, sứt mẻ. Nhất là trên đỉnh (ngọn) núi lại càng không thể bị bể, vỡ, nghiên lệch, đồng thời lại tùy theo hình dạng của núi, đồi thuộc hành gì (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa hay Thổ) mà đỉnh núi cần cao nhọn, vuông vức, bằng phẳng hay tròn trịa…thì mới là những nơi có núi tốt hoặc quý giá. Tuy nhiên, dù hình dạng núi có tốt, nhưng nếu 4 phía chung quanh nhà đều bị núi, đồi bao bọc thì cũng không tốt, vì như thế là nhà nằm ngay trong thung lũng, nên sẽ mắc nhiều bệnh tật, tai họa. Về điều này thì Liêu Công, 1 danh sư Phong thủy thời Tống đã viết:”Nếu 4 phía đều có núi cao chót vót, mà lại làm nhà cửa tại nơi đó thì không tốt, nhân đinh sẽ giảm thiểu, gia nghiệp không hưng vượng, mà chỉ lụn bại dần. Vì nếu nhà cửa ở nơi u ám, tam dương (tức ánh sáng mặt trời) không rọi chiếu tới được, thì nhất định sẽ là nơi trú ngụ của yêu ma, quỷ quái”.
Núi khô cằn, nghiêng lệch, lộ góc cạnh sắc bén, nên cũng là nơi có nhiều sát khí
(nguồn: www.caigram.com)
Về sự liên quan giữa hình dạng của núi và người sống gần nó, sách “Tầm long toàn thư” viết:
“Núi đầy đặn, người cũng béo tốt,
Núi nhỏ bé, cằn cỗi, người cũng gầy guộc, đói kém,
Núi thanh tú, người sẽ tôn quý,
Núi bị phá tán, người cũng bị tổn thương,
Núi quần tụ, người sẽ đoàn kết,
Núi trải dài, người sẽ cương dũng,
Núi co rút, người sẽ thấp, còng,
Núi sáng sủa, người cũng thông minh, thành đạt,
Núi u ám, người cũng hồ đồ, ngu muội,
Núi thông đạt, người cũng hiếu thảo, trường thọ,
Núi nghịch đảo, người cũng phạm thượng, phản trắc”.
Ngoài ra, còn rất nhiều hình tướng núi biểu thị tính cách, cũng như sự quý, tiện, sang, hèn của con người. Nhưng đó là phần chuyên môn, đi chung với với đề khảo cứu địa huyệt, nên không nói tới ở đây.
(còn tiếp)