Ý NGHĨA & ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC THẦN SÁT TRONG NĂM

Để giúp người đọc có thể hiểu rõ hơn về thần sát, chúng tôi xin tóm lược ý nghĩa và ảnh hưởng của chúng như sau:

I/ NHỮNG THẦN SÁT TỐT:

1/ TUẾ ĐỨC: là đệ nhất cát thần trong năm, nó đến phương nào thì phương đó chỉ có tốt chứ không có xấu. Tăng môn kinh viết: “Tuế Đức là thần trong tuế…Nơi nó đến vạn phúc đều tụ tập về đó, mọi chúng họa, tai ương đều phải tự tránh đi.

Nếu nơi đó có việc cần tu sửa sẽ được phúc thần phù trợ”. Kim quỹ kinh cũng viết Tuế Đức “trừ diệt được mọi lỗi lầm có hại mà giúp cho phúc lộc được hưng khởi. Phương nó đến có thể dùng để tu sửa dinh thất, động thổ, thăng quan, nhậm chức, cưới hỏi, đi xa, yết kiến (tức gặp gỡ, giao tiếp với những người có uy quyền, thế lực…).

2/ TUẾ ĐỨC HỢP: mọi ảnh hưởng cũng tương tự như TUẾ ĐỨC, nhưng phân ra TUẾ ĐỨC thuộc Dương, nên ảnh hưởng mạnh và rõ hơn. Còn TUẾ ĐỨC HỢP thuộc Âm, nên ảnh hưởng ngầm và ít lộ rõ hơn.

3/ TUẾ CHI ĐỨC: Thần khu Kinh viết: “TUẾ CHI ĐỨC là thần đức trong tuế. Chữ Đức có nghĩa là được phúc, vì vậy chủ cứu khổn, phò nguy, giúp yếu nhược. Phương nó đến lợi về khởi tạo, hành động mọi việc”. Nhưng vì TUẾ CHI ĐỨC bao giờ cũng đi chung với Tiểu Hao và Tử Phù, nên nơi đó chỉ có thể làm những việc phúc ích công cộng, có lợi cho bá tánh thì tốt. Còn nếu muốn làm những việc lợi cho cá nhân mình thì dễ bị hao tốn, thiệt thòi, thua lỗ.

4/ DƯƠNG QUÝ NHÂN – 5/ ÂM QUÝ NHÂN: cũng là đệ nhất cát thần của năm. Nó là thần hóa giải mọi tai ách, cứu khổn phò nguy, nên khi gặp hoạn nạn sẽ được người cứu giúp, hỗ trợ mà hóa hung thành cát. Đối với Tử vi, nó là 2 sao Thiên Khôi – Thiên Việt, còn đối với Bát tự, nó chính là Thiên Ất quý Nhân. Sách Tam mệnh thông hội viết: “Thiên Ất là thần trên trời, trong Tử vi (tức chùm sao Tử vi) luôn ở bên ngoài cửa, sắp hàng ngang Thái Ất, làm những việc của Thiên Hoàng Đại Đế, nên tên gọi là THIÊN ẤT. Thần THIÊN ẤT rất tôn quý, tất cả mọi hung sát đều phải lánh xa”. Cho nên THIÊN ẤT là chủ tể của mọi thần sát trên trời, và cũng phân làm 2 (âm – dương) như TUẾ ĐỨC và TUẾ ĐỨC HỢP là chủ tể của các thần sát dưới đất.

Ngoài ra, cũng vì uy lực rất lớn của THIÊN ẤT mà mọi môn bói toán đều phải tính đến ảnh hưởng của nó. Đặc biệt là môn Bát tự nếu trong số mệnh có nó là sẽ được quý nhân phù trợ, vượt qua mọi tai họa. Chẳng hạn như người tuổi KỶ MÙI sinh vào ngày MẬU THÂN là có THIÊN ẤT QUÝ NHÂN (THÂN chính là ÂM QUÝ NHÂN của năm KỶ). Cho nên người này không những thường được quý nhân phù trợ, mà mỗi khi có hoạn nạn lớn sẽ xui khiến gặp được người tuổi THÂN giúp đỡ để được tai qua, nạn khỏi. Còn đối với Phong thủy thì tính THIÊN ẤT QUÝ NHÂN theo từng năm. Nếu năm đó nó đến hướng và cửa thì cũng được người có tuổi trùng hợp với ÂM – DƯƠNG QUÝ NHÂN của năm đó phù trợ như đã nói trong bài PHONG THỦY NĂM ĐINH DẬU.

6/ TUẾ LỘC: chính là lộc của tuế, chủ đem đến nhiều sự tốt lành, thuận lợi, may mắn, nhất là về tiền của, công danh, sự nghiệp. Đối với Tử vi, nó chính là sao Lộc Tồn, còn đối với Bát tự, nó chính là Lộc thần của mệnh. Chỉ có sự khác biệt là những sao đó ảnh hưởng suốt cả đời người, còn Tuế Lộc chỉ có ảnh hưởng trong 1 năm, và thay đổi vị trí theo từng năm.

7/ TUẾ MÃ: chính là mã (ngựa) của tuế, chủ nghị lực, thi đua, phấn đấu, thành công trong sự nghiệp. Phương nó đến có thể di chuyển, lập nghiệp, kinh doanh, nhậm chức, nhậm việc, thăng quan. Nó chính là sao Thiên Mã (hay Trạch Mã) đối với Tử vi và Bát tự, nhưng sự khác biệt cũng giống như Tuế Lộc đã nói ở trên.

8/ TẤU THƯ: Quảng thánh lịch viết: “Tấu Thư là quí thần của tuế, nắm việc ghi chép, tấu trình, dò xét. Nơi nó đến nên tế tự, cầu phúc, xây dựng cung thất, tu sửa, trang trí tường hay tường bao (bên ngoài)”. Còn Tào chấn Khuê viết: “Tấu Thư là Thủy thần, cũng là gián thần (thần can gián) của Tuế quân, chuyên xem xét những chuyện riêng tư, oan uổng, có ý giương cao đạo đức…Phương nó đến có thể tiến cử người hiền năng, hữu ích cho đất nước”.

9/ BÁC SĨ: Quảng thánh lịch viết: “Bác Sĩ là thiện thần của Tuế, nắm văn kiện, vụ án, chủ về dự đoán. Nơi nó đến có lợi cho những việc khởi tạo”. Còn Tào chấn Khuê viết: “Bác Sĩ là Hỏa thần, nắm minh đường của Thiên tử, là thần của kỷ cương chính trị… Phương nó đến có thể tiến cử người hiền năng, hữu ích cho đất nước”. Vì vậy, những nơi có Tấu Thư, Bác Sĩ còn có thể học hành, thi cử, nhậm chức, nhận việc, thăng quan, ra tòa, kiện tụng.

10/ THÁI DƯƠNG: sách Hiệp kỷ biện phương thư (viết tắt HKBPT) tuy đưa ra phương vị của sao Thái Dương mỗi năm, nhưng lại không nói về tính chất của sao này. Tuy nhiên, vì Thái Dương bao giờ cũng đi trước Thái Tuế, như năm DẬU thì Thái Dương đến TUẤT, năm TUẤT đến HỢI…, nên nó chính là sao Thiếu Dương trong Tử vi, chủ thông minh, lạnh lợi, khôn ngoan, sáng suốt, vui vẻ, lợi cho tình duyên, gia đạo. Vì vậy, phương nó đến có thể học hành, thi cử, kinh doanh, khai trương, nhậm chức, nhận việc, thăng quan, cưới hỏi.

11/ THÁI ÂM: cũng tương tự như Thái Dương, nhưng lợi cho việc kinh doanh, thu hoạch (lợi tức, mùa màng) nhiều hơn.

12/ LONG ĐỨC: cũng chính là sao Long Đức trong Tử vi, chủ đức độ, nghiêm trang, đoan chính, nhân hậu. Vì vậy, nơi nó đến có thể học hành, thi cử, làm việc bác ái, từ thiện, chọn người hiền đức, cưới hỏi.

13/ PHÚC ĐỨC: mọi tính chất cũng tương tự như Long Đức ở trên. Ngoài ra, những phương có các sao Thái Dương, Thái Âm, Long Đức, Phúc Đức đều có thể động thổ, tu sửa nhà cửa, dinh thất.

II/ NHỮNG THẦN SÁT XẤU:

1/ THÁI TUẾ: Thần khu kinh viết: “Thái Tuế là biểu tượng của nhân quân (vua, bậc thủ lãnh), đứng đầu chư thần, chủ trì các phương vị…Nếu nước nhà tuần thú (thanh tra, giám sát) các tỉnh, địa phương, xuất quân chinh phạt, xây dựng cung thất, mở mang biên giới đều không thể xâm phạm tới (phương Thái Tuế đóng). Thường dân tu tạo nhà cửa, xây đắp tường, lũy đều phải tránh đi”. Còn Hoàng đế kinh viết: “Thái Tuế đến phương nào, nơi đó tất không thể xâm phạm”. Cho nên Thái Tuế chính là vua của 1 năm, nó đến phương nào, cũng như vua tới phương đó. Nếu đem quân chinh chiến, sát phạt về phía đó thì chẳng khác nào đem quân đánh vua, nên nhẹ cũng bị tổn thất lớn, nặng thì thất bại hoặc bị diệt vong. Chẳng hạn như năm 1945 (ẤT DẬU), Thái Tuế đến phía TÂY. Năm đó, phe Đồng minh đang bao vây và tấn công tiêu diệt Phát – xít Đức, nhưng Liên Xô từ phía ĐÔNG đánh về TÂY (tức đánh về phía Thái Tuế), bị quân Đức dồn hết lực lượng để chống cự, nên gặp nhiều khó khăn và bị tổn thất nặng nề, mặc dù tình thế thuận lợi, cũng như chiếm ưu thế tuyệt đối về sức mạnh quân sự. Còn liên quân Mỹ – Anh – Pháp từ phía TÂY đánh sang ĐÔNG (tức đánh về phía Tuế Phá – sẽ nói đến bên dưới), chỉ gặp sự chống cự yếu ớt của quân Đức, nên tiến nhanh hơn và tổn thất ít hơn nhiều. Hoặc vào năm 2011 (TÂN MÃO), Thái Tuế đến phía ĐÔNG. Năm đó, dân chúng Libya nổi dậy chống lại chế độ của Qaddafi, rồi quy tụ về thành phố Benghazi lập chính phủ. Thành phố này nằm ở phía ĐÔNG thủ đô Tripoli, nên mặc dù lúc đầu yếu thế, lại bị Qaddafi dồn hết lực lượng tới tấn công, phe chống đối vẫn càng lúc càng lớn mạnh (nhờ sự hỗ trợ của Mỹ và Âu châu). Rồi cuối cùng đánh bại và làm sụp đổ chế độ độc tài của Qaddafi.

Vì vậy, nơi Thái Tuế đến thì không thể đem quân chinh chiến, sát phạt, chém giết. Nhưng trong vấn đề xây dựng, tu tạo, xử dụng… thì cũng có lúc làm được, chứ không phải lúc nào cũng xấu và cần phải tránh. Chẳng hạn có người trong năm ẤT MÙI (2015) mua nhà hướng MÙI, cửa trước (và cũng là cửa ra vào duy nhất) cũng nằm tại MÙI. Đã vậy còn làm kệ kếp tại 2 phương SỬU – CẤN (nếu nằm trọn trong SỬU thì tốt hơn, nhưng vì thiết kế căn nhà không thể đặt được), rồi dời bếp từ phương TÝ qua, mặc dù SỬU là phương của TUẾ PHÁ trong năm đó. Sau khi dọn vào ở mọi sự đều tốt đẹp, người đi làm thì được thăng chức, lên lương, người ở nhà cũng có tài lộc bất ngờ đưa tới. Điều này ứng với câu: “Muốn phát quý cần tu Thái Tuế”, nên mặc dù cả 2 phương Thái Tuế và Tuế Phá đều có động khí, hoặc được tu sửa, nhưng vẫn không có chuyện gì xấu xảy ra. Do đó, Thái Tuế cũng có lúc tốt, lúc xấu, chứ không phải lúc nào cũng xấu như những sách vở cổ xưa thường nói.

2/ TUẾ PHÁ: Quảng thánh Lịch viết: “Tuế Phá là chỗ đối xung với Thái Tuế. Phương đó không thể khởi tạo, di chuyển đến, cưới gả, đi xa. Nếu phạm vào chủ tổn hại tài vật, gia trưởng mắc tai họa, nhưng xuất quân đánh dẹp về phương đó thì lại tốt”. Tuế Phá bao giờ cũng đi chung với ĐẠI HAO (tuy trong bảng THẦN SÁT TRONG NĂM không viết ra để đỡ choáng chỗ), chủ hao tán, mất mát tiền của, trộm cướp. Vì vậy, phương đó cũng không thể kinh doanh, mua bán, tu sửa kho tàng, thu nạp tiền của.

3/ KIẾP SÁT: Thần khu kinh viết: “Kiếp Sát là âm khí của tuế, chủ sát hại. Nơi nó đến không thể khởi tạo. Nếu phạm vào sẽ nảy sinh trộm cướp, hoặc gây tổn thất, thương vong”.

4/ TAI SÁT: Thần khu kinh viết: “Tai Sát là chính vị của ngũ hành âm khí, đóng trước Kiếp Sát 1 thời (hay vị trí, tính theo Địa Chi như TÝ, SỬU, DẦN, MÃO…), chủ tai ách, tật bệnh. Nơi nó đến không thể tu tạo, di chuyển tới. Nếu phạm vào ắt phải mắc bệnh tật, tai họa”.

5/ TUẾ SÁT: Thần khu kinh viết: “Tuế Sát là “SÁT” của âm khí, đặc biệt độc hại, thường đóng ở tứ quý (tức THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI)”. Quảng thánh Lịch viết: “Nơi có Tuế Sát không thể đục khoét, tu tạo, di chuyển tới. Nếu xâm phạm sẽ tổn thương con cháu, lục súc”. Thật ra, Tuế Sát độc hại như thế nào là tùy theo từng năm, chứ không phải lúc nào cũng giống nhau. Chẳng hạn như năm BÍNH THÂN vừa qua, Kiếp Sát tại TỴ, Tai Sát tại NGỌ, Tuế Sát tại MÙI. Năm này Tuế Sát độc hại hơn nhiều năm khác, vì là phương Thái Tuế mới đi qua (năm MÙI Thái Tuế đến MÙI, qua năm THÂN mới chuyển sang THÂN, nên MÙI là phương Thái Tuế mới đi qua năm trước). Vì vậy, phương này sát khí cực độc, nếu khởi công động thổ, chặt cây lớn, đào giếng…thì có thể chết cả nhà, chứ không phải chỉ có 1, 2 người chết hoặc bị thương như bình thường. Đến năm CANH TÝ (2020), Tuế Sát cũng đến MÙI, nhưng năm đó Tuế Sát lại yếu hơn năm BÍNH THÂN nhiều. Ngoài ra, cũng tùy thời điểm làm những việc đó mà tai họa sẽ tăng thêm hay giảm đi (tức có hóa giải hay không).

6/ PHỤC BINH – 7/ ĐẠI HỌA: sách Lịch lệ viết: “Phục Binh, Đại Họa là ngũ binh của tuế, chủ về hình sát. Nơi nó đến không thể xuất binh, hành quân, cũng như tu tạo. Nếu phạm vào sẽ tổn thương quân lính, mắc tội bị hình phạt phải chết”. Nhưng thật ra, tai họa do Phục Binh, Đại Họa gây ra vẫn không bằng Kiếp Sát, Tai Sát, và nhất là Tuế Sát. Vì vậy, tuy chúng chiếm 5 vị trí, nhưng chỉ chú trọng nhiều ở 3 vị trí “sát” và gọi là Tam sát mà thôi.

8/ BỆNH PHÙ: sách Càn Khôn bảo Điển viết: “Bệnh Phù chủ tai ách, bệnh tật, đóng sau Thái Tuế 1 thời”. Còn Tào chấn Khuê viết: “Đóng sau Thái Tuế 1 thời, nên là cựu tuế (tức Thái Tuế cũ, là nơi nó mới đi qua). Tân Tuế đương vượng thì cựu tuế tất suy, nên suy tức là BỆNH”. Chính vì nơi Bệnh Phù tới chỉ toàn là âm khí, cho nên phương có Tuế Sát lại càng độc hại nếu nó còn là phương Thái Tuế mới đi qua (tức gặp thêm Bệnh Phù nữa).

9/ TỬ PHÙ: sách HKBPT viết: “Tử Phù là hung thần của tuế. Phương nó đến không thể đặt phần mộ hoặc chỗ tử táng”. Nhiều người cho rằng nếu xâm phạm phương có Tử Phù thì sẽ bị tử vong. Nhưng thật ra nó chỉ là hung thần nhỏ, nên không đủ sức gây tai họa lớn như thế, mà còn tùy theo những hung thần khác đứng chung với nó.

10/ TIỂU HAO: sách HKBPT viết: “Tiểu Hao là thần hư hao trong tuế. Nơi nó đến không thể vận hành, chi thu, khởi việc kinh doanh, buôn bán hay tạo tác. Nếu phạm đến sẽ xảy ra những di hại sau này”. Tào chấn Khuê cũng viết: “Tiểu Hao tức là tổn hại nhỏ, do khí của Thái Tuế bị tuyệt (mất hết) tại đó”. Còn sách Khảo Nguyên viết: “Tiểu Hao đóng sau Đại Hao 1 thời. Vì chưa tới chỗ Đại Hao, nên gọi là Tiểu Hao”. Hơn nữa, Tiểu Hao bao giờ cũng đi cùng với Tử Phù, nên càng dễ bị hao tán tiền của, thất bại trong mọi việc.

11/ ĐẠI TƯỚNG QUÂN: Thần khu Kinh viết: “Đại tướng Quân là đại tướng của tuế, chủ về uy vũ, thống lĩnh việc chinh phạt. Nếu quốc gia ra lệnh cho tướng xuất quân, công thành, chiến trận thì không thể xâm phạm tới. Mọi việc tu tạo cũng đều phải tránh phương nó đến”. Còn Tào chấn Khuê viết: “Đại tướng Quân, đức của nó trung thực, chỉ đóng ở Tứ Chính (tức TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU), cứ 3 năm di chuyển 1 lần. Phương nó đến có thể tuyển chọn người uy dũng đánh dẹp kẻ bất nghĩa”. Cho nên nếu đem quân đánh về phương có Đại tướng Quân thì nơi đó sẽ xuất hiện những bậc anh hùng kiệt xuất chống cự, phản kháng lại mà bị thất bại. Chẳng hạn như vào năm 1941 (TÂN TỴ), Hitler phát động chiến dịch Barbarossa tấn công Liên Xô (tức đánh về phía ĐÔNG). Năm đó, Đại tướng Quân cũng tới phía ĐÔNG (MÃO), nên tuy lúc đầu đạt được nhiều chiến thắng lớn (nhờ ưu thế vượt bậc về chiến thuật, chiến lược và khả năng chỉ huy, tác chiến của quân Đức). Nhưng đột nhiên lại xuất hiện Georgy Zhukov – sau này trở thành 1 danh tướng tài ba và kiêu dũng nhất trong lịch sử dân tộc Nga – đứng ra chỉ huy và chặn đứng bước tiến của quân Đức vào thủ đô Moscow. Liên tiếp trong 2 năm sau (1942 và 1943), Hitler dốc toàn lực tấn công, cố sức đánh bại Liên Xô trước khi phe Đồng minh (Anh – Mỹ) có thể nhảy vào vòng chiến. Nhưng 2 năm đó Đại tướng Quân vẫn ở phía ĐÔNG (MÃO), nên đều bị thất bại và tổn thất nặng nề dưới tay Zhukov, khiến cho Đức bị suy yếu, kiệt quệ, cũng như mất quyền chủ động. Qua năm 1944, Liên Xô phản công, Mỹ – Anh – Pháp mở thêm mặt trận phía TÂY bao vây Đức, nên cuối cùng bị đánh bại và sụp đổ vào năm 1945.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ 2 thời nhà Trần là có quy mô lớn nhất, gian khổ nhất, cũng như quyết định sự tồn vong của nước ta trong giai đoạn đó. Cuộc chiến này bắt đầu từ cuối năm 1284 (GIÁP THÂN), và chấm dứt vào giữa năm 1285 (ẤT DẬU). Trong 2 năm đó, Đại tướng quân đều ở phía NAM (NGỌ), nên mặc dù với ưu thế áp đảo về số lượng, chiến thuật, cũng như kinh nghiệm tác chiến, quân Mông Cổ vẫn bị thất bại thảm hại dưới tay Hưng đạo Vương Trần quốc Tuấn, 1 trong những danh tướng kiệt xuất nhất của dân tộc Việt Nam, cũng như của thế giới. Hoặc cuộc xâm lược của quân Thanh vào cuối năm 1788 (MẬU THÂN). Năm đó (cũng như qua năm KỶ DẬU 1789), Đại tướng quân đến phía NAM (NGỌ), nên mặc dù lợi dụng được tình thế nước ta đang rối ren, phân hóa, và chiếm được miền BẮC thật dễ dàng, nhưng sau đó lại bị vua Quang Trung – 1 thiên tài quân sự bách chiến bách thắng – đánh cho tan tành trong chiến dịch hành quân thần tốc chỉ trong 5 ngày đầu xuân KỶ DẬU.

Do đó, phương Đại tướng Quân đến thường có anh hùng xuất hiện mỗi khi gặp nguy biến, cho nên không thể xuất quân xâm phạm. Ngoài ra, nếu biết được uy lực của Đại tướng Quân thì càng hiểu rõ hơn câu: “Ngọ sơn, Ngọ hướng, Ngọ lai đường, đại tướng trị biên cương” của Dương quân Tùng trong Thiên ngọc Kinh, tức nếu hướng nhà thuộc Tứ Chính, lại đắc vượng khí, sơn – thủy cũng phù hợp, biểu lộ sự cương dũng thì sẽ xuất đại tướng trấn ngự biên thùy. Lý do 1 phần cũng vì nhà (hay mộ) thuộc 4 hướng đó thường được Đại tướng Quân đến tọa – hướng, tức là phối hợp cả thiên văn với Phong thủy nữa. Cho nên khi nói “đại tướng trị biên cương” ông mới dùng “NGỌ” (tức Tứ Chính) mà không dùng những hướng khác. Tuy nhiên, nói như thế không phải là nhà (hay mộ) thuộc các hướng khác sẽ không phát đại tướng, chỉ là mức độ oai hùng, kiêu dũng sẽ không bằng nhà thuộc Tứ Chính, vì chỉ đạt được những yếu tố phù hợp về sơn – thủy loan đầu mà thôi.

12/ ĐẠI SÁT: sách Lịch Lệ viết: “Đại Sát là Thứ sử trong tuế, chủ về hình thương, sát phạt. Nơi nó đến không thể xuất quân chinh phạt, cũng như không được tu tạo (sửa chữa hoặc xây nhà mới). Nếu phạm vào tất sẽ bị hình sát (thương tật, tử vong).

13/ LỰC SĨ: Kham dư Kinh viết: “Lực Sĩ là ác thần của tuế, chủ hình uy, nắm việc chết chóc. Phương nó đến không thể xâm phạm, vì sẽ mắc nhiều dịch bệnh”. Tào chấn Khuê cũng viết: “Lực Sĩ là Vũ lâm quân hộ giá Thiên tử, bao giờ cũng đóng trước Thái Tuế, không thể rời xa vua. Phương nó đến có thể ra lệnh cho quan tướng nơi đó chém kẻ có tội”. Cho nên Lực Sĩ là 1 hung thần lớn, nếu đi chung với những sát tinh khác thì có thể làm chết người, hoặc gây bệnh tật nặng.

14/ TÀM THẤT: Kham dư Kinh viết: “Tàm Thất là hung thần của tuế, chủ việc tơ tằm, kén, bông, vải, lụa. Nơi nó đến không thể sửa chữa, động thổ, vì sẽ làm cho tơ tằm mất thu hoạch”. Nếu suy rộng ra là không có lợi cho việc sản xuất, hoặc mọi công việc nói chung.

15/ TUẾ HÌNH: là phương tương hình với Thái Tuế, cũng tương tự như Tam Hình trong Bát tự. Quảng thánh Lịch viết: “Nơi có Tuế Hình, không thể đem quân công thành, chinh chiến. Khởi công, động thổ cũng không thể phạm vào, vì sẽ phải đấu tranh vất vả, chật vật”.

16/ HOÀNG PHAN: sách Càn Khôn bảo Điển viết: “Hoàng Phan chính là tinh kỳ, đóng ở tam hợp thời mộ của Thái Tuế. Nơi nó đến không thể chọn đất, mở cổng, cửa, cưới hỏi, thu nạp tiền của, kinh doanh, tạo tác. Nếu phạm tới tất phải tổn vong”.

17/ CẨU VĨ: sách Càn Khôn bảo Điển viết: “Cẩu Vĩ cũng là tinh kỳ, đóng đối xung với Hoàng Phan. Phương nó đến không thể cưới hỏi, thu nạp nhân khẩu, người làm, gia súc, cũng như không được khởi tạo. Nếu xâm phạm sẽ bị hao phí tài vật, tổn hại nhân khẩu, gia súc”.

18/ PHI LIÊM: Thần khu Kinh viết: “Phi Liêm là sát của tuế, là tượng của sứ quân, cũng có tên là Đại Sát. Phương nó đến không thể khởi công, động thổ, di cư, cưới hỏi. Nếu phạm vào sẽ bị khẩu thiệt, kiện tụng nơi cửa quan, bệnh tật, chết chóc”.

19/TANG MÔN: Kỷ tuế Lịch viết: “Tang Môn là hung thần của tuế, chủ việc khóc lóc, tử táng, đóng trước Thái Tuế 2 thời. Phương nó đến không thể hưng khởi (bắt đầu, thiết lập) công việc. Nếu phạm vào sẽ gặp đạo tặc, chết chóc, tử táng”.

20/ ĐIẾU KHÁCH: Kỷ tuế Lịch viết: “Điếu Khách là hung thần của tuế, chủ bệnh tật, khóc lóc, suy yếu, đóng sau Thái Tuế 2 thời. Phương nó đến không thể khởi tạo, chữa bệnh, tìm thầy (thuốc)”.

21/ BẠCH HỔ: sách Nhân Huyền Bí Khu Kinh viết: “Bạch Hổ là hung thần trong tuế, đóng sau Thái Tuế 4 thời. Phương nó đến nếu phạm vào sẽ có tai họa về tang chế, vì vậy cần thận trọng”. Ở đây nói “phạm vào” tức là di chuyền đến nơi đó lập nghiệp, khởi công, động thổ, tu sửa, cưới hỏi.

22/ QUAN PHÙ: sách Lịch Lệ viết: “Quan Phù là hung thần của tuế, chủ về kiện tụng nơi cửa quan (tức ra tòa). Nơi nó đến không thể khởi công, động thổ, vì sẽ mắc kiện tụng, tù tội. Nó luôn đóng trước Thái Tuế 4 thời”. Thật ra, Quan Phù – Bạch Hổ đều là Tam hợp của Thái Tuế (cũng tương tự như trong Tử vi). Vì người xưa cho rằng Thái Tuế là xấu, nên những vị trí tam hợp của nó cũng xấu. Nhưng như đã nói trong phần bàn về Thái Tuế là nếu xử dụng được nó thì sẽ rất tốt, cho nên Quan Phù – Bạch Hổ không phải lúc nào cũng gây ra tai họa cả. Điều này cũng giống như sách vở Tử vi trước đây đều cho Thái Tuế – Quan Phù – Bạch Hổ là xấu, chủ lạnh lùng, cô đơn, ích kỷ, tang thương, kiện cáo, tù tội…Nhưng sau này cụ Thiên Lương mới vạch ra những đặc tính tốt như nghĩa khí, hào hiệp, hy sinh vì chính nghĩa…, cũng như vẫn có thể thành công tột bậc nếu gặp nhiều sao tốt, chứ không phải lúc nào cũng mắc tai họa cả. Cho nên nếu chỉ biết Thái Tuế – Quan Phù – Bạch Hổ gây họa, rồi mọi đau ốm, bệnh tật, trắc trở, bế tắc, chia lìa, tử vong…đều đổ tại nó cả thì mới chỉ biết được mặt trái của những sao này mà thôi. Ngoài ra, trong bảng niên tinh và thần sát cũng không ghi Quan Phù để đỡ tốn chỗ, nhưng nếu đã biết vị trí của Thái Tuế, Bạch Hổ thì cũng sẽ biết vị trí của Quan Phù.

23/ KIM THẦN: sách Thiên hồng Phạm viết: “Kim thần là tinh của Thái Bạch, là thần của Bạch Thú, chủ chiến tranh, ly loạn, chết chóc, hạn hán, ôn dịch. Nơi nó đến không thể tu bổ thành trì, xây cung thất, dựng lầu gác, mở rộng vườn cảnh, khởi công cất nóc, xuất quân chinh phạt, di chuyển, cưới hỏi, đi xa, nhậm chức”. Ngoài ra, người xưa còn kỵ động thổ, đào đất tại phương Kim Thần, vì sẽ bị mù mắt.

24/ CỬU THOÁI: sách Thông Thư viết: “Cửu Thoái là đất “Tử” của ngũ hành tam hợp Thái Tuế. Nơi nó đến có thể hướng vào (công kích, chinh phạt, mở mang biên thùy, khai phá…) mà không thể ngồi vào (lập nghiệp, sinh sống, tu sửa, động thổ, cưới hỏi, nhậm chức…)”.

25/ LỤC HẠI: là phương vị tương hại với Thái Tuế. Nơi nó đến không nên động thổ, kinh doanh, nhậm chức, cưới hỏi, vì dễ bị tổn thất, mất mát của cải hoặc nhân sự.

Đó là tính chất và ảnh hưởng của những sao trong bảng thần sát mỗi năm. Hy vọng sẽ giúp người đọc có cơ sở hiểu rõ hơn về các bài viết Phong thủy mỗi năm, cũng như về bộ môn Phong thủy nói chung.

 

Ngày 25/1/2017

BNQ