Muốn lập tinh bàn (hay trạch vận) cho 1 căn nhà (hay 1 ngôi mộ) thì vấn đề trước tiên là phải biết căn nhà hay ngôi mộ đó được xây dựng trong năm nào, tháng nào? Rồi dựa vào bảng Tam Nguyên Cửu Vận gần đây nhất mà xác định nhà đó thuộc vận nào? Thí dụ như 1 căn nhà được xây xong vào tháng 6 năm 1984. Nếu nhìn vào bảng Tam Nguyên Cửu Vận gần đây thì thấy Vận 7 bắt đầu từ 1984 và kết thúc vào cuối năm 2003, cho nên biết nhà đó thuộc vận 7 Hạ Nguyên.
Nhưng vấn đề xác định nhà thuộc vận nào trở nên rắc rối và phức tạp khi 1 căn nhà đã được xây xong khá lâu, sau đó được chủ nhà tu sửa hay xây lại nhiều lần. Hoặc sau khi xây xong thì căn nhà đã được đổi chủ… Đối với những căn nhà trên thì việc xác định căn nhà thuộc vận nào là phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:
– Nếu sau khi vào ở 1 thời gian rồi chủ nhà hoặc là dỡ mái lợp lại (nếu là nhà trệt), hoặc là tu sửa quá 1/3 diện tích căn nhà, hoặc là đập đi xây mới thì căn nhà sẽ không còn thuộc về vận cũ lúc mới xây nhà hay dọn vào nhà ở nữa, mà sẽ thuộc về vận là lúc gia chủ thực hiện những việc tu sửa trên.
– Nếu căn nhà được đổi chủ (vì bán hoặc cho thuê) thì khi lập tinh bàn căn nhà cho chủ mới thì phải dựa vào thời điểm họ dọn vào nhà này ở, chứ không dựa vào thời điểm lúc xây nhà. Nếu 1 căn nhà được đổi chủ nhiều lần, thì khi lập tinh bàn cho người chủ nào thì chỉ dựa vào thời điểm người đó dọn vào căn nhà để ở là thuộc vận nào. Cũng lấy thí dụ căn nhà ở trên, xây xong và dọn vào ở tháng 6 năm 1984 nên căn nhà thuộc vận 7. Nhưng nếu vào năm 2000 người chủ đó bán nhà cho 1 người khác. Khi người này dọn vào ở trong năm đó thì trạch vận căn nhà vẫn thuộc vận 7 (vì vận 7 bắt đầu từ năm 1984 và kết thúc vào cuối năm 2003). Nếu người này ở tới năm 2005 rồi lại bán nhà đi nơi khác, thì khi người chủ mới dọn về nhà này thì trạch vận căn nhà của họ lại thuộc về Vận 8 (vì Vận 8 bắt đầu từ năm 2004 và kết thúc vào cuối năm 2023) Cho nên tùy thời điểm mà gia chủ dọn vào căn nhà là thuộc vận nào mà tính trạch vận cho họ thuộc vận đó.
– Đối với những căn nhà vừa tu sửa như trường hợp 1, vừa thay đổi chủ như trường hợp 2 thì trường hợp nào xảy ra gần nhất thì trạch vận của căn nhà sẽ thuộc về Vận đó. Cũng lấy thí dụ căn nhà xây năm 1984 (nhà thuộc vận 7), sau đó bán lại cho 1 người khác vào năm 2000 (nhà vẫn thuộc vận 7). Nhưng đến năm 2004 thì người này tu sửa nhà lại nên nhà lúc đó sẽ thuộc về vận 8. Đến khi người đó bán nhà vào năm 2005 thì căn nhà cũng vẫn thuộc vận 8 đối với chủ mới.
– Đối với những căn nhà tuy không đổi chủ hay được tu sửa, nhưng nếu chủ nhà đóng cửa đi vắng 1 thời gian từ hơn 1 tháng trở lên, đến khi họ trở về thì căn nhà sẽ thuộc về Vận vào lúc họ trở về, chứ không còn thuộc về Vận cũ nữa. Cũng lấy thí dụ nhà xây năm 1984, người chủ sau khi mua ở đó được hơn 20 năm. Tới năm 2005 người đó có công chuyện phải đi xa hơn 2 tháng mới về. Như vậy khi người này trở về nhà thì lúc đó căn nhà sẽ chuyển sang thuộc về Vận 8, chứ không còn thuộc về Vận 7 nữa.
– Đối với những căn nhà được xây hay dọn vào ở trong những năm cuối của 1 vận thì trạch vận của căn nhà thường là thuộc về vận mới, chứ cũng không thuộc về vận cũ nữa. Thí dụ như những căn nhà được xây hay được dọn vào ở năm 2003, tức là năm cuối cùng của Vận 7 thì trạch vận của căn nhà sẽ thuộc về Vận 8, chứ không thuộc về Vận 7 nữa.
– Riêng với âm phần (mồ mả), thì trạch vận được tính vào lúc ngôi mộ mới được xây, hoặc lúc sau này con cháu cải táng hay tu sửa mộ bia lại. Chẳng hạn như 1 ngôi mộ được dựng lên vào năm 1987 thì thuộc Vận 7, đến năm 2006 thì con cháu xây mộ, thay bia lại thì lúc đó mộ lại thuộc về Vận 8.
Khi đã biết cách xác định nhà (hay mộ) thuộc Vận nào thì mới có thể lập tinh bàn cho căn nhà (hay phần mộ đó). Nhưng trước hết lấy 1 tờ giấy trắng vẽ 1 ô vuông lớn, sau đó chia ô vuông đó ra làm 9 ô nhỏ, với 8 ô chung quanh tiêu biểu cho 8 hướng: BẮC, ĐÔNG BẮC, ĐÔNG, ĐÔNG NAM, NAM, TÂY NAM, TÂY, và TÂY BẮC. Riêng ô giữa được coi là trung cung. Sau đó mới có thể tiến hành việc lập tinh bàn như sau:
Lập Vận bàn
Muốn lập Vận bàn thì lấy số của Vận mà căn nhà (hay ngôi mộ) đó thuộc về đem nhập trung cung, nhưng an ở trên cao và chính giữa của trung cung, rồi di chuyển THUẬN theo vòng Lượng thiên Xích.
Thí dụ nhà xây năm 1984 tức thuộc Vận 7. Như vậy, lấy số 7 nhập trung cung, sau đó theo chiều thuận an số 8 tại phía TÂY BẮC, số 9 tại phía TÂY, số 1 tại phía ĐÔNG BẮC, số 2 tới NAM, số 3 tới BẮC, số 4 tới TÂY NAM, số 5 tới ĐÔNG, số 6 tới ĐÔNG NAM. Tất cả những số đó đều được gọi là “Vận tinh” (tức phi tinh của Vận) của căn nhà này, và đều được an ở trên cao và chính giữa của mỗi cung. Điều nên nhớ khi lập Vận bàn là phi tinh chỉ di chuyển “THUẬN”, tức là từ số nhỏ lên số lớn, chứ không bao giờ đi chuyển “NGHỊCH” từ số lớn xuống số nhỏ hơn.
Lập Sơn bàn
Theo thuật ngữ Phong thủy, “Sơn” (có nghĩa là núi) dùng để chỉ khu vực phía sau nhà (tức phương “tọa”). Cho nên sau khi đã an Vận bàn thì nhìn xem số nào tới khu vực phía sau của căn nhà. Lấy số đó đem nhập trung cung, nhưng để tại góc dưới mé bên trái. Lúc này cần phải biết tọa của căn nhà thuộc sơn nào, rồi PHỐI HỢP với Tam Nguyên Long của Vận tinh tới phương tọa để quyết định di chuyển theo chiều “THUẬN” hay “NGHỊCH”.
Thí dụ như căn nhà có hướng là 0 độ thì phương tọa của căn nhà sẽ là 180 độ (vì tọa bao giờ cũng xung với hướng, tức là cách nhau 180 độ). Như vậy căn nhà này sẽ là tọa NGỌ hướng TÝ. Nếu xây năm 1984 tức thuộc Vận 7, nên lấy số 7 nhập trung cung di chuyển Thuận như đã nói ở trên thì 2 tới NAM tức phương tọa của nhà này. Bây giờ muốn lập Sơn bàn thì phải lấy số 2 nhập trung cung (để ở góc dưới mé bên trái), nhưng muốn biết nó sẽ xoay chuyển “THUẬN” hay “NGHỊCH” thì phải coi xem Tam Nguyên Long của số 2 là gì? Vì số 2 (tức hướng TÂY NAM) có 3 sơn là MÙI-KHÔN-THÂN, với MÙI thuộc âm và KHÔN-THÂN thuộc dương trong Tam nguyên Long. Mà tọa của căn nhà là nằm nơi phía NAM. Phía NAM cũng có 3 sơn là BÍNH-NGỌ-ĐINH. Vì trong Vận 7, số 2 tới phía NAM, nên lấy 3 sơn MÙI-KHÔN-THÂN của số 2 áp đặt lên 3 sơn BÍNH-NGỌ-ĐINH của phương này. Nhưng vì chính tọa của căn nhà là nằm tại sơn NGỌ, tức là trùng với sơn KHÔN của số 2. Vì sơn KHÔN là thuộc Dương trong Tam Nguyên Long, cho nên mới lấy số 2 nhập trung cung rồi di chuyển theo chiều “THUẬN”, tức là số 3 tới TÂY BẮC, số 4 tới TÂY, số 5 tới ĐÔNG BẮC, số 6 tới NAM, số 7 tới BẮC, số 8 tới TÂY NAM, số 9 tới ĐÔNG, số 1 tới ĐÔNG NAM. Tất cả những số này đều được gọi là “Sơn tinh” (tức phi tinh của phương tọa) của trạch vận, với sơn tinh số 6 nằm tại phương tọa (tức phía NAM) của căn nhà này. Mọi Sơn tinh đều được an tại góc phía dưới bên trái của mỗi cung, để tiện phân biệt giữa chúng với “Vận tinh” Và “Hướng tinh”.
Vận bàn và Sơn bàn của nhà hướng BẮC 0 độ, vận 7
Lập Hướng bàn
Sau khi đã lập xong “Sơn bàn” thì bắt đầu tới việc lập Hướng bàn. Việc lập Hướng bàn cũng tương tự như việc lập Sơn bàn, tức là tìm “Vân tinh” tới phía trước nhà là số nào? Lấy số đó đem nhập trung cung, nhưng để nơi góc phía dưới mé bên phải. Sau đó cũng phải xác định hướng của căn nhà là thuộc sơn nào? Rồi PHỐI HỢP với Tam nguyên Long của Vận tinh tới hướng mà quyết định di chuyển “THUẬN” hay “NGHỊCH”.
Cho nên nếu vẫn lấy thí dụ là căn nhà tọa NGỌ hướng TÝ, nhập trạch trong Vận 7 như ở trên thì sẽ thấy Vận tinh số 3 tới hướng. Vì số 3 thuộc phía ĐÔNG, gồm 3 sơn GIÁP-MÃO-ẤT, với GIÁP thuộc dương, còn MÃO- ẤT thuộc âm trong Tam Nguyên Long. Còn hướng nhà nằm về phía BẮC, cũng có 3 sơn là NHÂM-TÝ-QUÝ. Đem áp đặt 3 sơn GIÁP-MÃO-ẤT của số 3 lên 3 sơn NHÂM-TÝ-QUÝ của phía BẮC, nhưng vì chính hướng của căn nhà là thuộc sơn TÝ, tức trùng với sơn MÃO của số 3. Vì sơn MÃO thuộc âm trong Tam nguyên Long, cho nên lấy số 3 nhập trung cung rồi di chuyển theo chiều ”NGHỊCH”, tức là 2 tới TÂY BẮC, 1 tới TÂY, 9 tới ĐÔNG BẮC, 8 tới NAM, 7 tới BẮC, 6 tới TÂY NAM, 5 tới ĐÔNG, 4 tới ĐÔNG NAM. Tất cả những số này đều được gọi là “Hướng tinh” (tức phi tinh của Hướng) của trạch vận, với hướng tinh số 7 nằm ở hướng, nên trong Vận 7 thì nhà này được “vượng tinh tới hướng” nên được xem là 1 nhà tốt. Tất cả những Hướng tinh đều được an tại góc phía dưới mé bên phải của mỗi cung.
Như vậy, sau khi đã lập “Vận bàn” , “Sơn bàn” và “Hướng bàn” , chúng ta sẽ xác định được vị trí của mọi Vận tinh, Sơn tinh và Hướng tinh. Đây chính là trạch vận của 1 căn nhà hay 1 phần mộ. Như vậy, 1 trạch vận gồm có 3 tinh bàn: Vận bàn, Sơn bàn và Hướng bàn. Kết hợp nó với địa thế chung quanh và cấu trúc bên trong của 1 căn nhà, người học Phong thủy Huyền Không sẽ có thể phán đoán chính xác mọi diễn biến tốt, xấu đã, đang và sẽ xảy ra cho căn nhà đó.
Sau cùng, điều mà người học Huyền Không cần nhớ là khi muốn lập Sơn bàn hay Hướng bàn thì nếu tọa hay hướng nhà mà trùng với “sơn” DƯƠNG của Vận tinh thì di chuyển “THUẬN”, nếu trùng với “sơn” ÂM của vận tinh thì di chuyển “NGHỊCH”. Tức là sự di chuyển “THUẬN” hay “NGHỊCH” của sơn và Hướng tinh là hoàn toàn do “SƠN” của Vận tinh trùng với tọa và hướng nhà là DƯƠNG hay ÂM mà thôi. Ngoài ra, chỉ có việc lập tinh bàn cho Sơn và Hướng bàn mới có trường hợp phi tinh di chuyển theo chiều “NGHỊCH”. Còn tất cả các trường hợp khác thì phi tinh đều đi chuyển theo chiều “THUẬN” tức là từ số nhỏ lên số lớn hơn.