PHONG THỦY VÀ NGOẠI CẢNH CHUNG QUANH NHÀ (3)

b/ Nếu nhà gần sông, hồ, biển: thì trước hết nhà cũng cần nằm cách xa những nơi đó 1 khoảng nhất định (tùy theo lưu lượng của sông, thủy triều của biển…), cũng như lựa chọn những vùng đất cao ráo để cất nhà. Như thế để vừa tránh được vấn đề bị ngập lụt, vừa không bị âm khí từ sông, hồ, biển khống chế (nếu nhà nằm quá gần chúng), nên cuộc sống sẽ được mạnh khỏe, yên ổn, sung túc hơn. Ngược lại, nếu nhà nằm quá gần sông, hồ, biển thì không những là dễ bị lụt lội, mà còn hay bị đau yếu, bệnh tật, nhà thường có đàn bà làm chủ gia đình, hoặc có góa phụ hay đàn bà cô độc.

Vấn đề kế tiếp là nước sông, hồ, biển cần phải trong sạch, thơm tho, mát ngọt, có nhiều tôm cá hay những loại thủy sản hiền lành, vì đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy điều kiện môi sinh ở nơi đó tốt, có nhiều cát khí cũng như dương khí. Ngược lại, nếu nước dơ bẩn, hôi thối, phèn chát, lại có nhiều sinh vật hung dữ như cá mập, cá sấu, muỗi mòng, rận rệp, rắn rít…, hay những loại cây cỏ độc hại thì đều là những nơi có sát khí hay âm khí, nên sẽ gây nhiều bệnh tật, tai họa cho người ở. Tuy rằng đối với Phong thủy Huyền không thì dù nhà gần sông, hồ dơ bẩn cũng vẫn có thể xử dụng Phi tinh để làm cho vượng phát về tài lộc, nhưng sống trong 1 môi trường như thế thì dù có tiền, nhưng sức khỏe vẫn suy kém. Đến khi vận khí đã hết thì bệnh tật càng nặng, chưa kể lại còn mắc thêm nhiều tai họa khác.

Một vấn đề khác là nước sông, biển đều phải bình yên, phẳng lặng, chứ không thể chảy cuồn cuộn, hoặc nổi sóng lớn (ngoại trừ những lúc biển động). Vì tại những nơi đó thì khí mới tụ hội mà giúp cho cuộc sống được sung túc, thịnh vượng. Ngược lại, nếu nước sông chảy mạnh, biển nhiều sóng lớn (hay những nơi thường bị gió bão, thiên tai) thì đều là những nơi tán khí, nên đều chủ nghèo đói, tai họa, bệnh tật, hoặc cô độc. Hơn nữa, sông cần phải sâu và rộng lớn, lưu lượng nước nhiều, vì có như vậy long mạch mới lớn, khí lực của nó sung mãn, hùng hậu, nên không những nơi đó mới có thể là chỗ của kinh đô, hay những thành phố lớn, mà còn giúp cho cuộc sống được an cư lạc nghiệp,  tài lộc vượng phát đến tột độ. Nếu sông nông, hẹp, lưu lượng nước ít thì long mạch nơi đó nhỏ, hoặc khí lực yếu, nên chỉ có thể là thị trấn hay quận huyện nhỏ, cũng như mức độ giàu có, thịnh vượng cũng kém hơn.

Thủ đô London được con sông Thames rộng lớn và êm đềm chảy qua, nên là 1 trung tâm chính trị, kinh tế, tài chính lớn nhất của nước Anh

(nguồn: wordpress.com)

Đối với những nơi có hồ nước (thiên nhiên) thì đều là chỗ có long khí hội tụ, nên có thể cất nhà, sinh sống tại đó. Nếu hồ càng lớn, càng sâu thì long mạch nơi đó lớn, khí lực hùng hậu, nên cũng vừa là kinh đô hay thành phố lớn, vừa là nơi làm ăn phát đạt, sung túc đến tột độ. Nếu chỉ là hồ nhỏ, nước nông, cạn thì nơi đó long mạch nhỏ, khí lực yếu, nên chỉ là những thị trấn hay thành phố nhỏ, và mức độ thịnh vượng cũng kém hơn.

Thành phố Chicago nằm bên cạnh hồ Michigan khổng lồ, nên không những là 1 thành phố lớn, mà còn là 1 trung tâm kinh tế và thương mại quan trọng của nước Mỹ

(nguồn: Yahoomap)

Thành phố Springfield (tiểu bang Illinois) nằm gần hồ nhỏ, nên chỉ là 1 thành phố có tầm vóc trung bình ở Mỹ

(nguồn: Yahoomap)

Tóm lại, những nguyên tắc về sông, hồ, biển tuy nhiều, nhưng tựa chung vẫn chỉ là phẳng lặng, yên tĩnh, rộng lớn, sâu thẳm, trong sạch. Tạ song Hồ viết:”Điểm hay của hà thủy (nước sông) là ở chỗ tụ mà không tán, thong thả, bình hoãn chứ không chảy thẳng đi”. Phổ bá Thông cũng viết:”Thủy hội tụ phải sâu như đáy giếng, bình hoãn như mặt gương, hình cục như bàn cờ, được nhiều nhánh sông giao hội, vòng vèo bao quanh như ôm lấy. Đó là đất lý tưởng về phong thủy”. Hoặc như Ngô cảnh Loan, 1 danh sư Phong thủy thời nhà Tống viết:”Lai thủy (tức thủy đến) hay khứ thủy (thủy đi) đều phải vòng vèo như ôm ấp hữu tình”. Tất cả cũng đều là nhấn mạnh đến vấn đề thủy cần phải yên tĩnh, sâu rộng, trong sạch…mà thôi. Vì chỉ có nơi sông chảy vòng vèo, uốn khúc nhiều lần thì thủy sẽ chảy rất chậm, nên long khí mới có thể dừng lại và hội tụ ở nơi đó.

Cho nên, tại bất cứ nơi nào có núi, đồi, sông, hồ, biển thì đều cần phải được chú ý cẩn thận, vì chúng đều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cả khu vực, cũng như với từng gia đình. Chính vì vậy nên Thiên ngọc Kinh mới viết:

“Càn sơn, Càn hướng, thủy triều Càn, Càn phong xuất trạng nguyên.

Mão sơn, Mão hướng, Mão nguyên thủy, sậu phú Thạch Sùng bỉ.

Ngọ sơn, Ngọ hướng, Ngọ lai đường, đại tướng trị biên cương.

Khôn sơn, Khôn hướng, Khôn thủy lưu, phú quý vĩnh vô hưu”.

Tạm dịch là:

Tọa Càn, hướng Càn, nước chầu về Càn, có núi Càn thì nhà sẽ có người đậu Trạng nguyên.

Tọa Mão, hướng Mão, nguồn nước Mão, nhà sẽ giàu có như Thạch Sùng (là 1 trong những người nổi tiếng giàu có nhất trong lịch sử Trung hoa).

Tọa Ngọ, hướng Ngọ, Ngọ đến phía trước, nhà sẽ có đại tướng trấn ngự biên thùy.

Tọa Khôn, hướng Khôn, nước chảy phương Khôn, nhà sẽ phú quý mãi mãi, không bị suy bại.

Về ý nghĩa của 4 câu này thì chỉ có Chương trọng Sơn là lý giải đúng và tương đối rõ ràng. Còn Tưởng đại Hồng thì rất mập mờ, nên dễ làm cho người sau hiểu lầm mà sinh ra những ý tưởng sai lệch. Như Tăng tử Nam của Huyền không Đại Quái khi luận 4 câu này thật ra chỉ lập lại những gì mà Tưởng đại Hồng đã nói, rồi suy diễn bậy bạ theo đó mà thôi. Vì những câu này liên quan mật thiết đến Huyền không, nên sẽ được trình bày trong những bài chuyên về phần đó. Còn ở đây đang bàn về hình thế (Loan đầu), nên chỉ xin nói qua là nếu gần nhà có núi, sông tốt đẹp, lại biết cách tạo sơn, lập hướng thì nhà sẽ đại phát như Thiên ngọc kinh đã nói.

 

(còn tiếp)